Nóng trong người là bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi, từ trẻ nhỏ đến người già. Khi bị nóng trong người cơ thể sẽ gây ra nhiều bệnh như: chảy máu cam, nổi mụn, táo bón….. Vậy khi nóng trong bạn nên ăn uống thế nào? Cùng tìm hiểu qua bài viết sau nhé!
Tại sao lại bị nóng trong người
Bên trong:
Chức năng hoạt động của các tạng phủ quá yếu không thể thải các chất độc sinh ra trong quá trình chuyển hóa. Cụ thể là gan và thận suy yếu nên chức năng thanh lọc không đủ sức giải độc làm độc chất bị tích tụ lại và chính những độc tố này tạo môi trường thuận lợi phát sinh mụn nhọt, mẩn ngứa, dị ứng.
Bên ngoài:
– Dùng nhiều loại hóa chất (uống thuốc trong giai đoạn điều trị bệnh).
– Sử dụng chất kích thích quá nhiều (bia, rượu, thuốc lá…).
– Uống quá ít nước, không đủ làm mát cơ thể và gây khô táo trong người.
– Ăn uống không điều độ, ăn nhiều thức ăn cay, nóng, chất béo, chất đạm, thực phẩm quá ngọt. Chính năng lượng thừa bị đốt cháy làm gia tăng chuyển hóa cơ bản nên sinh nhiệt trong cơ thể.
– Tiếp xúc với môi trường ô nhiễm và thời tiết nóng bức làm các tế bào hô hấp mạnh nên sinh nhiệt.
– Do thức đêm thường xuyên, stress trong công việc.
Nóng trong người nên ăn uống gì
– Dùng thực phẩm mát như mồng tơi, rau má, rau ngót, bột sắn dây, đậu xanh, đậu đen.
– Nóng trong người cơ thể lúc nào cũng thấy nóng, da khô… ta nên ăn một số loại trái cây giúp thanh nhiệt cơ thể một cách hiệu quả gồm:
+ Dưa hấu: Vị ngọt tính lạnh, có công dụng thanh nhiệt
+ Bí đao: Vị ngọt, tính mát, có công dụng thanh nhiệt tiêu thử
+ Mướp đắng (khổ qua): Vị đắng, tính hàn, có công dụng thanh hỏa tiêu thử
+ Dưa chuột: Vị ngọt, tính mát, có công dụng thanh nhiệt giải thử, sinh tân chỉ khát, lợi tiểu tiện
+ Nấm rơm: Vị ngọt, tính hàn, có giá trị dinh dưỡng rất cao, hàm chứa nhiều chất đạm, sinh tố C và các axit amin rất cần thiết cho cơ thể, có công dụng bồi bổ và thanh nhiệt tiêu thử
+ Mía: Vị ngọt, tính hàn, có công dụng giải nhiệt sinh tân, nhuận táo tư âm, dùng rất tốt trong mùa hè để phòng chống các chứng bệnh viêm nhiệt có biểu hiện miệng khô họng khát, sốt cao mất nước, tiểu tiện sẻn đỏ, đại tiện táo
+ Củ đậu: Vị ngọt, tính mát, có công dụng thanh thử giải nhiệt, sinh tân chỉ khát, giải rượu rất tốt. Người ta thường dùng củ đậu để ăn sống, làm nộm, nấu canh, xào với thịt hoặc rửa sạch ép lấy nước uống giải khát.
– Thường xuyên tập thể dục dưỡng sinh, đi bộ và chạy để ra nhiều mồ hôi. Việc tập thể dục rất quan trọng vì các loại thuốc tiêu độc đều không thể tiêu hết độc. Tập thể dục vừa đẩy độc tố ra khỏi cơ thể vừa tăng cường thể lực và chức năng toàn thân.
– Cố gắng giữ tâm trạng thoải mái, tránh stress hay ức chế lâu dài.
“Tích nhiệt ở đâu, gây bệnh ở đó” là gì?
– Nhiệt tích nhiều ở phế: sẽ gây hiện tượng chảy máu cam.
– Nhiệt tích nhiều ở gan: sẽ gây hiện tượng nổi mẩn ngứa, mề đay, dị ứng, hoặc men gan cao. Nặng có thể là bệnh huyết áp cao
– Nhiệt tích nhiều ở tỳ, vị: sẽ gây hiện tượng nhiệt miệng, phồng rộp miệng lưỡi, hôi miệng. Ví dụ, bệnh nhân bị đau dạ dày lâu năm thường hay kèm nhiệt miệng, phồng rộp miệng lưỡi, hơi thở có mùi khó chịu.
– Nhiệt tích nhiều ở tâm: sẽ gây hiện tượng tim hồi hộp, đánh trông ngực, mất ngủ, khó vào giấc ngủ, ngủ trằn trọc, không ngon giấc.
– Nhiệt tích nhiều ở đại tràng: sẽ gây bệnh táo bón. Nặng hơn là gây chảy máu đại tràng (Hiện tượng tiên báo trước của bệnh Trĩ).
– Nhiệt tích nhiều ở thận: bệnh nhân thấy bứt rứt, nóng trong người, nước tiểu vàng đỏ, hay vã mồ hôi…
Từ đây, khi có những triệu chứng nóng trong bạn có thể phán đoán biểu hiện bệnh ở cơ quan nào, để chúng ta có hướng trị bệnh hiệu quả.
– Có một nguyên tắc kinh điển mà bạn phải biết: Khi bạn đã bị nóng trong người thì bạn sẽ gặp phải những hiện tượng như: chảy máu cam, nổi mẩn ngứa, mề đay, hoặc nhiệt miệng phồng rộp miệng lưỡi.
– Một số thuốc chỉ có tác dụng tạm thời, làm ẩn đi các triệu chứng của bệnh. Vô hình chung, bạn lại càng làm cơ thể mình bị nhiệt hơn do tác dụng phụ của thuốc gây ra.
Nguồn: Tổng hợp
Tin liên quan