Bị cô lập, còn đáng sợ hơn bạo lực học đường | Công tác xã hội hải phòng

Quá nổi trội, quá khác biệt, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt, khuyết tật hoặc có bệnh… là những đặc điểm khiến cho trẻ có thể bị bạn bè cô lập tại trường học.

Trẻ bị bạn bè cô lập, đi học sẽ không còn cảm thấy hứng thú. Ảnh minh họa
Vì sao trẻ bị cô lập ở trường?
Bé Hiên 10 tuổi – con gái chị Mai trắng trẻo, xinh xắn, lại học giỏi nhất lớp. Điểm của Hiên hầu hết là 9, 10. Hiên nói năng lễ phép, nhẹ nhàng nên rất được lòng các thầy cô. Nhưng bạn bè trong lớp lại chẳng mấy ai yêu quý Hiên. Vì Hiên học giỏi lại xinh xắn, các bạn nữ trong lớp sinh lòng đố kị và ghen ghét. Cánh con trai thì chia làm hai phe, một vài bạn rất quý Hiên, cố lấy lòng Hiên, còn lại ghét cay ghét đắng Hiên vì cho rằng Hiên kiêu căng, không thân thiện. Một số bạn ngồi gần còn ghét Hiên nhiều hơn vì trong giờ kiểm tra, hỏi bài Hiên không nhắc, thậm chí Hiên còn che bài không cho các bạn nhìn.
Học sinh đi học thường buồn vì học kém, bị thầy cô mắng, bị các bạn chê cười; còn Hiên buồn vì mình học quá giỏi, bị các bạn ganh ghét. Đã có lúc Hiên nghĩ, nếu mình học kém đi một chút cho giống các bạn xung quanh thì có lẽ mọi người sẽ nhìn Hiên với ánh mắt thân thiện hơn. Nhưng để học kém đi, điều này chẳng đơn giản chút nào. Bố mẹ Hiên rất coi trọng kết quả học tập. Anh trai Hiên học trường chuyên, Hiên chỉ học ở lớp thường đã khiến bố mẹ thất vọng, nếu học lớp thường mà lại học kém nữa thì không thể nào chấp nhận được.
Rồi Hiên lại nghĩ, hay là cứ cho các bạn nhìn bài đi, có mất gì đâu, cho bạn nhìn bài, điểm mình có kém đi tí nào đâu mà bạn điểm cao mình còn được bạn cảm ơn. Nhưng giờ kiểm tra, cô giáo coi thi rất nghiêm ngặt, đã có lần cô chủ nhiệm gặp riêng Hiên để nhắc nhở không cho bạn nào nhìn bài, vừa rồi cô thấy bài văn tả cảnh của bạn Phong ngồi bên cạnh giống Hiên y xì đúc. Cô phân tích cho Hiên hiểu, em có thể vì tình bạn mà cho bạn nhìn bài lần này, nhưng khi thi thật, đánh số báo danh hoặc giả dụ cô giáo lớp khác được phân coi thi giám sát chặt chẽ, bạn không thể nhìn bài Hiên được nữa, vậy chẳng phải kết quả học tập của bạn sẽ rất tệ sao. Cô khuyên Hiên, không cho bạn nhìn bài để bạn còn biết mình học kém, từ đó nỗ lực phấn đấu vươn lên. Hiên nghe cô nói rất có lý, nên kể từ đó, Hiên không cho ai nhìn bài nữa. Và tất nhiên, số bạn ghét Hiên vì thế mà chẳng hề giảm.

Trẻ em bị cô lập ở trường học rất khó tập trung để học hành tốt. Cha mẹ cần ở bên để chia sẻ và động viên con kịp thời. Ảnh minh họa
Nếu như Hiên bị ghét chỉ vì học giỏi và xinh đẹp thì lại có bạn bị ghét chỉ vì mang bệnh lạ.
Ở lớp Hiên có bạn Trang bị mắc bệnh động kinh. Học với Trang suốt 4 năm nhưng không ai biết Trang mắc căn bệnh này, cho đến mùa hè năm ngoái, cả lớp đi dã ngoại, trời oi bức, nắng nóng, Trang đột ngột lên cơn động kinh. Cả lớp nhìn Trang với ánh mắt sợ hãi. Có lẽ, đó là lần đầu tiên bọn trẻ nhìn thấy một người bị co giật, chúng cảm thấy vô cùng hoảng sợ, bối rối. Cơn động kinh chỉ kéo dài có vài phút nhưng cả giáo viên lẫn học sinh đều thấy sợ. Kể từ đó, các bạn rất ngại chơi đùa cùng Trang vì sợ nhỡ may Trang lại lên cơn động kinh bất ngờ thì chẳng biết làm thế nào để cứu bạn. Những trò chơi vui nhộn nhưng cũng không kém phần căng thẳng như rồng rắn lên mây, cướp cờ, kéo co… không ai dám rủ Trang chơi cùng. Trang cảm thấy mình bị bạn bè xa lánh, cô lập. Thực ra, các bạn không ai ghét bỏ Trang, chỉ vì sợ Trang sẽ gặp phải vấn đề sức khỏe nên cho rằng tốt nhất tránh xa để đỡ gặp phải rắc rối.
Ở một lớp học khác, câu bé Hưng bị bạn bè xa lánh, không cho chơi cùng chỉ vì cậu không có bố, mẹ cậu làm mẹ đơn thân và làm nghề cắt tóc gội đầu. Những tưởng, xã hội hiện đại, những quan niệm cổ hủ đã được xóa bỏ, nhưng không, ở đâu đó, những suy nghĩ cũ kỹ, lạc hậu vẫn len lỏi làm tổn thương không ít con trẻ. Trong khi đó, cũng ở lớp của Hưng, một cậu bạn khác không may bố mất sớm thì lại được bạn bè thông cảm, đùm bọc. Cùng là những đứa trẻ không may mắn, nhưng thái độ của bạn bè đối với hai cậu bé lại hoàn toàn khác nhau.
Bề ngoài, trước mặt thầy cô hay phụ huynh, các bạn vẫn nói chuyện với Hưng, nhưng sau lưng thỉnh thoảng vẫn xì xào, bàn tán về việc Hưng sinh ra mà không có bố, mẹ Hưng làm công việc nghe rất tầm thường.
Cha mẹ có thể làm gì để tránh cho con bị cô lập?
Trẻ bị cô lập có thể do quá khác biệt, nổi trội, hoặc do là đối tượng yếu thế, có thể do trẻ hoặc người khác đem đến (do cha mẹ chẳng hạn). Để biết con mình có đang bị cô lập ở trường học hay không, cha mẹ hãy thường xuyên chuyện trò với con. Nếu đúng là con đang bị cô lập thì mức độ trò chuyện lại càng phải nhiều hơn nữa để con không cảm thấy mình đơn độc, lẻ loi.
Bạn có thể đến trường để quan sát con và các bạn, xem xét nguyên nhân chính xác con bị cô lập, nếu do con mình, bạn nên góp ý để con chỉnh sửa, nếu do các bạn, bạn nên đến gặp giáo viên chủ nhiệm của con để trao đổi, đề nghị cô giáo tháo gỡ những khúc mắc của con với các bạn. Nếu vấn đề có vẻ nghiêm trọng, bạn có thể đề nghị cô giáo tổ chức một cuộc gặp mặt giữa bạn và các phụ huynh khác để cùng trò chuyện, để hiểu nhau hơn và nhờ phụ huynh can thiệp, giảng giải cho trẻ nhỏ hiểu.
Sau khi nghe cô giáo, cha mẹ phân tích, giảng giải, có thể các bạn học sinh trong lớp sẽ hiểu được hành động cô lập bạn của mình là sai trái, nhẫn tâm và thay đổi, nhưng cũng có thể, chúng sẽ chẳng thay đổi gì. Bạn đừng quá kỳ vọng vào sự thay đổi của người khác. Nếu con bạn vẫn tiếp tục bị bạn bè cô lập mà nguyên nhân không phải do con gây ra, hãy dạy con lờ đi, không quan tâm nhiều sẽ không còn cảm thấy tổn thương nữa. Thay vào để ý thái độ của người khác, con nên tập trung học tập, tìm kiếm các mối quan hệ mới, những người bạn mới khác lớp, ở ngoài trường học, tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng hoặc tham gia một bộ môn thể thao nào đó, đọc sách nhiều hơn…
Nếu mức độ bị cô lập ngày càng trầm trọng và không có cách nào có thể hóa giải, bạn có thể chuyển lớp hoặc chuyển trường, đến một môi trường mới để con không còn bị khó xử. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp bất đắc dĩ, điều quan trọng nhất vẫn là bạn nên giúp con hòa đồng với bạn bè.

Bình Yên/Tc GĐ&TETheo nguồn: http://giadinhvatreem.vn

Rate this post

Viết một bình luận