Bệnh giun lươn (Strongyloides Stercoralis) – PGS Hà Hoàng Kiệm

Bệnh giun lươn (Strongyloides Stercoralis)

Ở nước ta nói chung và khu vực Nam Bộ – Lâm Đồng nói riêng tỷ lệ nhiễm giun lươn khá cao. Khi nhiễm bệnh, giun lươn tồn tại rất lâu trong cơ thể, đến một lúc nào đó có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, có khi đe dọa tính mạng người bệnh.

1. Tác nhân gây bệnh

Tác nhân là giun tròn (nematoda) có tên khoa học là Strongyloides stercoralis. Các chủng Strongyloides bao gồm S.fülleborni thường gây nhiễm ở loài khỉ và có thể nhiễm giới hạn ở người.

2. Chu kỳ phát triển

Giun lươn sống ở ruột non nhưng cũng có thể sống ở ngoại cảnh. Miệng giun có 2 môi, vỏ thân có khía ngang, nông. Giun cái trưởng thành có đầu thon dài và đuôi nhọn, kích thước khoảng 2mm × 34 mm. Giun đực có kích thước khoảng 0,7 mm × 36 m, đuôi hình móc và có 2 gai sinh dục. Trứng giun lươn hình bầu dục, có kích thước 50 – 58 × 30 – 34 mm. Ấu trùng phát triển rất nhanh thành ấu trùng có thực quản hình trụ trong trứng và thoát vỏ ngay trong ruột, theo phân ra ngoài nên rất ít khi thấy trứng giun lươn trong phân, trừ trường hợp bệnh nhân bị ỉa chảy nhiều. Ấu trùng tiếp tục phát triển ở ngoại cảnh thành ấu trùng có thực quản hình trụ có khả năng xâm nhập qua da người hoặc sống tự do ở ngoại cảnh.

Ấu trùng giun lươn sống trong đất ẩm, ấm phát triển qua 3 giai đoạn. Ấu trùng  xâm nhập vào người bằng cách di chuyển đến các vị trí cao hơn, rồi xuyên qua da vào tuần hoàn máu tĩnh mạch để vào tim. Theo hệ tuần hoàn, ấu trùng đi vào mao mạch phổi và phổi, chui lên phế quản, khí quản rồi lên hầu, miệng được nuốt vào dạ dày, xuống ruột non. Ở ruột non chúng phát triển thành giun trưởng thành và ăn các thức ăn từ máu. Giun trưởng thành đẻ trứng vào phân, thải ra môi trường, sau đó trứng nở ra ấu trùng tiếp tục lại chu kỳ mới.

Khả năng tồn tại trong môi trường bên ngoài của ấu trùng trong điều kiện phù hợp là khí hậu nóng ẩm, chúng phát triển ở ngoại cảnh. Tuy nhiên, giun lươn cũng có thể phát triển ở vùng ôn đới hoặc lạnh.


Giun cái trưởng thành

Ấu trùng rhabditiform

3. Nguồn truyền nhiễm

– Ổ chứa: người là ổ chứa chính của giun lươn Strongyloides stercoralis. Giun lươn cũng có thể có ở một số động vật như chó, khỉ, vượn.

– Thời gian ủ bệnh: thời gian từ lúc ấu trùng xâm nhập qua da đến khi phát triển thành giun trưởng thành và đẻ trứng, trứng phát triển thành ấu trùng ra ngoại cảnh khoảng 2-4 tuần.

– Thời kỳ lây truyền: là khoảng thời gian sống của giun cái trưởng thành từ khi được thụ tinh và đẻ trứng, thâm chí đến 35 năm sau trong trường hợp tự nhiễm.

– Phương thức lây truyền:

+ Qua đường da, niêm mạc.

+ Tuy nhiên giun lươn còn có đường truyền nhiễm bất thường là chu kỳ ngược dòng: trong một số điều kiện nhất định, ấu trùng giun lươn dính lại quanh hậu môn phát triển thành ấu trùng có thực quản hình trụ và chui qua da gây tự nhiễm lại cho bệnh nhân.

– Tính cảm nhiễm và miễn dịch: Tất cả mọi người đều có thể nhiễm giun lươn.

4. Triệu chứng lâm sàng

Bệnh giun lươn được chia thành 2 dạng: 

– Dạng mạn tính, không biến chứng: gặp ở người bình thường, không suy giảm miễn dịch. Bệnh nhân hầu như không có triệu chứng. Các biểu hiện có thể gặp gồm: 

+ Ở da: có những đường ngoằn ngoèo (thường là ngang thắt lưng, quanh hậu môn) do ấu trùng di chuyển. Các vết bầm máu (kích thước khoảng 3 – 4cm) rải rác ở các chi, thân mình và nổi mề đay.

+ Đường tiêu hóa: đau bụng, tiêu chảy, ngứa hậu môn, sụt cân nhẹ. 

+ Ngoài ra, bệnh nhân có thể ho, viêm phổi (X-quang phổi có vùng thâm nhiễm), viêm đa khớp, đau cơ. Có trường hợp tìm thấy ấu trùng giai đoạn 1 trong nước tiểu. 

+ Tăng bạch cầu ái toan (Eosinophils) thường hiện diện trong giai đoạn cấp và mạn tính, nhưng có thể không xảy ra ở thể bệnh lan tỏa.

– Dạng nặng, có biến chứng: gặp ở người bị suy giảm miễn dịch. Mức độ bệnh tùy thuộc mật độ nhiễm và cơ quan bị ký sinh, bệnh nhân có kèm nhiễm khuẩn phụ hay không. Ký sinh trùng có thể tàn phá cơ thể, gây tắc ruột, viêm phổi, viêm màng não và nhiễm khuẩn huyết. Tùy theo vị trí ký sinh của ấu trùng trong cơ thể, bệnh nhân sẽ có những hiểu hiện lâm sàng khác nhau ở những cơ quan tương ứng. Do vậy, việc chẩn đoán phải dựa vào xét nghiệm huyết thanh miễn dịch học. 

Tam chứng nhiễm giun lươn = Tiêu chảy + Đau bụng + Nổi mề đay

5. Xét nghiệm

– Chẩn đoán dựa trên việc tìm thấy ấu trùng trong phân hoặc dịch tá tràng.

– Ấu trùng có thể phát hiện thấy trong đờm của những bệnh nhân nhiễm giun lươn lan tỏa.

– Chẩn đoán huyết thanh ELISA.

6. Điều trị

Thuốc được lựa chọn để điều trị cho các trường hợp nhiễm Strongyloides không biến chứng là Ivermectin, với Albendazole là thuốc thay thế. Tất cả các bệnh nhân có nguy cơ nhiễm giun lươn lan tỏa (Disseminated Strongyloidiasis) đều cần phải được điều trị.

– Albendazole: liều trẻ em như liều người lớn 400 mg/ngày x 3 ngày, hoặc

– Mebendazole: liều trẻ em như liều người lớn 500 mg duy nhất, nhắc lại sau 2 tuần, Pyrantel pamoat: liều trẻ em như liều người lớn 10 mg/kg cân nặng và nhắc lại sau 2 tuần.

Chú ý: Albendazole và Mebendazole chống chỉ định với trẻ dưới 2 tuổi, phụ nữ có thai 3 tháng đầu hoặc cho con bú, người có tiền sử mẫn cảm với Benzimidazol, người có tiền sử nhiễm độc tuỷ xương. Thận trọng khi điều trị cho người suy gan, suy thận.

7. Phòng bệnh

Việc điều trị giun lươn còn nhiều hạn chế, tỷ lệ tái nhiễm cao. Phòng bệnh có vai trò quan trọng, nên lưu ý các vấn đề sau đây để hạn chế sự nhiễm bệnh, tái nhiễm, và lây lan trong cộng đồng:

– Vệ sinh môi trường: Quản lý tốt phân, nước, rác.

– Vệ sinh cá nhân, không phóng uế bừa bãi.

– Áp dụng các biện pháp phòng hộ trong lao động và sinh hoạt hàng ngày. Những người thường hay tiếp xúc với đất nên mang găng tay, đi giày dép, đi ủng.  Khi có những biểu hiện nghi ngờ nhiễm giun lươn nên đến khám bác sĩ chuyên khoa để được xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị sớm.

8. Những biến chứng nguy hiểm có thể gặp do giun lươn

Giun lươn là một loại giun tròn nguy hiểm nhất trong các loại ký sinh trùng đường tiêu hóa ở người vì chúng có thể tự tái nhiễm trong cơ thể. Ở nước ta, tỷ lệ nhiễm giun lươn và tái nhiễm khá cao. Điều đáng chú ý là khi nhiễm bệnh, giun lươn tồn tại rất lâu trong cơ thể và có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm thậm chí có thể đe dọa tính mạng người bệnh trong khi đó việc điều trị còn nhiều hạn chế. Trong quá trình phát sinh và phát triển, ấu trùng giun lươn đã di chuyển có khi lạc chỗ hoặc không lạc chỗ, chính vì vậy giun lươn đã gây ra nhiều biến chứng ở các cơ quan khác nhau:

– Trên hệ thần kinh: ấu trùng giun lươn có thể phát triển trong lòng ruột, sau đó xuyên qua thành ruột, theo máu đi thẳng lên hệ thống thần kinh trung ương gây viêm não, màng não, áp-xe não và xuất huyết, khiến cho nhiều thấy thuốc lâm sàng chẩn đoán nhầm với một số bệnh lý viêm màng não do virus, vi khuẩn, lao, nấm…

– Trên hệ hô hấp: ngoài biến chứng ở hệ thần kinh, giun lươn còn có thể gây ra viêm phổi, áp-xe phổi.

– Nhiễm khuẩn huyết: do kéo theo hoặc đồng nhiễm với các loại vi khuẩn.

– Trên hệ tiêu hóa: tắc nghẽn đường mật do giun lươn dẫn đến hậu quả hẹp papillary, điều này được giải quyết sau khi điều trị bằng thiabendazole. Người ta nghĩ rằng hậu quả của tắc mật sẽ gây nên vàng da do nhiễm loài giun này và kết luận giun lươn là một trong những nguyên nhân làm hẹp các nhú.

 

CHIA SẺ BÀI VIẾT

Rate this post

Viết một bình luận