Buồn nôn và nôn là các triệu chứng cực kỳ thường gặp mà hầu như ai cũng từng gặp ít nhất một lần trong đời. Đây có thể là triệu chứng của hàng loạt các tình trạng y khoa khác nhau. Biểu hiện có thể cấp tính hoặc mãn tính, từ triệu chứng khó chịu nhẹ đến tình trạng làm giảm chất lượng cuộc sống hoặc là dấu hiệu của một bệnh lý đe dọa đến tính mạng. Hãy cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Thái Việt Nguyên tìm hiểu về nôn và buồn nôn ở bài viết dưới đây.
Buồn nôn và nôn là như thế nào?
Buồn nôn là khó chịu trong bụng và cổ họng, khiến người bệnh cần phải nôn ra ngoài. Buồn nôn và nôn là hai triệu chứng thường đi kèm với nhau. Tuy nhiên đôi khi bệnh nhân chỉ buồn nôn và không có triệu chứng nôn. Ngược lại, có một số bệnh nhân lại nôn nhiều mà hoàn toàn không có cảm giác buồn nôn trước đó.
Để có thể ngăn chặn tình trạng buồn nôn thì trước hết bạn cần biết nguyên nhân dẫn đến buồn nôn của mình. Khám phá video bên dưới để tìm ra nguyên nhân buồn nôn của mình nhé!
Nguyên nhân của buồn nôn và nôn là gì?
Có khá nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến 2 triệu chứng trên. Tuy nhiên những nguyên nhân thường gặp hơn cả như:
- Ngộ độc thức ăn: Khi ăn những thức ăn không sạch bạn hoàn toàn có thể gặp phải tình trạng ngộ độc với triệu chứng buồn nôn và nôn. Đó là do thức ăn gây nên những tình trạng viêm nhiễm trong đường tiêu hóa (đặc biệt ở dạ dày). Sự viêm nhiễm này còn thường gây ra triệu chứng tiêu chảy. Không chỉ trong ngộ độc thức ăn mà bất kỳ những nguyên nhân gây viêm nhiễm dạ dày cũng có thể dẫn đến triệu chứng nôn và buồn nôn.
- Chóng mặt hoặc say tàu xe: Nhiều bệnh nhân gặp phải tình trạng say tàu xe. Đó là do sự di chuyển gây mất căng bằng khiến bạn cảm thấy chóng mặt, nôn và buồn nôn kèm theo.
- Do thuốc: Hầu hết các thuốc đều có tác dụng phụ. Tác dụng phụ thường gặp nhất của thuốc là buồn nôn và nôn. Điều này có thể gặp ở rất nhiều loại thuốc khác nhau như kháng sinh, thuốc giảm đau hay thậm chí thuốc tránh thai. Những bệnh nhân ung thư đang điều trị với hóa chất hay những bệnh nhân sau gây mê cũng thường gặp phải triệu chứng này.
- Thai kỳ: Nhiều bà mẹ cảm thấy buồn nôn và nôn khi mang thai. Trường hợp này thường được gọi là nghén thai kỳ.
- Bệnh trào ngược dạ dày thực quản: Đây là tình trạng chất dịch tiêu hóa ở dạ dày trào ngược bất thường lên lại thực quản. Điều này dẫn đến cảm giác buồn nôn và nôn
- Các bệnh lý về dạ dày và ruột non: Những bệnh nhân gặp các bệnh lý về dạ dày và ruột non khiến cho sự lưu thông và chức năng tiêu hóa bị ảnh hưởng dẫn đến triệu chứng buồn nôn và nôn.
- Đau nửa đầu migraine: Nhiều bệnh nhân mắc chứng đau nửa đầu migraine thường có buồn nôn và nôn đi kèm với triệu chứng đau đầu
- Rượu bia: Uống quá nhiều bia rượu cũng là nguyên nhân rất thường gặp gây buồn nôn và nôn.
Xem thêm: Làm gì khi trẻ bị đau bụng?
Trong khi hầu hết nguyên nhân gây buồn nôn không phải là nghiêm trọng, tuy vậy có một số nguyên nhân là nghiêm trọng. Bao gồm tăng áp lực nội sọ thứ phát trong chấn thương đầu hay xuất huyết, đột quỵ, nhiễm toan tăng ceton đái đường, u não, phẫu thuật, đau tim, viêm tụy, tắc ruột non, viêm màng não, viêm ruột thừa, viêm túi mật, suy thượng thận cấp tính, sỏi ống mật chủ (từ sỏi mật), viêm gan. Cũng như dấu hiệu của nhiễm độc cacbon monoxit và một số tình trạng khác.
Khi nào cần đi khám?
Thông thường khi triệu chứng buồn nôn và nôn kéo dài trên 2 ngày không bớt hoặc khi đi kèm với các triệu chứng bất thường liệt kê dưới đây bệnh nhân cần đến các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị bệnh.
Đau ngực hoặc đau bụng.
Nôn ra chất dịch màu cà phê hoặc nôn ra máu.
Đi cầu ra máu hoặc đi cầu ra chất có màu giống nước trà.
Sốt cao.
Đau đầu hoặc đau cổ, cứng cổ.
Cảm thấy mệt mỏi nhiều.
Các triệu chứng của tình trạng mất nước quá mức như:
-
Mệt mỏi.
-
Cảm giác khát nước.
-
Khô môi, khô miệng.
- Chuột rút.
-
Chóng mặt.
-
Nước tiểu vàng sậm hoặc đi tiểu ít.
Làm gì để giảm buồn nôn và nôn?
Những việc làm có thể khiến bạn cảm thấy dễ chịu hơn như:
-
Uống thêm nhiều nước.
-
Tạm thời chuyển sang ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa như cháo, súp,… Cần tránh những loại thức ăn chứa nhiều chất béo.
-
Nếu bạn đang uống thuốc, hãy uống thuốc cùng những bữa ăn nếu điều đó được bác sĩ điều trị đồng ý. Việc này đôi khi cũng giúp cải thiện triệu chứng nôn và buồn nôn do thuốc.
Điều trị nôn và buồn nôn như thế nào?
Trong những trường hợp buồn nôn và nôn kéo dài và liên tục. Các bác sĩ cần thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán được nguyên nhân trước khi điều trị bệnh. Các phương pháp điều trị có thể gặp như:
-
Truyền dịch.
-
Dùng thuốc chống nôn.
-
Đôi khi cần chẩn đoán bệnh bằng các phương tiện như X Quang bụng, các xét nghiệm máu,…
Hầu hết buồn nôn và nôn ngắn hạn nói chung là không gây hại, tuy nhiên đôi lúc lại gặp một tình trạng nghiêm trọng hơn. Việc nôn mửa kéo dài có thể dẫn đến mất nước và /hoặc mất cân bằng chất điện giải.
Trên đây là những thông tin cơ bản về buồn nôn và nôn. Hy vọng cung cấp được những thông tin bước đầu giúp người đọc dễ dàng tiếp tục tìm hiểu thêm vấn đề này. Đừng ngại để lại những thắc mắc ở phần bình luận, cũng như chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích. Mong nhận được những phản hồi cũng như đồng hành cùng bạn ở những bài viết kế tiếp. Bài viết chỉ mang tính tham khảo, vui lòng liên hệ bác sĩ của bạn để có thêm thông tin.