Bệnh sốt mò do Rickettsia và cách phòng chống

Bệnh sốt mò do Rickettsia và cách phòng chống

Bệnh sốt mò là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Orientia tsutsugamushi gây nên. Nguyên nhân là do con mò đỏ truyền mầm bệnh từ mò sang người khi bị mò đốt. Bệnh sốt mò rất khó chẩn đoán, thường nhầm với bệnh khác. Nếu không được điều trị bệnh sẽ có những biến chứng nặng, tổn thương nhiều cơ quan nội tạng dễ dẫn đến tử vong.

Bệnh sốt mò thường gặp ở nông thôn vùng bìa rừng nơi có nhiều cây cối, bụi rậm, mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh nhưng chủ yếu ở lứa tuổi lao động. Nguồn bệnh là các động vật như chuột, chó, mèo, lợn, gà. Trung gian truyền bệnh là ấu trùng mò.

Hình ảnh Mò trùng đỏ. Ảnh Intenet

Bệnh sốt mò rất khó chẩn đoán, thường nhầm với bệnh khác, đến khi phát hiện ra thì đã muộn, bệnh biểu hiện bằng sốt li bì, phát ban và nổi hạch. Nếu không được điều trị bệnh sẽ có những biến chứng nặng, tổn thương nhiều cơ quan nội tạng dễ dẫn đến tử vong.

Thời gian ủ bệnh kéo dài từ 6 ngày đến 21 ngày (trung bình từ 9 đến 12 ngày) và được chia làm các thời kỳ:

– Thời kỳ khởi phát : Tại nơi mò đốt nổi lên nốt phổng nước trong khoảng một ngày tính từ thời điểm bị đốt, song bệnh nhân không hay biết vì vết đốt không đau, rát hay ngứa, bệnh nhân chỉ đi điều trị khi có sốt cao. 

– Thời kỳ toàn phát: Bệnh nhân có các biểu hiện: 

+ Sốt nhẹ 1 đến 2 ngày đầu, sau sốt cao liên tục; cũng có nhiều trường hợp đột ngột sốt cao ngay 39 – 40°c trong ngày đầu giống như sốt rét, sau đó sốt cao liên tục dai dẳng kéo dài từ 15 đến 20 ngày. Nếu không được điều trị kịp thời người bệnh có thể gặp nguy hiểm về tính mạng. 

+ Tình trạng nhiễm độc thần kinh thường nặng nề, nhức đầu là dấu hiệu khởi đầu, đau khắp đầu, có thể nhức cả 2 hố mắt.

Vết sẹo do Mò cắn. Ảnh internet

+ Mệt mỏi, khó chịu, hoa mắt, chóng mặt, đi lại lảo đảo, ù tai, lưỡi run rẩy, có cơn vã mồ hôi, đau cơ nhiều như trong bệnh leptospirosis – có những trường hợp cũng li bì thờ thẫn, u ám như trong bệnh thương hàn.

+ Xuất hiện vết loét: Vết loét gặp ở nhiều nơi trên cơ thể, thông thường ở chỗ da non và ẩm như: Bộ phận sinh dục, nách, bẹn rồi đến hậu môn, háng, thắt lưng đôi khi gặp ở chân tay, lưng, ngực, bụng, cổ, đôi khi vết loét ở vị trí khá bất ngờ như vành tai, rốn, mi mắt. Vết loét hình tròn hoặc bầu dục có đường kính từ 1mm đến 2cm. Nếu có vảy thì vảy đen , cứng phủ trên một nốt sẩn có gờ cứng. 

+ Hội chứng về tim, mạch: rất hay gặp các tổn thương tim mạch như: Dãn mạch làm da thường hồng hào, xung huyết kết mạc mắt với nhiều tia máu đỏ (đây là triệu chứng để phân biệt với sốt rét và thương hàn). Đôi khi có những trường hợp xuất huyết dưới da, chảy máu cam, xuất huyết đường tiêu hoá, ho ra máu… 

+ Các triệu chứng về hô hấp: có thể gặp viêm phổi không điển hình hoặc viêm phế quản. 

Cách phòng chống bệnh sốt mò: Mò và ấu trùng ưa sống ở nơi đất xốp, ẩm mát trong các khe chân tường, ven bờ sông suối, nơi râm mát có bụi rậm và cây thấp. Người có thể bị đốt trong các điều kiện sau: Sinh hoạt lao động trong ổ dịch, phát rẫy làm nương, đi dã ngoại, ngồi, nằm nghỉ, trên bãi cỏ, để mũ nón, buộc võng vào gốc cây…

Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh phun thuốc diệt mò cho người dân

Để phòng, tránh bệnh sốt mò, người dân cần giữ gìn vệ sinh nơi ở, phát quang bui rậm quanh nhà, khơi thông cống rãnh, định kỳ phun thuốc tồn lưu diệt côn trùng 6 tháng/ lần… Khi đi làm rẫy, phát nương, đi rừng cần mặc quần áo dài tay có dây chun buộc chặt ở ống quần, mang giầy, đội mũ; tránh ngồi, nằm, phơi quần áo đặt balô trên bãi cỏ, gần bờ bụi, gốc cây. Khi đi về nên thay đồ ngay và tắm rửa sạch sẽ, không nên mặc đi lại nhiều lần.

Hiện nay bệnh do Ký sinh trùng – Côn trùng rất phổ biến, biểu hiện của bệnh rất khó chẩn đoán, chưa có vắc xin phòng bệnh, bệnh nhân và gia đình khi có các triệu chứng như trên cần đến ngay các cơ sở y tế để theo dõi, tư vấn điều trị, không tự ý mua thuốc điều trị hoặc điều trị không đúng làm bệnh nguy hiểm hơn, hạn chế tiếp xúc với động vật, vệ sinh thường xuyên nơi ở của các loại gia súc, gia cầm. 

Bs. Trần Doãn Hiền

Rate this post

Viết một bình luận