Bánh canh là gì?
Bánh canh gạo là một món ăn dân dã, gần gũi với người Việt Nam. Thông thường, bánh canh được làm chủ yếu bằng bột mì, bột gạo, bột sắn. Ở một số nơi, sợi bánh canh là sự kết hợp hài hòa giữa bột gạo và bột sắn. Để có thể chế biến bánh canh, các bạn cần phải thả bánh canh vào nồi nước dùng và đợi cho tới khi bánh chín tới mới vớt ra. Ở Việt Nam có 4 loại bánh canh phổ biến nhất, là:
- Bánh canh bột gạo
- bánh canh bột lọc
- bánh canh bột xắt
- bánh canh bột mì.
Bánh canh bột gạo
Đây là loại banh canh được làm từ bột gạo. Thông thường, sợi bánh canh bột gạo sẽ có màu trắng chứ không trong suốt như sợi bánh canh làm từ bột lọc. Khi làm bánh canh bột gạo, nếu muốn sợi bánh được ngon thì bạn phải chọn loại gạo ngon để chế biến.
Trước khi chế biến, gạo phải được vo với nước nhiều lần cho đến khi nước vo gạo sạch trong. Tiếp đó, đem gạo đi xay thành bột. Trong công đoạn trộn bột, bột phải được trộn đều tay cho tới khi quyện thành một khối bột dẻo. Cuối cùng, bạn mới cho bột vào khuôn hoặc máy làm bánh canh để ép thành sợi dài.
Tuy nhiên, hiện nay, khi làm bánh canh bột gạo, người ta còn pha thêm một ít bột sắn hoặc bột lọc để tạo sự khác biệt và cho sợi bánh canh dẻo dai hơn. Thậm chí, có cơ sở sản xuất bánh canh còn phân loại bánh canh bột gạo dựa trên tỉ lệ bột chín của thành phẩm. Cụ thể là bánh canh bột gạo loại bột chín 60%, bánh canh bột gạo loại chín 100%…
Chính vì vậy, xuyên suốt đất nước Việt Nam, mặc dù bánh canh bột gạo rất phổ biến nhưng sợi bánh canh bột gạo của mỗi tỉnh thành, mỗi khu vực sẽ có sự khác biệt nhằm làm đa dạng ẩm thực Việt Nam và phù hợp với khẩu vị từng vùng miền.
Bánh canh bột lọc
Bánh canh bột lọc là loại bánh canh được làm từ bột sắn lọc khô hoặc bột năng lọc khô, kết hợp với bột gạo. Bạn muốn banh canh có độ dai nhiều hay ít thì sẽ điều chỉnh lượng bột gạo này nhiều hoặc ít. Thậm chí, bạn có thể không dùng bột gạo. Bánh canh bột lọc trong suốt và có độ dai. Độ dai của sợi bánh canh cũng phụ thuộc vào cách nhào bột, trộn bột. Ở Sài Gòn, món bánh canh bột lọc nấu với cua hoặc ghẹ rất nổi tiếng.
Bánh canh bột xắt
Bánh canh bột xắt được làm từ bột. Người ta sẽ dùng bột gạo, nhào nặn rồi mới xắt. Chính vì công đoạn quan trọng để cho ra được những sợi bánh canh này, người làm bánh phải tự tay xắt nhỏ từng miếng bột nên mới gọi đây là bánh canh bột xắt để phân biệt với bánh canh bột gạo.
Để làm được bột gạo, người ta cũng vo gạo thật sạch, ngâm mềm rồi đem xay thành bột gạo nước. Sau đó, người ta sẽ cho vào túi vải treo lên cho ráo nước. Bột đã xay được cho ra mâm, vẩy nước lên bột, rồi trộn bột đều tay sao cho bột ở dạng không khô cũng không nhão.
Sau khi nhào bột xong, người ta chia bột thành từng miếng nhỏ vừa đủ, rồi dùng chai thủy tinh cán dẹp miếng bột. Khi bị cán dẹp, miếng bột sẽ dán vào chai thủy tinh, rồi người ta cầm cổ chai thủy tinh đó vừa lăn vòng chai, vừa đưa dao xắt đứt từng miếng bột gạo thành sợi bánh canh. Sau đó, những sợi bánh canh bột xắt được cho vào nồi nước sôi, đun cho đến khi bột chín.
Bánh canh bột mì
Bánh canh bột mì là loại thực phẩm rất phổ biến ở miền Bắc và miền Trung của Việt Nam, điển hình là các tỉnh: Quảng Trị, Quảng Bình, Huế,… Do bánh canh làm từ bột mì nên hương vị, hình dáng và kích thước khá giống sợi mì to. Hơn nữa, loại bánh canh bột mì còn được phân biệt thành 2 loại chính: bánh canh bột mì khô (bánh canh khô) và bánh canh bột mì tươi (bánh canh tươi). Đây được xem là đặc sản của các tỉnh miền Trung. Để làm ra được sợi bánh canh này, người thợ phải trộn, nhào bột mì cho dẻo, dai. Sau đó, họ sẽ cán mỏng bột rồi cắt sợi, phơi khô… rất kì công, vất vả!