Anh Trịnh Văn Cương (40 tuổi, ngụ tại xã Tân Phước, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết lúc 23g ngày 14-3, một con cá sủ vàng đã chui vào chuồng đáy của anh.
Đáy này đặt trên sông Thị Vải ở đoạn cửa biển Cái Mép. Đặt cá lên cân, nặng đúng 9kg.
Anh Cương cho hay ban đầu anh không dám khẳng định đó là cá sủ vàng nhưng sau khi hỏi bạn bè và những người làm nghề đánh cá, anh chắc chắn đó là con cá sủ vàng.
Đến trưa 15-3, anh Cương vẫn còn cất giữ cẩn thận con cá này trong thùng đá. Nhiều ngư dân cho biết sở dĩ khẳng định đây là con cá sủ vàng vì các đặc điểm như: miệng màu vàng, viền quanh mang cá màu vàng và thân cá có một đường như sợi chạy dọc, chia thân cá thành hai phần.
Khi bắt được cá còn sống, anh Cương đưa về thả ở một cái lạch nhỏ dưới gần cầm Rạch Ngã Tư (đường liên cảnh 965) nhưng sau đó, anh vừa sợ bị trộm, vừa sợ cá bơi đi nên đưa cá lên ướp trong thùng đá.
Anh Cương và những ngư dân cho hay thi thoảng họ có bắt được cá sủ vàng nhưng chỉ nặng vài lạng nên đem ăn.
Trước đây ở nhiều vùng miền trong cả nước có những ngư dân bắt được cá này và bán với giá rất cao, có con lên tới hàng tỉ đồng.
Ngày 26-11-2015, ông Phạm Tiến Nhật, 36 tuổi, trú thôn Thanh Khê, xã Thanh Trạch câu được một con cá sủ vàng nặng 2,8kg, dài khoảng 50cm. Có người đến trả giá đến 500 triệu đồng nhưng ông không bán.
Theo một số nguồn, cá sủ vàng sinh sống ở biển, đến mùa đẻ (tháng 1 – 4 và 9 – 10 âm lịch) sẽ vào các vùng cửa sông nước lợ cặp đôi và đẻ. Cá con ngược lên vùng nước ngọt sâu trong đất liền sống và sau khoảng 1 – 2 năm sẽ dần tìm ra biển (khi đã đạt trọng lượng lớn hơn 10 kg).
Trọng lượng đánh bắt được tại Việt Nam dao động trong khoảng 2 – 135 kg. Chiều dài tối đa có thể đạt được là 160cm.
Cá sủ vàng loài cá đặc biệt quý hiếm, có giá trị kinh tế rất cao trên thị trường thế giới. Người Trung Quốc mua để làm chỉ khâu vi phẫu thuật nên giá cao.