Bảo Lan – độc huyền cầm không cô độc

“Tôi vẫn chỉ viết những gì mà mình cảm nhận được. Thậm chí sáng tác ca khúc là cách để tôi trải lòng mình. Tự nhiên, tôi rất tin vào số phận. Chuyện gì đến sẽ đến, tôi chỉ biết cố gắng hết mình”, thành viên nhóm 5 Dòng Kẻ chia sẻ.

Ca sĩ Bảo Lan.

Ca sĩ Bảo Lan. Ảnh: Người Lao Động.

Bảo Lan bắt đầu con đường âm nhạc của mình bằng cây đàn bầu (độc huyền cầm) và chơi xuất sắc. Tiết mục Độc huyền cầm 5 Dòng Kẻ biểu diễn trong Bài hát Việt vừa qua đã chứng tỏ tài nghệ chơi đàn của Bảo Lan. Cây đàn bầu đã cho Lan nền tảng vững chắc về văn hóa cội nguồn dân tộc, nên trong các sáng tác của cô bao giờ cũng phảng phất nét nhạc dân tộc làm chủ đạo.

Sau khi Giáng Son không còn là thành viên của 5 Dòng Kẻ, gánh nặng trách nhiệm người sáng tác ca khúc cho nhóm biểu diễn được trao qua vai Bảo Lan. Sân khấu ca nhạc yêu cầu 5 Dòng Kẻ luôn phải có ca khúc mới, vì thế rất nhanh chóng cô gái này phải bắt đầu công việc viết ca khúc. “Đây là thử thách nhưng cũng là cơ hội để tôi phát huy khả năng sáng tác của mình”, chị nhớ lại.

Từ một vài bài viết riêng cho nhóm, Bảo Lan bắt đầu để lại dấu ấn của riêng mình ở lĩnh vực này. Không những vậy, cô còn được nhiều anh chị động viên, khuyến khích. Nhưng trong số đó cũng không ít người phản bác. Bảo Lan thừa nhận: “Dẫu sao, tôi cũng chỉ là kẻ sáng tác tay ngang nên mọi người lo lắng cũng phải. Nhưng niềm đam mê sáng tác đã thấm vào máu rồi thì mình cứ thử, biết đâu… lại thành công”.

Không bao giờ dừng lại

Không giấu niềm hạnh phúc, Bảo Lan khoe: “Với những gì đã đạt được, tôi thấy mình quá may mắn và tôi hài lòng về điều đó”.

Càng thành công, Bảo Lan càng cảm thấy mặc cảm. Cô sợ người đời chê cô là tay ngang, không bằng cấp sáng tác, không nền tảng vững chắc. Có lần gặp nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo, ông an ủi cô: “Khởi nguồn như thế nào không phải là điều quan trọng. Cơ bản là bản thân mình có thật sự say mê công việc mình làm hay không”. Lời động viên đó đã giúp cô vững tâm hơn khi quyết định theo đuổi cả ca hát lẫn viết nhạc.

Không học hành bài bản nhưng Bảo Lan có thừa niềm đam mê. Cô làm việc không biết mệt mỏi với tôn chỉ duy nhất “đã quyết định làm gì thì làm cho đến nơi đến chốn”. Với cô, “thành quả công việc chính là câu trả lời giá trị nhất cho những nghi ngờ, lo toan của mọi người”.

Để lại nhiều ấn tượng với khán giả yêu nhạc nhưng Bảo Lan vẫn thừa nhận: “Tôi chỉ là một người sáng tác nghiệp dư. Theo tôi, một nhạc sĩ chuyên nghiệp là người sáng tác được cả khi họ nhận đơn đặt hàng. Tất nhiên, dù có làm theo đơn đặt hàng hay không thì sáng tác đó vẫn phải đạt chất lượng nghệ thuật và giá trị thẩm mỹ. Còn tôi hiện nay, tôi vẫn chỉ viết những gì mình cảm nhận. Thậm chí sáng tác ca khúc là cách để tôi trải lòng”.

Không cố tình dừng lại ở vị trí ca sĩ hoặc nhạc sĩ, cũng không bắt mình phải đạt tới vị thế nào đó trên thị trường âm nhạc nhưng với Bảo Lan, cô sẽ không bao giờ dừng lại. “Tự nhiên, tôi rất tin vào số phận. Chuyện gì đến sẽ đến, tôi chỉ biết cố gắng hết mình”. Được ca được hát, được làm những điều mình thích, nghề nghiệp của cô ca sĩ xinh xắn này như thế đã tạm đủ. Duyên phận lại chẳng thể toan tính hay cầu xin nên “nguyện vọng duy nhất của tôi hiện nay là được sống gần bố mẹ. Tôi thèm được như nhiều đồng nghiệp khác, mỗi khi biểu diễn về lại được trò chuyện với bố mẹ, được bố mẹ chăm sóc. Nhiều lúc, tôi thấy thật tủi thân”.

Bảo Lan kể: “Đã 12 tuổi nhưng tôi vẫn nghịch ngợm như một đứa con trai: mặc váy, tóc thắt bím và thích đứng ôm cổ mẹ hơn là ngồi im ngoan ngoãn sau yên xe mỗi khi mẹ đèo tôi từ trường về nhà. Hết kể chuyện trường, chuyện bạn, tôi lại nghêu ngao những đoạn ‘là lá la’ ngẫu hứng cho đến khi về đến nhà. Thật tình tôi chẳng nhớ nổi mình đã ‘là lá la’ cái gì, chỉ là trong đầu nghĩ thế nào thì hát ra thế ấy.

Lần đó, vào ngày sinh nhật mẹ, tôi quyết định viết lời cho những giai điệu mình vẫn nghêu ngao hằng ngày để làm quà tặng mẹ. Hình ảnh mỗi ngày mẹ đèo tôi đến trường đã trở thành chủ đề của ca khúc này. Tất nhiên, mọi chuyện đều được tiến hành trong bí mật. Khi tôi đem tặng mẹ ca khúc Mẹ dấu yêu, mẹ tôi đã khóc vì cảm động. Sau đó, ca khúc này được mẹ gởi đến trung tâm sinh hoạt thiếu nhi của Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô. Điều bất ngờ là ca khúc này không chỉ được biểu diễn mà còn trở thành ca khúc chủ đề trong chương trình Những bông hoa nhỏ sau đó”.

Với Bảo Lan, đàn bầu là hơi thở, là người bạn tâm giao. Nhưng để có thể hòa mình vào dòng nhạc trẻ, Bảo Lan quyết định gác đàn bầu bước theo nghiệp hát. Biết chuyện, nhiều bạn bè và người thân góp ý: “Đang yên lành sao lại đi hát làm gì cho khổ hả con? Hát hò giỏi lắm cũng chỉ được dăm bảy bữa. Còn theo đàn bầu, nó có thể nuôi mình cả đời con ạ”. Thế nhưng, Bảo Lan vẫn quyết định đi hát: “Nhóm 5 Dòng Kẻ là định mệnh trong sự nghiệp âm nhạc của tôi. Tôi bắt đầu được công chúng biết đến từ khi là thành viên của nhóm 5 Dòng Kẻ”, Bảo Lan khẳng định.

(Theo Người Lao Động)

Rate this post

Viết một bình luận