Buồn quá thì phải làm sao cho hết buồn | Mirinda Fun World

Đôi khi bạn cảm thấy chán nản, chẳng thích gì, chẳng muốn làm gì. Có thể chỉ đơn giản là bạn đang chán và muốn làm gì đó nhưng lại không biết phải làm gì, tệ hơn cả là chẳng biết mình thích gì, vô cảm với mọi thứ… ai cũng có lúc từng trải qua nỗi buồn chán, đau khổ hay những khó khăn trong cuộc sống. Đôi khi, bạn may mắn có bạn bè và người thân ở bên chia sẻ. Nhưng đôi khi, bạn phải tự mình vượt qua nỗi buồn, bước tiếp và trưởng thành hơn trong cuộc sống… vậy khi buồn quá thì phải làm sao? Hãy cùng tham khảo bài viết sau nhé

1. Viết nhật ký, tản văn

Có rất nhiều nhà văn nổi tiếng không bước ra từ trường lớp nào cả. Họ có thể làm nhiều ngành nghề khác nhau và hoàn toàn đối lập như tài chính, it nhưng khi trải qua một số biến cố trong cuộc sống, những cảm xúc của họ được thể hiện qua chữ viết và dệt nên những câu chuyện tuyệt vời. Đó cũng là cách chúng ta có thể thử để trút nỗi buồn. Hãy bắt đầu bước đầu tiên bằng cách viết nhật ký. Nếu không, bạn cũng có thể thử một cách rất “cổ lỗ sĩ” là viết thư tay cho một người bạn ở xa, kể cho họ về cuộc sống của bạn. Tạo những niềm vui nho nhỏ bất ngờ như vậy cũng giúp ta tạm thời vơi đi những niềm đau.

2. Nghe những bản nhạc nhẹ nhàng

Thậm chí là những bản nhạc buồn. Đừng nghĩ rằng khi buồn, nghe những giai điệu thê lương sẽ kéo bạn tụt dốc bởi ngay lúc đó, nếu có nghe những bài hát vui thì cũng thật… lạc quẻ. Những nốt nhạc trầm bổng, chậm rãi sẽ giúp tâm hồn lắng đọng và cảm nhận sự đồng điệu. Có những nỗi buồn chẳng thể nói ra và âm nhạc sẽ giúp ta trải lòng.

3. Trồng cây

Nghiên cứu của trường đại học washington đã phát hiện ra một nhóm người bị stress có chỉ số huyết áp giảm khi bước vào một căn phòng đầy cây xanh. Quá trình gieo hạt, chăm sóc và chứng kiến chúng lớn lên từng ngày cũng giống như tập thiền, như khi bạn đang tập trung vào chính hơi thở của mình vậy. Nó sẽ giúp bạn rút ra khỏi những điều tiêu cực đang diễn ra xung quanh.

4. Đi dạo, thả lỏng tâm trạng của mình

Một buổi chiều đi bộ dạo quanh công viên hoặc xung quanh nơi bạn sống.. Biết đâu được trong quá trình đi dạo, những hình ảnh của cụ già lụm rác ở công viên sẽ tác động đến suy nghĩ của bạn, giúp bạn có cái nhìn thoáng hơn thì sao. Bạn sẽ thấy, ngoài kia còn có rất nhiều người vất vả, cực khổ hơn bạn nhiều. Bạn “được” như bây giờ, đã là một đặc ân tuyệt vời, và bạn sẽ thấy tinh thần mình trở nên tươi đẹp hơn hẳn đây. Có thể nói đi dạo là một bài tập giúp nâng cao thể chất và còn là cách để bạn thanh tẩy tâm trí cũng như là phổi của mình.

5. Vận động

Nếu là người yêu thích thể thao, bạn có thể tiếp tục các sở thích của mình và tăng cường độ lên một chút, mục đích là để ít có thời gian rảnh rỗi hơn. Hoặc bạn cũng có thể bắt đầu một môn mới như boxing chẳng hạn. Nghiên cứu cho thấy, không chỉ yoga hoặc pilates là những môn thể thao giữ cân bằng tốt nhất, boxing cùng giúp rèn luyện thể lực và khi tập những cú đánh tấn công hay phòng thủ, người tập đều phải tập giữ cơ thể cân bằng thật tốt để tránh bị ngã. Ra những cú đánh quyết liệt cũng có thể giúp bạn… trút giận rất nhiều, theo nghĩa đen, phải không?

6. Du lịch

Xách vali lên và đi có lẽ là phương thuốc tốt nhất để chữa lành nỗi đau và vượt qua nỗi buồn, để sau khi đi, bạn lại trở về với một khởi đầu mới. Nếu không có điều kiện, bạn có thể đi gần, một chuyến ngắn ngày vào cuối tuần chẳng hạn. Hãy chọn những cung đường mạo hiểm một chút hoặc những nơi bạn chưa đến bao giờ. Sự chuẩn bị và háo hức được khám phá những điều mới lạ sẽ làm bạn hứng khởi hơn rất nhiều.

Nếu cảm thấy buồn chán vì công việc hay thất tình, hãy mạnh dạn buông bỏ những thứ không còn phù hợp với mình, ra khỏi vùng thoải mái, đặt chân đến một vùng đất mới. Cảnh mới, người mới và những câu chuyện thú vị luôn là nguồn cảm hứng bất tận. Những trải nghiệm trên đường đi là những điều quý giá không phải ai cũng có được. Nó sẽ giúp bạn nhìn cuộc sống dưới các góc độ đa chiều hơn, giúp bạn trưởng thành hơn trong suy nghĩ.

7. Luyện tập “mindfulness” (chánh niệm)

Theo psychologytoday.com, mindfulness là một trạng thái hoạt động của con người khi mà họ chỉ tập trung vào thời điểm hiện tại. Khi bạn ở trạng thái này, bạn sẽ biết cách tách biệt cảm xúc và lý trí để đánh giá sự vật, sự việc một cách khách quan, không phán xét tốt xấu. Điều này có nghĩa khi bạn đang làm một điều gì đó, hãy chú tâm vào những điều nhỏ nhặt nhất, tận hưởng những cảm xúc đang đến trong hiện tại, như khi thưởng thức một ly trà, hãy để ý làn khói bốc lên, dòng nước xanh chảy ra từ vòi nước, nhìn sâu vào đó, bạn thấy những nông trường trà xanh ngát, gió lồng lộng, những cô gái hái lá trà lấm tấm mồ hôi… hãy cảm thấy biết ơn vì những gì ta đang có và biết trân trọng tình cảm những người đang dành cho mình.

8. Nghĩ về tương lai 

Thử tưởng tượng ra viễn cảnh của bạn trong tương lai, đó có thể là những gì bạn mong muốn hay quan ngại. Lúc đó bạn như thế nào? Khỏe mạnh hay yếu đuối? Hình dáng của bạn sẽ ra sao? Công ăn việc làm thế nào? Gia đình,người thân và những người bạn quen biết thì sao? Thử lý giải cho những tưởng tượng của bạn. Ví dụ nếu bạn tưởng tượng sau này mình làm nghề gì, chức vụ nào thì hãy tự hỏi làm sao để đạt được điều đó, nó đòi hỏi những gì, bạn đã có hay chưa có những nền tảng gì để thực hiện nó… hoặc nếu bạn tưởng tượng sau này mình… thất nghiệp thì hãy tự hỏi tại sao, nguyên nhân nào và phải làm sao để ko bị như vậy… Khi bạn có cái nhìn bao quát hơn về tương lai, bạn sẽ phần nào thấy rõ hơn mục tiêu và trách nhiệm của mình, nhanh chóng thoát khỏi vũng lầy chán nản mà bạn đang mắc phải để đi tiếp chặng đường.

 

Rate this post

Viết một bình luận