CỜ CHÒI – TRÒ CHƠI DÂN GIAN ĐẶC SẮC Ở QUẢNG TRỊ

        Trò chơi dân gian là một sinh hoạt văn hoá do nhân dân sáng tạo ra trong quá trình lao động sản xuất và được lưu truyền tự nhiên, rộng rãi trong cộng đồng. Trò chơi dân gian là bản thông điệp giàu sức chuyển tải các giá trị văn hóa, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng phát triển trí tuệ, truyền thống bản sắc cho từng cá nhân và cộng đồng.

Trò chơi dân gian rất đơn giản, dễ chơi mà có sức cuốn hút, hấp dẫn lạ kỳ. Những thú vui lành mạnh đó không chỉ là phương tiện thư giản, giải trí bổ ích sau những lúc lao động mệt mỏi mà còn rèn luyện sức khoẻ, tạo sự phản ứng nhanh nhạy, khéo léo trong mỗi con người. Cứ thế trò chơi dân gian được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác như một di sản văn hoá dân tộc.

Ở Quảng Trị, ngày xưa các trò chơi dân gian thường được diễn ra trong các ngày đầu năm, những dịp lễ tết, các ngày hội làng đã mang lại không khí đầm ấm, vui tươi, tinh thần đoàn kết trong cộng đồng làng xã. Chơi cờ chòi cũng vậy, xuất phát từ trong dân gian theo kiểu chơi cờ quân của những người có tuổi, dần dần được các nghệ sĩ chân đất đưa lên sân khấu và trở thành trò chơi truyền thống của người dân các làng quê Quảng Trị trong mỗi độ tết đến xuân về hay trong hội làng. Cờ chòi, trước đây có mặt ở rất nhiều làng quê, nhưng nay chỉ còn được tổ chức ở một số làng như Hà Trung (huyện Gio Linh); làng Diên Sanh, làng Đại An Khê, làng Long Hưng, làng Văn Quỹ, làng Anh Thơ, làng Phú Kinh, làng Hưng Nhơn (huyện Hải Lăng)… Chơi cờ chòi được chuẩn bị từ những ngày trước tết, chính thức chơi từ ngày đầu năm kéo dài trong ba bốn ngày.

Để tổ chức hội cờ chòi, trước hết phải dựng chòi, người dân thường dựng chòi ở những nơi rộng rãi có đông người qua lại hay ở sân đình. Chòi được làm bằng tre, dựng lên theo kiểu chòi canh, dưới rộng trên nhỏ hơn. Mỗi chòi dựng 4 cột tre cao chừng 2,5m. Từ mặt đất lên 1m đến 1,2 m để trống. Từ đoạn 1m đến 1,2 m làm sạp tre rộng khoảng 1,2 m. Hai mặt hai bên và mặt sau có làm lan can và được che chắn kín bằng tre hoặc tranh, có khi làm bằng lá cọ. Mái lợp tranh. Ở mỗi chòi có bắc một cái thang bằng tre để người chơi lên xuống.

Trong một hội chơi, các chòi quân được quy định đánh số thứ tự từ số 1 đến chòi số 4 hay Giáp – Ất – Bính – Đinh hoặc Đông – Tây – Nam – Bắc và một chòi cái nằm chính giữa. Mỗi chòi như vậy có từ 1 – 2 người chơi, đôi khi trên chòi có 3 người cùng chơi. Tất cả những người chơi đều phải ngồi trên chòi, chỉ có 1 người chạy cờ (chịu trách nhiệm nhận cờ và trao cờ khi chơi) được đứng dưới. Trên mỗi chòi có 1 cái mõ làm bằng ống tre dùng để làm hiệu khi đánh cờ. Tại chòi cái nhưng thực chất ở đây chỉ bố trí 1 bàn phụ trách công tác trọng tài để điều khiển trò chơi mà thôi. Chòi cái này gồm 3 người: 1 ông cai, 1 người đánh trống đại và 1 người sắp cờ. Trên bàn để cờ rãi 32 ống đựng cờ bên trong có 32 quân cờ và 1 cái vụ  gồm 4 mặt có đánh các chấm từ 1 đến 4 tương ứng với bốn chòi trong hội chơi.

Đánh cờ thì phải có quân cờ, quân cờ có tất cả 32 con chia làm hai màu khác nhau được làm từ một thanh tre dài chừng 30 cm, bên trên gắn một miếng vải nhỏ hình tam giác. Trên tấm vãi viết tên các quân cờ Tướng, Sĩ, Tượng, Xe, Pháo, Mã, Tốt giống như tên các quân trong bàn cờ tướng. Các quân cờ này được quấn lại và đút vào ống tre.

Muốn đánh cờ chòi, người chơi phải đến ban tổ chức để ghi danh và sắp xếp vào từng hội cờ. Người xem đứng dọc theo các chòi và rạp, làm thành một vòng bao quanh sân khấu. Mỗi ngày cuộc chơi kéo dài từ sáng tới khuya, lúc nào cũng rộn ràng âm thanh kèn trống, lôi cuốn thúc giục.

Cách thức chơi cờ chòi cũng giống như cách chơi cờ quân (cờ quân cũng có 4 người chơi, thường tổ chức ở gia đình phù hợp với những người lớn tuổi phổ biến trong vùng thôn quê Quảng Trị, Thừa Thiên).

Sau khi các chòi đã ổn định. Ông cai đánh 1 hồi trống và 3 dùi (gọi là 1 hồi 3 đùi) ngay lập tức 4 người chạy cờ của 4 chòi chạy đến bàn trọng tài. Trong khi đó người sắp cờ sẽ chia các quân cờ thành 4 phần, gọi là tay cờ, mỗi tay có 8 quân cờ. Khi ông cai quay vụ, vụ dừng lại, mặt nổi lên trên có chữ cái nào thì chòi đó được quyền chọn tay cờ trước và cứ như thế các chòi luân phiên nhau bắt tay cờ theo chiều kim đồng hồ. Mỗi chòi sau khi bắt cờ xong sẽ có 8 quân cờ, 4 người chạy cờ mang cờ trở về chòi mình và đưa lên cho những người trên chòi sắp cờ và nghiên cứu nước đi.

Chòi được bắt cờ trước đồng thời sẽ trở thành người làm cái trong nước đi đầu tiên của hội chơi. Sau khi nghiên cứu xong, họ quyết định số lượng quân cờ sẽ đi và ra thông qua tiếng mõ để cho các chòi khác được biết và chòi cái đánh trống nhắc lại. Các chòi khác nghe tiếng phát lệnh đó mà chuẩn bị quân cờ mang ra ứng thí.

Lúc này, người chạy cờ ở các chòi mang quân cờ của mình đến chòi cái (bàn trọng tài) để đánh. Sau khi so cờ, chòi nào có quân lớn thì giành phần thắng, được mang quân cờ đó về cắm ở chòi mình và đồng thời giành quyền làm cái trong lượt đấu tiếp theo. Những chòi còn lại bị thua thì để cờ lại ở bàn trọng tài. Cứ như vậy, các chòi tiếp tục chơi cho đến hết cờ thì kết thúc ván cờ. Phần thưởng cho chòi chiến thắng là số tiền mà các chòi đã đặt cược cho mỗi quân cờ trước khi vào hội chơi (tiền đặt cược được tượng trưng bằng các thẻ tre, mỗi chòi gồm 10 thẻ và một thẻ tre tương ứng với một quân cờ, chòi nào trong quá trình chơi số thẻ tre đã thua hết mà muốn chơi tiếp thì có thể mua lại thẻ tre của những chòi giành phần thắng). Ngoài ra còn được làng tặng một phần thưởng mang tính khích lệ, động viên.

Luật chơi và cách ăn giống như luật chơi của cờ quân. Có hai cách ăn là ăn lùa (ăn đúp) và ăn kết.

Ăn lùa là hình thức ăn hết, nghĩa là chòi nào có số quân cờ thắng hết trong các lần đọ quân của ván đấu, hay gọi là 8 ăn 9, nghĩa là mỗi chòi thua 3 quân. Ăn kết là các chòi có số quân thắng sau cùng (trừ quân tướng), số quân thắng càng nhiều thì phần thưởng của ván đó được tăng thêm, ví dụ chòi nào có số quân thắng sau cùng là 1, thì ăn kết là 1 ăn 2; thắng 2 con thì ăn kết 2 ăn 3 và cứ tiếp tục như thế để tính lên. Nếu chòi nào có số quân thắng trong ván đấu đó là 3 quân thì không thua, còn chòi nào không có quân nào thắng cả thì chỉ thua 3 quân. Trong ván chơi, nếu quân Tướng về sau cùng tức là ván cờ hòa, không bị thua kết, chòi nào có số quân thắng trong ván đấu đó là 2 quân là đủ, nghĩa là không phải thua, còn chòi nào không thắng được con nào thì chỉ thua 2 quân. Thông thường theo quy định chòi nào ăn kết từ 5 ăn 6 hoặc 6 ăn 7 thì lưu lại một đến hai suất cho ban tổ chức dùng để chi phí.

Hội cờ chòi là một trò chơi dân gian thể hiện trí thông minh nhanh nhạy, mưu lược và tài tiên đoán của các thành viên trong các chòi thông qua việc bàn bạc, tính toán để đưa ra các quân cờ phù hợp, chính xác nhằm giành lợi thế trong từng ván đấu và giành phần thắng về cho chòi mình trong toàn bộ cuộc chơi. Khác với các trò chơi khác, hội cờ chòi thích hợp với những người lớn tuổi, họ đến chơi không phải vì đam mê cờ bạc mà đến với hội cờ chòi để tìm nguồn vui, được giao lưu, học hỏi nhau trong từng thế đánh, từng nước đi và so tài cao thấp trong từng ván cờ để rồi hẹn năm sau cùng tái ngộ. Mặt khác, hội cờ chòi còn là nơi thể hiện tinh thần đoàn kết của các thành viên trong cộng đồng, nơi thư giãn sau một năm lao động vất vả, chuẩn bị bước vào mùa vụ mới. Vì thế, hội cờ chòi cần được các cấp chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện hoạt động để di sản văn hóa phi vật thể này không bị mai một./.

                                                                                                                                                                                                                                           Hoàng Ngọc Thiệp

Rate this post

Viết một bình luận