Lên 7 tháng tuổi, bé đã quen dần với việc ăn dặm và việc bổ sung các loại thịt vào thực đơn là rất quan trọng để cung cấp dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể phát triển.
Thế nhưng bé nên ăn thịt gì và cần nấu thế nào giúp con ăn dặm ngon miệng, tăng cân nhanh mà vẫn an toàn với hệ tiêu hóa còn non yếu thì nhiều mẹ bỉm sữa còn băn khoăn.
Bé 7 tháng tuổi ăn được thịt gì?
Theo đánh giá của các chuyên gia y tế, thịt là thực phẩm không thể thiếu trong chế độ ăn dặm của trẻ 7 tháng tuổi. Phụ huynh có thể chế biến các món ăn từ thịt để cung cấp lượng đạm và protein cần thiết đối với sự phát triển và nhu cầu năng lượng của bé trong giai đoạn này.
Cụ thể, bé có thể ăn được các loại thịt như thịt gà, thịt bò, thịt cừu, thịt heo,… Nghĩa là không loại trừ thịt gì, miễn là mẹ có cách chế biến phù hợp với độ tuổi của bé, và con đồng ý ăn, thì đều có thể thêm loại thịt ấy vào thực đơn ăn dặm của con.
Trong đó, các loại thịt có thể phân loại theo 2 nhóm chính như sau:
Các loại thịt trắng
Thịt trắng còn được gọi là thịt sáng màu, bao gồm các loại thịt có màu nhạt. Ngược lại, các loại thịt đậm màu sẽ được gọi là thịt đỏ.
Ở giai đoạn 7 tháng tuổi, các mẹ có thể cho bé làm quen dần dần với đạm động vật từ các loại thịt trắng vì luôn dễ tiêu hóa và hấp thụ hơn thịt đỏ. Những loại thịt trắng phù hợp với trẻ như thịt chim bồ câu, thịt ngan, thịt gà… thuộc nhóm gia cầm và các loại cá.
Các loại thịt đỏ
Thịt đỏ thường là thịt của các loại động vật 4 chân như: thịt bò, thịt heo, thịt cừu, thịt bê, thịt trâu, thịt ngựa,… Và để lựa chọn thịt đỏ cho con ăn dặm thì các mẹ có thể tham khảo thịt bò hoặc thịt lợn.
Hàm lượng đạm và sắt có trong các loại thịt đỏ sẽ giúp trẻ nạp thêm nhiều năng lượng dành cho các hoạt động trong ngày, bổ sung sắt cho cơ thể nên mẹ nên bổ sung thịt đỏ với lượng vừa phải theo độ tuổi vào thực đơn ăn hàng ngày cho con.
Cách chế biến và lượng thịt phù hợp cho trẻ 7 tháng tuổi ăn dặm
Vào 6 tháng tuổi – giai đoạn bé vừa làm quen với việc ăn dặm, mẹ nên ưu tiên các loại bột mịn, lỏng (có kết cấu gần giống sữa) cho bé. Tuy nhiên, khi bé ở cột mốc 7 tháng tuổi, mẹ có thể đa dạng hơn các loại kết cấu thực phẩm mà bé ăn hằng ngày. Cụ thể, mẹ có thể cho bé ăn thêm các loại thịt hơi vón cục một chút để bé có thể làm quen thêm với các loại thức ăn.
Tuy nhiên, khi chuẩn bị các món ăn dặm từ thịt cho bé, bên cạnh việc quan tâm bé 7 tháng ăn được thịt gì, có cần chế biến mịn như bột hay không, mẹ cũng đừng quên thịt cần được làm sạch, nấu thật chín, thật kỹ. Trước khi nấu, mẹ có thể băm hoặc xay để thịt mềm và tơi hơn, giúp bé yêu dễ ăn hơn.
Việc tập cho con ăn thịt nên được bắt đầu với khoảng 1-2 thìa đã được xay nhuyễn. Nếu như lúc đầu bé từ chối ăn thịt, hãy đợi thêm khoảng một vài tuần rồi thử lại lần nữa. Để đảm bảo trẻ không bị nghẹn khi ăn thịt, mẹ hãy đợi cho bé đã ăn quen với các loại thực phẩm mềm khác.
Về lượng thịt nên bổ sung, các chuyên gia gia dinh dưỡng khuyến cáo, với bé 7 tháng tuổi mẹ chỉ nên cho bé ăn khoảng 30g thịt nạc xay nhuyễn mỗi ngày. Đến khi bé được khoảng 10-12 tháng thì có thể tăng dần lên 50 gram/ ngày… Đó là các số liệu tổng hợp trung bình để các mẹ tham khảo bởi tùy vào sự phát triển của từng bé mà con số dao động cao hoặc thấp hơn một chút.
Dù thịt có chứa hàm lượng dinh dưỡng tốt nhưng mẹ cũng không nên lạm dụng quá nhiều vì có thể sẽ gây mất cân bằng dinh dưỡng. Hơn nữa, trong thịt bò và thịt lợn có chứa nhiều chất axit béo bão hòa, ăn nhiều sẽ có nguy cơ bị mắc bệnh mãn tính cao, làm cho quá trình trao đổi chất quá nhanh gây ảnh hưởng không nhỏ.
Lưu ý khi bổ sung thịt vào bữa ăn dặm của trẻ 7 tháng tuổi
Thực chất, việc ăn dặm trong thời gian 7 tháng tuổi vẫn mới chỉ là tập luyện, còn nguồn dinh dưỡng chính cho con vẫn chủ yếu là hấp thụ từ sữa. Vì vậy, khi bổ sung thịt vào thực đơn cho trẻ cha mẹ cần phải đảm bảo rằng, bé vẫn nhận được đầy đủ lượng sữa (sữa mẹ/sữa bột) trong một ngày.
Theo đó, mẹ cần lưu ý rằng lượng sữa mà con bú còn tùy thuộc vào lượng thức ăn mà bé ăn dặm mỗi ngày. Trẻ sơ sinh rất dễ no nên sau khi cho bé tập ăn dặm kết hợp song song với việc bú sữa mẹ, mẹ không cần phải cố gắng cho bé bú hết bình như trước hay ép ăn dặm quá no. Ngoài ra, mẹ nên cho bé bú sau bữa ăn dặm thay vì ăn dặm sau khi bú sữa. Điều này sẽ giúp mẹ hạn chế được tình trạng bé yêu đã no bụng khi bú và chẳng muốn “măm măm” thêm bất kỳ món ăn nào đã được mẹ dày công chuẩn bị.
Khi lựa chọn các thực phẩm ăn dặm dành cho trẻ 7 tháng tuổi, mẹ cần phải đảm bảo được cân bằng dinh dưỡng các nhóm chất béo, đạm và tinh bột. Ngoài ra, mẹ cũng cần phải bổ sung thêm các loại rau củ, quả cùng với những khoáng chất, vitamin cần thiết cho bé.
Theo V.K – Vietnamnet