Rôm sảy là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ trong những ngày nắng nóng và ẩm ướt. Nếu không điều trị kịp thời rất dễ dẫn đến nhiễm trùng da. Để trị rôm sảy, các mẹ thường nghĩ tới cách tắm lá cho trẻ. Vậy khi bị rôm sảy nên tắm lá gì và cách tắm như thế nào?
Rôm sảy là gì?
- Trẻ em thường bị rôm sảy trong những ngày thời tiết nắng nóng
Rôm sảy là một tình trạng xảy ra trong thời tiết nóng và ẩm ướt. Rôm sảy thường không gây đau đớn nhưng có thể gây khó chịu và ngứa. Rôm sảy là tình trạng rất phổ biến và có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai ở mọi lứa tuổi nhưng trẻ nhỏ thường mắc bệnh này nhiều hơn.
Ở trẻ em, rôm sảy có chủ yếu ở da đầu, cổ, vai, ngực, lưng nhưng cũng có thể có thêm ở kẽ nách, háng. Triệu chứng là những nốt nổi mẩn đỏ to như đầu kim, hình tròn hoặc lấm tấm, đầu rôm có một chút nước, đỏ ở xung quanh, thường mọc rải rác ở đầu, cổ, ngực, lưng… Chỗ rôm mọc dày thường có màu đỏ, ngứa và có cảm giác nóng rát. Vì vậy, trẻ khi bị rôm sảy thường gãi ngứa dễ làm da bị lở do viêm nhiễm.
Trẻ bị rôm sẩy nên tắm lá gì?
1. Lá kinh giới
- Lá kinh giới trị rôm sảy
Nước lá kinh giới có thể giúp da bé nhanh mát, mịn, hết rôm sảy. Nếu có sẵn lá tươi, bạn chỉ cần rửa sạch rồi giã nát, chắt nước pha vào chậu nước tắm cho bé. Nếu không, mẹ có thể phơi khô lá kinh giới và để ở nơi khô ráo để dùng dần. Mỗi lần tắm, mẹ lấy một nắm lá khô, cho vào nồi đun sôi một lúc rồi pha vào nước tắm cho bé. Chắc chắn bạn sẽ bất ngờ với làn da mịn màng và hết rôm sảy của con sau vài lần tắm.
2. Lá dâu tằm
- Lá dâu tằm trị rôm sảy
Lá dâu tằm không những giúp bé trị rôm sảy mà còn là bí quyết tắm lá giúp trắng da, sạch vùng kín sau sinh đối với mẹ nữa đấy.
Chắc hẳn bạn rất bất ngờ khi lá dâu tằm có tác dụng trị rôm sảy đặc biệt hữu hiệu. Bạn lấy một nắm lá dâu tằm, rửa sạch cho vào nồi nước đun sôi. Chờ nước nguội bớt thì bỏ lá ra tắm cho bé. Mẹ nên nấu nhiều nước rồi để nguội bớt tắm cho bé. Không pha thêm nước lạnh. Để trị rôm nhanh hơn, mẹ có thể dùng hạt đậu xanh còn nguyên vỏ, tán mịn rồi rắc lên vùng da nhiều rôm của bé sau khi tắm với nước dâu tằm. Làm như vậy liên tục vài ngày là rôm không mọc nữa, nốt rôm cũ cũng dịu đi khiến bé dễ chịu hơn.
3. Lá khế
- Lá khế chữa rôm sảy
Bạn có thể trị rôm sảy cho con bằng nước lá khế. Lấy một nắm lá khế ngâm, rửa thật sạch. Bỏ phần gân cứng, đem xay/ giã nát với một chút muối hạt. Sau đó, bạn đem lọc nước lá khế vào chậu nước ấm rồi tắm cho con. Bạn hãy thực hiện liên tục từ 3-4 ngày, sẽ cải thiện đáng kể tình trạng rôm sảy của con.
4. Lá tía tô
- Lá tía tô trị rôm sảy
Lá tía tô cũng là một loại lá có tác dụng giải nhiệt, làm mát rất tốt. Bạn có thể lấy lá tía tô rửa sạch, cho vào cối giã nát. Lấy nước cốt chấm lên toàn bộ vùng lưng bị rôm sảy vài lần mỗi ngày. Để nước cốt lá tía tô trong khoảng 10-15 phút cho khô bề mặt rồi đi tắm hoặc lau lại bằng nước ấm cho con là ổn.
5. Lá mảnh bát
- Lá mảnh bát trị rôm sảy
Bạn có thể ra cửa hàng chuyên bán các loại lá ở chợ lớn sẽ dễ dàng tìm được loại lá này. Lá mảnh bát mua về, bạn nhớ rửa sạch rồi đem phơi. Khi nào cần dùng thì lấy ra chừng 2 nắm, rửa thật sạch một lần nữa rồi cho vào nồi, đổ xăm xắp nước và đun sôi.
Khi lá bắt đầu chuyển sang màu vàng và có mùi thơm nhẹ là được. Chờ cho nước nguội bớt, đem lọc bã rồi pha nước tắm cho con. Bằng cách này, chỉ chừng 1 tuần là da bé sẽ láng mịn và đỡ hẳn những nốt rôm.
6. Rau sam
- Rau sam trị rôm sảy
Thường mọc trong vườn và những nơi đất ẩm. Rau sam có vị chua, tính hàn, không độc và có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, sát trùng. Bạn dùng khoảng một nắm rau sam tươi giã nát, vắt lấy nước rồi pha tắm cho bé để trị rôm sảy rất hiệu quả.
7. Lá chè xanh
- Lá chè xanh trị rôm sảy
Có tác dụng trị rôm sảy rất tốt, tuy nhiên khi tắm bằng lá này, các bạn nên lưu ý: chè xanh dùng để tắm cho bé phải thật sạch, an toàn. Nên đun sôi một lúc để lá chè ngấm và pha đặc một chút (nước có màu nâu vàng), bởi nếu nước nhạt quá sẽ không có tác dụng. Bạn cũng không cần tắm chè xanh hàng ngày cho bé, vì sẽ rất mất thời gian và làm vàng khăn, vàng áo bé.
Lưu ý
– Biết chắc về nguồn gốc xuất xứ của loại lá đó để đảm bảo không sử dụng các loại lá nhiễm chất hóa học, nhiễm các vi khuẩn, vi sinh vật có hại cho làn da của bé.
– Thử phản ứng của trẻ bằng cách đun trước một cốc nước lá nhỏ rồi bôi lên tay của bé. Theo dõi xem da bé có phản ứng lạ không.
– Chỉ tắm bằng nước lá khi da trẻ bị rôm, sẩy…
– Trước khi nấu nước tắm cho trẻ sơ sinh, mẹ cần rửa sạch sẽ các loại lá, ngâm qua nước muối.
– Sau khi tắm cho trẻ, mẹ hãy tắm qua một lần bằng nước ấm, sau đó tới nước lá. Cuối cùng tráng lại lần cuối bằng nước ấm sạch.
– Mẹ chỉ nên cho bé tắm khi bé bị rôm sảy và trong khoảng 2 – 3 ngày.
Hy vọng những cách trên sẽ giúp bé không còn khó chịu với loại bệnh này nữa!
Phương Anh (Thầy thuốc Việt Nam)