Tất cả những thắc mắc về căn bệnh thủy đậu đã được BS Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh – Bệnh viện Nhi đồng 1 giải đáp trong bài viết sau. Mời bạn đọc đón xem.
1. Bệnh thủy đậu lây qua những đường nào?
Thưa BS Trương Hữu Khanh, được biết thủy đậu là căn bệnh thường xuất hiện khi trời nồm ẩm. Thời tiết tác động đến căn bệnh này ra sao? Bệnh lây truyền qua những con đường nào?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Thời tiết nồm ẩm không ảnh hưởng gì đến bệnh thủy đậu.
Bệnh thủy đậu thường xuất hiện từ tháng 2 đến tháng 6, giảm dần vào các tháng tiếp theo và bùng phát trở lại vào tháng 12. Đây là chu kì của bệnh thủy đậu.
Thủy đậu được xếp vào loại bệnh rất dễ lây lan. Nếu 1 thành viên trong gia đình bị thủy đậu thì bệnh có thể lây cho tất cả thành viên còn lại và kéo dài nhiều tháng. Bệnh thủy đậu lây truyền qua đường hô hấp. Người bệnh nói chuyện, hắt hơi, ho sẽ làm vi rút trong vùng hầu họng lan ra không khí. Người bình thường hít phải virus sẽ nhiễm bệnh.
Vết da nổi khi bị thủy đậu có thể phát tán virus ra môi trường. Người khác khi chạm phải vết da này và đưa tay lên mũi thì cũng sẽ mắc bệnh.
Người bị thủy đậu chỉ phát hiện ra bệnh khi thấy nổi bóng nước trên da. Tuy nhiên, trước khi nổi bóng nước thì người bệnh thủy đậu đã có thể lây bệnh cho người khác.
2. Triệu chứng nhận biết bệnh thủy đậu
Thủy đậu thường xảy ra ở độ tuổi nào, có phải tất cả mọi trẻ đều phải trải qua căn bệnh này? Triệu chứng thay đổi ra sao qua mỗi giai đoạn bệnh thưa BS?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Nếu như trẻ chưa chủng ngừa thủy đậu thì nhất định sẽ bị thủy đậu.
Nếu trẻ chưa tiêm ngừa thì sẽ bị thủy đậu ở tuổi bắt đầu đi học. Tùy vào môi trường chích ngừa sẽ tạo ra đối tượng, độ tuổi mắc bệnh khác nhau. Tuy nhiên, hầu như những trẻ ở độ tuổi bắt đầu đi học đến dưới 10 tuổi sẽ hay bị thủy đậu.
Thủy đậu khá dễ nhận biết triệu chứng. Ở người lớn, thường sẽ xuất hiện sốt nhẹ, đau nhức cơ thể trước khi nổi bóng nước.
Đối với trẻ nhỏ, bệnh không có dấu hiệu nào để nhận biết cho đến khi trẻ bị nổi bóng nước hình tròn, lõm ở giữa, có màu xám. Những vết thủy đậu này gây ngứa và khi đè vào sẽ có cảm giác đau.
Đặc tính của bong bóng nước thủy đậu là nổi nhiều đợt. Do đó, trên cùng vùng da sẽ xuất hiện nhiều trạng thái bong bóng nước.
Thủy đậu được chia thành những mức độ nào?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Thủy đậu không chia theo mức độ mà chia theo biến chứng.
Đối với thủy đậu không biến chứng thì sẽ khỏi bệnh trong 10-14 ngày.
Nếu thủy đậu có biến chứng sẽ gây nhiễm trùng da, bong bóng sẽ hóa mủ và để lại sẹo. Từ nhiễm trùng da sẽ gây ra nhiễm trùng huyết. Ngoài ra, biến chứng bệnh thủy đậu có thể gây viêm phổi, viêm não, hoặc viêm tiểu não.
Đặc biệt, thủy đậu ở người phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu sẽ gây xảy thai; thủy đậu bẩm sinh, thậm chí là bại não ở trẻ.
3. Bị thủy đậu có cần kiêng tắm, hải sản, thịt bò, thịt dê?
Khi con bị thủy đậu, một số bậc phụ huynh thường quan niệm không được tắm, tránh ra gió và tránh một số loại thực phẩm như thịt dê, hải sản tôm, thịt bò để hạn chế sẹo cho bé. Theo BS, việc kiêng khem này có cần thiết? Nên chăm sóc trẻ như thế nào để nhanh khỏi bệnh, tránh thành sẹo thưa BS?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Điều này hoàn toàn không đúng. Việc phụ huynh kiêng gió, kiêng tắm, trùm kín cho trẻ rất nguy hiểm. Vì khi trẻ không tắm và trùm kín sẽ khiến cơ thể ra nhiều mồ hôi và dơ, từ đó làm nhiễm trùng da và gây sẹo.
Việc ăn uống không liên quan đến chuyện để lại sẹo. Trường hợp trẻ bị dị ứng với một số thức ăn thì sẽ khiến trẻ bị ngứa và gãi nhiều, gây ra nhiễm trùng da.
Để chăm sóc trẻ bị thủy đậu tốt thì cần đưa trẻ đi khám để điều trị. Hiện nay, có 2 loại thuốc để điều trị thủy đậu là thuốc uống và thuốc bôi da. Chăm sóc trẻ ở nhà thì cha mẹ cần theo dõi vết rạ, nếu vết rạ tấy đỏ và lan ra xung quanh thì cần đưa trẻ đến bác sĩ. Trường hợp trẻ có biểu hiện sốt cao, co giật thì cần đưa đến bệnh viện ngay.
4. Nốt thủy đậu bị vỡ, xử trí thế nào để tránh nhiễm trùng?
Nốt mụn thủy đậu làm trẻ ngứa ngáy nên hay gãi, dẫn đến vỡ nốt mụn. Trong trường hợp này, mẹ nên xử trí thế nào để tránh nhiễm trùng? Nên bôi thuốc gì giúp giảm cảm giác khó chịu cho con ạ?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Khi bé bị thủy đậu thì cha mẹ nên cắt móng tay cho trẻ. Cần cho trẻ tắm rửa thường xuyên, mặc quần áo thoáng mát. Trường hợp bé ngứa nhiều thì cần đưa đi khám và uống thuốc để giảm ngứa. Những việc làm này sẽ giúp trẻ đỡ ngứa và gãi nhiều; từ đó tránh nhiễm trùng da.
Nếu thủy đậu mới nổi thì sẽ bôi Acyclovir. Trường hợp bong bóng nước đã vỡ thì sẽ dùng xanh methylen. Nhưng điều quan trọng nhất là phải tắm rửa cho trẻ thật sạch bằng xà phòng.
Cũng có phụ huynh hỏi AloBacsi rằng việc dùng thuốc xanh methylen hơi mất thẩm mỹ và dính màu vào chăn mền, ga giường… vậy có thuốc nào thay thế xanh methylen mà không có màu không ạ?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Không. Có nhiều loại thuốc bôi như betadine, xanh methylen, thuốc đỏ; tuy nhiên loại nào cũng có màu. Vì vậy, phụ huynh cần cẩn thận khi bôi, tránh bôi những vị trí không cần thiết.
5. Bôi xanh methylen vào giai đoạn nào của thủy đậu?
Xanh methylen là loại thuốc bôi thường dùng khi trẻ bị thủy đậu. Nhưng nhiều cha mẹ thắc mắc rằng, bôi xanh methylen vào giai đoạn nào mới đúng, trước hay sau khi mụn nước vỡ ra sẽ hiệu quả hơn ạ? Một số trường hợp, mẹ bôi thuốc nhưng lỡ dính vào miệng, mắt trẻ thì nên xử lý thế nào?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Khi bong bóng nước chưa vỡ thì sẽ bôi Acyclovir để khô nhanh. Khi bong bóng nước đã vỡ thì mới bôi xanh methylen.
6. Trong nhà có người mắc thủy đậu, làm sao để tránh bị lây bệnh?
Trong nhà có trẻ bị thủy đậu, cần làm gì để phòng tránh lây nhiễm cho những người khác, nhất là trẻ em và phụ nữ mang thai?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Nếu trẻ bị thủy đậu thì phải cho trẻ nghỉ học, thậm chí là nghỉ học dài hạn. Vì thủy đậu có lây sau 21 ngày, khi vết thủy đậu trên da đã khô.
Trong gia đình, nếu có thể nên cách ly trẻ với mọi người xung quanh. Những thành viên trong gia đình chưa tiêm ngừa thì cần đi tiêm ngay. Nguy hiểm nhất là trường hợp trẻ lây cho những em bé chưa đến tuổi chủng ngừa thủy đậu.
Trường hợp trong gia đình có phụ nữ mang thai thì cần tránh xa người bị thủy đậu, đặc biệt là trong 3 tháng đầu của thai kỳ.
7. Vắc xin ngừa thủy đậu cần tiêm mấy mũi?
Phòng ngừa thủy đậu như thế nào? Vắc xin thủy đậu được tiêm lúc nào, có tác dụng trong bao lâu và bảo vệ trẻ như thế nào trước căn bệnh này thưa BS?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Thủy đậu là căn bệnh “đến hẹn lại lên”, nếu năm nay chưa bị thì có khả năng năm sau sẽ bị. Đặc biệt, người ở độ tuổi càng lớn sẽ bị nặng hơn người nhỏ tuổi.
Để ngừa thủy đậu thì cần phải chủng ngừa. Hiện nay, vắc xin ngừa thủy đậu đã có đầy đủ. Nên tiêm ngừa 2 mũi để tránh mắc bệnh thủy đậu.
Tại TPHCM có những cơ sở tiêm ngừa thủy đậu nào?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Có nhiều cơ sở tiêm ngừa bệnh thủy đậu. Vì vậy, người dân nên lựa chọn cơ sở dịch vụ gần nhà để tiêm ngừa.
Lời khuyên của BS dành cho các bậc phụ huynh có con đang bị thủy đậu.
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Thủy đậu rất dễ lây, đặc biệt, khi trẻ bắt đầu đi học và người lớn đi làm thì sẽ mang mầm bệnh lây cho trẻ.
Khi trẻ đã mắc thủy đậu thì cần theo dõi, điều trị vì đã có thuốc đặc trị và không kiêng tắm, không kiêng ăn, không kiêng gió. Cần cho trẻ mặc đồ thoáng mát, bôi thuốc và tắm rửa bình thường, tránh để trẻ bị nhiễm trùng da.
Khi trẻ có dấu hiệu nhiễm trùng nặng, co giật, hôn mê, thở mệt, yếu tay chân thì trẻ đã có biến chứng và cần đưa đi nhập viện ngay.
Cha mẹ cần chú ý, thủy đậu là bệnh có vắc xin nên cần cho trẻ tiêm ngừa.