Chúng ta bắt đầu một hành trình khám phá Thánh Kinh, một chương trình học theo trình tự, thiết thực xuyên suốt 66 sách, từ Sáng Thế Ký đến Khải Huyền. Chúng ta sẽ học về sự hà hơi của Lời Chúa. Kinh Thánh được chấp bút bởi khoảng hơn 40 người xuất thân từ những tầng lớp khác nhau trong xã hội, trải qua hơn 1.500 năm. Các lẽ thật mà chúng ta khám phá được có thể sửa dạy chúng ta, dẫn chúng ta đi trong đường lối công bình, và trang bị chúng ta cho mọi việc tốt lành khi chúng ta sẵn lòng vâng theo.
Kinh Thánh: 2 Ti-mô-thê 3:16-17
CẤU TRÚC KINH THÁNH
Nguyên Nghĩa Và Nguồn Gốc Kinh Thánh.
Trước khi bắt đầu nghiên cứu những sách riêng lẻ của Kinh Thánh, chúng ta hãy xem xét Kinh Thánh với cái nhìn tổng thể. Tại sao được gọi là “Kinh Thánh”?
Từ vựng “Kinh Thánh” đến từ chữ Latinh “Bilia” có nghĩa là “những quyển sách”. Vì thế, “Kinh Thánh” có nghĩa đơn giản là “tập hợp những quyển sách”, nói cách chính xác là 66 quyển. Từ “Thánh” có nghĩa là “thuộc về Đức Chúa Trời” hoặc “đến từ Đức Chúa Trời”. Nói tóm lại, Kinh Thánh có nghĩa là “tập hợp những sách đến từ Đức Chúa Trời và thuộc về Đức Chúa Trời”.
Kinh Thánh thường được xem là lời Đức Chúa Trời. Tại sao? Bởi vì các sứ đồ như Phierơ và Phaolô đã khẳng định như vậy. II Tim 3:16-17 chép:”Cả Kinh Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình. Hầu cho người thuộc về Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành”.
Trước hết, chúng ta phải xác quyết rằng Kinh Thánh không phải là sự thu thập những bài viết của con người về Đức Chúa Trời. Nhưng ngược lại, nó chứa đựng chính lời Đức Chúa Trời thông qua ngòi bút của một số người, trong khoảng thời gian từ 1500-1600 năm. Tiến trình Đức Chúa Trời hướng dẫn những trước giả viết nên Kinh Thánh gọi là sự thần cảm hoặc sự “hà hơi”. II Phierơ 1-21 chép: “Vì chẳng hề có lời tiên tri nào là bởi ý một người nào mà ra, nhưng ấy là bởi Đức Thánh Linh cảm động mà người ta đã nói bởi Đức Chúa Trời”.
Từ “cảm động” theo tiếng Hy Lạp có một ý nghĩa thật sinh động. Đây là hình ảnh một con thuyền đang trôi theo dòng nước hoặc là ngọn gió khiến cho chiếc thuyền buồm chuyển động, là điều mà Phierơ muốn mô tả để chúng ta dễ hình dung.
Cấu Trúc Kinh Thánh.
Qua quá trình hình thành, chúng ta sẽ biết được cấu trúc Kinh Thánh. Cấu trúc Kinh Thánh không dựa trên lịch sử hoặc theo tuần tự của các trước giả mà dựa trên văn thể và sứ điệp.
Hai phần chính của Kinh Thánh là Cựu ước và Tân ước. Trong thời kỳ Chúa Jêsus sống trên đất, không có sự phân chia giữa Cựu ước và Tân ước. Tân ước vẫn chưa được viết ra, vì thế, những sách đã có trong thời Chúa Jêsus thường được gọi là “ lời của Đức Chúa Trời” hoặc “sách Thánh”. Sau khi Tân ước được viết và thu thập lại thì xuất hiện sự phân chia tự nhiên giữa Kinh Thánh Cựu ước và Tân ước.
Sứ điệp được Cựu ước lập đi lập lại là sự ra đời của Chúa Cứu Thế. Theo Kinh Thánh, thuở ban đầu giữa Đức Chúa Trời và con người có mối tương giao thật tốt đẹp. Đức Chúa Trời ban cho con người quyền tự do lựa chọn và con người đã quay lưng với Ngài. Vì Đức Chúa Trời gớm ghét tội lỗi nên Ngài đã loại bỏ con người. Sự phân rẽ nầy là nan đề chính yếu mà Kinh Thánh đề cập đến.
Trong Cựu ước, Đức Chúa Trời phán rằng: “Các ngươi có tin rằng ta sẽ cất đi sự ngăn cách nầy không?” Kinh Thánh Cựu ước tuyên bố: “Đấng Cứu Thế sẽ đến và Ngài sẽ khiến Đức Chúa Trời hòa thuận với con người”. Kinh Thánh Tân ước loan báo cho chúng ta Tin lành: “Đấng Cứu Thế đã đến và Ngài đã làm cho Đức Chúa Trời hòa thuận với con người”.
Ngoài hai phần chính là Cựu ước và Tân ước, trong mỗi phần nầy cũng được chia nhỏ ra. Cựu ước gồm có 5 thể loại khác nhau.
Đầu tiên là năm sách luật pháp, trong đó Đức Chúa Trời dạy chúng ta phân biệt thiện ác và tiêu chuẩn công bình của Ngài.
Kế đến là mười sách lịch sử, chủ yếu chép lại việc dân sự Đức Chúa Trời qua sư vâng phục, hoặc bat tuân luật pháp Ngài. Những câu chuyện về lịch sử Ysơraên là tấm gương và sự cảnh cáo đối với chúng ta. Câu Kinh Thánh chìa khóa về lịch sử dân Ysơraên được trưng dẫn trong Tân ước. Sứ đồ Phaolô cho biết mọi sự xảy đến với dân Ysơraên được ghi lại trong Kinh Thánh như là những tấm gương và lời cảnh báo cho chúng ta. Khi vâng phục mạng lệnh Đức Chúa Trời, họ là tấm gương cho chúng ta noi theo; khi làm theo ý riêng, họ là sự cảnh tỉnh đối với chúng ta.
Tiếp theo các sách lịch sử là những sách văn thơ. Trong phần nầy Đức Chúa Trời đã khích lệ dân sự Ngài khi họ muốn sống đẹp lòng Ngài trên đất. Chẳng hạn như sách Gióp an ủi tấm lòng con dân Chúa khi gặp đau khổ. Sách Thi thiên khích lệ con dân Chúa khi thờ phượng Ngài. Sách Châm ngôn dạy về sự khôn ngoan trong cuộc sống và mối giao tiếp với người chung quanh. Sách Nhã ca của Salômôn đi vào tấm lòng những con người đang tràn ngập tình yêu. Mỗi sách chứa đựng những sự giúp đỡ và lời khuyên thực tế dành cho con người.
Phần cuối của Cựu ước gồm nhiều sách nhất và được gọi là các sách tiên tri. Phần nầy được chia làm hai phần: Đại tiên tri và Tiểu tiên tri, không phải bởi sự quan trọng do sứ điệp của họ nhưng đơn giản là do độ dài ngắn của mỗi sách.
Trong Tân ước, chúng ta cũng có năm thể loại sách. Trước hết là bốn sách tiểu sử của Chúa Jêsus (cũng gọi là các sách Tin Lành), được viết bởi Mathiơ, Mác, Luca và Giăng; kế đến là sách Công vụ các sứ đồ thuộc thể loại lịch sử; tiếp theo là các sách thư tín, gồm hai phần: Các thư tín của Phaolô và các thư tín chung. Phân nửa Tân ước là thư tín do sứ đồ Phaolô gởi các Hội thánh mới thành lập sau khi Chúa Phục sinh. Các thư tín chung do nhiều tác giả viết. Cuối cùng là sách Khải huyền thuộc thể loại tiên tri.
Khi nghiên cứu Kinh Thánh, chúng ta có thể có cái nhìn tổng quát: Với Cựu ước, sứ điệp căn bản là Đấng Cứu Thế sẽ đến; với Tân ước, sứ điệp là Đấng Cứu Thế đã đến.
Mục sư Dick Woodward
Nguồn: mbc.icm.org