Bài học từ cuộc hôn nhân tan vỡ

Trước khi kết hôn với chồng tôi bây giờ, tôi đã có một cuộc hôn nhân 14 năm với Will. Trong suốt năm cuối sống chung, anh làm một công việc đòi hỏi nhiều sức lực và thời gian ở một nơi cách nhà chúng tôi khoảng một giờ rưỡi lái xe. Tôi chẳng bao giờ biết được chính xác khi nào anh về nhà. Lúc đó chưa có điện thoại di động, vì vậy tôi đưa ra một yêu cầu đơn giản là, mỗi ngày vào khoảng 5 giờ chiều, Will hãy gọi điện thoại báo cho tôi biết khi nào anh rời văn phòng. Theo đó, tôi có thể sắp xếp chuẩn bị bữa tối chẳng hạn.

Thật là đơn giản đúng không? Nhưng anh lại không thể thực hiện được, hay ít ra là đã không thực hiện đều đặn. Anh gọi được vài ngày và sau đó quên luôn… Anh bận họp, trễ chuyến bay, hay có việc gấp… Và dù có nói gì đi nữa, tôi cũng không thể buộc Will thực hiện việc đó được. Anh càng quên, tôi càng tức giận. Rút cuộc là sự kiên nhẫn của tôi hoàn toàn biến mất. Mỗi một sai sót của anh lại nhắc tôi nhớ tới những lần anh quên. Anh bắt đầu tránh tôi vì tất cả những gì tôi làm chỉ là phàn nàn mà thôi!

Tôi ước gì trước khi bước vào tuổi bốn mươi, tôi có thể học được bài học rằng mình không thể kiểm soát hành vi của người khác, kể cả đó là người đầu gối tay ấp với mình. Đúng là chúng ta không thể làm được điều này. Nỗ lực của chúng ta có thể thu được kết quả ở một số người mà họ hiểu những gì chúng ta muốn và tại sao ta lại làm thế, nhưng rút cuộc sự thay đổi của một người hoàn toàn tùy thuộc vào bản thân sự cố gắng, tự ý thức của người ấy mà thôi. Chúng ta có thể trợ giúp, nhưng chúng ta không thể buộc người khác khiêu vũ theo giai điệu của mình được!

Trong tác phẩm “The inner game of work” (tạm dịch: Trò chơi ẩn trong công việc), Tim Gallwey đưa ra một danh sách những điều chúng ta có thể và không thể kiểm soát trong mối quan hệ với những người xung quanh – những “điểm mù” mà hầu như ai cũng mắc phải. Bạn không thể kiểm soát được quan điểm và sự cảm thụ của người khác; khả năng chịu lắng nghe, động cơ hay sự ưu tiên của họ; những giá trị mà họ quan tâm cũng như việc người ta có thích bạn hay không; mức độ đồng cảm của họ với quan điểm của bạn; việc người ta hiểu những gì bạn nói như thế nào; việc họ có chấp nhận quan điểm của bạn hay không… Đó là những vấn đề ngoài vòng kiểm soát của bạn.

Bạn có thể kiểm soát được quan điểm của mình đối với một ai đó, như quan điểm việc học, mức độ lắng nghe, mức độ chấp nhận quan điểm của người khác, sự tôn trọng thời gian của người khác, biểu lộ sự quan tâm của bạn đối với ý kiến của họ, thời gian bạn lắng nghe và trao đổi cùng họ, ý kiến của bạn về bản thân…

Lưu ý sự khác biệt của hai danh sách, bạn sẽ thấy mình không thể kiểm soát bất cứ điều gì đối với người khác, nhưng lại hoàn toàn có thể kiểm soát được việc bạn liên hệ với họ như thế nào. Và dĩ nhiên, điều đó sẽ tác động mạnh mẽ tới thái độ sẵn lòng của họ trong việc chấp nhận quan điểm đó của bạn.

Càng hiểu rằng mình hoàn toàn không thể kiểm soát được người khác, chúng ta càng kiên nhẫn. Thay vì tự va đầu vào bức tường sừng sững của những quan điểm khác nhau, chúng ta sẽ biết hướng sự kiên nhẫn của mình về phía đúng đắn hơn – phía bản thân chúng ta – và bắt đầu khởi động với những gì mà chúng ta muốn thay đổi.

Tôi đã học được đó từ cuộc hôn nhân với Will để khiến mình hạnh phúc hơn khi bước vào cuộc hôn nhân khác.

Theo First News/Phụ nữ Việt Nam

Rate this post

Viết một bình luận