Bọ hung là một trong những loài bọ cánh cứng thuộc họ Scarabaeoidea. Thân hình của chúng thật đặc biệt: đôi cánh cứng trông giống như một chiếc áo giáp chắc chắn che kín cơ thể, đầu thì giống như cái mai, chân trước nhìn như cặp xẻng nhọn và hơi cong ở phần đầu.
Nhìn tổng thể trông chúng giống như một người được trang bị đầy đủ vũ khí để đảm nhiệm những công việc nguy hiểm.
Trong thực tế, ở các bãi phân, người ta thường thấy những cặp bọ hung đẩy những hòn phân đi đâu đó, tuy nhiên nó không phải là thức ăn của những con trưởng thành.
Khi phát hiện một đống phân tươi, chúng dùng đầu và chân trước xúc phân ướt, trộn với đất rồi ve thành viên, sau đó đẩy đi tìm chỗ thích hợp cho con cái… đẻ trứng.
Khi tìm được khu “địa lợi”, bọ hung cái đào lỗ trên viên phân, đẻ trứng vào trong đó rồi lấp lại ngay. Tiếp đó, bọ hung đào lỗ dưới đất và cho viên phân vào, lấp lớp đất sao cho bằng mặt đất để ngụy trang.
Những viên phân này là nguồn dinh dưỡng nuôi con non sắp ra đời. Sau đó cặp bố mẹ này lại tiếp tục hành trình làm viên phân ở chỗ khác để đẻ trứng.
Ấu trùng bọ hung nằm trong hòn phân – Ảnh: Nature Production
Hầu hết bọ hung thích phân của loài ăn thực vật hơn, tuy nhiên cũng có những con thích phân của loài ăn tạp. Khi những động vật, như voi chẳng hạn, ăn uống thì chắc chắn vẫn còn một số phần thức ăn được thải ra ngoài mà chưa qua quá trình tiêu hóa. Và đây chính là nguồn dinh dưỡng cho bọ hung con.
Không những thế, bọ hung trưởng thành cũng sử dụng phân như một nguồn cung cấp nước bởi vì trong phân có một lượng nhỏ nước mang hàm lượng dinh dưỡng.
Người Ai Cập cổ đại rất coi trọng bọ hung, bằng chứng là hình ảnh của chúng phổ biến rộng rãi trong các đền đài, đồ trang sức cũng như những mẩu văn tự.
Dưới góc độ tín ngưỡng, người Ai Cập cho rằng bọ hung là hình tượng của một vị thần hàng ngày nâng mặt trời lên xuống, gần giống với việc cần mẫn đẩy “viên bi” đặc biệt của bọ hung.
Dưới góc độ khoa học hiện đại, dẫu cho không vác mặt trời nhưng bọ hung vẫn đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái của chúng ta.
Tại Vương quốc Anh, nơi có gần 60 loài bọ hung, những lợi ích về sinh thái mà chúng mang lại đã giúp chính phủ tiết kiệm 367 triệu bảng mỗi năm cho ngành chăn nuôi. Số tiền tiết kiệm đáng kể cũng được ghi nhận tương tự ở Mỹ.
Bọ hung không chỉ góp phần tăng độ màu mỡ của đất, chúng cũng góp phần làm phát tán hạt, cải thiện cấu trúc đất, làm giảm mầm mống côn trùng cũng như những vật ký sinh mà gây hại cho con người lẫn vật nuôi.
Đặc biệt, vào năm 2011, New Zealand đã cho nhập 11 loài bọ hung từ Úc, với mục tiêu nâng cao “sức khỏe” cho đất và giúp cho đồng cỏ có cơ hội tái phát triển. Số lượng bọ hung này được đưa vào những đồng cỏ và trang trại xung quanh khu vực thành phố Auckland và vùng cực nam Southland để vệ sinh phân gia súc.
Tại New Zealand, chỉ tính riêng phân bò đã đóng góp đến 14% lượng khí nitơ điôxit – một trong những tác nhân gây ra hiện tượng hiệu ứng nhà kính.