Quăng 3 lưới bắt gần 10 kg
Đến khu vực cầu Bến Dầu (xã Bình Minh, thượng nguồn rạch Tây Ninh đổ ra sông Vàm Cỏ Đông), chúng tôi không khỏi ngạc nhiên về một loại cá đen ngòm, đớp móng đặc sệt dưới lòng rạch.
Một buổi trưa giữa tháng 3, trên đoạn rạch khoảng 500 m tại khu vực cầu Bến Dầu, chúng tôi chứng kiến gần chục người đang đánh bắt cá bằng các loại lưới giăng, lưới chài. Đứng trên thành cầu (cách mặt nước khoảng 1,2 m), anh Trần Văn Phương (ngụ xã Bình Minh) quăng mẻ lưới đầu tiên đã bắt được gần chục con cá lau kính đen trùi trũi, da sần sùi (mỗi con từ 200-300 gr). Sau 3-4 mẻ lưới tiếp theo ở những vị trí khác, chiếc thùng sơn nước (loại 18 lít) mà anh Phương mang theo đựng cá đã đầy ắp cá lau kính với khoảng 12-15 kg (không tính những con cá cỡ 2 ngón tay anh bỏ trở lại xuống nước vì chê nhỏ).
Anh Phương cho biết, dòng rạch từ nhiều năm nay đã bị cá lau kính chiếm lĩnh nên hiếm khi đánh bắt được những loài cá khác. “Do hình dạng cá xấu xí, đầy ngạnh sắc nhọn, nhiều người ngại ăn thịt, đánh bắt nên số lượng ngày càng đông đúc. Gần đây, một vài người biết ăn đã đến đánh bắt vừa để ăn, vừa để bán nhưng số lượng cũng không giảm bao nhiêu”, anh Phương nói. Hiện anh Phương bán được cá lau kính với giá 15.000 đồng/kg (cá loại nhỏ) và 20.000 đồng/kg (cá loại lớn).
Bên dưới chân cầu, anh Nguyễn Văn Hải cùng người bạn đang gỡ số cá lau kính dính trong lưới. Cách đó 200 m, anh Nguyễn Văn Bình (ngụ H.Hòa Thành, Tây Ninh) cũng đang phụ con trai gỡ không ngớt 2 tay lưới giăng (khoảng 10 m) ngang dòng rạch này. Điều đáng nói, tất cả những người đến bắt cá tại khu vực này đều chỉ bắt được duy nhất một loại cá là cá lau kính. Anh Bình cho biết: “Cá ở đâu mà đông quá xá, tôi mới giăng 10 phút mà đã bắt được đến 6 con lau kính to đùng. Lần trước, hai cha con giăng lưới khoảng 2 tiếng đã bắt được gần chục ký rồi về nướng, lớp khác thì phơi khô”.
Anh Bình cho biết thêm, những ngày trước đó, khi đi ngang qua khu vực này thì phát hiện có con cá gì đen ngòm, đớp bóng dày đặc dưới rạch. Hỏi người dân địa phương tại sao có cá nhiều mà lại không ai bắt thì được biết đó chỉ là cá lau kính nên không ai động tay vào. Mấy lần, thấy người ta bắt về ăn thử thấy thịt ngon nên hai cha con tôi đến đây bắt về ăn và cho hàng xóm ăn thử.
Nguy cơ
Theo tài liệu khoa học, cá lau kính (còn gọi là cá tỳ bà, cá cọ bể) có tên khoa học là Hypostomus punctatus; nguồn gốc từ Nam Mỹ, được nhập vào Việt Nam bằng đường kinh doanh cá cảnh. Đây là loài cá ăn tạp (chất thải của các cá khác, rong rêu, tảo bám trên bề mặt thực vật hoặc nền đáy sông hồ…), thích nghi mạnh với nhiều điều kiện môi trường. Đặc biệt, loài cá này sinh sản nhanh khi phát tán ra ngoài môi trường (mỗi lần đẻ từ 5.000 – 6.000 trứng/con). Loài cá cạnh tranh mạnh thức ăn với các loài khác và có khả năng lấn át sinh vật bản địa, làm mất cân bằng sinh thái. Ngoài ra, tập tính loài cá này đào hang nên nguy cơ làm sạt lở sông hồ cao…
Nói về sự xuất hiện của loài cá lau kính trên sông, rạch tại Tây Ninh, ông Trần Văn Trưng, Chi cục phó Chi cục Thủy sản Tây Ninh, lý giải: “Trước đây, cá lau kính được người dân nuôi kiểng trong tủ kính để ăn rong rêu bám trong hồ nhằm làm sạch hồ, nhưng vì nhiều lý do nên người dân vô tình thả ra sông suối, giờ chúng càng phát triển nhiều”.
Theo ông Trưng, Chi cục cũng ghi nhận được trên sông Vàm Cỏ Đông, người dân chài lưới cũng bắt được loài cá này tương đối nhiều so với lúc trước. Điểm đặc biệt của loài cá lau kính là tốc độ sinh sản khi ra ngoài tự nhiên khá nhanh. “Chưa có nghiên cứu, thống kê về số lượng loài cá này trên sông, rạch tại Tây Ninh nhưng nguy cơ trước mắt, cá lau kính phát triển mạnh và khả năng cạnh tranh lượng thức ăn của loài khác rất lớn dẫn đến mất cân bằng sinh thái khiến nhiều loại khác có nguy cơ bị đe dọa. Dẫn chứng là một số đoạn xuất hiện loài cá này thì lại ít có loại cá nào sinh sống cùng môi trường này”, ông Trưng nói.
Ông Trưng cũng cho biết thêm, do cá lau kính không có giá trị kinh tế, ít được người dân đánh bắt để buôn bán nên xuất hiện ngày càng dày đặc trong môi trường sông nước. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có nghiên cứu chính thức về sự xâm hại của loài cá này đối với môi trường tại Tây Ninh.
Giang Phương