Các loại cá có tiếng như kim long, ngân long, la hán…. chưa “bãi triều”, thì một số người đã “đi tắt đón đầu” nuôi loại cá kiểng mới nặng hàng trăm kg.
Chơi cá kiểng là cái thú đam mê của khá nhiều người. Cũng giống như những người chơi hoa kiểng, chim kiểng, nhu cầu của dân chơi cá kiểng luôn thay đổi không ngừng. Ở Tây Ninh, trong khi các loại cá có tiếng như kim long, ngân long, la hán…. chưa “bãi triều”, thì một số người đã “đi tắt đón đầu” thị trường, tìm tòi nuôi loại cá kiểng mới. Đó là cá hải tượng.
Cá hải tượng của ông Ninh đã nặng cả trăm ký.
Đi tiên phong cho xu hướng mới này có lẽ là ông Ninh, 75 tuổi, ngụ thị trấn Tân Châu (huyện Tân Châu, Tây Ninh). Hiện nay, ông Ninh đang nuôi 12 con cá hải tượng, trung bình mỗi con nặng khoảng 100kg.
Để nuôi được loài cá “khủng” này, ông phải xây một cái hồ tương đương hồ bơi dành cho người lớn. Hồ cá của ông Ninh có chiều cao 1,5m, chiều ngang 10m và chiều dài 20m. Bên trong hồ lát toàn bộ bằng gạch men, mục đích là để cá không bị trầy vi, tróc vẩy. Trên hồ có lợp tôn cẩn thận để tránh nước mưa và lá cây rụng vào làm ô nhiễm nước. Xung quanh hồ lắp kính chịu lực, qua đó có thể ngắm nhìn cá bơi lội.
Chủ nhân của đám cá kiểng khổng lồ này phải thuê hẳn một nhân công để chuyên chăm sóc cho cá. Công việc của người này là cho cá ăn mỗi ngày và cứ nửa tháng thay nước cho hồ cá một lần. Trung bình mỗi con cá hải tượng mỗi ngày ăn 1kg thức ăn. Thức ăn của chúng là các loại cá: mè vinh, trắm cỏ, chép, sặc, rô… với giá khoảng 7.000 – 8.000 đồng/kg.
Ông Ninh cho biết: “Tôi mua chúng ở nước ngoài, nuôi đã được 5 năm. Hồi mua chúng mới chỉ bằng ngón tay cái, giá mỗi con 1,5 triệu đồng. Hiện nay, 5 con lớn đã nặng khoảng 120 kg, 7 con nhỏ khoảng 80 kg. Đã có người hỏi mua cả đàn cá với giá 1,5 tỷ đồng/con nhưng tôi chưa muốn bán”.
Ở xã Hiệp Tân (huyện Hoà Thành) có anh Vũ, 38 tuổi cũng đang nuôi 8 con cá hải tượng. Lúc anh mua, mỗi con cá hải tượng chỉ bằng ngón chân cái người lớn nhưng đã có giá 2,5 triệu đồng. Thời gian đầu chưa có kinh nghiệm nuôi loại cá này, anh Vũ đã bố trí hồ nuôi cá gần vườn mai kiểng. Do đó, khi anh cho xịt thuốc diệt sâu rầy cho cây mai, hơi thuốc bay vào hồ cá đã khiến đàn cá của anh Vũ bị mù mắt và chết gần hết.
Hồ nuôi cá hải tượng của ông Ninh tương đương hồ bơi dành cho người lớn.
Anh lại phải đầu tư kinh phí gầy dựng lại đàn cá khác. Hiện nay đàn cá hải tượng của anh Vũ rất khoẻ mạnh, mau lớn. Chỉ mới nuôi được 5 tháng mà mỗi con đã to hơn cổ tay người lớn. Anh Vũ cho biết: Loại cá này rất hiếu động, chúng thường nhảy lên khỏi mặt nước khoảng 0,2 m để đùa giỡn. Chúng tỏ ra rất háu ăn. Mỗi buổi chiều đi làm về, anh Vũ thường ghé chợ mua một kg cá hoặc ếch về làm mồi cho chúng.
Anh biểu diễn cho chúng tôi xem bằng cách cầm con ếch trên mặt hồ, lập tức mấy con cá hải tượng bay lên đớp cái “phập”. Anh Vũ thích thú nói: “Tôi đã từng nuôi nhiều loại cá kiểng nhưng chưa thấy loại nào như loài cá hải tượng này. Chúng bơi lội rất mạnh dạn, ăn uống táo bạo, dễ tạo cho ta cảm giác mạnh. Đi làm về, tôi chỉ cần cho chúng ăn hoặc ngắm nhìn chúng đùa giỡn là quên hết cảm giác mệt nhọc”.
Cá hải tượng có tên khoa học là Arapaima gigas, có nguồn gốc ở Amazon (Brazil), Colombia. Khi trưởng thành có thể dài tới 5m, nặng tới 400kg. Thân cá dạng tròn, khi còn nhỏ nó màu xanh xám, vây đuôi đen. Khi trưởng thành vây cá chuyển sang màu đỏ, đuôi có viền cam.
So với những loài cá nước ngọt khác, cá hải tượng mau lớn hơn. Sau một năm tuổi, nó nặng tới 4-5 kg. Cá 4-5 năm tuổi là có thể sinh sản, mỗi lứa có thể đẻ tới 180.000 trứng. Thức ăn của cá hải tượng là các loài cá nhỏ. Chúng có khả năng săn mồi thiện nghệ bằng cách phi thân lên khỏi mặt nước khoảng vài mét để tóm cả chú chim đang đậu trên cây.
Có kích cỡ khủng và lại có hình dáng đẹp, màu sắc bắt mắt nên cá hải tượng được nhiều cư dân Nam Mỹ nuôi làm cá cảnh. Ở Thái Lan, Nhật Bản loài cá này rất được ưa chuộng. Tuy nhiên, ở nhiều nước phương Đông, vì cá hải tượng được coi là cá rồng nên người ta kiêng kỵ, không ăn thịt.