Bỏng điện – Những điều cần lưu ý

Điều trị tại Khoa Chấn thương chỉnh hình – Bỏng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau nhiều ngày qua, anh Nguyễn Văn Lạc, Phường 8, TP Cà Mau vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhắc lại sự cố. Anh Lạc nhớ lại: “Bữa đó tôi nhận gia công cửa cho khách hàng tại Phường 8, lúc xảy ra vụ việc tôi đang trên nóc nhà. Đang rút cái thang thì chạm sợi dây điện được mắc cao quá đầu. Nghe tiếng nổ lớn, kèm tia lửa túa ra, tôi té xuống. Sự việc xảy ra nhanh quá tôi không kịp phản ứng”.

Các ca bỏng do điện phải mất từ 2 đến 3 ngày để đánh giá mức độ bỏng và độ sâu của bỏng.

Vốn là thợ hàn cửa sắt, anh Lạc thường xuyên tiếp xúc với các thiết bị điện. Đây cũng là lần đầu tiên anh Lạc gặp sự cố. Lúc vụ việc xảy ra, có một người đồng nghiệp chứng kiến và nhanh chóng đưa anh đi cấp cứu.

Tại bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán anh Lạc bị bỏng tia lửa điện, khu vực bị bỏng từ vùng thắt lưng kéo dài xuống, nặng nhất là ở 2 bên đùi, đánh giá thương tổn 26%.

Cùng nằm viện với anh Lạc là anh Trương Văn Linh, xã Khánh Hội, huyện U Minh. Anh Linh kể lại: “Tôi cùng vài anh em qua xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời để lợp lại nhà tiếp người thân. Đang cầm miếng tol thì xẹt điện, tôi bất tỉnh té xuống, lăn qua nóc nhà kế bên. Cũng may bữa đó không té xuống đất”.

Các vết bỏng trên người anh Linh có hiện tượng nhiễm trùng và được xử lý. Do té cộng thêm bị bỏng điện nên ngoài vết bỏng, trên người anh Linh còn nhiều vết thương khác. Anh Linh ngán ngẩm: “Thiệt sự là tôi sợ quá, điện đài từ nay phải kỹ lưỡng, không chủ quan được”.

Khác với các ca bỏng khác, bệnh nhân bị bỏng do điện mất thời gian điều trị và phục hồi khá lâu. Phần lớn các ca bị bỏng điện sau khi tiếp nhận điều trị phải mất từ 2-3 ngày mới bắt đầu đánh giá được thương tổn. Vết bỏng sau vài ngày sẽ bắt đầu nhiễm trùng, lở loét, chính vì vậy khâu vệ sinh, chăm sóc là hết sức quan trọng.

Bác sĩ Nguyễn Minh Lễ, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình – Bỏng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau, cho biết: “Đối với các trường hợp bỏng điện, sơ cứu, phản ứng ban đầu là rất quan trọng. Đầu tiên là phải cắt đứt nguyên nhân gây bỏng, tiến hành sơ cứu, di chuyển bệnh nhân ra nơi thoáng mát, thực hiện sơ cứu hồi sức tim, phổi và không bôi bất cứ gì lên vết bỏng. Nếu trường hợp quần áo người bị bỏng cháy, hoặc bẩn thì phải dùng kéo cắt ra, không nên cởi; lấy vải, mền sạch quấn lại và di chuyển đến trạm y tế, bệnh viện gần nhất”.

Người bị bỏng điện thường mất lượng nước khá nhiều nên phải trực tiếp bù nước. Trong quá trình đợi cấp cứu hoặc trên đường đi cấp cứu nên cho bệnh nhân uống nước trà ấm. Nếu phát hiện người bị bỏng, nhanh chóng sơ cứu tại chỗ và đưa đến trạm y tế. Bác sĩ Lễ nhấn mạnh: “Tuyệt đối không vùi bệnh nhân xuống sình, bùn non. Đây là cách dân gian truyền miệng rất nhiều, nhưng tôi khuyến cáo là không nên, như vậy rất nguy hiểm”.

Bỏng do điện có 2 loại: bỏng tia lửa điện và bỏng điện. Theo đó, bỏng do tia lửa điện chiếm đa số. Ở các trường hợp bỏng do tia lửa điện thì diện tích bỏng nhiều nhưng ít gây nguy hiểm đến tính mạng. Ngược lại, bỏng điện diện tích bỏng ít nhưng cực kỳ nguy hiểm, khả năng cắt cụt chi rất cao, dẫn đến tàn phế hoặc nguy hiểm hơn có thể ảnh hưởng đến tính mạng do ngưng tim tại chỗ. Hiện tượng bị sét đánh trong tự nhiên được xác định là bỏng điện.

Các bệnh nhân trong quá trình điều trị cần lưu ý uống nhiều nước, ngoài ra, cần tăng cường truyền nước, uống thêm kháng sinh, ăn đầy đủ chất dinh dưỡng để mau hồi phục.

Hiện đang ở giai đoạn mưa đầu mùa, người dân nên có các bước kiểm tra lại tình trạng câu dẫn, thiết bị điện tại nhà. Hạn chế di chuyển, trú mưa dưới các khoảng trống hoặc cây to. Ngoài ra, khi tiến hành sửa chữa, câu dẫn các thiết bị điện nên có ít nhất 2 người để quan sát tầm nhìn; an toàn hơn là thuê mướn công ty, nhân viên lắp đặt./.

Ngô Nhi

Rate this post

Viết một bình luận