Cá Vàng là một trong những dòng cá cảnh đẹp, dễ nuôi và được ưa chuộng nhất trên thị trường cá cảnh ở Việt Nam. Những chú cá vàng không chỉ thu hút bởi vẻ ngoài nhỏ nhắn mà còn bởi màu sắc sặc sỡ cùng với giá tiền khá phù hợp với nhiều người dân nước ta.
Nguồn gốc của cá Vàng
Cá vàng có tên tiếng anh là Carassius auratus, đây là dòng cá cảnh nhỏ và sống ở môi trường nước ngọt. Cá vàng là dòng cá ngoại đầu tiên du nhập vào nước ta và nhanh chóng chiếm được tình cảm của rất nhiều người nuôi cá cảnh.
Cá vàng ngày nay được rất nhiều gia đình nuôi có nguồn gốc từ dòng cá Giếc Phổ thuộc dòng cá diếc có màu nâu sẫm – Đây là một dòng cá bản địa nổi tiếng ở khu vực Châu Á thuộc họ cá chép.
Khoảng 1000 năm trước, tại Trung Quốc những chú cá vàng sặc sỡ đầy sắc màu đầu tiên được lai tạo ra. Sau đó, những chú cá vàng được lai tạo và nhân giống thành rất nhiều loài với rất nhiều kiểu dáng – kích thước, kiểu vảy, kiểu đuôi, kiểu mắt…
Ngày nay, những chú cá vàng được nhân giống và nuôi rộng rãi ở hầu hết các quốc gia thuộc khu vực Châu Á – trong đó có Việt Nam.
Đặc điểm chung của cá Vàng
Đặc điểm hình thái
Cá vàng là dòng cá có kích thước nhỏ so với dòng cá cảnh nước ngọt được nuôi trong các bể cá phong thủy. Một chú cá vàng khi trưởng thành có thể dài từ 10 – 15cm, một vài cá thể có thể đạt đến 20cm (những trường hợp này tương đối hiếm).
Cá vàng có tuổi thọ tương đối cao, chúng có thể sống đến 20 năm (đã có trường hợp cá vàng sống được 49 năm). Tuy nhiên, do điều kiện và cách chăm sóc chưa hợp lý, hầu hết cá vàng chỉ sống được khoảng 6 – 8 năm hoặc thấp hơn.
Cá vàng có hình thức tương đối nhỏ tuy nhiên phần đầu của chúng tương đối to. Nổi bật trong chiếc đầu to đó chính là đôi mắt lồi – đặc điểm khiến nhiều người chơi cá cảnh rất thích.
Phần mang của chúng tương đối bé, phần vây mềm mại kết hợp cùng chiếc đuôi dài. Đuôi của cá vàng có rất nhiều loại: đuôi đơn, đuôi kép, đuôi ba và đuôi hoa anh đào.
Cá vàng có rất nhiều màu, một số màu phổ biến ở những chú cá vàng: màu đỏ cam, màu đỏ sẫm, màu đen, màu tam sắc (đỏ cam – trắng – đen, vàng – trắng – đen), màu trắng – đỏ cam…
Có một câu hỏi mà rất nhiều người thắc mắc “cá vàng có não không?”. Câu trả lời là “Có”. Theo nhiều nhà khoa học đã chứng minh loài cá vàng có thể ghi nhớ được mọi hiện tượng xảy ra trong khoảng thời gian là 5 tháng.
Phân bố và sinh sản
Cá vàng là dạng đột biến của cá diếc bạc xuất hiện ở Trung Quốc từ hơn 800 năm trước, sau đó du nhập vào Nhật khoảng hơn 400 năm trước. Đa số các kiểu hình cá vàng hiện nay là do sản xuất nhân tạo và không hiện diện trong môi trường tự nhiên. Cá vàng phân bố ở mọi tầng nước.
Cá thành thục sau 1 năm tuổi, khi đó nhận biết cá đực qua các nốt sần trên nắp mang, thân và vây ngực, còn cá cái có bụng to, lỗ sinh dục lồi ra màu đỏ hồng. Cá đẻ trứng dính vào giá thể mềm (rễ lục bình, rong thủy sinh …) thụ tinh ngoài. Vớt trứng hoặc vớt cá bố mẹ ra để ấp riêng trứng, trứng nở sau 40 – 60 giờ ở nhiệt độ 28 – 300C. Sau khi nở 2 – 3 ngày cá tiêu hết noãn hoàng và bắt đầu ăn moina.
Các giống cá Vàng được ưa chuộng nhất hiện nay
Thị trường cá vàng cảnh của nước ta vô cùng đa dạng với đủ chủng loại, màu sắc, kích cỡ và giá thành.
Cá vàng Ranchu
Cá vàng Ranchu nhiều vùng còn gọi là cá vàng Lan Thọ, dòng cá vàng này có nguồn gốc đến từ Nhật Bản. Dòng cá này được người Nhật tôn sùng và mệnh danh là “Vua của những loài cá vàng”.
Hiện nay, trên thị trường cá vàng cảnh của Việt Nam, cá vàng Ranchu là dòng cá được nhiều người tìm mua nhất. Cá vàng Ranchu (Lan Thọ) ra đời là từ việc nhân giống chéo của dòng cá vàng sư tử nổi tiếng của Trung Quốc.
Những chú cá vàng Ranchu có sức khỏe tương đối ổn định nên rất dễ chăm sóc. Cá vàng Ranchu có phần đầu vuông vức – đặc biệt có một phần bướu ở trên đầu nổi lên rất ấn tượng.
Ngoài phần đầu đặc biệt ra, những chú cá vàng Ranchu (Lan Thọ) còn có phần lưng gù (lưng cong) thắt đến tận phần đuôi vô cùng ấn tượng. Đuôi của cá Ranchu khá dài, xòe rộng và có 3 kiểu dáng phổ biến là 3 đuôi, 4 đuôi và kiểu dáng giống hoa anh đào.
Cá vàng sao chổi
Cá vàng sao chổi còn có tên tiếng anh là Comet Goldfish, dòng cá vàng này có nguồn gốc đến từ châu Âu và châu Mỹ. Dòng cá vàng này có thân hình nhỏ nhắn và vô cùng nhanh nhẹn.
Cá vàng sao chổi có thân hình khá dài và gầy, chính đặc điểm này giúp chúng trông mềm mại và nhanh nhẹn hơn. Cá vàng sao chổi có phần vây lưng cao và mềm, phần vây đuôi của chúng khá hẹp và được chia thành 2 nhánh.
Màu sắc của cá vàng sao chổi khá phong phú, ngoài màu vàng cam, đỏ còn có màu ánh bạc của kim loại, màu đốm biển và màu nâu.
Cá vàng Ping Pong
Cá vàng ping pong (cá vàng ngọc trai) là dòng cá khá lạ khiến nhiều người nuôi cá kiểng vô cùng tò mò về chúng. Những chú cá vàng Ping Pong thu hút người chơi cá cảnh bởi thân hình độc đáo của chúng. Cá vàng Ping Pong có phần bụng rất lớn và tròn có phần vân nổi tựa như một quả bóng.
Kết hợp với đó là phần đuôi của chúng xòe rộng và dài khiến cho loài cá này lại càng trở nên hấp dẫn. Cá vàng Ping Pong có rất nhiều màu sắc: màu cam, màu trắng và màu đỏ…
Cá vàng mắt lồi
Cá vàng mắt lồi( cá mắt kính viễn vọng) có tên khoa học là Telescope Goldfish. Những chú cá vàng mắt lồi có nguồn gốc đến từ Trung Quốc và xứ sở Hoa Anh Đào. Chỉ cần nghe đến cái tên của chúng, chắc chắn các bạn cũng có thể hình dung ra được đôi mắt của chúng.
Đặc điểm của dòng cá này là đôi mắt rất to và lồi ra bên ngoài. Mặc dù đôi mắt của chúng to nhưng tầm nhìn lại khá kém, nhiều người nuôi cá cảnh khuyên không nên nuôi chung cá vàng mắt lồi với bất cứ dòng cá nào khác.
Một chú cá vàng mắt lồi khi trưởng thành có thể dài tới 8cm, phần vây đuôi của chúng có thể dài gấp đôi phần thân. Những chú cá vàng mắt lồi trông khá lanh lợi và nhanh nhẹn. Dòng cá này có rất nhiều màu sắc: màu đen, cam, trắng, đốm hoặc có thể là màu xanh xám hoặc màu chocolate. Dòng cá này có tuổi thọ trung bình tương đối cao, dao động trong khoảng từ 15 – 20 năm tuổi.
Cá vàng Oranda
Cá vàng Oranda còn có tên gọi khác là cá vàng đầu lân. Đây không phải là dòng cá thuần chủng mà là một dòng cá được lai tạo để có chiếc đầu to đặc biệt. Dòng cá Oranda rất được ưa chuộng trên thị trường cá cảnh của Việt Nam và một số quốc gia ở châu Á khác.
Cá vàng Oranda có đặc điểm là thân hình tương đối tròn, đầu có phần bướu to nhưng không quá cao như dòng cá vàng Ranchu. Phần đuôi của cá vàng Oranda hơi nhọn và được chia thành 3 loại đuôi: đuôi ribbon, đuôi kép cơ bản hoặc đuôi nĩa. Cá vàng Oranda có rất nhiều màu sắc, phổ biến là các màu vảy ánh kim, bán kim hoặc phi kim.
Cá vàng Lưu Kim
Cá vàng lưu kim hay còn gọi là cá vàng lưng gù, cá Ryukin, dòng cá này có nguồn gốc đến từ Nhật Bản. Đây là dòng cá vàng có màu vảy sặc sỡ và bóng bẩy nhất trong các dòng cá vàng. Một chú cá vàng Lưu Kim khi trưởng thành có chiều dài trong khoảng từ 15 – 20cm.
Điểm đặc biệt của dòng cá vàng này chính là chiếc lưng gù cùng với phần xương sống cong. Phần vây bụng và lưng của chúng tương đối dài.
Cũng giống như những dòng cá vàng khác, dòng cá vàng gù Ryukin cũng có những màu sắc cơ bản như cam, đỏ, trắng, hơi ngả xanh, đốm, xanh dương và nâu.
Ngoài những dòng cá vàng vừa kể trên, trên thị trường cá cảnh của Việt Nam còn xuất hiện rất nhiều dòng cá vàng khác: cá vàng kim ngư, cá vàng sư tử, cá vàng thông thường, cá dĩa vàng albino, cá vàng hạc đỉnh hồng, cá vàng kim, cá vàng yugioh, cá vàng Tosakin….
Cách chăm sóc cá Vàng
Cá vàng là dòng cá có sức khỏe rất ổn định, tuy nhiên trong quá trình nuôi các bạn cũng phải để ý đến chất lượng thức ăn cũng như môi trường sống của chúng. Đảm bảo được những yếu tố trên thì những chú cá vàng của các bạn mới có thể khỏe mạnh.
Thức ăn của cá Vàng
Cá vàng là dòng các ăn tạp, chính vì vậy hầu hết các thức ăn khi các bạn cho chúng ăn chúng đều sẵn sàng ăn hết. Tuy nhiên, làm điều này sẽ vô cùng nguy hiểm đến sức khỏe của chúng.
Theo như lời khuyên của những người nuôi cá vàng cảnh nhiều năm, chỉ nên cho cá vàng của bạn ăn thức ăn hạt nhỏ bán sẵn tại các cửa hàng cá kiểng.
Đối với cá đang phát triển thì các bạn nên cho chúng ăn ngày 2 bữa. Khi những chú cá đã đến tuổi trưởng thành thì nên cho chúng ăn ngày 1 bữa.
Các bạn nên căn cho cá ăn vào một khung giờ nhất định trong ngày. Khi cho ăn, không nên cho cá ăn quá no, chỉ nên cho cá ăn đủ tầm (bụng của cá hơi tròn là đã no).
Đối với trường hợp cho các con ăn, các bạn chưa nên cho cá ăn thức ăn sẵn mà nên mua con bo bo về cho chúng tập ăn.
Môi trường sống của cá vàng
Để cá có thể phát triển khỏe mạnh thì môi trường sống của chúng luôn phải đạt tiêu chuẩn. Thông thường, muốn nuôi cá vàng thì gia đình các bạn phải chuẩn bị bình thủy tinh hoặc một bể cá.
Dù là môi trường nào thì nhiệt độ môi trường cũng phải đạt từ 25 – 300C, độ pH phải luôn dao động trong khoảng 6.5, ánh sáng trong bể nuôi và không khí luôn được đảm bảo.
Ngoài ra, trong bể nuôi cá cảnh nên có một vài cây thủy sinh để trao đổi khí. Hàng tuần, bạn nên vệ sinh và thay nước bể cá 2 lần.
Lưu ý, khi thay nước ở trong bể không nên thay toàn bộ mà chỉ thay khoảng 2/3 lượng nước và giữ lại 1/3 lượng nước (điều này giúp cho cá tránh khỏi hiện tượng sốc môi trường sống).
Chăm sóc sức khỏe cho cá vàng
Trong quá trình nuôi do cách cho ăn cũng như làm vệ sinh bể nuôi chưa được tốt, các vàng có thể bị một số hiện tượng như: cá vàng bơi trong bể lờ đờ (có thể bị mắc chứng bệnh như nấm…),
Cá vàng bị sình bụng (do chế độ ăn dẫn đến đường ruột hoặc do nhiễm vi khuẩn), xù vảy ở cá vàng, rận nước ở cá vàng…. Khi gặp những trường hợp này, các bạn nên tách những chú cá bị bệnh ra riêng để quan sát và mua thuốc chữa trị. Đồng thời, hòa một chút thuốc tím vào trong bể nước khử trùng, tránh lây lan bệnh sang những chú cá khác.
Vị trí lý tưởng để đặt bể nuôi
Lựa chọn vị trí đặt bể cá vàng cũng được coi là việc khá quan trọng. Điều này giúp cá vàng khỏe mạnh, phát triển tốt. Theo ý nghĩa phong thủy, vị trí đặt bể còn ảnh hưởng rất nhiều đến tài lộc, hạnh phúc, sức khỏe,… của chủ nhà.
Vị trí lý tưởng nhất để bạn đặt bể cá chính là phòng khách. Tốt nhất, bạn nên lựa chọn hướng Bắc hoặc đông Nam, đây là 2 hướng được xem là mang lại nhiều may mắn, phú quý, giàu sang cho gia chủ.
Ngoài ra, bạn không nên để bể dưới ánh sáng đèn điện hoặc ánh nắng trực tiếp từ mặt trời hay gần các vật như loa đài, ti vi,…
Điều này vừa không tốt cho sức khỏe của cá vàng, vừa không tốt cho chủ nhà. Đồng thời, bạn cũng không nên đặt bể ở vị trí bên trái của chính vào phòng khách.
Cách chăm sóc cá Vàng sinh sản
Để giúp những chú cá vàng có thể sinh sản tốt, tạo ra thế hệ con khỏe mạnh, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau đây:
Chọn giống cá bố mẹ
Lựa chọn cá bố mẹ có sức khỏe tốt luôn là yếu tố được quan tâm hàng đầu. Việc này sẽ tạo điều kiện tuyệt vời để bạn có được những chú cá con khỏe mạnh, ít bị bệnh.
- Với cá đực: Bạn cần chọn những chú cá có màu sắc sặc sỡ, bơi lội uyển chuyển. Ở những loài cá có mào, bạn nên lựa chọn những chú cá mào dày, có độ sùi lớn.
- Với cá cái: Bạn cần tìm những chú cá có thân hình cân đối, khả năng bơi lội tốt và không có bất cứ dị tật nào trên cơ thể.
Ghép đôi cá sinh sản
Để việc ghép đôi sinh sản tỷ lệ thành công cao, bạn nên lựa chọn các loại bể nuôi rộng rãi, bổ sung các loại thực vật như rong rêu,… Để cá có môi trường đẻ trứng.
Bạn có thể áp dụng phương pháp ghép đôi 1 đực + 1 cái hoặc nhiều đực nhiều cái. Thông thường, phương pháp ghép đôi giữa nhiều đực và nhiều cái sẽ đem tới tỷ lệ thành công cao.
Ngoài ra, trước khi ghép đôi, bạn nên tách cá đực và cá cái ra các bể riêng, có một chế độ dinh dưỡng phù hợp để cá khỏe mạnh, có được khả năng sinh sản cao.
Khi cá đang trong bể ghép đôi, việc bạn cho chúng ăn vẫn phải tiến hành đều đặn, giúp cá có được sức khỏe tốt trong quá trình sinh sản, đẻ trứng.
Lưu ý trong quá trình chăm sóc cá vàng sinh sản
Khi cho vào bể ghép đôi, nếu thấy cá đực và cá cái cọ sát nhiều vào nhau, đó là thời điểm chúng đang sinh sản.
Lúc này, bạn sẽ thấy cá đẻ trứng vào các cây rong rêu đã được thả từ trước đó. Thông thường cá cái đẻ rất nhiều, bạn có thể nhận biết được trứng cá bằng mắt thường.
Khi cá đực và cái đã ngừng quấn nhau, đó cũng là lúc quá trình sinh sản của cá kết thúc, lúc này, bạn nên cho cá ra khỏi bể ghép đôi.
Trứng của cá vàng nở rất nhanh, chỉ sau 1 đến 2 tuần là toàn bộ số trứng cá sẽ nở hết.
Khi mới sinh, cá vàng có thân hình trong suốt, sau khoảng 3 đến 4 ngày, những chú cá con sẽ lớn dần và các bộ phận cũng được phân chia một cách rõ ràng hơn.
Vào những ngày đầu khi vừa mới sinh, bạn có thể cho cá ăn lòng đỏ trứng gà hoặc các loại ngũ cốc xay mịn như bo bo, yến mạch.
Khi được 1 đến 2 tuần, bạn có thể bắt đầu cho chúng ăn một số loài thủy sinh, giun nhỏ, lăng quăng,… để cá phát triển tốt về mặt sức khỏe.
Từ tuần thứ 3 trở đi, những chú cá vàng sẽ có sự thay đổi rõ rệt về mặt hình dáng, các bộ phận trên cơ thể gần như đã hoàn thiện. Lúc này, bạn có thể sử dụng các loại thức ăn sẵn ở các shop cá cảnh để cho cá ăn.
Ngoài ra, với số lượng trứng rất lớn như vậy, tỷ lệ cá con bị di tật, sức khỏe yếu cũng là rất cao. Vì vậy, bạn nên có sự lựa chọn và lọc bỏ cá yếu ớt, chỉ giữ lại những chú cá khỏe mạnh để chăm sóc.
Kinh nghiệm chọn cá Vàng khỏe mạnh
Việc lựa chọn được những chú cá vàng khỏe mạnh sẽ giúp bạn không bị tốn quá nhiều thời gian chăm sóc, phòng bệnh, cũng như giảm khả năng cá chết khi vừa mới mua.
Theo những người chơi cá vàng lâu năm, để chọn được những chú cá phù hợp tiêu chuẩn, bạn cần phải lưu ý một số vấn đề sau đây:
- Về hình dáng: Cá vàng phải có thân hình cân đối giữa các bộ phận trên cơ thể, từ đầu, thân cho đến đuôi.
- Về màu da: Bạn cần lựa chọn những chú cá có màu da sắc nét, không nên chọn cá có màu da nhợt nhạt, thiếu sức sống.
- Về dáng bơi: Cá vàng khỏe mạnh là những chú cá có động tác uyển chuyển, duyên dáng, nhanh nhẹn.
Ngoài 3 yếu tố trên, còn tùy thuộc vào việc những chú cá bạn mua thuộc giống cá gì mà sẽ có những đặc điểm đặc trưng riêng để bạn lựa chọn.
Một số bệnh thường gặp ở cá Vàng và cách phòng trị
Bệnh đốm trắng
Bệnh đốm trắng (Ichtyopthirius hoặc White spot disease) là căn bệnh dễ nhận biết trên cơ thể, vây của cá thường có các đốm trắng và phát triển tương đối nhanh. Đây là căn bệnh thường gặp, có mức độ lây nhiễm khá nhanh và nếu không được điều trị kịp thời có thể gây tử vong. Bệnh rất dễ phát hiện bởi các nốt thường có màu trắng, rộng chừng 1mm, xuất hiện nhiều trên các vây của cá. Đây là căn bệnh do các ký sinh trùng dưới đáy bể gây ra. Ban đầu là một nang bào (cyst) có khả năng kháng lại các loại thuốc, sau nở thành hàng trăm ký sinh trùng và bám vào cơ thể cá chủ. Quá trình này làm suy yếu sức khỏe cá, thậm chí có thể tạo ra các lỗ nhỏ li ti trên thân cá và có mức độ phát triển rất nhanh.
Cách phòng trị: Có nhiều phương pháp hạn chế, trước tiên là tiếp cận với các chuyên gia bác sĩ thú ý để có những lời khuyên bổ ích, vệ sinh sạch sẽ làm sạch các ký sinh trùng gây bệnh, lọc nước sạch đổ vào khử khuẩn, cho cá ăn đều đặn, đủ chất và hợp vệ sinh.
Bệnh mục đuôi hoặc vây
Bệnh mục đuôi hoặc vây cá vàng là thuật ngữ nói về căn bệnh hoại mô ở đuôi và vây cá làm cho vây, đuôi dễ bị cụt đi, đặc biệt là ở các mép, gây biến dạng ảnh hưởng đến vẻ đẹp bề ngoài của cá. Phần lớn nguyên nhân gây bệnh là do stress và các điều kiện môi trường xung quanh gây ra và cũng là dấu hiệu đầu tiên nói về tình trạng sức khỏe của cá mà những người nuôi có kinh nghiệm dễ nhận biết.
Cách phòng trị: Ngoài nguyên nhân gây bệnh do stress còn có các yếu tố cấu thành khác như bể có quá nhiều ký sinh trùng, mật độ cá đông, thiếu ô xy, nước bẩn vv… Khi đã phát hiện được bệnh thì nên khắc phục các tồn tại trên, có thể sử dụng các muối chuyên dụng, thuốc kháng sinh hay sử dụng loại bể hydrogen peroxide.
Bệnh nấm
Bệnh nấm (Fungus) là căn bệnh để lại các vết màu nâu, xám xuất hiện từng mảng trên thân cá, thậm chí trên toàn bộ da cá. Nguyên nhân gây bệnh rất đa dạng, kể cả nấm trên miệng lẫn trên thân đều có chung nguyên nhân giống nhau là do ký sinh trùng, do chấn thương, do đánh nhau trong bể, do nước bẩn, …
Cách phòng trị: Trước tiên là giữ vệ sinh nguồn nước bể, thường xuyên thay nước, áp dụng các phương pháp phòng ngừa nấm. Ví dụ như dùng xanh methylene (methylene blue) để vệ sinh bể, lọc nước. Nếu trường hợp cá đã nhiễm bệnh và có các vết thương mở thì nên dùng nước có pha muối với nồng độ 1-3 gam muối/lít.
Bệnh táo bón
Bệnh tạo bón (Constipation) thường gặp ở cá vàng khi cá gặp khó khăn trong việc đại tiện, hoặc bị dắt phân lủng lẳng phía hậu môn. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do ăn thiếu khoa học, không đủ chất hoặc do ăn quá nhiều thức ăn dạng bột.
Cách phòng trị: Nên thay đổi khẩu phần ăn cho cá, tăng cường thức ăn thô, thực phẩm sống như sâu bọ, đậu Hà Lan, rau bina… Nếu là thức ăn khô thì trước khi cho ăn nên ngâm nước cho mềm để giúp cá tiêu hóa tốt, giảm bệnh.
Bệnh phù nề
Phù nề (Dropsy) là căn bệnh nhiễm khuẩn từ trong cơ thể của cá vàng làm cho cơ thể phù nề và vảy cá bị bong ra gây suy thận ở cá vàng.
Cách khắc phục: Một trong những phương pháp bảo vệ cá vàng tốt nhất, hiệu quả nhất trước bệnh phù nề là bảo vệ cá không bị ký sinh trùng tấn công, nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ nhiễm khuẩn và hạn chế bệnh thận. Có thể dùng thuốc chống khuẩn cho cá đồng thời vệ sinh bể cá, thay nước thường xuyên đồng thời duy trì nhiệt độ bể thích hợp.
Bệnh lồi mắt
Bệnh lồi mắt (Pop eye) là căn bệnh rất thường gặp ở cá vàng giống như bệnh Moor, Celestial và bệnh Water Bubble Eye, đây là căn bệnh làm giảm vẻ đẹp của cá và làm cho cá bị giảm thị lực, thường gây nên bởi nguyên nhân nhiễm trùng nước hoặc bệnh lao và đến nay chưa có cách khắc phục triệt để. Để phòng ngừa cần vệ sinh bể sạch sẽ, thay nước thường xuyên và duy trì nhiệt độ cũng như độ sáng thích hợp cho bể.
Bệnh rối loạn bong bóng khi bơi
Rối loạn bong bóng khi bơi (Swim bladder disorder) là căn bệnh làm cho cá nổi định kỳ một bên cơ thể lên mặt nước hoặc diễn ra khi đang bơi, sau khi hết bệnh nó lại trở về trạng thái bình thường. Trường hợp cá nằm nghiêng một bên trên bề mặt nước bất động kể cả khi chạm tay vào thì rất có thể đây là dấu hiệu mắc bệnh thận.
Cách phòng trị: Nên cho cá ăn thực phẩm ẩm để hạn chế quá trình trương bụng giúp cá dễ tiêu hóa. Tăng cường hàm lượng rau xanh trong thức ăn cho cá, thường xuyên thay vệ sinh nước bể chứa, có thể bổ sung một chút muối trong bể nhằm hạn chế căn bệnh do khuẩn ký sinh trùng gây ra. Nước bể phải đủ lượng ôxy cần thiết, nhiệt độ thích hợp và luôn thay lọc sạch sẽ.
Mua cá Vàng ở đâu? Giá bao nhiêu tiền?
Cá vàng là dòng cá khá phổ biến tại Việt Nam, chính vì vậy các bạn có thể tìm mua cá vàng ở các cửa hiệu cá kiểng trên toàn quốc từ Hà Nội cho đến thành phố Hồ Chí Minh đều có.
Do trên thị trường cá vàng có rất nhiều dòng cá khác nhau, chính vì vậy mức giá để sở hữu những chú cá vàng cũng rất khác nhau.
Ví dụ, dòng cá vàng sao chổi và cá vàng Oranda được bán trên thị trường chỉ có vài chục ngàn đồng, trong khi đó dòng cá vàng Ranchu là có mức giá lên đến hàng trăm nghìn đồng.
Cho nên, trước khi có ý định nuôi một chú cá vàng các bạn nên khảo và nghiên cứu kỹ các dòng cá vàng để tránh bị nhầm lẫn.
Một số lưu ý để chọn được cá vàng đẹp: các bạn nên đến các cửa hàng chuyên bán cá vàng cảnh (không nên mua ở dọc đường – không biết rõ nguồn gốc và chất lượng của cá).
Trên đây, BaoKhuyenNong đã chia sẻ đến các bạn đọc tất cả các thông tin về cá vàng – loài cá cảnh được ưa chuộng nhất hiện nay. Nếu bạn là một người yêu cá cảnh hoặc bạn đang có dự dịnh nuôi cá cảnh thì bài viết này sẽ thực sự bổ ích cho các bạn. Đặc biệt là khâu chọn và chăm sóc cá vàng.