Bệnh xuất huyết đốm đỏ ở cá rô phi nuôi lồng – Tạp chí Thủy sản Việt Nam

Nguyên nhân

Bệnh xuất huyết đốm đỏ (bệnh viêm ruột) do vi khuẩn Aeromonas spp gây ra. Khi nuôi bằng hình thức công nghiệp, cá nuôi ở mật độ cao, môi trường nước nuôi bị ô nhiễm tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển mạnh. Bệnh xuất hiện quanh năm nhưng thường tập trung vào mùa xuân và mùa thu ở miền Bắc, ở miền Nam bệnh phát triển nhiều vào mùa mưa.

 

Dấu hiệu

Dấu hiệu đầu tiên là cá kém ăn hoặc bỏ ăn, nổi lờ đờ trên tầng mặt. Da cá chuyển màu tối, thân mất nhớt, khô ráp. Trên thân xuất hiện các đốm xuất huyết màu đỏ, các gốc vây cũng có hiện tượng xuất huyết. Những cá thể bị nặng có thể xuất hiện các vết loét nông hoặc sâu, trên vết loét có thể có nấm hoặc ký sinh trùng ký sinh. Mắt lồi đục, hậu môn có thể viêm xuất huyết, bụng có thể chướng to, các vây xơ rách, tia vây cụt dần, mang xuất huyết đỏ đậm.

Giải phẫu nội tạng: Xoang bụng xuất huyết, gan tái nhợt, mật sưng to, thận sưng và xuất huyết, ruột viêm chứa nhiều dịch trong. Xoang bụng có chứa nhiều dịch nhờn mùi hôi.

Phòng bệnh

Biện pháp phòng bệnh quan trọng nhất là không để cho động vật nuôi thủy sản bị sốc do môi trường thay đổi xấu: nhiệt độ, ôxy hòa tan, nhiễm bẩn của nước. Môi trường nước đảm bảo tốt cho đời sống của động vật thủy sản.

Đối với bè nuôi cá thường xuyên treo túi vôi, mùa xuất hiện bệnh 2 tuần treo một lần, mùa khác một tháng treo 1 lần. Vôi có tác dụng khử trùng và kiềm hóa môi trường nước. Lượng vôi tính trung bình 2 kg vôi bột/10 m3. Bè lớn treo nhiều túi và bè nhỏ treo ít túi, tập trung ở giữa lồng và phía đầu nguồn nước chảy. Ngoài ra, có thể bổ sung thêm lượng Vitamin C cho vào thức ăn (với lượng 30 mg/kg cá/ngày) trước mùa bệnh hoặc dùng thuốc có nguồn gốc thảo dược như KN – 04 – 12 của Viện Nghiên cứu NTTS I, cho cá ăn để phòng bệnh.

Cá giống đưa vào ao nuôi cần đảm bảo khỏe mạnh, đều cỡ, không mất vây, mất vẩy, không dị hình, dị tật, không mắc bệnh hoặc không mang mầm bệnh. Trước khi đưa cá giống về ao nuôi, cần tắm cho cá bằng nước muối (NaCl) với nồng độ 2% trong 10 – 15 phút để tiêu diệt mầm bệnh và cho cá ăn thức ăn đảm bảo chất lượng.

Kiểm tra lồng/bè thường xuyên, không để thức ăn dư thừa nhất là sau các đợt mưa lớn hoặc thay đổi thời tiết. Phát hiện và xử lý kịp thời cá bị bệnh, không để phát triển lây lan thành dịch.

 

Điều trị

Có thể dùng một số kháng sinh, hoặc thuốc thảo mộc có tác dụng diệt khuẩn để điều trị bệnh nhiễm khuẩn máu như sau:

+ Oxytetracycline để tắm cho cá giống trong thời gian 1 giờ, liều dùng theo khuyến cáo của nhà sản xuất.

+ Cá thịt dùng phương pháp cho ăn kháng sinh trộn với thức ăn; Sulfamethoxazol + Trimethoprim, liều dùng theo khuyến cáo của nhà sản xuất.

+ Thuốc phối chế KN-04-12: liều dùng 2 – 4 g/1 kg cá/ngày.

Cho cá ăn liên tục từ 5 – 7 ngày. Riêng với kháng sinh từ ngày thứ 2 trở đi liều lượng giảm đi 1/2 so với ngày đầu.

TS Đoàn Quốc Khánh

Rate this post

Viết một bình luận