Mỗi tuần một địa chỉ
Heo tộc là một giống lợn nhỏ, nhiều nơi gọi là “heo mọi”, lai giữa lợn rừng và lợn nhà, được người dân vùng núi hoặc bán sơn địa nuôi thả tự nhiên trong vườn nhà. Ở các tỉnh phía Bắc, loại heo này còn gọi với cái tên khá địa phương là “lợn kẹp nách”.
Món heo tộc nướng hấp dẫn trong mùa mưa. Ảnh: H.L
Không thật mềm như thịt heo dưới xuôi, cũng không dai và cứng như heo rừng, thịt heo tộc khá săn chắc, thơm và ít mỡ. Đặc biệt lớp da heo tộc dày nhưng khi ăn lại mềm ngọt. Loại thịt này có thể chế biến thành nhiều món ngon như xương nấu măng, dồi chiên, thịt luộc, xào lăn, chả chìa… nhưng ngon nhất vẫn là các món nướng hoặc xào lăn qua sả ớt. Giới sành ăn thường chọn thịt ba chỉ nướng với sa tế, sả, dầu ăn cộng gia vị, vừa có nạc vừa có mỡ, khi ăn bảo đảm độ béo, thơm giòn.
Điểm dễ nhận thấy ở món heo tộc nướng là lớp da giòn rụm, phủ một màu nâu đỏ rất bắt mắt. Món này ăn kèm với lá mơ, rau thơm, mẻ, sả, riềng và chấm với ruốc nguyên chất, tất cả tạo nên hương vị đậm đà, ngon miệng. Muốn ăn món này tại Đà Nẵng, bạn có thể đến quán Heo tộc ở địa chỉ 582 Nguyễn Hữu Thọ. Ngoài ba chỉ nướng lu, nơi đây còn có các món “hút khách” khác như xiên heo nướng, dồi chiên, be sữa (vú) nướng, chả chìa…
Hình dạng món chả chìa ở quán Heo tộc khá giống món nem lụi nhưng to hơn, thành phần gồm thịt heo được bằm nhuyễn trộn với các gia vị cần thiết như nấm tai mèo, sả, tiêu… được hấp chín trước khi nướng màu vàng cánh gián. Tại đây, khách đến ăn món chả chìa lần đầu tiên sẽ được người phục vụ hướng dẫn cách ăn như cắt nhỏ từng miếng rồi cuộn cùng lá mơ chấm mắm ruốc; hoặc ăn kèm với sả sống cũng rất ngon.
Quán Heo tộc trên đường Nguyễn Hữu Thọ nhìn từ phía ngoài vào khá bình dân, mức giá mềm và cách bài trí phù hợp với những người có thói quen thích ngồi ăn ở quán đơn giản, gần gũi. Để tránh nghe mùi thịt nướng, bạn nên chọn những bàn ăn cách xa gian bếp và có thể gọi thêm các loại rau nếu muốn ăn thêm.
Giữa tiết trời mưa lạnh, cùng bạn bè ngồi thưởng thức món heo tộc nướng thì còn gì tuyệt vời hơn.
HUỲNH LÊ