Cá rô phi – ở đâu cũng nuôi được

Trước đây, người ta cho rằng, cá rô phi vừa nhỏ, vừa nhiều xương cứng nên nó chỉ là loại cá của người nghèo. Trong những năm chiến tranh, ở phía Bắc có công thức: Xung quanh các trại lợn của hợp tác xã là một hệ thống mương nuôi toàn rô phi. Con rô phi dễ nuôi, ăn toàn nước phân từ chuồng lợn thải ra và đẻ rất khỏe. Tuy nhiên, thời đó giống rô phi còn quá nhỏ, chỉ khoảng 1-2 lạng/con. Người ta thu cá và làm mắm chượp để cung cấp lại cho lợn. Người ít tiền thì mua cá đó về ăn.

Nhưng tới nay, giống cá rô phi được cải thiện rất nhiều, chất lượng thịt và trọng lượng cá tăng đáng kể, do đó, việc nuôi cá rô phi tăng mạnh. Người ta đã lai giống rô phi màu đỏ với con rô phi xanh để ra một loài lai mà trọng lượng có thể lên tới 2-3kg/con. Cá rô phi còn có một ưu điểm nổi trội là dễ nuôi và chịu được ở những môi trường không thuận lợi. Nó có thể sống ở môi trường nước ngọt, nước lợ (mà có thể độ mặn tới 32%o) và cả nước phèn nhẹ.

Cá nói chung rất sợ nước bẩn nhưng con rô phi chịu được cả ở nguồn nước có hàm lượng amôniắc tới 2,4mg/lít và lượng oxy chỉ có 1mg/lít. Nó chịu nhiệt tới tận 42 độ C và chịu lạnh được tới 11 độ C. Giới hạn pH đối với chúng từ 5-10.

Điều thú vị hơn là, cá rô phi ấp trứng ở trong miệng. Trứng sau khi đã thụ tinh được cá ngậm ở miệng cho tới tận lúc nở. Mà nó đẻ có ít đâu, mỗi lần đẻ 1.000 – 2.000 trứng. Đã thế, một năm nó lại đẻ nhiều lần. Vì vậy, việc tăng đàn là vô địch! Tuổi thành thục của nó cũng sớm, thường thì 4-5 tháng tuổi là đã đẻ. Riêng con rô phi đen chỉ mới có 3 tháng tuổi là đã đẻ được rồi.

Hiện nay, bà con nuôi chủ yếu là giống cá rô phi đỏ (có màu sáng hồng, được nhập vào từ những năm 90) và cá rô phi Đài Loan hay còn gọi là rô phi vằn. Bọn này chỉ nuôi 4-5 tháng là có thể đạt từ 0,2-0,4kg. Nếu nuôi 5-6 tháng thì cá rô phi vằn có thể đạt 0,5-0,8kg/con. Nếu nuôi 18 tháng thì mỗi con có thể nặng tới 1,2kg. Riêng dòng cá rô phi GIFT (là dòng rô phi vằn chọn lọc) được ưa chuộng hơn cả vì có tốc độ lớn rất nhanh.

Ở cá rô phi, người ta nhận thấy, giữa con cái và con đực có tốc độ lớn khác nhau. Thường thì con đực lớn nhanh hơn con cái từ 15-18% sau 4 tháng nuôi. Vì vậy, người nuôi chỉ muốn nuôi toàn con đực. Do đó, các chuyên gia thủy sản đã tìm biện pháp để tạo ra cá rô phi toàn đực. Người ta gọi là rô phi đơn tính. Trong việc này, bà con cần thận trọng, phải mua của các cơ sở có uy tín, có năng lực và có địa chỉ rõ ràng. Nếu không, ta dễ bị lừa là giống rô phi đơn tính, trong lúc nó là giống rô phi bình thường.

Rô phi có thể nuôi đơn hoặc nuôi ghép. Ta có thể nuôi ao, nuôi hồ, nuôi lồng hoặc nuôi ngay trong ruộng. Nếu nuôi ruộng cần có mương xung quanh chiếm khoảng 30% diện tích ruộng và sâu từ 0,8-1,2m. Nhà nào có mặt nước là đều có thể nuôi cá rô phi.

Rate this post

Viết một bình luận