Bổ sung kẽm thế nào cho đúng?

Nguyễn Phương Thu(Bắc Ninh)

Như đã biết, kẽm có vai trò quan trọng đối với quá trình phát triển chiều cao, cân nặng, hệ thần kinh và miễn dịch của trẻ trong những năm đầu đời. Nếu thiếu kẽm sẽ tác động tiêu cực tới việc phát triển chiều cao, thể chất và hệ miễn dịch của trẻ. Thiếu kẽm ảnh hưởng đến vị giác và khứu giác khiến trẻ không có cảm giác ngon miệng khi ăn. Về lâu dài, trẻ sẽ biếng ăn, gây nên tình trạng suy dinh dưỡng, chậm lớn.

Một số loại thực phẩm chứa nhiều kẽm.

Một số loại thực phẩm chứa nhiều kẽm.

Liều khuyến cáo bổ sung kẽm cho trẻ 20 tháng là 3mg/ngày. Cần lưu ý: Đọc kỹ hàm lượng kẽm nguyên tố (các sản phẩm ghi kẽm thường có gốc muối. Ví dụ: Gluconat 70mg nhưng tương đương 10mg kẽm). Nên cho trẻ uống sau bữa ăn vì một số protein, acid amin có tác dụng làm tăng hấp thu kẽm. Uống cách xa các thuốc, sữa có chứa calci, sắt, đồng khoảng 2 giờ để ngăn ngừa tương tác làm cạnh tranh hấp thu. Một số các thuốc có tương tác với kẽm như kháng sinh nhóm quinolon, tetracyclin thì nên uống cách xa nhau ít nhất 2 tiếng.

Tránh dùng quá liều kẽm cho trẻ (tối đa là 7mg/ngày cho trẻ 20 tháng) bởi có thể gây các triệu chứng như: buồn nôn, nôn mửa, chán ăn, tiêu chảy, đau đầu…

Hiện nay, các sản phẩm bán trên thị trường rất nhiều. Tùy từng cơ thể nên chọn loại nào. Tuy nhiên, nên chọn loại dễ dùng, với bé nên chọn dạng siro hoặc cốm pha.

Việc bổ sung kẽm cho trẻ tuy đơn giản nhưng cũng cần phải đúng và tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ. Chị nên cho con đi khám để được tư vấn cụ thể.

DS. Ngô Nam Phương

Rate this post

Viết một bình luận