Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch – Một vài ký ức nhỏ về một nhân cách lớn

Có lẽ trong các đời Bộ trưởng Ngoại giao, Nguyễn Cơ Thạch (1921-1998) là vị Bộ trưởng đã để lại những dấu ấn đậm nét nhất trong ngành Ngoại giao Việt Nam.

Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch gặp Ngoại trưởng Mỹ James Baker tại New York, ngày 29/9/1990. (Ảnh tư liệu)

Nhìn thấy xu thế

Từ những năm 60 của thế kỷ, trước khi còn là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, ông đã có nhiều đóng góp cho Ngoại giao Việt Nam trong thời kỳ chống Mỹ. Đặc biệt trong giai đoạn ông tham gia đoàn Việt Nam trong cuộc đàm phán giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Hoa Kỳ – một cuộc đàm phán dài nhất trong lịch sử ngoại giao thế giới kéo dài suốt gần 5 năm từ 1968 đưa tới việc ký kết Hiệp định Paris ngày 27/1/1973.

Với tư cách là trợ lý cho Cố vấn Lê Đức Thọ, ông đã thể hiện là một nhà ngoại giao tài ba, khôn khéo, sắc sảo trên bàn đàm phán, đã đưa ra những nhận định, những ý kiến xác đáng làm cho đối phương phải nể trọng.

Tôi được nghe kể lại, Henry Kissinger rất “gờm” Nguyễn Cơ Thạch. Có lần phía Mỹ đã đề nghị thẳng với đoàn ta không cho Nguyễn Cơ Thạch dự họp (giữa hai phái đoàn) với lý do “cứ mỗi khi hai bên gần đạt được thỏa thuận trong vấn đề nào đó thì lại thấy ông Thạch viết mấy chữ vào mẩu giấy chuyển cho ông Cố vấn Lê Đức Thọ và vấn đề lại trở nên phức tạp”.

Trong những năm quan hệ Việt – Mỹ còn nhiều chông gai, Nguyễn Cơ Thạch đã nhìn thấy xu thế của ngoại giao Việt Nam “thêm bạn bớt thù”, “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”.

Dù trên bàn đàm phán ông được phía Mỹ coi là “địch thủ đáng gờm” nhưng chính phía Mỹ cũng phải thừa nhận Nguyễn Cơ Thạch là “chuyên gia về Mỹ” vì những hiểu biết sâu rộng của ông về nước Mỹ, đồng thời tôn vinh ông là “kiến trúc sư” cho quá trình phát triển quan hệ Việt – Mỹ sau này.

“Mọi việc đều có thể”

Ông giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao (1980-1991) trong thời kỳ đất nước ta phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Đó là lúc các lực lượng thù địch lấy cớ “vấn đề Campuchia” bao vây cấm vận về kinh tế, ra sức cô lập Việt Nam tại Liên hợp quốc và các diễn đàn quốc tế. Đó là tìm kiếm giải pháp cho vấn đề Campuchia. Đó là thời kỳ chế độ XHCN ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ. Đó là khi nền kinh tế nước ta rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Đó là những phức tạp trong quan hệ với Trung Quốc…

Chính trong hoàn cảnh đầy khó khăn phức tạp của đất nước, bản lĩnh Nguyễn Cơ Thạch càng tỏa sáng hơn bao giờ hết. Ông đã đưa ra những sáng kiến như những cuộc đối thoại giữa các nước Đông Dương với các nước ASEAN, tổ chức các Cuộc gặp không chính thức tại Jakarta (JIM 1 vào tháng 7/1988, JIM 2 vào tháng 2/1989) để tìm giải pháp cho vấn đề Campuchia dẫn đến việc ký kết Hiệp định Paris về Campuchia năm 1991.

Để có được thành quả này là nhờ hàng loạt chuyến đi con thoi của ông đến Campuchia, đến Lào, đến các nước ASEAN, đến các nước lớn để cảm hóa, để thuyết phục các đối tác nhằm đạt được đồng thuận trong việc tìm giải pháp cho vấn đề Campuchia.

Nguyễn Cơ Thạch xứng đáng với biệt danh mà đồng nghiệp, đồng chí trong ngành trân quý đặt cho ông: “Vị Bộ trưởng phá bao vây cấm vận”.

Trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn của đất nước, ông đã có những đóng góp hết sức quan trọng trong việc phá thế bị bao vây cấm vận, tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho việc tiến hành công cuộc đổi mới của đất nước.

Dù bất cứ trong hoàn cảnh nào, Nguyễn Cơ Thạch luôn có những phân tích, đánh giá sắc sảo mang tầm nhìn chiến lược. Sau năm 1975, khi quan hệ giữa Việt Nam với ASEAN đang còn đối đầu, tại diễn đàn các nhà báo châu Á – Thái Bình Dương tại Thành phố Hồ Chí Minh vào khoảng cuối những năm 1980, trong buổi họp báo, khi một nhà báo phương Tây đặt câu hỏi: Ông có nghĩ là đến thời điểm nào đó Việt Nam sẽ gia nhập ASEAN?

Ông Thạch trả lời: “Sao không? Mọi việc đều có thể”.

Và thực tế đã diễn ra đúng như dự báo của Bộ trưởng. Năm 1995, Việt Nam trở thành thành viên ASEAN.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch thay mặt Chính phủ Việt Nam ký Hiệp định về Vùng nước lịch sử với Campuchia, 7/7/1982. (Ảnh tư liệu)

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch thay mặt Chính phủ Việt Nam ký Hiệp định về Vùng nước lịch sử với Campuchia, ngày 7/7/1982. (Ảnh tư liệu)

Nguyễn Cơ Thạch cũng là người đặt nền móng cho nhiệm vụ “Ngoại giao phục vụ kinh tế”.“Giải mã” khu chế xuất

Vào cuối những năm 70, đầu những năm 80 của thế kỷ trước, khi nước ta còn trong nền kinh tế kế hoạch hóa, những từ của kinh tế thị trường như quota, LC, CO… còn rất xa lạ với chúng tôi – những người được đào tạo trong các trường đại học XHCN.

Một hôm, Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh nhận được điện từ Bộ yêu cầu cử người đến các kho lưu trữ của chế độ cũ tìm những tài liệu liên quan đến khu chế xuất gửi ra Bộ “theo yêu cầu của anh Thạch”.

Thật sự lúc đó trong đầu chúng tôi chưa hề biết mặt mũi “khu chế xuất” ra làm sao…

Tôi được biết sau đó dưới sự chỉ đạo của ông, Bộ có thêm Vụ Kinh tế đối ngoại và cử các đoàn đi thăm và học tập kinh nghiệm tại các khu chế xuất ở nước ngoài.

Bài học về “quỹ thời gian”

Nguyễn Cơ Thạch là người có khả năng thu hút, thuyết phục và cảm hóa những người đối thoại. Những bài nói chuyện của ông tại các hội nghị, hội thảo hay khi trả lời phỏng vấn với cách nói rất khúc chiết, pha chút hài hước luôn gây sự bất ngờ thích thú cho người nghe. Trong ứng xử với cấp dưới, ông thường dùng những từ ngữ đơn giản để diễn đạt những vấn đề lớn, phức tạp.

Năm 1977, khi đi thăm Algeria (khi đó, tôi đang là tùy viên của Đại sứ quán Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Alger), trong tiếp xúc với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán, khi biết ông mới đi New York họp Liên hợp quốc về, có người hỏi ông thấy nước Mỹ thế nào, có khác gì với Liên Xô? (thời đó ta mới chỉ biết có Liên Xô là vĩ đại nhất nên mọi cái đều lấy Liên Xô ra so sánh).

Ông trả lời: Liên Xô thì cái gì cũng to còn Mỹ cái gì cũng cao.

Khi nói về quan hệ Xô – Mỹ và tác động tới Việt Nam, ông tóm lại bằng một câu rất hóm mà giờ đây sau gần nửa thế kỷ tôi vẫn nhớ: Trâu bò đánh nhau thì ruồi muỗi chết mà trâu bò yêu nhau thì ruồi muỗi cũng chết.

Ông căn dặn chúng tôi nhiều điều nhưng tôi nhớ nhất câu: “Quỹ thời gian của chúng ta không còn nhiều nên đã quyết việc gì thì phải làm ngay đừng để lỡ thời cơ”.

Đây là lần đầu tiên tôi được nghe cụm từ “quỹ thời gian”.

Ông nhìn xuống tôi (có lẽ do tôi là cán bộ trẻ nhất ở đây) và hỏi:

– Cậu bao nhiêu tuổi?

– Dạ thưa 27 ạ!

– Quỹ thời gian của cậu cũng chỉ 30 năm nữa thôi nha, không nhiều đâu, thời gian nhanh lắm!

Năm tháng rồi sẽ qua đi nhưng những dấu ấn của nhà ngoại giao kiệt xuất NGUYỄN CƠ THẠCH không phai mờ trong ký ức của chúng tôi và những thế hệ tiếp nối của Ngoại giao Việt Nam.

Ông Nguyễn Cơ Thạch, tên thật là Phạm Văn Cương (sinh ngày 15/5/1921, mất ngày 10/4/1998), quê ở xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Ông từng nắm giữ nhiều cương vị, trọng trách như Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Bộ trưởng Ngoại giao, đại biểu Quốc hội khóa VII (1981-1987), khóa VIII (1987-1992). Ông là nhà lãnh đạo xuất sắc trên mặt trận ngoại giao, là người chiến sĩ cách mạng kiên trung suốt đời phấn đấu vì độc lập tự do cho dân tộc, ấm no hạnh phúc cho nhân dân và lý tưởng cộng sản.

 

 

Rate this post

Viết một bình luận