Bệnh hiểm nghèo và các vấn đề về sức khỏe | Pacific Cross Vietnam

Bệnh hiểm nghèo được cho là một bệnh gây nguy hiểm đến tính mạng của người bị mắc phải. Ở Việt Nam, Bộ Tài chính quy định danh mục bệnh hiểm nghèo nhằm xét giảm thu nhập thuế cá nhân bao gồm 42 bệnh sau:

  1. Ung thư
  2. Nhồi máu cơ tim lần đầu
  3. Phẫu thuật động mạch vành
  4. Phẫu thuật thay van tim
  5. Phẫu thuật động mạch chủ
  6. Đột quỵ
  7. Hôn mê
  8. Bệnh xơ cứng rải rác
  9. Bệnh xơ cứng cột bên teo cơ
  10. Bệnh Parkinson
  11. Viêm màng não do vi khuẩn
  12. Viêm não nặng
  13. U não lành tính
  14. Loạn dưỡng cơ
  15. Bại liệt hành tủy tiến triển
  16. Teo cơ tiến triển
  17. Viêm đa khớp dạng thấp nặng
  18. Hoại thư do nhiễm liên cầu khuẩn tan huyết
  19. Thiếu máu bất sản
  20. Liệt hai chi
  21. Mù hai mắt
  22. Mất hai chi
  23. Mất thính lực
  24. Mất khả năng phát âm
  25. Thương tật toàn bộ và vĩnh viễn
  26. Suy thận
  27. Bệnh nang tủy thận
  28. Viêm tụy mạn tính tái phát
  29. Suy gan
  30. Bệnh lupus ban đỏ
  31. Ghép cơ quan (ghép tim, gan, thận)
  32. Bệnh lao phổi tiến triển
  33. Bỏng nặng
  34. Bệnh cơ tim
  35. Bệnh Alzheimer hay sa sút trí tuệ
  36. Tăng áp lực động mạch phổi
  37. Bệnh rối loạn dẫn truyền thần kinh vận động
  38. Chấn thương sọ não nặng
  39. Bệnh chân voi
  40. Nhiễm HIV do nghề nghiệp
  41. Ghép tủy
  42. Bại liệt

Theo Tổ chức y tế Thế giới (WHO), trong số 56,9 triệu ca tử vong trên toàn thế giới năm 2016 thì hơn 50% là do 10 căn bệnh hiểm nghèo nhất gây ra. Bệnh tim do thiếu máu cục bộ và đột quỵ là những “kẻ giết người” lớn nhất. Những căn bệnh này vẫn là những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong toàn cầu trong 15 năm qua.

Bài viết dưới đây sẽ liệt kê 10 căn bệnh hiểm nghèo gây nguy hiểm đến tính mạng nhất trên thế giới.

1. Bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ hay bệnh động mạch vành

Căn bệnh này xảy ra khi các mạch cung cấp máu cho tim bị thu hẹp. Khi không được điều trị, bệnh mạch vành có thể dẫn đến đau ngực, suy tim và rối loạn nhịp tim.
Các yếu tố nguy cơ của thiếu máu cơ tim cục bộ bao gồm:

  • Huyết áp cao
  • Nồng độ cholesterol cao
  • Hút thuốc
  • Tiền sử gia đình bị bệnh mạch vành
  • Bệnh đái tháo đường
  • Thừa cân

Tuy nhiên, bạn vẫn có thể phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này bằng việc sử dụng thuốc và duy trì sức khỏe để có một trái tim tốt bằng lối sống lành mạnh.

2. Đột quỵ

Đột quỵ xảy ra khi một động mạch trong não bị tắc nghẽn hoặc vỡ. Điều này khiến cho các tế bào não bị thiếu oxy và bắt đầu chết dần trong một vài phút. Khi cơn đột quỵ diễn ra, bạn có thể cảm thấy tê đột ngột và gặp khó khăn khi đi lại hay nhìn xung quanh. Nếu không điều trị kịp thời, căn bệnh này sẽ gây ra những thương tật vĩnh viễn.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) báo cáo rằng có 93% người bị tê đột ngột ở một bên cơ thể là triệu chứng của đột quỵ. Thế nhưng, chỉ có 38% người bệnh nhận biết được họ cần chăm sóc y tế khẩn cấp.
Bạn có thể giảm thiểu nguy cơ đột quỵ bằng cách thực hiện các biện pháp phòng, dùng thuốc và thay đổi lối sống.

3. Nhiễm trùng đường hô hấp dưới

Đường dẫn khí và phổi có thể bị nhiễm trùng do:

  • Cúm
  • Viêm phổi
  • Viêm phế quản
  • Bệnh lao

Virus hay vi khuẩn đều có thể gây ra nhiễm trùng đường hô hấp dưới. Ho chính là triệu chứng chính. Ngoài ra, bạn có khi cảm thấy khó thở, thở khò khè và có cảm giác căng cứng lồng ngực. Nhiễm trùng đường hô hấp không được điều trị sẽ dẫn đến suy hô hấp và tử vong.

4. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)

COPD là một bệnh phổi tiến triển lâu dài gây ra tình trạng khó thở cho người bệnh. Viêm phế quản mạn tính và khí phế thũng cũng là những dạng của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Các yếu tố nguy cơ gây ra COPD bao gồm:

  • Hút thuốc chủ động hay thụ động
  • Tiếp xúc với các chất kích thích phổi như khói thải hóa chất
  • Tiền sử gia đình
  • Có tiền sử nhiễm trùng đường hô hấp khi còn nhỏ

Chưa có phương pháp nào có thể chữa trị COPD hoàn toàn nhưng sự tiến triển của bệnh có khả năng chậm lại nhờ vào thuốc điều trị.

5. Ung thư đường hô hấp

Ung thư đường hô hấp bao gồm ung thư khí quản, thanh quản, phế quản và phổi. Nguyên nhân chính gây ra những bệnh này là khói thuốc (từ hút thuốc chủ động và bị động) và các chất độc từ môi trường và trong nhà.

Ung thư đường hô hấp có thể xảy ra ở bất kỳ ai nhưng khả năng cao hơn ở những người hút thuốc hoặc có tiền sử hút thuốc. Một số yếu tố khác như tiền sử gia đình, tiếp xúc với các hóa chất độc hại như khói thải từ đốt nhiên liệu.

6. Đái tháo đường

Đái tháo đường là một nhóm các bệnh ảnh hưởng đến quá trình sản xuất và sử dụng insulin trong cơ thể. Đái tháo đường tuýp 1 là tình trạng tuyến tụy không thể sản xuất insulin và nguyên nhân chưa được hiểu rõ.

Trong khi đái tháo đường tuýp 2 thì tuyến tụy không sản xuất đủ insulin hoặc insulin không được cơ thể sử dụng một cách hiệu quả. Loại này xảy ra có thể do chế độ ăn uống, lười tập thể dục và thừa cân.

Không phải lúc nào bạn cũng phòng ngừa được bệnh đái tháo đường. Tuy nhiên, bạn có thể kiểm soát mức độ của các triệu chứng nhờ vào lối sống tích cực và duy trì chế độ dinh dưỡng phù hợp. Bổ sung nhiều chất xơ có khả năng kiểm soát lượng đường trong máu bạn.

7. Bệnh Alzheimer và các chứng mất trí khác

Có thể khi nghĩ về bệnh Alzheimer, bạn chỉ biết đó là một tình trạng gây mất trí nhớ chứ không biết nó cũng khiến người bệnh tử vong.

Alzheimer là một bệnh tiến triển phá hủy trí nhớ và làm gián đoạn những chức năng tinh thần bình thường. Chúng bao gồm suy nghĩ, tư duy và các hành vi điển hình.

Hiện nay, chưa có cách nào có thể phòng ngừa bệnh Alzheimer hiệu quả. Các nhà nghiên cứu vẫn chưa lý giải được tại sao Alzheimer lại phát triển ở một số người.

8. Lao phổi

Lao phổi xuất hiện khi phổi bị nhiễm vi khuẩn có tên gọi là Mycobacterium tuberculosis. Đó là một loại vi khuẩn có trong không khí và có thể điều trị được, cho dù một số chủng lao đã đề kháng lại các phương pháp điều trị thông thường.

Lao phổi là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở người bị nhiễm HIV. Yếu tố nguy cơ của bệnh lao phổi bao gồm:

  • Đái tháo đường
  • Nhiễm HIV
  • Thiếu cân
  • Tiếp xúc với những người bị lao khác
  • Sử dụng các loại thuốc ức chế hệ miễn dịch như corticosteroid thường xuyên

Để phòng chống lao phổi, tốt nhất là bạn nên tiêm vắc-xin BCG (Calmette-Guerin). Quá trình tiêm chủng này thường diễn ra ở trẻ em. Nếu bạn đã tiếp xúc với vi khuẩn lao, chemoprophylaxis là một loại thuốc có thể dùng để giảm khả năng phát triển bệnh.

9. Xơ gan

Xơ gan là kết quả của quá trình gan bị tổn thương lâu dài tạo thành những vết sẹo ở đó. Đây có thể là kết quả của bệnh thận hoặc các tình trạng ảnh hưởng đến sức khỏe ở gan như viêm gan, nghiện rượu mạn tính. Khi tế bào gan bị thương tổn, các mô sẹo sẽ hình thành. Từ đó, những tế bào gan khỏe mạnh phải hoạt động nhiều hơn để đảm bảo chức năng. Cuối cùng, gan bị xơ toàn bộ và có thể ngừng hoạt động.

Để ngăn ngừa xơ gan, bạn nên tránh xa các hành vi có thể dẫn đến tổn thương gan. Sử dụng và lạm dụng rượu lâu dài là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây xơ gan. Ngoài ra, bạn có thể phòng tránh bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu bằng cách thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh, nhiều trái cây và rau quả, ít đường, chất béo. Đối với viêm gan do virus, bạn nên sử dụng các biện pháp bảo vệ khi quan hệ tình dục hay dùng chung các vật dụng cá nhân như dao cạo râu, bàn chải đánh răng… để phòng ngừa.

10. HIV/AIDS

HIV vẫn là một vấn đề lớn toàn cầu. Năm 2018, đã có 770.000 người chết vì các nguyên nhân liên quan đến HIV trên toàn thế giới.Virus gây suy giảm hệ miễn dịch ở người (HIV) tấn công vào hệ thống miễn dịch và làm suy yếu hàng rào phòng thủ này, khiến cơ thể không chống lại được nhiễm trùng cũng như một số loại ung thư. Chức năng miễn dịch thường được xác định bằng số lượng tế bào CD4.

Giai đoạn tiến triển nhất khi nhiễm HIV là hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS), có thể mất từ 2–15 năm để phát triển tùy từng cá nhân. AIDS được xác định bởi sự phát triển một số bệnh ung thư, nhiễm trùng hoặc các biểu hiện lâm sàng nghiêm trọng khác.

HIV có thể lây truyền qua tiếp xúc với dịch tiết từ cơ thể những người bị nhiễm bệnh, chẳng hạn như máu, sữa mẹ, tinh dịch và dịch tiết âm đạo. Tuy nhiên, bạn không thể nhiễm bệnh thông qua tiếp xúc hàng ngày như hôn, ôm, bắt tay hoặc chia sẻ đồ vật cá nhân, thức ăn, nước uống.

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

Nguồn tham khảo:

  • The Top 10 Deadliest Diseases. https://www.healthline.com/health/top-10-deadliest-diseases
  • Danh mục bệnh hiểm nghèo. https://vnras.com/danh-muc-cac-benh-hiem-ngheo/
  • HIV/AIDS. https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/hiv-aids

Rate this post

Viết một bình luận