Cá Vàng Ơi ( Nguyên Hương) | Banmaihong’s Blog

Phòng vi tính, mặt tiền cửa kính lùa, che rèm kín mít.

Tôi bước vào. Tấm rèm bằng thun dày màu xanh lá cây dài gần chấm nền như một bức tường che chắn không cho tôi nhìn thấy gì ngoài chính nó. Mất mười lăm giây tôi bị kẹt giữa bức tường kính và tấm rèm.

Hãy thử hình dung một cô giáo trong buổi ra mắt đầu tiên mà bị vướng trong tấm rèm lùng nhùng, học trò chỉ nhìn thấy hai chiếc giày của cô giáo đang loay hoay trên nền, và sự lộm cộm nổi lên sau tấm rèm dày sụ cho thấy hai tay cô đang sờ sọang những nếp gấp để tìm mép của nó ở chỗ nào (có một cách rất nhanh là túm chân rèm xách ngược lên rồi chui qua nhưng rõ ràng là không thể).

Thóat ra khỏi tấm rèm, tôi đưa tay vuốt lại mái tóc và tự nhủ lần sau sẽ cột túm tóc lại. À, có lý hơn là kéo rèm qua một bên vừa khỏi bùng nhùng vừa lấy ánh sáng trời cho lớp học.

Ngay lập tức, tôi kéo rèm qua một bên. Toàn bộ mặt tiền bằng kính nên ánh trời khiến căn phòng sáng rực lên.

Rực những ánh mắt học trò nhìn tôi rất nhanh, và nhìn nhau cũng rất nhanh. Tôi nhìn thấy chuyển động rất nhanh của những ngón tay, rồi những ngón tay câm bặt khi nhận ra sự chú ý của tôi.

Có điều gì đó. Tôi muốn biết cái điều gì đó là gì, nhưng hôm nay là ngày đầu tiên. Tôi mỉm cười, gõ phím:

–  Chào các em. Cô là Bình. Từ hôm nay cô thay thầy Hòang dạy các em. Cho cô biết em nào là lớp trưởng?

Những ánh mắt nhìn về cậu bé có mái tóc lỉa chỉa.

Tôi gõ:

–  Em tên gì?

Màn hình trước mặt cậu bé hiện dần dòng chữ:

–  Cô thưa Nguyễn Vinh Quang.

Tôi nhìn cô bé ngồi cạnh Quang có sóng mũi hơi gồ nhưng được bù lại bằng đôi mắt đen như nhung và những sợi tóc mai loăn xoăn gờn gợn, tôi gõ:

–  Còn em, em tên gì?

Màn hình trước mặt cô bé hiện dòng chữ:

–  Thưa cô Trần Thu Hiền em tên.

*                      *                      *

Buổi học thứ hai, đã biết mép của tấm rèm ở đâu nên tôi chỉ mất một giây để đưa tay tách đôi phần giao nhau giữa hai tấm rèm. Và buổi học thứ ba…

Âm thanh rạn nứt… bứt đôi… Tôi có cảm giác mép của hai tấm rèm bị đính lại thì phải. Đúng vậy. Những chấm nho nhỏ xíu xíu của lọai keo dính… Và tôi phải mất hai mươi giây mới mới hiểu ra lý do của sự bùng nhùng giống hệt ngày đầu tiên.

Thóat ra khỏi tấm rèm, tôi nhìn thấy học trò ngồi thẳng tưng, tay gõ phím, mắt chăm chú nhìn màn hình  hiện rõ bài tập văn bản mẫu tôi yêu cầu thực hành lần trước.

Dáng ngồi thẳng tưng một cách khả nghi. Bọn nhỏ lợi dụng cái rèm để có thời gian phi tang. Nó là cái gì nhỉ? Cái gì mà các em cần thêm vài giây để kịp dấu biến đi trước khi tôi có mặt?

Ăn vụng trong lớp vốn là cái thú của học trò. Tôi kín đáo nhìn quanh. Không có gì cả, không vật chứng và không mùi vị. Lén đọc truyện? Cũng không. Chồng sách  báo nằm ngay ngắn ở vị trí mà không thể trong vài giây từ đó chạy về chỗ ngồi trước màn hình một cách chỉnh tề được.

Ngày tiếp theo, có vịêc bận, tôi gọi điện xin phép bà quản lý cho tôi đi muộn ba mươi phút. Sợ vắng cô giáo bọn nhỏ ngó ngóay chân tay làm hư máy, đích thân bà quản lý thay tôi trông coi phòng máy. Tấm rèm quá quen thuộc không qua mặt được bà. Bí mật của bọn nhỏ bị phát hiện: tất cả các màn hình đều đang hiện trò chơi Đi tìm kho báu.

Bà quản lý nổi giận lôi đình. Bà đi xin từng đồng, chắt bóp tiền chợ từng xu để mua được chục cái máy cũ này về cho học trò của trường của bà biết thế nào là vi tính chứ không phải để chơi ba cái trò nhảm nhí. Đã không bằng người bình thường thì phải lấy chăm chỉ học hành bù lại. Học cái gì không học lại học chơi. Dẹp dẹp ngay lập tức. Trong lúc đợi cô giáo đến, tất cả úp mặt vô tường.

Cơn giận bừng bừng, bà quản lý những muốn tự tay ngay lập tức xóa biến cái gọi là game, nhưng dù mong muốn học trò của mình không bị lạc hậu, bà lại là người lạc hậu ghê gớm: với máy tính, bà chỉ một vị trí duy nhất là nhìn màn hình qua vai người khác.

Đùng đùng chận tôi từ cửa, bà ra lệnh, nguyên văn “Cô xóa sạch mấy cái gêm cho tôi, không được để sót lại chút nào”.

Ra lệnh cho tôi, bà không cần dùng tay ra dấu nhưng phạm nhân hiểu được hết. Những cái mặt quay vô tường, những cái đầu cúi xuống, mắt len lét nhìn đầu ngón chân ngọ nguậy.

Ngón tay tôi ngập ngừng… Bà quản lý nhìn chăm chăm màn hình mà không biết con trỏ là dấu hiệu gì, gêm là dòng chữ nào.

Tôi gõ mạnh phím cách và phím enter lốp rốp. Bà quản lý thở ra một hơi, hài lòng, rồi quay đi.

Bọn nhỏ lần lượt hỉ mũi. Tôi làm mặt nghiêm, cố nín cười. Hoàng đã cho tôi biết cử chỉ hỉ mũi là dấu hiệu bất bình. Không thích người nào, hỉ mũi sau lưng người đó. Ăn cơm, món xào bị mặn, hỉ mũi. Nhất là với môn múa, trừ một vài đứa có năng khiếu, còn lại đồng lọat hỉ mũi lia lịa.

Sáng hôm sau, trên đường đến trường, tôi hình dung bọn nhỏ kinh ngạc vui thích thế nào khi thấy game vẫn còn đó. Chúng vẫn lén tranh thủ vài phút đầu giờ để chơi? Hay không dám?

 

Tôi vờ bị mắc kẹt trong tấm rèm. Và khi tôi thóat ra được, hình ảnh đầu tiên tôi nhìn thấy không phải là sự vui thích hoặc xúc động vì được thông cảm, mà là… những cái hỉ mũi trao cho nhau một cách kín đáo, đầy vẻ coi thường.

Rồi tôi cũng hiểu ra – Bọn nhỏ cho rằng tôi dốt mà cũng là cô giáo. Cô giáo gì mà xóa game cũng không xóa được.

Vậy. Tôi cười một mình. Nhận ra nơi này cũng nhiều bất ngờ như mọi nơi khác chứ không như tôi tưởng.

Cuối giờ học, tôi gõ:

–  Từ nay về sau, các em sẽ có mười phút giải lao sau mỗi tiết học, để chơi game.

Những đôi mắt ngạc nhiên. Tôi tảng lờ, nhìn ra cửa. Một lát sau, tôi quay lại, màn hình của Quang hiện dòng chữ:

–  Cô cám ơn chúng em.

Cô bé Hiền nhìn tôi với ánh mắt lóng lánh, rồi cô bé nhổm người nhìn ra cửa lo lắng như là bà quản lý đang đùng đùng xuất hiện.

Tôi sẽ là người canh cửa, còn cách nào khác nữa? Trở thành một phần của bí mật. Tôi bật cười. Bí mật luôn là một phập phồng thú vị. Và cách diễn đạt ngược của các em cũng là một bí mật .

*                      *                      *

Cái gì bị cấm đoán thì hấp dẫn hơn. Đúng vậy. Và ngược lại. Chẳng bao lâu, bọn nhỏ bắt đầu hỉ mũi với game. Còn những văn bản thì càng ngán hơn, tòan chữ là chữ.

Để thay đổi không khí, tôi cho bọn nhỏ chuyển qua học vẽ. Mẫu là truỵên tranh trên những tờ báo Nhi Đồng. Tất cả tỏ ra hào hứng, không khí tưng bừng hẳn lên.

Bà quản lý xuất hiện. Tôi nghiễm nhiên yên tâm vì đang giờ thực hành hết sức nghiêm chỉnh. Nhưng rồi … đôi mắt bà quản lý nghi ngại nhìn mỗi bàn máy đang bày ra một trang báo màu mè… và chuyển thành chưng hửng khi nhìn những màn hình đầy những hình thù nhí nhố xanh đỏ tím vàng… những ngón tay hí hửng nhấp chuột lia lịa…

Màn hình này vẽ người máy thông minh, đó là tôi nhìn mẫu mà biết vậy chứ sự hiển thị đang còn là những mảng hình khối to nhỏ. Màn hình kia là cô bé quàng khăn đỏ, chưa ra môn ra khoai nhưng thọat nhìn cũng đóan ra được vì cái khăn trùm màu đỏ thắm buộc thành dải nơ dưới cằm và chữ V nằm ngang có hai hàm răng giống hệt lưỡi cưa cho biết đó là miệng của con sói.

Bà quản lý hỏi:

–  Cô cho tụi nó làm cái gì vậy?

–  Dạ, học vẽ.

Trả lời xong tôi mới nhận ra câu hỏi của bà quản lý lồ lộ ý tứ. Không phải là “học cái gì vậy?” mà là “làm cái gì vậy?”.

–  Trời ơi thôi đi. Làm ơn thực tế dùm cho. Cô hãy dạy tụi nó biết đánh văn bản thật vững vàng để mai mốt kiếm tiền nuôi thân. Điều kiện của mình khác người ta, học là học cho ra cái nghề đàng hòang chứ học vẽ vời chơi chơi làm cái gì.

Bà vừa nói vừa thở dài, rồi quay đi.

Tôi đợi bọn nhỏ hỉ mũi nhưng không, chúng quá thích thú với việc học vẽ và cũng như tôi nghiễm nhiên yên tâm, chúng cũng quá yên tâm là mình đang thực hành theo lệnh cô giáo nên đứa nào cũng chúi mũi chăm chú vô màn hình.

Tôi đi đến bên máy của Quang, định là ra hiệu cho em ngừng lại, và thừa lệnh tôi ra hiệu cho cả lớp ngừng lại. Nhưng kìa… màn hình trước mặt Quang không giống các bạn chút nào. Không màu mè xanh đỏ tím vàng, không siêu nhân và cũng không chim chóc hoa lá. Chỉ một nét mảnh bút chì run rẩy trên màn hình toàn màu xám trắng, vẽ rồi tẩy… Tay nhấp chuột hơi quá đà một chút là cái nét mảnh đã bị xiên xẹo một quãng dài… Lại tẩy… và tẩy nữa…

 

Cuối cùng tôi cũng nhận ra Quang đang vẽ khuôn mặt nhìn nghiêng, con mắt được tô một màu đen tuyền, sóng mũi hơi gồ và những sợi tóc mai loăn xoăn…

Chính xác hơn, là tôi nhận ra Quang muốn vẽ như vậy. Nhưng vì không thể hiện được như ý, Quang bù lại bằng cách vào WordArt Gallery, chọn kiểu chữ bảy màu rực rỡ… Cái tên “Trần Thu Hiền” cỡ lớn hiện ra sáng bừng cả màn hình.  Quang ngoảnh nhìn cô bạn ngồi bên cạnh…

 

 

Hiền đang mải mê vẽ bức tranh minh họa câu chuyện cổ tích “Ông lão và con cá vàng”. Ông lão mặc áo rách đang bẽn lẽn thốt điều ước, con cá vàng có cái đuôi ngũ sắc uốn lượn trên sóng, đôi mắt như hai viên ngọc tỏa hào quang .

Chợt nhận ra tôi đang đứng sau lưng, Quang luống cuống nhấp chuột xóa đi… Cục tẩy lúng ta lúng túng quệt qua cái tên Trần Thu Hiền, sót lại những lấm chấm bảy màu như những vụn kim tuyến được tung lên trong ngày lễ hội.

Vành tai Quang đỏ lựng, ửng cả cái máy trợ thính.

Vậy. Bọn  nhỏ đã biết mơ mộng rồi.

Tôi cười một mình, hình dung bà quản lý như thế nào khi nhận biết điều này. Trước hết là bà sẽ la lên “Đừng có mà bày đặt nghe chưa. Cấm!” bà sẽ nói vậy dù biết lệnh của mình chỉ để dọa mà thôi. Làm sao mà cấm đuợc. Cuộc đời mênh mông đủ sức chứa cả nỗi khổ lẫn niềm vui.

.

Nguyên Hương

Chia sẻ:

Thích bài này:

Thích

Đang tải…

Rate this post

Viết một bình luận