Bất cứ ai cũng đã từng gặp stress ở một thời điểm trong cuộc đời. Stress có thể đem lại lợi ích, tuy nhiên nếu nó xuất hiện quá thường xuyên với cường độ mạnh thì sẽ gây ra những ảnh hưởng lớn tới sức khỏe. Trong một số trường hợp, chúng ta cần sử dụng thuốc để kiểm soát stress.
Stress là phản ứng của não bộ và cơ thể trước những điều kiện của môi trường sống. Biểu hiện của stress là kết quả của một loạt chuỗi phản ứng khác nhau diễn ra trong cơ thể, bao gồm cả những triệu chứng tâm lý và triệu chứng thực thể. Chính vì vậy mà không có một thuốc cụ thể dùng chung cho tất cả các trường hợp căng thẳng. Thay vào đó, bác sỹ có thể kê đơn một số loại thuốc, thực phẩm chức năng để giải quyết các triệu chứng cụ thể liên quan tới stress.
(Khi bạn bị stress hãy đọc bài viết: Bị stress nên làm gì?)
Thuốc kê toa để điều trị stress
Các thuốc điều trị đối với stress có thể ảnh hưởng tới hành vi và sức khỏe của người sử dụng, thậm chí một số loại thuốc có thể gây nghiện. Chính vì vậy mà việc sử dụng thuốc cần theo đúng hướng dẫn và có sự theo dõi, giám sát của bác sỹ. Dưới đây là những nhóm thuốc kê toa thường được sử dụng:
Thuốc an thần
Benzodiazepin là nhóm thuốc an thần được kê đơn phổ biến nhất, bao gồm: alprazolam (Xanax), clonazepam (Klonopin), diazepam (Valium), lorazepam (Ativan), triazolam (Halcion), temazepam (Restoril) và chlordiazepoxide (Librium). Bên cạnh đó là nhóm thuốc barbiturate hoặc rượu cũng là những chất an thần. Benzodiazepin, barbiturate và rượu tạo ra tác dụng xoa dịu thần kinh bằng cách kích thích GABA – chất dẫn truyền thần kinh ức chế có chức năng làm chậm hoạt động của não bộ.
Một số loại thuốc thường dùng khác cũng có tác dụng an thần như: thuốc kháng histamine (thường dùng để giảm dị ứng như Atarax hoặc Vistaril), và thuốc ngủ (ví dụ glutethimide (Doriden), methyprylon (Noludar) và ethchlorvynol (Placidyl).
Người sử dụng thuốc hoặc các chất an thần có thể bị nghiện. Khi ngừng thuốc, người bệnh có thể xuất hiện những triệu chứng cai nghiện như bồn chồn, mất ngủ nghiêm trọng và thậm chí tử vong. Ngoài ra, các thuốc an thần nếu uống cùng với rượu cũng có thể dẫn đến hôn mê hoặc tử vong.
Thuốc chống trầm cảm
Những thuốc chống trầm cảm cũng đồng thời có đặc tính chống lo âu, và trong nhiều trường hợp có thể được sử dụng để điều trị các triệu chứng liên quan tới stress. Hiện nay, nhóm thuốc SSRIs (chất ức chế tái hấp thu chọn lọc Serotonin), bao gồm Paxil, Prozac và Lexapro, là thuốc chống trầm cảm được kê toa phổ biến nhất cho mục đích chống lo âu, chống stress. SSRIs có tác dụng ức chế sự tái hấp thu của Serotonin, từ đó làm tăng nồng độ Serotonin trong não. Điều này có thể giúp cải thiện tâm trạng và giảm cảm giác lo lắng.
Thuốc SSRI không gây nghiện, nhưng có những tác dụng phụ chẳng hạn như buồn nôn, chóng mặt, khô miệng, rối loạn giấc ngủ, tăng cân và giảm ham muốn tình dục.
(Để biết thêm thông tin về các thuốc chống trầm cảm, bạn có thể tham khảo bài viết: Thuốc chống trầm cảm.)
Thuốc chẹn beta
Thuốc chẹn beta là loại thuốc thường được sử dụng để kiểm soát huyết áp cao và điều trị một số vấn đề về tim. Đối với một số người, các loại thuốc này có thể sử đụng để phòng ngừa hoặc làm giảm các triệu chứng lo âu và căng thẳng. Thuốc chẹn beta như Inderal (propranolol) và Tenormin (atenolol) ngăn chặn hoạt động của chất dẫn truyền thần kinh và hormone norepinepherine trong động mạch và cơ tim, làm cho động mạch mở rộng, làm chậm hoạt động của tim và giảm lực co. Thuốc chẹn beta giúp giảm các triệu chứng liên quan tới stress như hồi hộp, nhịp tim nhanh.
Các tác dụng phụ tiêu cực phổ biến nhất của thuốc chẹn beta là bàn tay và bàn chân lạnh, mệt mỏi và rối loạn giấc ngủ. Tác dụng phụ ít gặp hơn của việc sử dụng thuốc chẹn beta bao gồm bất lực, chóng mặt, thở khò khè, các vấn đề về đường tiêu hóa, phát ban da và khô mắt.
Sử dụng men vi sinh (probiotics) – phương pháp giảm stress an toàn
Ruột được ví như một bộ não thứ hai của cơ thể với khả năng hoạt động độc lập nhờ một hệ thống gồm hơn 100 triệu tế bào thần kinh. Hệ thần kinh ruột tương tác trực tiếp với hệ thần kinh trung ương thông qua 400-600 triệu tế bào thần kinh khác – sự kết nối này gọi là trục não ruột. Hoạt động của đường ruột được chứng minh có ảnh hưởng tới trạng thái tinh thần và các rối loạn tâm thần như stress, lo âu, trầm cảm. Trong đó, hệ khuẩn chí đường ruột đóng vai trò quan trọng trong việc giữ cho dẫn truyền thông tin trục não ruột được đúng và ảnh hưởng trực tiếp tới tâm trạng. Những nghiên cứu khoa học trong thời gian gần đây cho thấy, probiotics có thể giúp cải thiện tâm trạng và giảm các triệu chứng liên quan tới stress, lo âu, trầm cảm.
Cách thức mà vi khuẩn đường ruột ảnh hưởng đến chức năng của não bộ ngày càng được làm sáng tỏ, với 5 cơ chế chính:
- Sản xuất và điều tiết việc giải phóng các chất dẫn truyền thần kinh ( như serotonin, GABA) và các yếu tố hướng thần kinh (BDNF)
- Bảo vệ hàng rào ruột cũng như tính thống nhất của các điểm nối trên lớp tế bào biểu mô ruột. Đây được coi là “cánh cửa” giúp ngăn chặn các chất gây viêm và phản ứng viêm thần kinh – yếu tố kích hoạt stress.
- Kiểm soát thần kinh cảm giác tại ruột.
- Tạo ra các chất chuyển hóa quan trọng, nhất là các acid béo chuỗi ngắn.
- Kiểm soát miễn dịch niêm mạc ruột.
Chính vì vậy mà hiện nay, sử dụng probiotics được các nhà chuyên môn kỳ vọng là một phương thức hoàn toàn mới có thể giúp cải thiện tâm trạng và giảm các rối loạn tâm thần như stress, lo âu, trầm cảm một cách hữu hiệu, đồng thời an toàn, ít gây tác dụng phụ.
(Để hiểu rõ hơn về mối quan hệ đường ruột và stress hãy đọc: Stress và mối liên quan hệ khuẩn chí đường ruột)
Có hàng ngàn chủng vi khuẩn khác nhau sinh sống tại đường ruột, mỗi một loài vi khuẩn có các đặc tính và vai trò nhất định đối với sức khỏe như: tiêu hóa thức ăn, ngăn cản sự xâm nhập của các vi khuẩn gây bệnh, điều hòa miễn dịch… Trong số đó, chỉ có một số loài vi khuẩn nhất định mới có tác dụng nổi trội trong việc cải thiện tâm trạng và chức năng não bộ của người – chúng được gọi là những “Psychobiotics” hay còn gọi là “probiotics tâm trạng”.
Năm 2015, lần đầu tiên các nhà khoa học của Winclove – Hà Lan đã cho ra đời công thức probiotics tác động đích trên trục não ruột và cải thiện các rối loạn tâm thần kinh, với tên gọi là Ecologic Barrier. Các thử nghiệm lâm sàng cho thấy, sử dụng Ecologic Barrier giúp cải thiện tâm trạng buồn bã, lo lắng, kích động và đặc biệt, công thức này có khả năng cải thiện khả năng ghi nhớ, tăng hiệu suất làm việc của người sử dụng khi phải đối diện với stress.
Bổ sung vitamin và khoáng chất
Một số loại vitamin được chứng minh có thể cải thiện stress khi được bổ sung đầy đủ. Bạn có thể áp dụng một chế độ ăn uống hợp lý với các thực phẩm giàu vitamin E, các vitamin nhóm B (B1, B3, B5, B6, B12) vitamin, C, D, Axit folic (trong lá rau xanh), biotin, sắt, magiê, mangan, phôtpho, kali, selen, kẽm, protein, chất béo, omega 3 và cacbon hyđat. Tránh sử dụng những chất kích thích (rượu, ma túy,…) bởi vì chúng có thể làm tổn thương các tế bào thần kinh, về lâu dài sẽ khiến cho tình trạng của bạn trầm trọng hơn.
Theo benhlytramcam.vn