4- GIẢI NGHĨA KIẾN THỨC CHUNG VỀ VIỆC CÔNG CHÍNH HÓA
4.1- Tình Trạng Bất Lực và Tội Lỗi của Con Người đối với Việc Công Chính Hóa
19. Cùng nhau chúng ta tuyên xưng rằng, để được cứu rỗi, tất cả mọi người đều phải lệ thuộc hoàn toàn vào ân sủng cứu độ của Thiên Chúa. Niềm tự do họ có đối với con người cũng như đối với sự vật trên thế gian này không phải là tự do đối với phần rỗi, vì là những tội nhân, họ phải chịu Thiên Chúa phán quyết và không thể tự mình trở về với Chúa để được giải cứu, không thể nên công chính trước nhan Thiên Chúa, hay không thể dùng khả năng của mình để chiếm lấy ơn cứu độ. Việc công chính hóa được thực hiện hoàn toàn là do ơn Chúa. Vì Công Giáo và Luthêrô cùng nhau tuyên xưng điều này, nên phải công nhận:
20. Khi người Công Giáo nói rằng, con người ‘cộng tác’ trong việc sửa soạn cũng như trong việc chấp nhận trở nên công chính, bằng cách ưng thuận tác động công chính hóa của Thiên Chúa, là họ thấy việc ưng thuận riêng tư này tự nó là hiệu quả của ân sủng, chứ không phải là một tác động phát xuất từ những khả năng bẩm sinh của loài người.
21. Theo giáo huấn của người Luthêrô, con người không thể cộng tác vào việc cứu rỗi của mình, vì là tội nhân, họ chủ động chống lại Thiên Chúa và chống lại tác động cứu độ của Ngài. Người Luthêrô không phủ nhận là người ta có thể từ chối hoạt động của ân sủng. Khi họ nhấn mạnh là con người chỉ có thể lãnh nhận (hoàn toàn thụ động) việc công chính hóa, là vì họ có ý loại trừ hết mọi khả năng đóng góp của con người vào việc công chính hóa bản thân mình, nhưng họ cũng không phủ nhận là bản thân tín hữu cần phải hoàn toàn dấn thân sống đức tin của mình theo tác dụng của Lời Chúa.
4.2- Công Chính Hóa là Việc Tha Thứ Tội Lỗi và Làm Cho Nên Chính Trực
22. Cùng nhau chúng ta tuyên xưng rằng, Thiên Chúa lấy ân sủng mà tha thứ tội lỗi cho con người, đồng thời giải thoát con người khỏi quyền lực cai trị của tội lỗi, cùng ban cho con người tặng ân sự sống mới trong Chúa Kitô. Khi con người nhờ đức tin được thông phần với Chúa Kitô, Thiên Chúa không còn qui tội cho họ nữa, và nhờ Thánh Linh Ngài thực hiện nơi họ một tình yêu chủ động. Hai khía cạnh này nơi tác động sủng ái của Thiên Chúa: cả việc thứ tha tội lỗi và việc hiện diện cứu độ của chính Thiên Chúa, không được tách lìa nhau, vì con người nhờ đức tin được liên kết với Chúa Kitô, Đấng là đức chính trực của chúng ta nơi bản thân Người (1Cor 1:30). Vì Công Giáo và Luthêrô cùng nhau tuyên xưng điều ấy nên phải công nhận:
23. Khi người Luthêrô nhấn mạnh rằng, đức chính trực của Chúa Kitô là đức chính trực của chúng ta, thì trước hết họ có ý nhấn mạnh là tội nhân được làm cho nên chính trực trước nhan Thiên Chúa trong Chúa Kitô, nhờ việc công bố thứ tha tội lỗi, và cũng có ý nhấn mạnh là đời sống của con người chỉ được đổi mới ở tại việc hiệp nhất với Chúa Kitô mà thôi. Khi họ nhấn mạnh ân sủng của Thiên Chúa là tình yêu tha thứ (‘hồng ân của Thiên Chúa’), thì họ không phủ nhận việc canh tân đời sống Kitô hữu. Trái lại, họ có ý nói lên rằng, công chính hóa vẫn không dính dáng đến việc cộng tác của con người, cũng như không lệ thuộc vào các hiệu quả canh tân đời sống của ân sủng nơi con người.
24. Khi người Công Giáo nhấn mạnh đến việc canh tân con người nội tâm bằng việc lãnh nhận ân sủng được ban xuống như tặng ân cho người tín hữu, là họ muốn nhấn mạnh ơn tha thứ của Thiên Chúa luôn luôn mang lại tặng ân sự sống mới, một sự sống trở nên hiệu nghiệm bởi tình yêu chủ động trong Chúa Thánh Thần. Bởi thế, họ không chối bỏ việc Thiên Chúa ban phát ơn công chính hóa cho con người mà vẫn không dính dáng gì tới việc cộng tác của con người.
4.3- Công Chính Hóa bởi Đức Tin và nhờ Ân Sủng
25. Cùng nhau chúng ta tuyên xưng rằng, tội nhân được công chính hóa bởi đức tin theo tác động cứu độ của Thiên Chúa trong Chúa Kitô. Bằng hoạt động của Chúa Thánh Thần nơi phép rửa, họ được ban tặng ân cứu độ, tặng ân làm nền tảng cho cả đời sống Kitô hữu. Họ đặt lòng tin tưởng của mình nơi lời hứa sủng ái của Thiên Chúa bằng đức tin công chính hóa, đức tin bao gồm cả lòng cậy trông Thiên Chúa và lòng mến yêu Ngài. Một đức tin như vậy linh hoạt trong yêu thương, nhờ đó, Kitô hữu không thể và không được thụ động không làm gì. Thế nhưng, bất cứ những gì nơi con người được công chính hóa có trước hay theo sau tặng ân đức tin nhưng không này đều không phải là nguồn gốc của việc công chính hóa hay làm nên việc công chính hóa.
26. Theo người Luthêrô hiểu, Thiên Chúa công chính hóa tội nhân bằng đức tin mà thôi (sola fide). Với đức tin, họ hoàn toàn đặt lòng tin tưởng vào Đấng Tạo Hóa cũng là Đấng Cứu Chuộc của họ, nhờ đó, họ sống hiệp thông với Ngài. Chính Thiên Chúa tác động đức tin khi Ngài dùng lời tác tạo của mình làm phát sinh ra một lòng tin tưởng như thế. Vì tác động của Thiên Chúa là một việc sáng tạo mới, tác động của Ngài ảnh hưởng đến tất cả mọi chiều kích của con người và dẫn họ đến một đời sống hy vọng cũng như yêu thương. Theo tín lý về ‘việc công chính hóa bởi duy một mình đức tin’, cần phải phân biệt, chứ không phải tách biệt, giữa chính việc công chính hóa và việc canh tân lối sống của con người, một việc canh tân cần phải có bởi được công chính hóa, mà nếu thiếu việc canh tân này cũng kể như đức tin không có. Nhờ có căn bản rõ ràng mới tiến hành đến việc canh tân đời sống, một việc canh tân phát xuất từ tình yêu Thiên Chúa đã ban cho con người được công chính hóa. Việc công chính hóa và việc canh tân được liên kết với nhau trong Chúa Kitô, Đấng hiện diện trong đức tin.
27. Theo sự hiểu biết của mình, người Công Giáo cũng thấy rằng, đức tin là nền tảng trong việc công chính hóa. Vì không có đức tin không thể nào có việc công chính hóa. Những con người được công chính hóa nhờ phép rửa là những người nghe lời Chúa và là những người tin vào lời Chúa. Công chính hóa tội nhân là việc tha thứ tội lỗi và làm cho họ nên chính trực bằng ơn công chính hóa, ơn làm cho chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa. Được công chính hóa, người chính trực lãnh nhận nơi Chúa Kitô đức tin, đức cậy và đức mến, nhờ đó, họ được hiệp thông với Ngài. Mối liên hệ mới mẻ với Thiên Chúa ấy hoàn toàn là do lòng ưu ái của Thiên Chúa, hằng liên lỉ lệ thuộc vào tác động cứu độ và sáng tạo của Vị Thiên Chúa là Đấng chân thực để con người có thể tin cậy nơi Ngài này. Như thế, ơn công chính hóa không bao giờ thuộc về con người, làm cho họ có thể lên mặt với Thiên Chúa. Nếu giáo huấn của Công Giáo nhấn mạnh đến việc canh tân đời sống bằng ơn công chính hóa, thì việc canh tân trong đức tin, đức cậy và đức mến này luôn luôn tùy thuộc vào ân sủng khôn lường của Thiên Chúa, và không đóng góp gì cho việc công chính hóa làm cho con người có thể hãnh diện trước nhan Thiên Chúa (Rm 3:27).
4.4- Người Được Công Chính Hóa là Một Tội Nhân
28. Cùng nhau chúng ta tuyên xưng rằng, trong phép rửa, Chúa Thánh Thần đã liên kết con người với Chúa Kitô, đã công chính hóa và thực sự đã canh tân con người. Thế nhưng, con người được công chính hóa, trong cả đời sống, phải liên lỉ cần đến ơn công chính nhưng không của Thiên Chúa. Họ cũng luôn luôn chịu ảnh hưởng đàn áp tấn công của quyền lực tội lỗi (cf Rm 6:12-14), và không tránh khỏi cuộc đối chọi kéo dài cả đời với những gì phản lại Thiên Chúa nơi các ước muốn vị kỷ của Adong xưa (cf Gal 5:16; Rm 7:7-10). Người được công chính hóa cũng phải xin Chúa hằng ngày thứ tha cho mình như trong Kinh Chúa Dạy (Mt 6:12; 1Jn 1:9), hằng được kêu gọi ăn năn cải thiện cùng thống hối, và hằng được nhận lại ơn Chúa thứ tha.
29. Người Luthêrô cho thân phận của Kitô hữu này là một thân phận ‘vừa là chính nhân vừa là tội nhân’. Tín hữu hoàn toàn là con người chính trực, bởi Thiên Chúa thứ tha tội lỗi cho họ bằng Lời Chúa cũng như bằng Bí Tích, và ban cho họ đức chính trực của Chúa Kitô mà họ đáng được trong đức tin. Nơi Chúa Kitô, họ được nên người công chính trước nhan Thiên Chúa. Tuy nhiên, nhìn vào mình theo lề luật, họ nhận thấy rằng họ vẫn hoàn toàn là tội nhân. Tội lỗi vẫn sống trong họ (1Jn 1:8; Rm 7:17, 20), vì họ không thôi quay về với các ngụy thần và không kính mến Thiên Chúa bằng một tình yêu nguyên vẹn như Thiên Chúa là Đấng Dựng Nên họ đòi hỏi (Deut 6:5; Mt 22:36-40 pr.). Tình trạng phản nghịch với Thiên Chúa ấy thực là tội lỗi vậy. Tuy nhiên, quyền lực làm chủ của tội lỗi đã bị chế ngự bởi công nghiệp của Chúa Kitô. Tội lỗi không còn ‘làm chủ’ Kitô hữu nữa, vì chính nó đã bị Chúa Kitô là Đấng kẻ được công chính hóa gắn bó trong đức tin ‘làm chủ’ rồi. Bởi thế, trong cuộc sống này, Kitô hữu có thể sống công chính một phần nào. Cho dù tội lỗi, Kitô hữu vẫn không lìa xa Thiên Chúa, vì hằng ngày, trong việc trở về với phép rửa, con người đã được tái sinh bởi phép rửa và bởi Thánh Thần lại được thứ tha tội lỗi. Như thế, tội lỗi ấy không còn làm cho con người bị trầm luân hay bị chết đời đời nữa. Vậy, khi người Luthêrô nói rằng, những người được công chính hóa cũng là những tội nhân, và nói rằng tình trạng họ phản chống Thiên Chúa thực sự là tội lỗi, thì họ không phủ nhận là, dù có tội như thế, thành phần này vẫn không lìa xa Thiên Chúa và tội lỗi ấy là tội lỗi đã được ’làm chủ’. Theo những xác nhận này, cho dù có hiểu khác với người Công Giáo về tội lỗi nơi con người được công chính hóa, người Luthêrô cũng đồng ý với người Công Giáo Rôma.
30. Người Công Giáo chủ trương rằng, ân sủng của Chúa Giêsu Kitô ban cho khi lãnh nhận phép rửa tẩy sạch tất cả những gì là tội lỗi ‘theo đúng nghĩa của nó’ và là tội lỗi ‘đáng bị trầm luân’ (Rm 8:1). Tuy nhiên, con người vẫn còn một khuynh hướng hạ (đam mê) bởi tội mà ra và đẩy con người đến việc phạm tội. Vì, theo niềm tin Công Giáo, tội lỗi của con người bao giờ cũng dính dáng đến yếu tố cá nhân, và bởi yếu tố cá nhân này không có ở nơi khuynh hướng hạ ấy, nên người Công Giáo không cho rằng khuynh hướng hạ này là tội lỗi theo đúng nghĩa của nó. Họ không phủ nhận là khuynh hướng hạ này không xứng hợp với dự án nguyên thủy của Thiên Chúa về con người, và theo khách quan, nó nghịch lại với Thiên Chúa và vẫn là kẻ thù mà con người cả đời phải chống chọi. Người Công Giáo nhấn mạnh là, được ơn Chúa Kitô giải cứu, khuynh hướng hạ phản nghịch với Thiên Chúa này không đáng bị phạt chết đời đời, cũng như không tách lìa con người được công chính hóa khỏi Thiên Chúa. Thế nhưng, khi cá nhân con người tự ý tách mình lìa khỏi Thiên Chúa, thì việc họ tuân giữ lại các giới răn cũng chưa đủ, vì họ phải lãnh nhận ơn tha thứ và bình an nơi Bí Tích Hòa Giải qua lời xá tội lỗi của họ, căn cứ vào việc Thiên Chúa giải hòa trong Chúa Kitô.
4.5- Lề Luật và Phúc Âm
31. Cùng nhau chúng ta tuyên xưng rằng, con người được công chính hóa bởi đức tin vào phúc âm ‘tách biệt với các việc làm theo lề luật qui định’ (Rm 3:28). Chúa Kitô đã làm trọn lề luật, và bằng cuộc tử nạn và phục sinh của mình, Người đã làm chủ lề luật như là một đường lối cứu độ. Chúng ta cũng tuyên xưng rằng, các giới luật của Thiên Chúa vẫn còn hiệu lực của mình đối với thành phần được công chính hóa, và giáo huấn cũng như gương mẫu của Chúa Kitô là những gì cho thấy ý muốn của Thiên Chúa sẽ là tiêu chuẩn cho người được công chính hóa tác hành theo.
32. Người Luthêrô cho rằng, việc phân biệt và thứ tự trên dưới giữa lề luật với phúc âm là những gì thiết yếu để hiểu được việc công chính hóa. Theo phương diện thần học thực dụng của họ thì lề luật là điều bó buộc và là điều cáo buộc. Suốt cuộc sống của mình, tất cả mọi người, kể cả Kitô hữu, một cuộc sống họ là những tội nhân, phải chịu đựng việc cáo buộc này, một cáo buộc tố giác tội lỗi của họ, để rồi, bằng niềm tin vào phúc âm, họ sẽ không ngần ngại trở về với tình thương của Thiên Chúa trong Chúa Kitô, Đấng duy nhất công chính hóa họ.
33. Vì lề luật như là một đường lối cứu độ đã được phúc âm làm cho nên trọn và chế ngự, người Công Giáo mới cho rằng Chúa Kitô không phải là nhà ban bố luật theo kiểu Moisen. Khi người Công Giáo nhấn mạnh là người chính trực buộc phải tuân giữ các giới răn của Thiên Chúa thì họ cũng không chối bỏ là, nhờ Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa đã xót thương hứa cho con cái Ngài ơn được sống đời đời.
4.6- Việc Bảo Đảm Phần Rỗi
34. Cùng nhau chúng ta tuyên xưng rằng, người tín hữu có thể tin cậy vào tình thương và các lời hứa của Thiên Chúa. Bất chấp nỗi yếu hèn của mình, cũng như bất chấp những đe dọa nhiều mặt nguy hiểm đến đức tin của mình, cậy dựa vào sức mạnh của việc Chúa Kitô tử nạn và phục sinh, họ cũng có thể vững tâm vào lời hứa hiệu năng của ơn Thiên Chúa nơi Lời Chúa và Bí Tích, nhờ thế họ nắm chắc được ơn này.
35.. Người Cải Cách đặc biệt nhấn mạnh đến điều này, đó là, giữa thử thách cám dỗ, người tín hữu không được cậy dựa vào mình mà phải hoàn toàn cậy dựa vào Chúa Kitô và tin tưởng nơi một mình Người. Bằng việc tin tưởng vào lời hứa của Thiên Chúa, chứ không bao giờ cậy dựa vào bản thân, họ nắm chắc được phần rỗi của mình.
36. Người Công Giáo có thể chung một quan tâm với người Cải Cách trong việc đặt đức tin vào thực tại khách quan của lời Chúa Kitô hứa, trong việc bỏ đi cảm nghiệm riêng tư của mình, cũng như trong việc tin tưởng vào nguyên lời thứ tha của Chúa Kitô mà thôi (cf Mt 16:19, 18:18). Theo Công Đồng Chung Vaticanô II, người Công Giáo cho rằng sống đức tin là hoàn toàn phó mình cho Thiên Chúa, Đấng giải thoát chúng ta khỏi bóng tối tội lỗi cùng sự chết và làm cho chúng ta bừng lên sự sống đời đời. Bởi thế, con người không thể tin tưởng nơi Thiên Chúa, đồng thời lại coi lời hứa thần linh là không đáng tin tưởng. Không ai được ngờ vực tình thương của Thiên Chúa và công nghiệp của Chúa Kitô. Tuy nhiên, mọi người có thể quan tâm đến phần rỗi của mình khi họ thấy mình yếu đuối và kém cỏi. Thế nhưng, nhận thấy mình sa ngã, tín hữu mới có thể tin là Thiên Chúa muốn cứu độ họ.
4.7- Các Việc Lành Phúc Đức của Người Được Công Chính Hóa
37. Cùng nhau chúng ta tuyên xưng rằng, các việc lành phúc đức – một đời sống Kitô hữu sống đức tin, đức cậy và đức mến – là do việc công chính hóa và là hoa trái của việc công chính hóa. Khi thành phần được công chính hóa sống trong Đức Kitô và hoạt động theo ân sủng nhận được, là họ làm trổ sinh trái tốt, theo từ ngữ thánh kinh. Bởi Kitô hữu chống chọi với tội lỗi suốt cuộc đời của mình, họ cũng buộc phải chiếm được thành quả của việc công chính hóa ấy. Thế nên, cả Chúa Giêsu lẫn các Sách Thánh tông tuyền đều khuyên giục Kitô hữu hãy làm trổ sinh các việc yêu thương.
38. Theo người Công Giáo hiểu thì các việc lành phúc đức, được thực hiện nhờ ân sủng và hoạt động của Chúa Thánh Thần, góp phần vào việc lớn lên trong ân sủng, nhờ đó đức chính trực do Thiên Chúa ban cho được bảo tồn, và cũng nhờ đó việc hiệp thông với Chúa Kitô được sâu đậm hơn. Khi người Công Giáo xác nhận tính chất ‘công nghiệp’ của các việc lành phúc đức, là họ muốn nói lên rằng, theo chứng từ thánh kinh, phần thưởng trên trời được hứa ban cho những việc làm ấy. Họ có ý nhấn mạnh đến trách nhiệm của con người đối với hành động của mình, chứ không đặt vấn đề tính chất nơi những việc làm như là các tặng ân ấy, và họ lại càng không chối bỏ việc công chính hóa bao giờ cũng là một quà tặng nhưng không của ân sủng.
39. Người Luthêrô cũng chủ trương quan niệm về việc bảo trì ân sủng và việc lớn lên trong ân sủng cùng đức tin. Họ thực sự nhấn mạnh là đức chính trực được Thiên Chúa ban cho và việc thông phần vào đức chính trực của Chúa Kitô là những gì luôn luôn trọn vẹn. Họ đồng thời cũng cho rằng, các hiệu quả của những sự ấy có thể được phát triển trong đời sống Kitô hữu. Tuy nhiên, khi họ quan niệm về các việc lành phúc đức của người Kitô hữu như là hoa trái và dấu chỉ của việc công chính hóa, chứ không phải là các ‘công nghiệp’ riêng của con người, thì họ cũng hiểu được sự sống đời đời, theo ý nghĩa của Tân Ước, là một ‘phần thưởng’ nhưng không trong việc người tín hữu làm trọn lời hứa của Thiên Chúa.
5. Tầm Quan Trọng và Mục Tiêu nhắm đến của Việc Đồng Ưng Thuận
40. Việc tìm hiểu về tín lý công chính hóa được trình bày trong Bản Tuyên Ngôn này cho thấy rằng, người Luthêrô và người Công Giáo đã cùng nhau chấp nhận những sự thật căn bản của tín lý về việc công chính hóa. Theo chiều hướng đồng ưng thuận này, thì những khác nhau còn lại về ngôn ngữ, về việc diễn giải theo thần học, và về các điểm được nhấn mạnh trong việc hiểu biết về vấn đề công chính hóa ở các đoạn từ 18 đến 39, đều được chấp nhận. Bởi thế, những cắt nghĩa về việc công chính hóa của người Luthêrô và người Công Giáo khác nhau thì hướng đến nhau và không làm tiêu hủy việc đồng thuận liên quan đến các sự thật căn bản này.
41. Do đó, những điều lên án nhau về tín lý ở thế kỷ 16 liên quan đến tín lý về việc công chính hóa có một chiều hướng mới, đó là: Giáo huấn của các giáo hội Luthêrô được trình bày trong Bản Tuyên Ngôn này không bị rơi vào số các luận bác của Công Đồng Chung Triđentinô. Những bác bỏ trong Các Điều Tuyên Tín của bên Luthêrô cũng không áp dụng cho giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo Rôma được trình bày trong Bản Tuyên Ngôn này.
42. Như thế, không có gì làm mất đi tính cách nghiêm trọng của các điều lên án liên quan đến tín lý về việc công chính hóa cả. Một số điều lên án này không phải là hoàn toàn vô bổ đâu. Đối với chúng ta, chúng vẫn là ‘những cảnh giác công hiệu’ làm cho chúng ta phải lưu ý về việc giảng dạy và việc thực hành của chúng ta.
43. Việc đồng thuận của chúng ta nơi các sự thật căn bản của tín lý về việc công chính hóa phải gây tác dụng trên đời sống cũng như nơi các giáo huấn của giáo hội chúng ta. Việc đồng thuận này phải tự chứng tỏ cho thấy là ở chỗ đó. Về khía cạnh này, vẫn còn nhiều vấn đề quan trọng khác nhau cần phải được làm cho sáng tỏ hơn. Trong số những vấn đề đó là vấn đề về mối liên hệ giữa Lời Chúa và tín lý giáo hội, cũng như vấn đề giáo hội học, vấn đề quyền bính giáo hội, vấn đề hiệp nhất giáo hội, vấn đề thừa tác vụ, vấn đề các bí tích, và vấn đề liên hệ giữa việc công chính hóa với đạo đức xã hội. Chúng ta tin tưởng rằng, việc chúng ta tiến đến vấn đề đồng thuận này cống hiến cho chúng ta một căn bản vững chắc cho việc làm sáng tỏ ấy. Các giáo hội Luthêrô và Giáo Hội Công Giáo Rôma sẽ cùng nhau tiếp tục gắng sức đào sâu vào việc tìm hiểu chung về việc công chính hóa này, để làm cho việc tìm hiểu ấy sinh hoa kết trái trong đời sống cũng như trong giáo huấn của các giáo hội.
44. Chúng ta tạ ơn Chúa cho bước tiến trọng yếu hướng tới đường lối thắng vượt tình trạng chia rẽ của giáo hội này. Chúng ta xin Thánh Linh dẫn chúng ta tiến xa hơn nữa tới việc hiệp nhất hữu hình theo ý muốn của Chúa Kitô.
(Tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, phát hành ngày 24/11/1999, trang I-III)