Băng tuyết làm các nước phương bắc phát triển hơn

Nếu chia trái đất thành hai nửa, chúng ta sẽ thấy, phương bắc gồm Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… đều là các nước giàu có, còn phương nam gồm Nam Mỹ, châu Phi, phần lớn châu Á… đều là các nước chậm phát triển. Tại sao lại như vậy?

ß

Khu vực Đông Á: Nhật Bản và Hàn Quốc ở phương bắc.

Lý thuyết về “dốc bắc nam” trong kinh tế học đặt các nước phương bắc lên đỉnh và các nước phương nam dưới chân dốc. Theo đó:

Phương bắc – phát triển – giàu có – cao to.

Phương nam – chậm phát triển – nghèo nàn – thấp bé.

Trong một bài nghiên cứu về mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với điều kiện địa lý, hai nhà khoa học Mỹ William Master và Margaret MacMillan đã chỉ ra rằng, băng tuyết đã tạo ra sự khác biệt bắc – nam và khiến các nước phương bắc phát triển hơn.

Thoạt nhìn các nước phương nam, người ta tưởng đang ở thiên đường với những bãi cát dài chạy dọc bờ biển, với những kênh rạch đầy tôm cá, rừng rậm với vô số loại thảo cầm… Tuy nhiên, đất đai của họ lại không có lợi cho canh tác nông nghiệp. Do mưa lũ xói mòn và gieo trồng nhiều vụ, đất đai rất dễ bạc màu. Sự đa dạng của sinh vật nhiệt đới sống vào nhờ đất cũng khiến việc duy trì lớp màu khó khăn hơn: vi khuẩn và sâu bọ thường ăn hết hoa màu và cây cỏ sau mùa vụ, trong đó có sản phẩm quan trọng từ quá trình phân huỷ như CO2 và Nitơ.

Ngược lại ở phương bắc, lớp băng dày bảo vệ, ủ đất suốt mùa đông, khiến rơm rạ, vỏ cây phân huỷ từ từ, lắng xuống, giúp đất tích luỹ chất màu mỡ. Mặt khác, lớp băng còn cản không cho đất xói mòn, cung cấp một lượng nước thấm sâu, đầy đủ cho mùa sau.

Do đất đai phương bắc rất màu mỡ nhưng chỉ gieo trồng được một vụ, nên các cư dân ở đây tìm mọi cách để tận dụng đất đai, phát triển các phương thức canh tác tiên tiến để đạt năng suất cao nhất, đủ thực phẩm cho cả năm. Master và MacMillan cho rằng, phương thức sản suất nông nghiệp ở phương bắc “từ thời xưa đã phát triển hơn phương nam”.

Mặt khác, mùa tuyết rơi hằng năm còn ngăn được một loạt các chứng bệnh dịch (thường xuất hiện ở những nơi có khí hậu nóng ẩm). Vì khí hậu lạnh dưới 0 độ C, hàng loạt các loài sâu bọ phá hoại mùa màng bị tiêu diệt vào mùa đông. Do đó, không chỉ cây cỏ mà cả con người phương bắc cũng dẻo dai hơn phương nam, do ít bị nhiễm bệnh.

Lợi thế của phương bắc

Từ thời cổ đại, triết gia Hylạp Aristoteles đã phát hiện ra rằng, những người sinh ra ở các miền khí hậu lạnh có khả năng tư duy tốt và làm việc kỷ luật cao hơn phương nam. Có lẽ từ thời đó, sự hưng thịnh của các nước phương bắc đã bắt đầu. Nhờ nền tảng nông nghiệp tốt, họ có một xuất phát điểm cao hơn hẳn phương nam khi bước vào xã hội công nghiệp.

Master và MacMillan cũng thử cố gắng giải thích một số ngoại lệ ở phương nam như Australia, Đài Loan, Hong Kong và Singapore. Trường hợp Australia, các nhà khoa học cho rằng vấn đề địa lý không quan trọng, vì có thể coi Australia là nước Anh thứ hai. Khi người Anh tới đây, họ đã đem theo “linh hồn phương bắc”. Hong Kong và Singapore là hai nền kinh tế dịch vụ, họ hầu như không có nông nghiệp. Riêng Đài Loan, hai nhà khoa học tạm coi như một ngoại lệ.

Tuy nhiên, Master và MacMillan không cho rằng, lợi thế về địa lý sẽ quyết định lâu dài tới sự phát triển hoặc tụt hậu của các nước trong thời đại hậu công nghiệp. Sự vươn lên của nhiều nước phương nam trong những thập kỷ qua đã chứng minh điều đó. Hai nhà khoa học cũng cho biết, nghiên cứu của họ có thể sẽ mở ra một số hướng giải quyết cho các nền kinh tế chậm phát triển. Ví dụ các chương trình hỗ trợ để chống dịch bệnh dài hạn, thay đổi đồng loạt các loại cây trồng bảo vệ đất màu nhiệt đới…

Minh Hy (theo dpa, Nord-Sued)

Rate this post

Viết một bình luận