(VTC News) – Cuộc đời của “nàng Scarlett O’Hara” Vivien Leigh là cả một chuỗi biến động vượt quá sức chịu đựng của một phụ nữ vốn nhiều nghị lực và tham vọng như bà.
Đường đời của nữ diễn viên tài sắc này chưa bao giờ bằng phẳng, xen lẫn hào quang sự nghiệp luôn là những lục đục trong hôn nhân, sự xuống dốc của sức khỏe và cả những sự thật kinh hoàng mới được tiết lộ.
Vùng vẫy thoát khỏi cuộc hôn nhân đầu tiên
Cả thế giới biết đến tên Vivien Leigh, song tên thật của bà là Vivian Mary Hartley, bà sinh ngày 5/11/1913 tại Darjeeling, Tây Bengal, Ấn Độ. Từ nhỏ Vivien đã được mẹ truyền cho khả năng văn chương, được tìm hiểu về Hans Christian Andersen, Lewis Carroll và Rudyard Kipling, cũng như những câu chuyện Thần thoại Hy Lạp và truyện cổ Ấn Độ.
Sau khi cả gia đình chuyển đến Anh sinh sống, năm 1920, cô bé Vivian 7 tuổi được gửi vào trường Roehampton, Anh. Từ khi còn bé, Vivian đã nóivới bố mẹ rằng mình muốn trở thành “một nghệ sĩ vĩ đại”. Chiều lòng cô con gái nhỏ, cha mẹ đã cho con theo học Viện Hàn lâm Nghệ thuật Hoàng gia Anh (Royal Academy of Dramatic Art-RADA) ở London.
Cuối năm 1931, Vivian gặp và phải lòng Herbert Leigh Holman – một luật sư 32 tuổi thông minh và lịch lãm. Năm 19 tuổi, ngay sau khi tốt nghiệp, chưa kịp định hướng sự nghiệp, Vivian đã vội vã kết hôn với người yêu lớn tuổi vào ngày 20/12/1932.
Vivien Leigh thời thơ ấu. Một năm sau, Vivian sinh con gái đầu lòng.
Việc bị cuốn vào cuộc sống hôn nhân quá nhanh khiến cô gái trẻ mới 20 tuổi khi ấy cảm thấy bí bức và chỉ muốn thoát ra khỏi bốn bức tường. Vivien nhận ra cuộc sống gia đình không thích hợp với mình.
Dù luôn tỏ ra yêu chiều vợ, Holman luôn thấy xa lạ với môi trường nghệ thuật và không thể hiểu được tâm tình của bà. Còn lúc đó, Vivien thấy như đang phản bội lại chính bản thân, phản bội tài năng nghệ thuật mà Chúa đã ban cho mình.
Được sự giới thiệu của bạn bè, Vivian có vai diễn trong Things Are Looking Up, cho dù chỉ là một vai phụ, song đây được xem như sự giải thoát Vivian khỏi cảnh tù túng, bà quyết định thuê một trợ lý và tập trung phát triển sự nghiệp diễn xuất, chớp lấy mọi cơ hội để khẳng định tên tuổi.
Năm 1935, Vivian đạt được thành công đầu tiên với vở kịch The Mask of Virtue, nhận được sự hoan ngênh từ báo giới và kí hợp đồng với Alexander Korda – người mà trước đây phũ phàng đánh giá Vivian là một diễn viên thiếu tiềm năng. Sau thành công đó, Vivian sửa nghệ danh thành Vivien Leigh.
Nhan sắc tuyệt trần và hào quang sự nghiệp
Mang trong mình ba dòng máu Anh, Ailen và Armenia, sinh ra tại Ấn Độ, Vivien sở hữu nhan sắc hoàn hảo kết hợp giữa vẻ đẹp Á – Âu.
Một người quen của cha mẹ bà miêu tả: “Cô ấy có một vẻ đẹp kiều diễm, thanh thoát đến khó tả với đôi mắt to và những mớ tóc xoăn màu hạt dẻ thả dài xuống tận thắt lưng, chiếc mũi nhỏ hơi hếch và làn da tuyệt vời mà tôi chưa từng gặp”.
Không thể phủ nhận, nhan sắc trời cho đã mang đến cho Vivien nhiều thuận lợi, vẻ kiều diễm góp phần làm tăng sự lôi cuốn trong lối diễn xuất của nữ diễn viên.
Trong công việc, Vivien Leigh được đánh giá là một nữ diễn viên tự tin, nhiệt huyết, cá tính và đầy tham vọng. Năm 1939, Hollywood sôi sục trong cuộc tìm kiếm nàng Scarlett O’Hara cho bộ phim Cuốn theo chiều gió. Trước đó, vốn đã yêu quý nhân vật Scarlett trong cuốn tiểu thuyết của Margaret Michell, Vivien đã tuyên bố rằng nhất định một ngày nào đó, mình sẽ hóa thân vào nhân vật này.
Nữ diễn viên 26 tuổi khi ấy tỏ ra rất tự tin. Đạo diễn George Cukor kể lại, khi bước vào phòng thi tuyển, Vivien đã tuyên bố với với nhà sản xuất và đạo diễn của bộ phim rằng: “Không ai khác, chính tôi là Scarlett mà các ngài tìm kiếm đây”.
Khi vượt qua được 1.400 ứng viên khác và nhận vai Scarlett O’Hara, Vivien đã làm việc không biết mệt mỏi suốt hơn 120 ngày, trung bình, nữ diễn viên này phải quay liên tục 18 tiếng đồng hồ mỗi ngày.
Nàng Scarlett O’Hara kiều diễm trong Cuốn theo chiều gió.
Vai diễn Scarlett O’Hara đã đưa Vivien Leigh lên đến đỉnh cao sự nghiệp, bà nhận được tượng vàng Oscar đầu tiên – giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất năm 1939.
Cuốn theo chiều gió, Vivien chỉ là một
Nhà phê bình phim Mỹ Molly Haskell nhận xét, đây quả là bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của Vivine. Trước khi tham gia bộ phimVivien chỉ là một diễn viên người Anh bình thường, có một số vai diễn thành công tại Anh nhưng với khán giả Hollywood, bà vẫn là một cái tên hoàn toàn xa lạ.
Vivien nhận tượng vàng Oscar đầu tiên trong sự nghiệp.
Vivien Leigh được xướng tên trong lễ trao giải Oscar 1939:
Ba năm sau, cùng với người chồng thứ hai – Laurence Olivier, bà tiếp tục gây được tiếng vang lớn với bộ phim
That Hamilton Woman (1941)
Bộ phim
– bộ phim tình cảm Hollywood xoay quanh giới thượng lưu Anh.Bộ phim thành công vang dội tại Mỹ, nó còn vinh dự nhận được lời khen của cả cựu thủ tướng Anh Winston Churchill, vợ chồng Oliver – Vivien bỗng chốc trở thành những diễn viên yêu thích của cựu thủ tướng, hai người từng có vinh dự được mời ăn tối cùng ông.
Vivien hóa thân vào vai Blande trong bộ phim Chuyến tàu mang tên
dục vọng.
Đúng 10 năm sau đó, Vivien lại bất ngờ đạt đến đỉnh cao sự nghiệp lần thứ hai khi mà tưởng chừng như nữ diễn viên đang tụt dốc không phanh.
Bà vào vai Blanche DuBois – một cô gái có quá khứ không mấy tốt đẹp trong bộ phim Chuyến tàu mang tên dục vọng (A Streetcar Named Desire). Blanche đến ở nhờ nhà vợ chồng người em gái, vì biết được những vết nhơ trong quá khứ của Blanche nên cậu em rể Stanley luôn tìm cách tống chị vợ ra khỏi nhà. Sau nhiều lần không thành công, Stanley quyết định cưỡng hiếp cô để thỏa cơn tức giận.
Vai diễn trong Chuyến tàu mang tên dục vọng đã mang lại cho Vivien bốn giải thưởng cho nữ diễn viên xuất sắc nhất trong đó đáng chú ý là tượng vàng Oscar thứ 2 và giải Quả Cầu Vàng (1951). Những hình ảnh đáng nhớ về cặp đôi Scarlett O’Hare – Rhett Butler.
Lục đục hôn nhân và bi kịch về sức khỏe
Sở hữu một sự nghiệp tỏa sáng, thứ mà Vivien Leigh phải đánh đổi chính là hạnh phúc gia đình và sức khỏe của bản thân.
Thoát bốn bức tường do cuộc hôn nhân với Leigh Holman tạo ra, Vivien như chim sổ lồng, mà dồn hết mình vào sự nghiệp nhằm thỏa mãn đam mê và tham vọng của mình. Từ đó, những mối quan hệ mới trên phim trường cũng đã khiến cuộc sống của Vivien thay đổi.
Ngay khi gặp Laurence Olivier – người được mệnh danh là “hoàng tử sân khấu” của xứ sở sương mù, bà đã không ngại thổ lộ với người bạn thân ý muốn trở thành vợ của Olivier.
Khi đóng cặp tình nhân trong Fire Over England (1937), Olivier và Vivien cùng bị ngọn lửa tình thiêu đốt mãnh liệt, sau khi bộ phim kết thúc, họ chính thức bắt đầu yêu nhau cho dù cả hai đều đã có gia đình riêng.
Tháng 2 năm 1940, Oiliver li dị vợ, Leigh Holman cũng đồng ý chia tay Vivien, đôi tình nhân này được dọn đường để đến với nhau một cách hợp pháp. Nửa năm sau, ngày 30/8/1940, cả hai tổ chức lễ cưới tại Santa Barbara, California, đây là một hôn lễ kì lạ bởi chỉ có mặt hai nhân chứng là Katharine Hepburn và Garson Kanin.Vivien tưởng chừng như có một cuộc sống hạnh phúc vĩnh viễn với Laurence Olivier.
Khi đến với nhau, ngoài sự ngưỡng mộ của nhiều người, Olivier và Vivien phải chịu không ít điều tiếng khi bị chi trích là hai kẻ ngoại tình, thiếu tinh thần cộng tác trong công việc. Brooks Atkinson của New York Times viết, “Mặc dù bà Leigh và ông Olivier đều trẻ trung và xinh đẹp nhưng họ chẳng mấy khi diễn hết mình”.
Cuộc sống hôn nhân và sự nghiệp của cặp đôi được cho là hoàn hảo này đã không được như cả hai mong đợi, tất cả đều bắt nguồn từ tình trạng sức khỏe và tính khí thất thường của “cô nàng Scarlett”.
Năm 1943, sau khi hoàn thành bộ phim That Hamilton Woman vốn rất thành công tại Mỹ, hai vợ chồng tiếp tục công diễn khắp Bắc Phi, đây là giai đoạn sức khỏe của Vivien bắt đầu giảm sút.
Sau trận ốm đau và ho liên miên, năm 1944, bà được chẩn đoán nhiễm lao ở phổi trái và phải điều trị một thời gian dài, tuy nhiên, nữ diễn viên này một mực không chịu và vẫn lao vào công việc.
Chuyện chưa chấm dứt ở đó, mùa xuân năm 1945, Vivien Leigh phát hiện mình có thai, đau đớn thay, bà sảy thai ngay sau đó. Vivien gần như suy sụp hoàn toàn, đau đớn, xót xa, bà trút mọi giận dữ lên đầu chồng.
Tình trạng đó tiếp diễn khá lâu, Oilver nhận ra, vợ mình đang có những triệu chứng đầu tiên của bệnh rối loạn tâm thần, đinh điểm là việc một ngày khi xô xát với Olivier, Vivien bị trượt chân và ngã xuống cầu thang.
Đoạn giới thiệu bộ phim kinh điển Cuốn theo chiều gió:
Bộ phim kết thúc bằng câu nói “Ngày mai sẽ là một ngày khác” của Scarlett O’Hara:
Năm 1946, Vivien trở lại với bộ phim The Skin of Our Teeth, song bộ phim không mấy thành công. Năm 1947, cùng với việc Olivier được phong tước hiệp sĩ, Vivien nghiễm nhiên trở thành Hiệp sĩ phu nhân, thường được gọi là Phu nhân Olivier.
Tuy nhiên, danh xưng ấy cũng chẳng khiến cuộc đời Vivien Leigh trở nên sáng sủa hơn, trái lại, sức khỏe giảm sút, tình trạng tâm lí bất ổn kéo cả sự nghiệp và cuộc sống riêng tư của Vivien đi xuống. Bức tranh cuộc đời nàng Scarlett xuất hiện ngày càng nhiều những mảng tối…
Click vào đây để đọc tiếp phần 2
Hoàng Nhi