1. 6 tháng cho bé ăn dặm như thế nào đúng cách?
1.1 6 tháng cho bé ăn dặm như thế nào? – Bắt đầu cho trẻ ăn từ bột dạng lỏng
6 tháng tuổi, trẻ đã bắt đầu cứng cáp hơn và có thể tự ngồi hoặc ngồi khi có người lớn làm chỗ tựa. Ở giai đoạn này, ngoài sữa mẹ và sữa công thức, bạn nên tập cho trẻ ăn dặm đúng cách nhất nhằm bổ sung thêm dưỡng chất và tập làm quen với các dạng thức ăn mới. Để trẻ dễ thích nghi, trước tiên bạn nên chọn bột ăn dặm có vị sữa.
Vậy nên cho trẻ ăn dặm khi nào và như thế nào đúng cách? Đầu tiên, bạn cho bé làm quen với một lượng nhỏ bột ăn dặm dạng lỏng để trẻ dễ tiêu hóa hơn. Số lượng bé có thể ăn là 2-3 thìa/ngày. Sau này, bạn có thể tăng dần lượng bột và số bữa ăn cho bé. Khi pha bột, không nên đun nấu kỹ để tránh làm mất các chất dinh dưỡng.
1.2 Chọn bột ăn dặm cho trẻ
Bạn có thể cho trẻ ăn bột ăn dặm tự làm hoặc chọn các thương hiệu nổi tiếng trên thị trường. Thông thường, các thương hiệu bột ăn dặm cho trẻ tốt nhất bạn có thể tin tưởng là: Hipp, Nestle Cerelac, Ridielac, Meiji, Heinz… Hầu hết các thương hiệu này đều có nhiều hương vị khác nhau để bạn dễ lựa chọn.
Trước khi pha bột, bạn nên đọc kỹ hướng dẫn của nhà sản xuất để đảm bảo có được sản phẩm hoàn chỉnh, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ. Tránh tự ý pha thêm rau củ, nước hầm xương hay các loại thịt vì chúng sẽ làm mất cân bằng của bột ăn dặm, trừ khi bạn nhận được chỉ định của chuyên gia dinh dưỡng.
1.3 6 tháng cho bé ăn dặm như thế nào? – Không ép trẻ ăn quá nhiều
Đối với trẻ ở độ tuổi 6 tháng, bạn không nên ép buộc hay đưa ra bất kỳ định mức nào trong chế độ ăn dặm của trẻ. Hãy cho trẻ ăn theo thể trạng và mong muốn. Ngoài ra, bạn cũng không nên cắt bỏ khẩu phần sữa mẹ hay sữa công thức của trẻ. Khi trẻ đã quen với việc ăn dặm, bạn hãy cân nhắc giảm bớt lượng sữa hàng ngày.
1.4 Cho bé ăn dặm đúng cách với cách chia nhỏ các bữa ăn
Bạn có biết cùng một lúc trẻ sẽ không thể tiêu hóa tất cả thức ăn. Vì thế, bạn nên chia nhỏ các bữa ăn trong ngày. Tốt nhất là cho trẻ ăn dặm vào giữa các bữa sữa chính. Tuyệt đối không để trẻ ăn sát giờ đi ngủ hay ngay sau khi trẻ vừa bú hoặc uống sữa xong. Điều này khiến trẻ dễ chán ăn hoặc nôn trớ sau khi ăn.
>>> Xem thêm: Cách nấu bột ăn dặm cho bé 6 tháng tuổi
1.5 Cho trẻ ăn dặm đúng cách nhất với nguồn thực phẩm sạch
Trẻ em vốn dĩ rất dễ bị tác động bởi môi trường hay các loại hóa chất. Chính vì vậy, bạn nên chọn các thực phẩm sạch để tập cho trẻ ăn dặm. Rau củ, thịt cá, ngũ cốc hữu cơ tuy có giá thành cao hơn, nhưng sẽ đảm bảo hơn về chất lượng cũng như độ an toàn cho trẻ. Nếu được, bạn nên tự trồng rau củ để cung cấp thực phẩm sạch cho trẻ, vì ở giai đoạn này trẻ ăn rất ít.
2. Khi nào bắt đầu cho bé ăn dặm?
Việc xác định thời điểm tập bắt đầu ăn dặm, cho bé ăn dặm như thế nào thì đúng cách là vô cùng quan trọng đối với các bà mẹ. Nếu bạn cho bé ăn dặm quá sớm hoặc quá muộn sẽ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, sự phát triển khả năng ăn thô của bé về sau này.
Theo từng giai đoạn phát triển, bé sẽ ngày một lớn, kéo theo nhu cầu về dinh dưỡng cũng sẽ tăng lên. Dần dần bé sẽ quen với các hương vị thức ăn khác nhau, từ đó hình thành nên thói quen ăn uống của trẻ. Khi đã có thể kiểm soát được việc ăn uống của bản thân, bé sẽ hình thành khả năng điều khiển hành vi mỗi khi đói hay no. Chính dấu hiệu này sẽ giúp các bà mẹ có thể nhận biết được rằng bé ăn như vậy đã đủ chưa.
Bạn có thể dựa vào các dấu hiệu của bé bên dưới để xác định được thời điểm ăn dặm một cách chính xác
>>> Xem thêm: Thực đơn và cách nấu cháo cho bé ăn dặm lần đầu tiên
2.1 Trẻ thường xuyên cảm thấy đói
Trẻ sơ sinh thường sẽ bú mẹ khoảng 2-3 giờ/cữ. Tuy nhiên, khi đến độ tuổi ăn dặm (thông thường là từ là 5 tháng rưỡi đến 6 tháng), thói quen ăn uống của bé sẽ dần ổn định hơn. Khi đó, số lượng cữ ăn sẽ giảm đi và khối lượng thức ăn trong mỗi bữa sẽ tăng lên. Trong giai đoạn này, nếu nhận thấy bé luôn có biểu hiện đói, thường xuyên đòi ăn dù mới được bú mẹ no, bạn sẽ biết được rằng bé đang có nhu cầu ăn dặm thêm những thức ăn khác ngoài sữa mẹ.
2.2 Trẻ mất ngủ về đêm
Trong khoảng thời gian đầu đời, bé thường có ăn đêm rồi ít dần về sau. Khi bé được 6 tháng tuổi, thói quen ăn đêm lại xuất hiện khiến cả mẹ và bé mất ngủ về đêm. Đây cũng chính là một dấu hiệu giúp bạn nhận biết được thời điểm cho bé ăn dặm đã đến. Khi hệ tiêu hóa được bổ sung thêm các nguồn dưỡng chất khác ngoài sữa mẹ, bé sẽ không còn cảm thấy đói, bé sẽ ngủ ngon giấc hơn.
2.3 Ánh mắt của trẻ
Nếu mẹ thường hay bắt gặp ánh mắt háo hức, thèm thuồng, mỗi khi nấu cơm hay lúc cả gia đình dùng bữa, đó cũng chính là lúc nên chuẩn bị soạn thực đơn ăn dặm cho bé được rồi đấy!
2.4 Trẻ tự bốc đồ ăn
Thỉnh thoảng, bạn quan sát thấy chỉ cần có cơ hội được tiếp cận với thức ăn là ngay lập tức, bàn tay của bé sẽ cố gắng chụp lấy rồi cho thức ăn vào miệng ngay lập tức. Lúc này, hãy tập cho bé ăn dặm từ loãng tới đặc dần, từ ít tới nhiều để cơ thể bé có thể làm quen tốt hơn.
2.5 Khi trẻ có thể tự ngồi được
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, bé sẽ chỉ có thể ăn dặm khi kiểm soát được đầu và cổ, nhất là khi trẻ có thể tự ngồi khi được ba mẹ hỗ trợ.
3. Các loại thực phẩm nên có trong thực đơn ăn dặm của trẻ
Để nắm rõ cách cho bé ăn dặm như thế nào là đủ chất, bạn cần chú ý các loại thực phẩm sau:
3.1 Trái cây
– Bơ: Đây là loại thực phẩm lý tưởng dành cho những bé tập ăn dặm lần đầu. Trong bơ chứa nhiều chất béo và các chất dinh dưỡng cần thiết để cơ thể bé phát triển khỏe mạnh như vitamin A, C, niacin, folate cùng các khoáng chất như kali, phốt pho, sắt, magiê, canxi… Ngoài ra, loại trái này khi ăn có cảm giác mềm, mịn và sệt như kem, vậy nên các bé sẽ dễ ăn và tiêu hóa tốt hơn.
– Chuối: Theo các chuyên gia y tế, màng nhầy trong chuối có thể bao lấy dạ dày, hỗ trợ hệ tiêu hóa còn non nớt của bé. Chuối có vị ngọt đặc trưng nên có thể giúp bé dễ hấp thu trong lần đầu ăn dặm. Tương tự như bơ, trong chuối cũng có chứa các loại vitamin A, C, folate và các khoáng chất như kali, phốt pho, selenium, magiê và canxi… rất tốt cho bé.
3.2 Sữa chua
Trong sữa chua không chỉ có thành phần dinh dưỡng của sữa mà còn chứa đựng dinh dưỡng do hoạt động lên men của vi khuẩn axit lactic, giúp cải thiện đường ruột, chống táo bón và tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ. Khi mới bắt đầu, bạn chỉ nên cho bé ăn 1 muỗng sữa chua, nếu trẻ không có dị ứng thì mới tăng lên từng chút một.
Theo khuyến nghị của Bộ Y tế, Lao động và Phúc Lợi Nhật Bản, với bé từ 5-10 tháng tuổi lượng sữa chua là 50gram /ngày. Khi trẻ từ 1 tuổi trở lên thì sẽ là 300gram sữa chua /ngày.
3.3 Phô mai
Phô mai là một loại thức ăn cho trẻ ăn dặm cung cấp hàm lượng lớn canxi và chất dinh dưỡng giúp bé phát triển tốt trong thời kì ăn dặm. Đây là một trong những giải pháp lý tưởng cho các mẹ còn đang phân vân cho bé ăn dặm như thế nào để đủ chất. Trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên đã có thể ăn dặm với phô mai. Tuy nhiên, bạn cần thăm dò xem bé có thích mùi vị của chúng không. Nếu không thì cũng không nên ép trẻ.
4. 6 tháng cho trẻ ăn dặm như thế nào khi xây dựng thực đơn mỗi buổi trong ngày?
– Buổi sáng: 210ml – 240ml sữa mẹ hoặc sữa bột.
– Bữa trưa: 120g – 200g rau và cá hoặc thịt hoặc trứng xay nhuyễn
– Ăn nhẹ: 210ml – 240ml sữa mẹ hoặc sữa bột.
– Bữa tối: 210ml – 240ml sữa mẹ hoặc sữa bột và 120g súp rau + thịt (cá, trứng) xay nhuyễn. Hoặc có thể cho trẻ ăn 1 ít món tráng miệng như 120g sữa chua.
5. Lưu ý khi cho bé ăn dặm
– Thời điểm cho trẻ bắt đầu và kết thúc ăn dặm phải thật chính xác.
– Nên cho trẻ ăn từ ít đến nhiều.
– Thức ăn khi ăn dặm phải tuân theo quy tắc loãng trước, rồi dần dần đến đặc.
– Vị thức ăn cho trẻ ăn dặm theo thứ tự từ ngọt đến mặn.
– Nên lưu ý dầu ăn trong thức ăn dặm.
– Sự cân bằng các nhóm thực phẩm.
– Tránh nêm nếm thêm mắm hoặc muối vào thức ăn dặm của trẻ.
Trên đây là các thông tin về việc tập cho trẻ ăn dặm mà các bạn rất quan tâm. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể tham khảo thêm các bài viết hữu ích khác về vệ sinh, trang trí nhà cửa, nuôi dạy con cái để chăm sóc gia đình tốt hơn nhé!
Tác giả: Team Cleanipedia
Bản quyền thuộc về: Unilever Vietnam. Ghi rõ nguồn khi tham khảo.