Vitamin rất cần cho sự phát triển của trẻ. Nhưng có phải cứ bổ sung vitamin là tốt cho bé? Bổ sung loại nào là cần thiết, loại nào là không cần thiết? Để hiểu hơn về vấn đề này, Mabu xin phép tổng hợp và chia sẻ bài viết của bác sĩ dinh dưỡng Anh Nguyễn về việc bổ sung vitamin cho bé trên trang cá nhân của mình:
Có 2 loại vitamin:
– Loại tan trong nước: vitamin nhóm B và vitamin C
– Loại tan trong dầu: vitamin A, D, E, K
Dựa vào tính chất tan của vitamin, nên bổ sung vitamin cho bé sau bữa ăn. Các vitamin tan trong chất béo nên bổ sung sau bữa ăn có chất béo.
Độ tuổi nguy cơ thiếu
Theo hướng dẫn của Viện Nhi Khoa Hoàng Gia Anh (The Royal College of Paediatrics and Child Health):
– Bé bú mẹ hoàn toàn:
+ Bé từ 0-6 tháng tuổi: nguy cơ thiếu vitamin D và vitamin K (*)
+ Bé từ 7-12 tháng tuổi: Vitamin A, Vitamin D, Vitamin K (*)
+ Bé từ 1-2 tuổi: nguy cơ thiếu vitamin A, C, D và nhóm B
– Bé bú mẹ không hoàn toàn (có dặm thêm sữa công thức hoặc uống sữa công thức hoàn toàn):
Tùy vào loại sữa công thức. Đọc thành phần dinh dưỡng sữa công thức, nếu sữa công thức không có bổ sung hoặc bổ sung không đầy đủ lượng các vitamin quan trọng sau:
+ Vitamin A: nên có 63-82μg trên 100ml sữa
+ Vitamin D: nên có 1-1.4μg trên 100ml sữa
+ Vitamin C: nên có 6.9-9mg trên 100ml sữa
+ Vitamin B1 (thiamine): nên có 0.04-0.1mg trên 100ml sữa
+ Vitamin B2 (riboflavin): nên có 0.06-0,15mg trên 100ml sữa
+ Vitamin B5 (Pantothenate): nên có 200-300μg trên 100ml sữa
+ Vitamin B3 (Niacin): nên có 0.03-0,06mg trên 100ml sữa
+ Vitamin B6: nên có 0.7-0.9mg trên 100ml sữa
+ Vitamin K: nên có 2.7-6.7μg trên 100ml sữa
Nếu thành phần sữa công thức không có hoặc không bổ sung đủ liều hướng dẫn trên, thì:
+ Bé từ 1-7 tháng tuổi: nguy cơ thiếu những vitamin trên nếu không bú đủ 700-800ml/ngày.
+ Bé từ 8-12 tháng tuổi: nguy cơ thiếu những vitamin trên nếu không bú đủ 500ml/ngày và chế độ ăn dặm không đầy đủ do biếng ăn.
+ Bé từ 1-2 tuổi: nguy cơ thiếu vitamin A, C, D và nhóm B (**)
+ Bé từ 2-5 tuổi: bé có nguy cơ thiếu vitamin A, C, D và nhóm B
Liều dùng dự phòng của Viện Nhi khoa hoàng gia Anh cho các độ tuổi từ 1 tháng tuổi – 5 tuổi:
Vitamin A: liều 200-210 μg/ngày
Vitamin C: Liều 10-20 mg/ngày
Vitamin D: Liều 7-7.5 μg/ngày (tương đương 300 IU/ngày). Nên chọn loại vitamin D đơn thuần, không chứa Fluoride hoặc alcohol, ví dụ như ethanol.
=> 3 loại vitamin trên khuyến khích dùng chung vì sẽ gia tăng hấp thụ và ngăn ngừa nguy cơ thiếu ở các độ tuổi. Nếu dùng chung 3 loại vitamin này thì vitamin C nên ở liều 10mg.
Thời gian dùng: Nếu bé ăn uống hợp lý và đầy đủ chất dinh dưỡng thì không cần dùng. Nếu không, bé có thể dùng thêm 6 tháng cho một chu kì. Có thể kéo dài tối đa đến 5 tuổi. Sau độ tuổi này, bé không nhất thiết dùng.
Vitamin B6: 0.5mg/ngày
Vitamin B5 (pantothenic acid): 0.5mg/ngày.
Vitamin K: Chưa có liều hướng dẫn bổ sung đường miệng cho các bé. Các chuyên gia dinh dưỡng Anh khuyên các bé đã ăn dặm nên bổ sung thêm sữa chua vào chế độ ăn dặm hoặc bổ sung thuốc men vi sinh probiotics để tăng cường hệ vi sinh vật đường ruột, đặc biệt các bé sinh mổ.
Thuốc men vi sinh probiotics chỉ nên chọn dòng có 2 loài chủng khuẩn Lactobacillus và Bifidobacterium (ví dụ Lactobacillus acidophilus, Bifidobacterium bifidum và Bifidobacterium lactis). Liều dùng 6 tháng cho một chu kì, kéo dài đến 2.5 tuổi.
Sự lựa chọn của cha mẹ
Tất cả các vitamin trên (ngoại trừ vitamin D và vitamin K) bé có thể lấy từ thực phẩm ăn dặm, sữa mẹ, sữa công thức, sữa tươi. Nếu bé ăn uống tốt, đủ lượng và không kén ăn thì cha mẹ nên thay đổi khẩu phần và thành phần thức ăn đa dạng cho bé để bé lấy đủ lượng vitamin cần cho sự phát triển não bộ và thể chất trước 5 tuổi. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên cho bé đi uống vitamin A định kì theo lịch quốc gia để cung cấp đủ vitamin A cho bé.
Nếu lựa chọn thuốc bổ sung vitamin cho bé nên chọn liều dự phòng (trừ khi có chỉ định liều cao/liều điều trị từ chuyên gia dinh dưỡng – nếu dùng liều cao thì nên hỏi chuyên gia dùng khi nào dừng (thường dưới 3 tuần), cha mẹ thường quên hỏi điều này, mà hết thuốc lại tiếp tục mua cho bé dùng – thật quá nguy hiểm). Liều dự phòng sẽ an toàn, không gây dư thừa và không gây giảm hấp thu chất dinh dưỡng khác, cũng không gây các bệnh lý rối loạn chức năng hấp thụ hoặc các triệu chứng như biếng ăn, khó ngủ hay táo bón. Liều dự phòng sẽ giúp bé bổ sung trong những ngày thiếu do bệnh lý hoặc kén ăn do đổi vị. Khi dùng liều dự phòng, cha mẹ vẫn nên đa dạng thực phẩm cho bé.
Nguồn: BS dinh dưỡng Anh Nguyễn