Theo các hộ nuôi cá lồng bè, hiện nay cá lăng, cá bỗng, cá trắm đen… nuôi lồng ở tỉnh Tuyên Quang đã quá thời gian thu hoạch 3 – 4 tháng nhưng không xuất bán được.
Không bán được cá, trong khi dân vẫn phải chịu chi phí nuôi ngày một tăng lên do cá càng lớn, sức ăn càng mạnh, giá cám lại cao khiến các hộ nuôi như ngồi trên đống lửa.
Đến nay, phần lớn các hộ vẫn còn tồn đọng cá lồng vì chưa có tiểu thương thu mua.
Lồng cá của chị nguyễn Thị Kim Huệ (bên trái), thôn Đồn Hang, xã Vân Sơn (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) hiện đang đến kỳ thu hoạch nhưng không có người mua.
Gia đình ông Hoàng Văn Đô, thôn Mãn Sơn, xã Vân Sơn (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) nuôi 20 lồng, chủ yếu là các giống cá lăng, diêu hồng, chép, trắm đen.
Ông Đô cho biết, thời điểm này những năm trước, thương lái đến thu mua vài lần là hết cá. Thế nhưng năm nay, ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều thương lái đã dừng, thậm chí hủy đơn hàng đã đặt trước.
Hiện gia đình ông còn hơn 30 tấn cá, trong đó có hơn 20 tấn cá lăng đã đến kỳ xuất bán nhưng không có người mua. Trong khi đó, mỗi ngày ông Đô vẫn phải chi hơn 10 triệu đồng tiền thức ăn cho cá.
Không những vậy, giá cá cũng giảm mạnh, cá lăng hiện có giá 50.000 đồng/kg, cá diêu hồng 27.000 kg đồng/kg, trắm đen 65.000 đồng/kg, thấp hơn khoảng 15 – 20% so với những năm trước đây. Nếu tình trạng này kéo dài đến cuối năm, gia đình ông cũng không đủ sức cầm cự.
Tương tự, chị nguyễn Thị Kim Huệ, thôn Đồn Hang, xã Vân Sơn cho biết, gia đình chị có 5 lồng cá lăng và trắm đã nuôi được hơn 20 tháng, ước tính sản lượng hơn 10 tấn cá lăng đang đến kỳ thu hoạch nhưng không xuất bán được.
Trung bình mỗi ngày, chị phải đổ xuống gần 5 triệu đồng tiền thức ăn cho cá. Cá càng để lớn càng tốn thức ăn, nếu cứ tiếp tục phải duy trì đàn cá lâu ngày thì rất tốn kém và bị thua lỗ.
Đồng chí Âu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND xã Vân Sơn cho biết, toàn xã có 9 hộ phát triển nghề nuôi cá lồng với 76 lồng cá, chủ yếu là các giống cá lăng, trắm, diêu hồng, rô phi, chép.
Ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường tiêu thụ chậm nên hiện nay toàn xã còn khoảng 90 tấn cá đã đến thời kỳ thu hoạch nhưng không thể xuất bán. Chính quyền xã đang tích cực vận động người dân phải chăm sóc cá thường xuyên, đúng quy trình, đảm bảo chất lượng cá, chờ khi thị trường lưu thông sẽ có sản phẩm cung cấp cho thị trường.
Cũng như các hộ nuôi cá lồng bè khác, hơn 3 tháng qua, các hộ chăn nuôi cá lồng tại Hợp tác xã sản xuất kinh doanh cá đặc sản Thái Hòa (huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang) đứng ngồi không yên bởi thị trường tiêu thụ ảm đạm, giá bán sụt giảm.
Ông Phạm Thanh Bình, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất kinh doanh cá đặc sản Thái Hòa cho biết, hàng năm, tầm tháng 3 – 4, các hộ cơ bản thu hoạch hết cá lồng. Tuy nhiên, năm nay đã cuối tháng 6 vẫn tồn đọng rất nhiều.
Hiện hợp tác xã mới bán được hơn 2 tấn cá chiên, bỗng, thời điểm này, các thương lái đã dừng hẳn việc thu mua, thi thoảng lác đác có khách lẻ trong vùng đến hỏi mua 1, 2 con.
Hơn 3 tấn cá còn lại chưa biết đến bao giờ mới bán được. Một khó khăn nữa mà các hộ dân nuôi cá lồng gặp phải là lứa cá thương phẩm không xuất bán được thì không có lồng nuôi trống để vào lứa cá tiếp theo cho năm sau. Nếu duy trì nuôi lứa cá này, chi phí sẽ lớn hơn chi phí vào đàn cá mới.
Toàn tỉnh Tuyên Quang hiện có 600 hộ nuôi với hơn 2.220 lồng bè, mỗi năm cho sản lượng từ hơn 2.200 tấn cá.
Từ đầu năm 2021, ảnh hưởng của dịch Covid-19, các nhà hàng, quán ăn ngừng hoạt động, các cơ sở, chợ đầu mối tiêu thụ sản phẩm thủy sản ngừng trệ, giá cá thương phẩm xuống thấp, khiến sức tiêu thụ thủy sản giảm mạnh. Ước toàn tỉnh hiện còn hơn 200 tấn cá lồng đến kỳ thu hoạch chưa xuất bán được.
Để hỗ trợ người nuôi giải phóng thủy sản tồn đọng, vừa qua, ngành nông nghiệp tỉnh Tuyên Quang đã phối với các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã nuôi trồng thủy sản thống kê sản lượng cá thương phẩm đến kỳ xuất bán để kết nối tiêu thụ với các đơn vị thu mua tại các tỉnh Hải Dương, Hà Nội, tiêu thụ được 20 tấn cá đặc sản.
Đồng thời để có thị trường tiêu thụ ổn định, lâu dài, thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục tìm kiếm, tạo mối liên kết với các tỉnh, các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, đảm bảo giá thành ổn định cho người dân. Chính quyền các địa phương cần tiếp tục hướng dẫn các hộ chăn nuôi cá lồng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; khai thác tiềm năng, thế mạnh chăn nuôi thủy sản, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội địa phương.