Lời giải chuẩn nhất cho câu hỏi: “Nguyên tắc giao tiếp là gì?” và phần kiến thức mở rộng thú vị về giao tiếp do Top Tài Liệu biên soạn là tài liệu hay dành cho các bạn học sinh và các thầy cô giáo tham khảo
Trả lời câu hỏi: Nguyên tắc giao tiếp là gì?
Muốn hoạt động giao tiếp có hiệu quả thì cần phải đảm bảo các nguyên tắc cơ bản sau đây:
a) Đảm bảo sự hài hòa về mặt lợi ích giữa các bên tham gia giao tiếp
b) Đảm bảo nguyên tắc bình đẳng trong giao tiếp
c) Nguyên tắc hướng tới giải pháp tối ưu
d) Tôn trọng các giá trị văn hóa
Tìm hiểu thêm về nguyên tắc giao tiếp cùng Top Tài Liệu nhé!
Kiến thức tham khảo về giao tiếp
1. Đảm bảo sự hài hòa lợi ích
– Một trong những yếu tố đầu tiên để giao tiếp ứng xử thành công chính là hiểu bản thân mình muốn gì, người đối thoại muốn gì. Chỉ khi hiểu bản thân mình muốn gì bạn mới có thể khơi mào vấn đề cần nói tới và chỉ khi hiểu đối phương cần gì bạn mới biết cách ứng xử đúng chiều.
– Trang Tử – nhà triết học nổi tiếng Trung Quốc có nói “Khôn chết, dại chết, biết sống”. Muốn thành công cần phải nắm rõ cửu tri: biết mình, biết người, biết thời đại, biết dừng, biết đủ, biết căn nguyên, biết sợ mình, biết nhẫn và biết ứng phó.
– Nguyên tắc này dựa trên một thực tế có tính qui luật về mặt tâm lý của con người. Bất kỳ ai, khi thực hiện các quan hệ giao tiếp đều mong muốn, tin tưởng hoặc hy vọng rằng thông qua việc giao tiếp có thể đạt được một lợi ích nào đó cho mình hoặc cho chủ thể mà mình đại diện. Lợi ích mà con người hướng tới có thể là vật chất (tiền bạc, tài sản…) cũng có thể là lợi ích tinh thần (trình bày ức chế, mong được chia sẻ và cảm thông, hoặc một đề nghị ghi nhận một sự đóng góp của bản thân cho tập thể, cho xã hội…). Có thể nói, hầu như không một ai thực hiện giao tiếp lại không muốn, hoặc không hy vọng rằng sẽ đạt được mục đích đã đặt ra, ngay cả khi chính bản thân chúng ta biết rằng để đạt được lợi ích đó là hết sức khó khăn. Xuất phát từ tâm lý này, đối tác khi giao tiếp với chúng ta thường ít chuẩn bị tâm lý cho những yêu cầu, đề nghị của họ khi không được đáp ứng, những mong muốn của họ không được chia sẻ và cảm thông. Khi không đạt được những điều như đã dự định, đối tác thường có những phản ứng ở những mức độ khác nhau (có thể bực tức, buồn bã, chán nản, mất lòng tin, tỏ thái độ bất hợp tác thậm chí lăng nhục, chửi bới…). Những phản ứng này dù ở mức độ nào đi chăng nữa thì đều không có lợi cho 2 phía. Chính vì vậy, một nguyên tắc cơ bản trong giao tiếp là phải cố gắng đảm bảo sự hài hòa về lợi ích của 2 bên tham gia giao tiếp. Nguyên tắc này đòi hỏi những người trực tiếp giao tiếp với đối tác phải chú ý những điểm cơ bản như sau:
+ Hiểu tâm lý của đối tác, dành thời gian để tìm hiểu mục đích của đối tượng giao tiếp, đồng thời trong hoạt động giao tiếp này, mình cần đạt được mục đích gì.
+ Trong trường hợp lợi ích của đối tượng giao tiếp không được thỏa mãn, cần phải tỏ thái độ cảm thông chia sẻ chứ không thể có thái độ hiếu thắng hoặc thờ ơ.
– Tóm lại: Hoạt động giao tiếp được thực hiện theo nguyên tắc là sự giao tiếp phải được thực hiện trong sự thông cảm, thống nhất với nhau chứ không phải dưới hình thức tranh đua, đối địch… Sự thành công của giao tiếp không phải là ở sự chiến thắng đối tượng mà là sự đem lại lợi ích càng nhiều càng tốt cho cả 2 bên.
2. Đảm bảo nguyên tắc bình đẳng trong giao tiếp
– Trong hoạt động giao tiếp, người làm dịch vụ sẽ gặp phải nhiều đối tượng khác nhau (già – trẻ; nam – nữ; lãnh đạo – nhân viên;…). Vấn đề đặt ra ở đây là phải bảo đảm sự bình đẳng trong giao tiếp. Thực tế, người làm dịch vụ trong hoạt động giao tiếp có khi gặp phải những tình huống rất khó xử. Để giải quyết tốt vấn đề này thì cách thức tốt nhất là thực hiện nguyên tắc “mọi đối tác đều quan trọng”, nghĩa là mọi đối tượng giao tiếp đều phải được tôn trọng và đối xử bình đẳng. Dĩ nhiên, nguyên tắc này giúp cho chúng ta tránh được những sai lầm trong giao tiếp khi có quan niệm “người này không quan trọng”, không có ảnh hưởng gì đến bản thân mình, công ty mình thì thờ ơ, thậm chí coi thường.
– Một điều chúng ta cần khẳng định là: con người là tổng hòa các mối quan hệ. Một cá nhân, một công ty, một tổ chức muốn tồn tại và phát triển cần phải thiết lập và duy trì nhiều mối quan hệ khác nhau. Nhân viên dịch vụ, thông qua hoạt động giao tiếp trực tiếp với đối tác, giúp Công ty mở rộng mối quan hệ và tăng cường mối quan hệ sẵn có, đồng thời phải thiết lập các mối quan hệ mới chứ không phải, không thể và không được làm mất đi mối quan hệ tốt đẹp giữa họ với đối tác, giữa Công ty với khách hàng.
– Xét về mặt tâm lý, con người ai cũng có cái tôi rất lớn. Ai cũng coi mình là nhân vật quan trọng, nhiều người còn đặt mình là cái rốn của vũ trụ. Nhưng trong giao tiếp ứng xử, nếu để cái TÔI lấn át đối phương thì bạn sẽ mất hình ảnh cá nhân.
– Điều quan trọng nhất để tạo ấn tượng cho người đối thoại chính là bạn phải nhớ những điều cơ bản về họ, đặc biệt là tên. Hãy giữ thể diện cho nhau ở mọi lúc, mọi nơi. Tuyệt đối không làm bẽ mặt người khác trước mặt đông người dù biết họ sai mười mươi. Chỉ nhận xét, phê phán công việc, sự kiện chứ không đánh giá trực tiếp nhân cách của người đối thoại.
– Các nhà hùng biện nổi tiếng thế giới đều biết cách sử dụng thiện xảo 2 tiếng “chúng ta” hoặc “chúng mình” và nhờ đó họ gặt hái được thành công. Vua thép Hoa Kỳ – Andrew Carnegie đã ca ngợi những người giúp việc trước mặt họ. Trên bia mộ của ông khắc dòng chữ “Đây là nơi an nghỉ ngàn thu của một người biết thu dụng những người thông minh hơn mình”.
3. Nguyên tắc hướng tới giải pháp tối ưu
– Người nhân viên dịch vụ khi giao tiếp với khách hàng, với đối tác cần đưa ra nhiều giải pháp để đối tượng giao tiếp có thể chọn lựa và quyết định.
– Nguyên tắc này dựa trên cơ sở nguyên tắc 1. Trong thực tế, để có thể tạo ra một sự hài hòa về mặt lợi ích của các bên giao tiếp không phải là dễ dàng và đơn giản. Điều này, bạn dễ hiểu bởi mong muốn của các bên giao tiếp thì nhiều, nhưng đáp ứng và thỏa mãn những mong muốn đó lại có hạn. Vì vậy, việc một trong các bên hoặc nhiều bên khi tiến hành giao tiếp có thể không đạt lợi ích của mình như mong muốn là chuyện thường tình. Vấn đề ở chỗ là nhân viên dịch vụ phải xử lý công việc như thế nào để không chỉ thỏa mãn một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của mọi đối tượng giao tiếp mà còn phải làm cho đối tượng giao tiếp hiểu và chấp nhận thực tế ngay cả khi mục đích của họ không đạt.
– Một người biết cách lắng nghe luôn đặt sự đồng cảm trên những giải pháp trong suốt cuộc hội thoại. Họ chú ý đến cảm xúc của người khác trước khi đưa ra lời khuyên.
– Để là một người biết chia sẻ, cố gắng đặt mình vào vị trí của họ và xem xét vấn đề. Hãy nhớ nguyên tắc này: bạn phải hiểu người khác trước khi mong muốn được thấu hiểu.
4. Tôn trọng các giá trị văn hóa
– Giá trị văn hóa là một phạm trù rộng lớn; ở góc độ nguyên tắc giao tiếp phải tôn trọng giá trị văn hóa. Vì vậy: ứng xử trong giao tiếp phải mang tính dân tộc và phản ánh truyền thống tốt đẹp, với người Việt Nam, nét văn hóa trong giao tiếp thể hiện: Tác phong, thái độ cởi mở, tế nhị và chu đáo; Một sự hiếu khách (tôn trọng); Một sự lịch sự và nghiêm túc đối với mọi đối tượng giao tiếp. Bởi vì, giao tiếp là sự tương tác xã hội luôn luôn chứa đựng yếu tố con người và các yếu tố tình cảm. Cần thấy rằng, một thái độ niềm nở, vui vẻ, hòa nhã, tinh thần hiếu khách, phong cách lịch sự và nghiêm túc là những chuẩn mực giao tiếp quan trọng và cần thiết.
– Ví dụ: Tại sân bay hay Dinh Tổng thống của một nước Châu Á, việc đón tiếp hay tiễn đưa một Tổng thống Châu Âu được diễn ra theo những nghi lễ ngoại giao đã được qui định của Cộng đồng Quốc tế. Tuy nhiên điều đó không ngăn cấm các vị chủ nhà thực hiện thêm một vài nghi thức đón tiếp hay tiễn đưa mang sắc thái dân tộc của nước chủ nhà, như quàng vòng hoa lên cổ khách, chắp tay vái khách hay buộc chỉ vào tay…
– Tóm lại, ngoài văn hóa giao tiếp của từng nước, từng dân tộc, còn có văn hóa giao tiếp trong quan hệ quốc tế giữa nước này, dân tộc này với người nước khác, dân tộc khác. Đó là văn hóa giao tiếp quốc tế mà bất cứ ai có quan hệ với người nước ngoài ở trên đất nước mình hay tại đất nước người đều cần biết, nhất là những người làm công tác ngoại giao, ngoại thương…