Theo các chuyên gia khuyến cáo, nên bắt đầu tập cho bé ăn dặm khi bé được 4-6 tháng tuổi vì khi đó hệ tiêu hóa của bé mới phát triển hoàn thiện giúp tiêu hóa các loại thức ăn ngoài sữa. Tuy nhiên, tùy vào sự phát triển của bé mà thời điểm bắt đầu ăn dặm sẽ khác nhau. Đồng thời, làm sao để biết bé 5 tháng tuổi ăn được những gì để lên thực đơn ăn dặm cho bé 5 tháng thật hợp lý? Để Huggies gợi ý cho Mẹ nhé!
>> Tham khảo thêm: Quá trình phát triển của trẻ sơ sinh qua từng tháng
Nguyên tắc dinh dưỡng khi lên thực đơn ăn dặm cho trẻ 5 tháng tuổi
Khi nào áp dụng thực đơn ăn dặm cho bé 5 tháng tuổi?
Mẹ có thể bắt đầu tập cho bé ăn dặm khi bé có những dấu hiệu như:
Miệng bé cứ mỗi lúc rảnh rỗi là nhai tóp tép. Điều này rất phù hợp để áp dụng cách cho bé ăn dặm theo phương pháp BLW.
Thấy người lớn ăn là bé cũng bị kích thích miệng lưỡi, tỏ ra thích thú và đùn lưỡi liên tục. Lúc này, bé đã có thể ngồi khá vững.
Bé đòi bú nhiều hơn bình thường, mặc dù mới bú cách đó không lâu.
Bé có thể dùng tay để cầm nắm bất cứ thứ gì và cho vào miệng gặm.
Bé hứng thú nhìn người khác ăn và dùng tay với đồ ăn rồi cho vào miệng
Giấc ngủ bị ngắt quãng vì bé đòi ăn.
Như vậy, nếu bé yêu của mẹ có các biểu hiện trên mặc dù bé chỉ mới phát triển được 5 tháng tuổi, thì mẹ vẫn có thể bắt đầu tập cho bé ăn dặm được rồi.
>> Tham khảo thêm: Phương pháp cho bé ăn dặm kiểu Nhật
Khi nào nên cho bé ăn dặm (Nguồn: Sưu tầm)
Trẻ 5 tháng tuổi ăn được những gì và những chất cần có trong thực đơn là gì?
Bữa ăn dặm là ‘bữa ăn đầu tiên’ của đứa bé. Trẻ ăn dặm sẽ được tiếp xúc với thức ăn mới ngoài sữa mẹ . Thế nên, mẹ cần tìm hiểu kỹ trước khi cho bé ăn dặm.
Tuy nhiên, ăn dặm lại là bữa ăn phụ. Sữa mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng chính cho bé đến 12 tháng tuổi. Ngoài ra, mẹ cũng nên lưu ý là chỉ cho bé ăn ít để ‘tập cho bé ăn’ chứ không ép bé ăn.
Các món ăn dặm cho bé 5 tháng tuổi nên bắt đầu với bữa ăn loãng (đặc hơn sữa mẹ) và khi bé quen dần thì chuyển qua thức ăn đặc hơn.
Khi lên thực đơn ăn dặm cho bé 5 tháng tuổi, mẹ cần đảm bảo 4 nhóm chất dinh dưỡng sau:
Tinh bột: gạo, mì, bún…
Chất béo: dầu ăn, mỡ động vật, dầu ăn, bơ…
Chất đạm: thịt, cá, cua, tôm, trứng…
Hoa quả và rau xanh.
Bé phát triển khoẻ mạnh khi bữa ăn đủ 4 chất dinh dưỡng kể trên. Nếu bé mới tập ăn dặm, trong một bữa ăn, mẹ chỉ nên cho trẻ ăn một loại thực phẩm. Để đủ dinh dưỡng, mẹ nên cho bé ăn cả nước lẫn cái. Mẹ có thể bổ sung thêm trái cây cho bé vì chứa nhiều dưỡng chất.
Ngoài ra, mẹ cũng cần cho bé ăn dặm theo nguyên tắc từ loãng đến đặc, từ mềm đến cứng, giúp hệ tiêu hóa của bé dễ dàng làm quen.
Ăn từ ít đến nhiều: Mẹ hãy bắt đầu cho bé ăn từng chút, để bé quen dần, tránh bị rối loạn tiêu hóa.
Ăn ngọt trước mặn sau: Mẹ cho bé tập ăn bột ăn dặm ngọt trước rồi chuyển sang bột mặn, hạn chế việc bé biếng ăn sau này.
>> Xem thêm những bài viết hữu ích:
Bé 5 tháng tuổi ăn dặm với liều lượng như thế nào?
Khi xây dựng thực đơn ăn dặm cho bé 5 tháng, mẹ cần ghi nhớ những điều sau đây:
1. Bú sữa Mẹ/hoặc sữa ngoài: tùy thuộc vào nhu cầu của bé.
2. Số lượng bữa ăn dặm: 1 bữa/ngày
3. Thời gian: Nên ăn vào bữa sáng lúc 10 giờ, đến khi bé được 6 tháng tuổi thì ăn thêm 1 bữa nữa trước 7 giờ tối.
4. Dạng thực phẩm: lỏng hoặc nghiền nhuyễn (thường tỷ lệ 1 gạo/10 nước)
5. Lượng thức ăn dặm: bắt đầu với lượng là 1 thìa (5ml) trong mỗi lần giới thiệu món mới cho bé, tăng dần theo sự hào hứng ăn và thời gian khi bé đã thích ứng. Tuy nhiên, tối đa một ngày Mẹ cũng chỉ cho bé ăn khoảng 7 thìa 1 lần ăn.
6. Thứ tự nhóm thực phẩm cho trẻ ăn dặm:
Nhóm 1: ngũ cốc (bắt đầu từ cháo trắng nghiền nhỏ).
Nhóm 2: rau, quả (nghiền thật nhỏ, rây kỹ).
Nhóm 3: cá, thịt, tôm, trứng, đậu phụ (nghiền nhuyễn, xay nhỏ).
>> Tham khảo thêm: Bé 6 tháng tuổi ăn được trái cây gì
Liều lượng cho bé 5 tháng tuổi ăn dặm như thế nào? (Nguồn: Sưu tầm)
Thực đơn ăn dặm cho bé 5 tháng tuổi đầy đủ dinh dưỡng trong 7 ngày
1. Cháo trắng
Cách làm:
Cho 1 thìa gạo nấu cùng với 10 thìa nước. Vì dung tích nấu rất ít, mẹ có thể cho gạo vào bát ăn cơm, đặt vào nồi cơm điện của gia đình để nấu sẽ nhanh gọn và tiết kiệm hơn.
Khi cháo chín, đem rây nhuyễn cháo. Lấy phần hỗn hợp sệt khoảng 10-15 ml. Trong tuần đầu ăn dặm của bé 5 tháng tuổi, mẹ chỉ cần cho bé ăn 1-2 thìa cháo rây (5-10ml) để bé làm quen với thực phẩm mới
>> Tham khảo thêm: Trẻ ho về đêm: 8 nguyên nhân và cách trị nhanh tại nhà hiệu quả
2. Bột đậu nành
Nguyên liệu:
Dịch rau xanh xay nhuyễn: 20ml.
Bột gạo: 10g.
Sữa đậu nành: 200ml.
Cách làm:
Cho bột gạo và sữa vào nồi, đặt lên bếp và đun sôi trên lửa nhỏ. Các mẹ nhớ khuấy đều tay liên tục để bột không bị vón cục và khét nhé.
Sau khi hỗn hợp gạo + sữa đậu nành sôi được khoảng 5 phút thì thêm dịch rau xanh xay nhuyễn vào khuấy đều, đun sôi thêm 5 phút nữa là hoàn thành.
3. Bột bí đỏ – đậu xanh
Nguyên liệu:
Bí đỏ: 10g.
Bột đậu xanh: 10g.
Bột gạo: 10g.
Dầu ăn: 1 thìa cà phê.
Nước lọc: 200ml.
Cách làm:
Hấp bí đỏ chín mềm rồi nghiền nát (mẹ có thể xay nhuyễn bằng máy xay sinh tố hoặc các loại máy xay đa năng khác).
4. Bột thịt gà khoai lang
Nguyên liệu:
170g thịt ức gà lọc bỏ xương và da.
1 củ khoai lang lớn (khoảng 350g), lột vỏ cắt nhỏ.
Cách làm:
Chọn phần ức gà hấp rồi xay hoặc băm nhuyễn.
Khoai lang hấp chín và nghiền nhuyễn.
Nấu bột chín rồi cho gà và khoai và khuấy đều.
5. Bột thịt lợn rau ngót
Nguyên liệu:
4 muỗng canh bột gạo (40g).
Thịt nạc lợn (20g), rửa sạch, băm nhuyễn.
Rau ngót (10g), nhặt lấy lá, cắt nhỏ.
1 muỗng cà phê nhỏ dầu ăn loại tốt cho bé (khoảng 5ml).
Chén nước vừa đủ (250ml).
Cách làm:
Thịt lợn nạc băm nhỏ, sau đó xào chín rồi xay nhuyễn.
Rau ngót rửa sạch dùng một lượng nhỏ cho vào máy xay hoặc bằm nhỏ.
Nấu bột chín thì cho thịt và rau vào nấu đến khi rau chín.
6. Bột sữa bí đỏ
Nguyên liệu:
Bột gạo: 20g
Bí đỏ: 30g
Sữa mẹ hoặc sữa công thức: 20ml
Dầu ăn: 1 thìa cà phê
Nước lọc: 200ml
Cách làm:
Cắt nhỏ bí đỏ, hấp chín rồi dùng máy xay nhuyễn.
Hòa tan bột gạo với nước trong nồi chuyên dùng nấu đồ ăn dặm cho bé.
Nhấc nồi lên bếp, vừa đun vừa khuấy đều tay cho bột sánh mịn rồi thêm bí đỏ vào trộn đều.
Sau 10 phút, cho dầu ăn, sữa mẹ hoặc sữa công thức vào khuấy đều là hoàn thành.
7. Cháo rau chân vịt
Nguyên liệu:
Cháo trắng: 2 thìa cà phê.
Rau chân vịt: 2-3 lá.
Cách làm:
Rau chân vịt rửa sạch rồi đem hấp hoặc luộc chín mềm. Sau đó đem nghiền nhỏ.
Cháo trắng nấu theo tỉ lệ 1:10 rồi cho vào rây, rây nhuyễn.
Trộn cháo với rau vào rồi cho bé ăn luôn.
>> Tham khảo thêm:
Gợi ý thực đơn ăn dặm cho bé 5 tháng trong 7 ngày mà mẹ có thể tham khảo (Nguồn: Sưu tầm)
Thực đơn ăn dặm cho bé 5 tháng trong 30 ngày theo kiểu Nhật
Ngày 1 – 2 – 3: Cháo rây 1:10 (5ml) và trà lúa mạch. Đây là món ăn dặm kiểu Nhật nhẹ nhàng mẹ có thể cho bé tập ăn dặm.
Ngày 4 – 5: Cháo rây 1: 10 (20ml) kèm bí đỏ nghiền hoặc bắp nghiền nhuyễn trộn với sữa công thức hoặc sữa mẹ.
>> Tham khảo thêm: Sữa công thức là gì: Cách chọn, Thành phần & Có tốt không?
Ngày 6: Cháo bí đỏ rây cùng bơ xay nhuyễn, trộn cùng sữa công thức và nước ấm. Mẹ có thể mix thêm rau củ chung với cháo để bé trải nghiệm vị mới lạ. Lượng cháo cho bé ăn lúc này có thể tăng lên 35ml.
Ngày 7: Cháo rây 1:10 (35ml) trộn cùng cà rốt nghiền và nước ấm. Mẹ có thể hấp cà rốt thay vì cách luộc, nhằm giữ được vị ngọt tự nhiên của cà rốt.
Ngày 8: Cháo rây 1:10 (35ml) cùng nước ấm và khoai tây nghiền.
Ngày 9: Cháo yến mạch, trà lúa mạch. Mẹ nên sử dụng yến mạch hữu cơ để đảm bảo sức khỏe cho bé nhé.
Ngày 10: Cháo yến mạch, nước củ cải trắng và củ cải trắng nghiền.
>> Tham khảo thêm: Cách chăm sóc trẻ sơ sinh mùa đông
Ngày 11: Cháo cà rốt ăn dặm kèm khoai tây nghiền, nước ấm.
Ngày 12: Cháo củ cải trắng nghiền nguyễn và trà lúa mạch.
Ngày 13: Cháo khoai lang ăn dặm kèm trà lúa mạch.
Ngày 14: Cháo yến mạch và khoai tây nghiền, trộn cùng nước ấm và sữa công thức.
Ngày 15: Cháo cà rốt mix cùng dầu cá hồi (mẹ có thể thay bằng dầu oliu, dầu gấc, dầu óc chó) và nước ấm.
Cháo yến mạch – thực đơn ăn dặm cho bé 5 tháng tuổi ngon miệng (Nguồn: Sưu tầm)
Ngày 16: Cháo trắng mix dầu ăn cho bé tùy chọn và nước ấm.
Ngày 17:Cháo khoai lang nhuyễn và nước ấm.
Ngày 18: Cháo yến mạch, khoai tây nghiền trộn sữa công thức hoặc sữa mẹ và trà lúa mạch.
Ngày 19: Cháo yến mạch kèm cà rốt nghiền, nước ấm.
Ngày 20: Cháo nấu cải bó xôi trộn cùng dầu cá hồi, nước ấm.
Ngày 21: Cháo yến mạch và lê nghiền nhuyễn, nước ấm.
Ngày 22: Cháo nấu với lòng đỏ trứng gà, nước ấm.
Ngày 23: Cháo ăn dặm nấu với rau mồng tơi, củ cải trắng nghiền nguyễn và trà lúa mạch.
Ngày 24 – 25: Cháo nấu với rau mồng tơi và dầu cá hồi kèm nước rau luộc.
Ngày 26:Cháo cà rốt và dầu cá hồi, nước ấm.
Ngày 27:Cháo hạt sen kèm táo tàu, trà lúa mạch.
Ngày 28:Cháo cải thìa, dầu cá hồi và nước ấm.
Ngày 29:Cháo ăn dặm nấu bằng cải bó xôi và dầu cá kèm nước rau luộc.
Ngày 30: Cháo khoai lang nhuyễn và trà lúa mạch.
>> Tham khảo thêm: Hướng dẫn cách chăm sóc bé bị cúm chuẩn
Mách nhỏ dành tặng Mẹ: Thực đơn ăn dặm gợi ý cho trẻ 5 tháng tuổi theo tuần
Tuần đầu tiên: Mẹ nên cho bé ăn khoảng từ 5ml – 10ml cháo trắng.
Tuần thứ hai: Ngoài cháo trắng (15ml – 25ml), Mẹ có thể thêm cà rốt (5ml), bí đỏ (5ml), khoai tây (5ml) hoặc cà chua (5ml) vào thực đơn ăn dặm cho bé 5 tháng tuổi.
Tuần thứ ba: Khi bé đã quen với thực phẩm ăn mới, mẹ có thể tăng khẩu phần ăn cho bé ăn mỗi ngày. Các món ăn dặm cho bé 5 tháng tuổi sẽ bao gồm cháo trắng (30ml – 40ml) kết hợp với các loại rau củ như rau ngót (10ml), su hào (10ml), rau cải bó xôi (10ml). Tổng số lượng mà bé sẽ dung nạp mỗi ngày sẽ ở khoảng 40ml – 50ml.
Tuần thứ tư: Mẹ duy trì thực đơn và số lượng cho các bé như ở tuần thứ 3 nhé!
>> Tham khảo thêm: Bảng cân nặng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ chuẩn WHO
Những lưu ý khi cho bé 5 tháng tuổi ăn dặm
Lưu ý khi nấu cháo ăn dặm cho bé
Thực đơn ăn dặm cho bé 5 tháng tuổi thực chất rất dễ dàng chế biến, chủ yếu thành phần từ cháo là chính. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng của cháo được ngon, không bị mất chất dinh dưỡng, thì mẹ cần chú ý các vấn đề sau:
Không dùng nước lạnh để nấu cháo ăn dặm cho bé: Việc dùng nước lạnh nấu cháo sẽ khiến các chất có trong gạo dễ bị bay hơi đi, gạo cũng trương lên. Mẹ nên dùng nước ấm nấu cháo, giúp tiết kiệm thời gian nấu và giữ được dưỡng chất tốt cho sức khỏe.
Không nên hâm cháo quá nhiều lần trong 1 ngày: Do vào giai đoạn 5 tháng tuổi, bé thường ăn rất ít, nên mẹ hãy tính toán chỉ nấu một lượng ít cháo đủ trong các bữa ăn. Hoặc mẹ có thể nấu cháo trắng rồi chia thành từng bữa nhỏ, bảo quản trong tủ lạnh. Mẹ không nên hâm cháo nhiều lần khiến cháo bị biến vị, mất đi vitamin và dưỡng chất bổ ích.
Nên lựa chọn các loại rau củ theo mùa nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm: Việc mua rau củ theo đúng mùa sẽ đảm bảo được độ tươi ngon và tránh các vấn đề thuốc bảo quản,… Điều này cũng giúp đảm bảo an toàn sức khỏe cho bé.
Không rã đông thực phẩm bằng nước nóng hay để nhiệt độ phòng: Mẹ nên đảm bảo rã đông thực phẩm theo đúng quy tắc là chuyển từ ngăn đông xuống ngăn mát và ngăn mát ra nhiệt độ phòng. Cách rã đông bằng nước nóng khiến thực phẩm bị nhiễm khuẩn, mất chất dinh dưỡng.
Không nên sử dụng các loại rau củ kỵ nhau để nấu nước dashi cho bé Có một số loại điển hình như: củ cải trắng với cà rốt, khoai tây, khoai lang và cà chua hoặc cà chua cùng dưa leo,… Các loại rau củ có nhiệt độ chín khác nhau cũng cần nấu theo thứ tự từ chín chậm đến chín nhanh. Ngoài ra, nước dashi trữ đông chỉ dùng trong vòng 1 tuần nên mẹ không nên tích trữ quá nhiều.
Những điều mẹ cần chú ý khi cho bé 5 tháng tuổi ăn dặm
Khi bắt đầu, Mẹ chỉ nên cho bé ăn với số lượng nhỏ, thậm chí là ít hơn một muỗng cà phê.
Khi giới thiệu cho bé một món ăn dặm mới, Mẹ nên tập cho bé ăn thử trong 3-4 ngày. Mẹ nhớ là luôn luôn đa dạng hóa các nguyên liệu chế biến để nhận biết được khẩu vị của bé.
Trong quá trình cho bé ăn, Mẹ hãy để mắt đến bé để kịp thời phát hiện những dấu hiệu lạ.
Trong thời điểm này, Mẹ không nên cho muối vào đồ ăn dặm. Nếu có thì lượng muối cho bé bằng 1/4 lượng muối cho người lớn.
Mẹ cũng nên tránh cho bé ăn những loại cá lưng xanh như cá thu, các loại giáp xác như tôm cua, bạch tuộc, hoặc các loại ốc, thịt, sữa bò vì dễ gây dị ứng cho bé.
Đối với những bé nhạy cảm, nếu bé không chịu ăn, Mẹ cũng không nên ép bé ăn mà hãy ngừng khoảng 2 – 3 ngày rồi chế biến thức ăn trơn hơn rồi thử cho bé ăn lại nhé!
Ngoài ra, Mẹ cũng chỉ nên cho bé ăn từng thực phẩm mới mỗi lần chứ không nên trộn lẫn để có thể biết được nguyên nhân gây ra dị ứng (nếu có).
Theo Bs. Nguyễn Phước Mỹ Linh, mẹ nên tham khảo:
Nguyên tắc ăn từ ít đến nhiều, từ loãng đến sệt, đặc, từ mịn đến thô, từ 1 nhóm đến nhiều món thực phẩm. Khi bé ăn dặm tốt, theo các chuyên gia hiện nay có xu hướng chuyển nhanh từ chế độ ăn bột ngọt sang bột mặn với đầy đủ 4 thành phần dinh dưỡng: đạm, bột, rau, và dầu để giảm bớt tỷ lệ thiếu máu thiếu sắt cho bé!
>>Tham khảo: Ăn dặm tự chỉ huy
Các dụng cụ hỗ trợ cho bé ăn dặm
Nồi nhỏ: hay còn gọi là quánh nấu bột. Mẹ nên dùng chất liệu chống dính và chọn loại có dung lượng vừa với sức ăn của bé.
Thìa đo lường: mẹ nên chọn loại có dung tích dưới 15ml hoặc bộ 3 chiếc có kích thước hơn kém nhau ½, rất tiện lợi khi sử dụng.
Cốc đo lường: dùng để đong gạo nấu cháo hay đong nước khi chế biến món ăn. Mẹ nên mua loại có vạch chia, dung tích khoảng 200ml là đủ.
Dụng cụ vắt: mẹ cần dùng khi vắt nước trái cây cho bé.
Dụng cụ mài: mẹ có thể chọn chất liệu nhựa hay kim loại nhưng nên ưu tiên loại bằng sứ vì dễ sử dụng, làm sạch và rất bén.
Chày và cối: mẹ nên chọn loại nhỏ gọn, dễ rửa.
Rổ: chỉ cần loại rổ nhỏ là đủ.
Rây: ngoài việc chắt nước canh, rây có thể dùng để loại bỏ muối, dầu mỡ, lọc thực phẩm,…
>> Tham khảo thêm: Trẻ nên uống bao nhiêu sữa bò là đủ?
Với thực đơn ăn dặm cho bé như gợi ý trên, Huggies chúc bé của mẹ sẽ bổ sung thật đầy đủ dinh dưỡng và mau ăn chóng lớn. Nếu vẫn còn những thắc mắc cần giải đáp thì đừng quên tham khảo: chuyên mục Chăm sóc bé hoặc gửi ngay câu hỏi của bạn cho Góc Chuyên Gia của HUGGIES để được các chuyên gia, bác sĩ tư vấn thêm nhé!