CHỦ QUAN KHI MÔI KHÔ, MÔI NỨT NẺ, HẬU QUẢ KHÔN LƯỜNG
Tình trạng môi khô, nứt nẻ và bong tróc thường xảy ra vào mùa đông, hanh khô nhưng nếu tình trạng này xảy ra thường xuyên thì bạn nên chú ý đến tình trạng sức khỏe, có thể bạn đã mắc phải một số bệnh nghiêm trọng như rối loạn tuyến giáp, nhiễm nấm men, mất nước hay thiếu vitamin.
Nguyên nhân khiến môi khô, môi nứt nẻ
Thời tiết, không khí xung quanh
Thời tiết, không khí xung quanh có thể ảnh hưởng đến cả đôi môi của bạn. Trong mùa đông, ánh nắng hanh và gió lạnh khô làm cho môi khô và bong tróc thậm chí gây đau đớn. Nếu gặp hiện tượng này, hãy chắc chắn rằng bạn đã trang bị biện pháp để chăm sóc đôi môi tốt nhất.
Thói quen liếm môi
Khi bị khô môi, đa số có thói quen liếm môi để “cung cấp nước” cho chúng. Tuy nhiên, điều đó lại càng khiến tình trạng môi trở nên tệ hơn. Bởi tuyến nước bọt của bạn sẽ lấy đi độ ẩm còn lại trên môi, do có chứa thức ăn và các yếu tố làm da bị khô hơn khi tiếp xúc với oxy. Hãy từ bỏ thói quen xấu này ngay hôm nay, bạn nhé!
Mất nước
Một trong những nguyên nhân chính gây khô môi mà bạn thường mắc phải, đó chính là việc để cơ thể luôn ở trạng thái “thiếu nước”. Như bạn đã biết, nước chiếm khoảng 70% trọng lượng cơ thể và đóng vai trò quan trọng, cần thiết giúp bạn đào thải độc tố đồng thời giữ ẩm cho da, tóc và môi.
Vì vậy, nếu cơ thể bạn tiếp tục thiếu nước, mất nước, chẳng mấy chốc tình trạng khô môi, bong tróc thậm chí nứt nẻ, chảy máu sẽ đeo bám bạn thường xuyên.
Thiếu vitamin
Chế độ ăn uống ảnh hưởng không nhỏ đến tình trạng môi của bạn. Theo đó, nếu cơ thể bổ sung không đủ lượng sắt, kẽm, vitamin B cần thiết, tình trạng môi khô, nứt nẻ sẽ xuất hiện. Ngoài ra, một dạng vitamin B là vitamin B2, thường gọi là riboflavin, khi thiếu hụt có thể làm đôi môi bị sưng lên, viêm nhiễm và bong tróc.
Mắc rối loạn tuyến giáp
Tình trạng suy giáp có thể gây khô và nứt nẻ môi, đặc biệt, nó còn khiến lớp da ngoài cùng của môi trở nên dày và ngứa ngáy hơn. Vì vậy, bạn cần chủ động điều trị chứng rối loạn tuyến giáp này để ngăn ngừa nguy cơ môi khô nẻ, bong tróc và những hệ lụy nghiêm trọng khác.
Bị nhiễm trùng nấm
Nếu thấy môi không chỉ bị nứt nẻ mà còn xuất hiện những vết nứt nhỏ gần khóe miệng thì nhiều khả năng là bạn đang bị nhiễm trùng nấm. Khi gặp phải trường hợp này, bạn cần tránh liếm môi và ngăn không để nước bọt dính nhiều vào môi.
Hãy uống nước ấm và bảo vệ vùng da môi trước khi tiếp xúc với bụi bẩn. Còn nếu tình trạng bệnh không được cải thiện tốt hơn, bạn nên chủ động đi thăm khám càng sớm càng tốt.
Cách phòng tránh môi khô nứt nẻ
Uống nhiều và đủ nước là một biện pháp tốt cho cơ thể trong trường hợp này. Tuy nhiên, cách tốt nhất và an toàn nhất là bạn nên đến gặp bác sĩ để có được phương pháp điều trị kịp thời.
- Tăng cường uống nước mỗi ngày (từ 2 – 2,5 lít) để duy trì độ ẩm cho cơ thể, làn da cũng như đôi môi.
- Không liếm môi hay bóc da môi bởi điều này sẽ làm môi bị tổn thương và tình trạng nứt nẻ trở nên tồi tệ hơn
- Bổ sung thêm nhiều rau và trái cây trong thực đơn để tăng cường vitamin cho cơ thể.
- Cung cấp độ ẩm cho đôi môi: sản phẩm dưỡng môi, tạo độ ẩm cho không khí, môi trường nghỉ ngơi…
Đánh giá bài viết :
Bác sĩ Trần Thị Hồng Vân với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thẩm mỹ , làm đẹp , chăm sóc da, bác sĩ chính tại gsvvietnam . Xem thêm: https://gsvvietnam.com/bac-si-van-gsv/