Cà phê đen và cà phê nâu là những loại đồ uống đã quá quen thuộc với nhiều người nhưng đã bao giờ bạn nghe nói đến cà phê xanh chưa? Loại cà phê này được cho là chứa nhiều hợp chất thực vật tốt cho sức khỏe. Vậy thực hư ra sao? Cà phê xanh là gì và có những lợi ích, tác hại như thế nào?
Cà phê xanh chỉ đơn thuần là những hạt cà phê thông thường chưa được rang và vẫn còn nguyên hạt.
Chiết xuất của cà phê xanh được sử dụng làm thành phần trong nhiều loại thực phẩm chức năng nhưng loại cà phê này cũng có thể được mua ở dạng nguyên hạt và sử dụng để làm đồ uống nóng, giống như cà phê rang xay thông thường.
Cà phê được pha từ cà phê xanh có màu xanh lá cây nhạt và có mùi vị không giống với cà phê thường. Cà phê xanh có vị nhẹ nhàng hơn rất nhiều và giống với trà thảo mộc hơn là cà phê.
Hơn nữa, thành phần hóa học của cà phê xanh cũng khá khác với cà phê thông thường, mặc dù nguồn gốc của cả hai đều giống nhau.
Cà phê xanh chứa nhiều axit chlorogenic – các hợp chất có tác dụng chống oxy hóa và chống viêm mạnh,, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Các sản phẩm cà phê thông thường cũng chứa một lượng nhỏ axit chlorogenic nhưng phần lớn đều bị mất đi trong quá trình rang.
Tóm tắt: Cà phê xanh là hạt cà phê chưa rang, có chứa hàm lượng lớn axit chlorogenic – một nhóm hợp chất chống oxy hóa có nhiều lợi ích cho sức khỏe
Vào năm 2012, chiết xuất cà phê xanh đã được quảng cáo là có tác dụng giảm cân.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia về sức khỏe thì loại cà phê này không có bất kỳ tác động đáng kể nào đến cân nặng.
Mặc dù vậy nhưng chiết xuất cà phê xanh vẫn là một trong những thành phần phổ biến nhất trong các sản phẩm hỗ trợ giảm cân.
Một số nghiên cứu nhỏ đã cho những con chuột thí nghiệm uống cà phê xanh và kết quả là tổng khối lượng cơ thể cũng như là lượng mỡ tích tụ giảm đáng kể. Tuy nhiên, điều này không được quan sát thấy ở các nghiên cứu trên người. (1)
Hầu hết các nghiên cứu được thực hiện ở con người về tác dụng giảm cân của cà phê xanh đều không có kết quả. Mặc dù một số người tham gia thực sự có giảm cân nhưng các nghiên cứu này được chỉ được thực hiện trên quy mô nhỏ và trong thời gian ngắn nên chưa đủ đưa ra kết luận.
Như vậy là vẫn chưa có bất kỳ bằng chứng xác thực nào chứng minh rằng cà phê xanh có tác dụng giảm cân. Sẽ cần nhiều nghiên cứu quy mô lớn hơn để xác minh điều này. Đến nay thì cách hiệu quả nhất để giảm cân vẫn là kết hợp chế độ ăn kiêng khoa học, lành mạnh và tập thể dục đều đặn.
Tóm tắt: Chiết xuất cà phê xanh là thành phần trong nhiều sản phẩm hỗ trợ giảm cân nhưng tính hiệu quả vẫn chưa được khoa học chứng minh.
Cà phê xanh mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Hợp chất axit chlorogenic trong loại cà phê này giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường tuýp 2 và bệnh tim mạch. (2)
Trong một nghiên cứu kéo dài 8 tuần được thực hiện ở những người mắc hội chứng chuyển hóa – một nhóm các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và bệnh tim mạch, gồm có tăng huyết áp và đường huyết cao, những người tham gia được chia làm hai nhóm, một nhóm uống 400 mg chiết xuất cà phê xanh đã khử caffeine 2 lần mỗi ngày trong khi nhóm còn lại không uống.
Kết quả là những người dùng chiết xuất cà phê xanh đã có sự cải thiện đáng kể về mức đường huyết khi đói, huyết áp và vòng eo (mỡ bụng) so với nhóm không dùng.
Tuy nhiên, vẫn cần nghiên cứu thêm để có thể đưa ra kết luận về lợi ích này của cà phê xnah.
Tóm tắt: Cà phê xanh có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tiểu đường tuýp 2.
Giống như cà phê thông thường, cà phê xanh an toàn nhưng đôi khi có thể gây ra một số vấn đề không mong muốn.
Tác hại khi tiêu thụ quá nhiều caffeine
Hạt cà phê xanh cũng có chứa caffeine tự nhiên.
Tiêu thụ một lượng caffeine vừa phải mỗi ngày an toàn đối với hầu hết người trưởng thành khỏe mạnh nhưng tiêu thụ quá nhiều có thể dẫn đến các hiện tượng khó chịu như như hồi hộp, bồn chồn, tim đập nhanh, rối loạn giấc ngủ và tăng huyết áp. (3)
Một cốc (khoảng 240 ml) cà phê đen hoặc cà phê xanh cung cấp khoảng 100 mg caffeine, tùy thuộc vào giống cà phê và phương pháp pha chế.
Vì một lượng nhỏ caffeine bị mất đi trong quá trình rang nên cà phê xanh chứa nhiều caffeine hơn một chút so với bột cà phê rang xay thông thường nhưng sự chênh lệch thường không quá lớn.
Theo khuyến nghị, mỗi người chỉ nên tiêu thụ tối đa 400 mg caffeine mỗi ngày, tương đương 3 – 4 cốc cà phê. Giới hạn đối với phụ nữ mang thai và đang cho con bú là 200 – 300 mg nhưng tốt nhất là nên tránh hoàn toàn.
>>> Một ngày có thể tiêu thụ bao nhiêu caffeine?
Cà phê xanh có thể ảnh hưởng đến sức khỏe xương
Một nghiên cứu trên động vật kéo dài 2 tháng cho thấy những con chuột được cho uống chiết xuất cà phê xanh bị giảm đáng kể lượng canxi trong mô xương. (4)
Kết quả này cho thấy rằng việc uống cà phê xanh trong thời gian dài có thể gây hại cho sức khỏe của xương và dẫn đến loãng xương.
Nhưng vẫn cần thêm các nghiên cứu trên người đều khẳng định điều này.
Tóm tắt: Tiêu thụ quá nhiều caffeine, dù là từ cà phê thông thường hay cà phê xanh cũng đều sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. Ngoài ra, các nghiên cứu trên động vật cho thấy cà phê xanh gây hại đến sức khỏe của xương.
Hiện chưa có đủ thông tin về cà phê xanh để đưa ra khuyến nghị cụ thể về lượng tiêu thụ.
Tuy nhên, một vài nghiên cứu đã sử dụng liều lượng lên đến 400 mg chiết xuất cà phê xanh 2 lần mỗi ngày và những người tham gia đều không gặp phải tác động tiêu cực nào.
Nếu bạn đang có ý định uống cà phê xanh hoặc sử dụng các sản phẩm chứa chiết xuất loại cà phê này thì cần thực hiện theo hướng dẫn về liều lượng hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng để đảm bảo an toàn.
Tóm tắt: Hiện chưa có khuyến nghị cụ thể về lượng tiêu thụ cà phê xanh an toàn nhưng một số nghiên cứu đã sử dụng liều lượng lên đến 400 mg chiết xuất 2 lần mỗi ngày mà không xảy ra vấn đề gì.
Tóm tắt bài viết
Cà phê xanh là hạt cà phê thô, chưa được rang xay.
Chiết xuất cà phê xanh được sử dụng trong nhiều loại thực phẩm chức năng hỗ trợ giảm cân. Loại cà phê này giúp cải thiện mức đường huyết và huyết áp nhờ chứa hợp chất axit chlorogenic.
Vì cũng có chứa caffeine nên tiêu thụ quá nhiều cà phê xanh sẽ gây hại cho sức khỏe, ví dụ như gây bồn chồn, tim đập nhanh, mất ngủ, tăng huyết áp và tăng nguy cơ loãng xương.