Có rất nhiều biện pháp tránh thai nhưng nhiều chị em chưa biết phương pháp nào vừa giúp bảo vệ sức khỏe vừa có hiệu quả tránh thai cao. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn trả lời vấn đề này.
Khi phụ nữ đến tuổi sinh đẻ, họ sẽ phải đối mặt với hai sự lựa chọn: mang thai và tránh thai. Vì thế, các chị em đều cần biết trong số các biện pháp tránh thai, đâu là cách đáng tin cậy và ít gây hại cho cơ thể mình. Dưới đây là một số biện pháp phổ biến.
1. Bao cao su được sử dụng phổ biến nhất, nhưng tỷ lệ dùng sai cao nhất
Dùng bao cao su là một trong các biện pháp tránh thai hiện đại được nhiều cặp vợ chồng tin dùng. Có hai loại bao cao su: loại dành cho nam và loại dành cho nữ.
Bao cao su vừa giúp tránh thai vừa ngừa nguy có mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục. (Ảnh minh họa)
Điểm tốt của bao cao su là chúng rất tiện lợi và là biện pháp tránh thai duy nhất giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Vì tỷ lệ mắc ung thư cổ tử cung hầu hết liên quan đến nhiễm vi rút HPV, việc sử dụng bao cao su cũng có thể làm giảm tỷ lệ mắc ung thư cổ tử cung ở một mức độ nhất định.
Tuy nhiên, để phát huy hết tác dụng của bao cao su, phải sử dụng đúng cách – khi đó tỷ lệ hiệu quả của bao cao su nam là 98%, bao cao su nữ là 95%. Tuy nhiên, nếu bạn mua phải hàng nhai hoặc đã hết hạn dùng hoặc trong quá trình sử dụng, bao cao su bị nứt, rách, tuột… thì tỷ lệ thất bại của biện pháp này lên tới 15%. Bởi thế, chị em vẫn cần cảnh giác trong việc dùng “áo mưa”.
2. Thuốc tránh thai có tác dụng phụ lớn nhất
Có 2 loại thuốc tránh thai: Thuốc tránh thai hàng ngày và thuốc tránh thai khẩn cấp.
Thuốc tránh thai hằng ngày hay còn gọi là thuốc tránh thai phối hợp, là biện pháp được dùng phổ biến nhất ở phụ nữ. Mỗi hộp có 21 hoặc 28 viên, chứa 2 loại hormone nữ là progesterone và estogen, giúp duy trì lượng hormene cần thiết trong cơ thể để ngăn rụng trứng. Ngoài ra, loại thuốc này còn làm mỏng niêm mạc tử cung, để trứng có thụ tinh cũng không làm tổ được và làm đặc chất dịch nút cổ tử cung. Nó còn có khả năng chống tinh trùng đi qua và làm giảm sự di chuyển của tinh trùng trong ống dẫn trứng.
Khi sử dụng thuốc tránh thai, bạn nên được bác sĩ sản phụ khoa tư vấn và hướng dẫn. (Ảnh minh họa)
Thuốc ngừa thai khẩn cấp là biện pháp tránh thai có hiệu quả cao sau khi giao hợp không sử dụng một biện pháp phòng tránh nào hoặc các biện pháp tránh thai đều không có hiệu quả (như quên uống thuốc tránh thai hàng ngày, tính sai ngày an toàn, dụng cụ tử cung (vòng tránh thai) bị tuột, bao cao su bị rách, thủng…).
Nếu như thuốc ngừa thai hằng ngày có hàm lượng hormon nữ progestin ở mức ổn định thì thuốc ngừa thai khẩn cấp chứa hàm lượng progestin cao gấp nhiều lần khiến cho thuốc có tác dụng tức thì, tác dụng ngay lên buồng trứng làm ức chế quá trình rụng trứng và làm thay đổi niêm mạc tử cung ngăn chặn quá trình làm tổ của hợp tử.
Tuy nhiên, nếu quên uống thuốc, tỷ lệ thất bại của biện pháp dùng thuốc tránh thai nói chung sẽ lên tới 8%. Thuốc tránh thai có thể gây rỉ máu, căng tức ngực, buồn nôn và suy giảm ham muốn tình dục. Viên uống phối hợp có thể đi kèm với nguy cơ hình thành cục máu đông ở chân và làm tăng nguy cơ đột quỵ nếu bạn là người hút thuốc.
3. Cấy que tránh thai dưới da hiệu quả hơn thuốc viên và bao cao su
Ngoài bao cao su và thuốc tránh thai, một biện pháp nhiều phụ nữ nghĩ đến là đặt vòng tránh thai, tuy nhiên phương pháp này là một cuộc tiểu phẫu, không phải cơ thể phụ nữ nào cũng thích hợp để sử dụng. Vì vậy, các chị em phụ nữ có thể lưu tâm phương pháp cấy que tránh thai dưới da. Trên thực tế, phương pháp này đã được Tổ chức Y tế Thế giới đã công nhận từ những năm 1980.
Cấy que tránh thai dưới da có hiệu quả ngừa thai tốt nhất. (Ảnh minh họa)
Điều cốt yếu là cấy que tránh thai dưới da là một trong những biện pháp tránh thai hiệu quả nhất hiện nay, với tỷ lệ ngừa thai thành công cao hơn 99%. Nguyên tắc tránh thai là: một ống nhỏ có chiều dài khoảng 40 mm chứa một lượng progesterone nhất định được cấy vào dưới da bên trong bắp tay của phụ nữ để từ từ giải phóng progesterone, từ đó làm cho dịch tiết cổ tử cung dính lại. Nó ngăn không cho tinh trùng xâm nhập vào tử cung, đồng thời cũng điều chỉnh nồng độ hormone ở phụ nữ, ức chế sự rụng trứng và tăng trưởng nội mạc tử cung. Phương pháp này thường có giá trị lên đến ba năm. Tóm lại, miễn là que tránh thai được cấy dưới da có hiệu quả thì phụ nữ không cần phải sử dụng các biện pháp tránh thai khác cùng lúc.
Khi không có nhu cầu tránh thai, việc rút que tránh thai dễ dàng hơn nhiều so với lấy vòng tránh thai và có thể lấy ra bất cứ lúc nào. Sau khi gây tê cục bộ, các bác sĩ sẽ rạch một đường nhỏ trên da để rút que tránh thai ra. Ngoài ra, một tuần sau khi que tránh thai được loại bỏ, lượng progesterone từ trong que tránh thai tiết ra trong cơ thể về cơ bản biến mất, 90% phụ nữ sẽ tiếp tục rụng trứng trong vòng 3-4 tuần, tức là họ có thể mang thai và có con bình thường.
Đồng thời, thuốc trong que tránh thai dưới da chỉ tiết ra progesterone và không chứa estrogen như thuốc uống tránh thai, nên có thể phù hợp đối với những phụ nữ cơ thể không thích ứng được với thuốc tránh thai có thành phần estrogen. Ngoài ra, progesteron ở thuốc trong que tránh thai tiết ra còn có thể làm giảm lượng kinh nguyệt, rất thích hợp cho phụ nữ kinh nguyệt ra nhiều, thậm chí với phụ nữ thiếu máu, phụ nữ đau bụng kinh, đây có thể nói là một công dụng bổ sung rất tốt.
Phụ nữ nên lưu ý gì khi lựa chọn biện pháp tránh thai
Theo các bác sĩ sản phụ khoa, tùy độ tuổi của phụ nữ, số con đã có cũng như tình trạng sức khỏe và điều kiện kinh tế, công việc, hoàn cảnh gia đình… mỗi người sẽ phù hợp với các cách tránh thai khác nhau. Thực tế, không có biện pháp tránh thai nào là tối ưu cho tất cả mọi chị em. Vì thế, để lựa chọn biện pháp tránh thai hiệu quả và an toàn nhất với mình, bạn nên đi khám và tư vấn tại các phòng khám chuyên khoa kế hoạch hóa gia đình, sản phụ khoa.
Nguồn: https://phunuvietnam.vn/bien-phap-tranh-thai-nao-it-gay-hai-cho-phu-nu-nhat-co-le-90-ch…Nguồn: https://phunuvietnam.vn/bien-phap-tranh-thai-nao-it-gay-hai-cho-phu-nu-nhat-co-le-90-chi-em-chua-biet-dieu-nay-51202215795416347.htm
Theo HÀ VŨ. Dịch từ Sohu (Phụ Nữ Việt Nam)