So với các loài cá khác thì cá rô phi sớm gần gũi với đời sống của con người. Những hình ảnh cá rô phi đã có ở các bức khắc trên đá trong các kim tự tháp của Ai Cập. Cá rô phi cũng là loài cá được con người đưa vào nuôi đầu tiên vào năm 1924 và sau đó nuôi rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới vào những năm 1940-1950, nhất là ở những nước nhiệt đới và cận nhiệt đới, thời gian gần đây nuôi rô phi mới thực sự phát triển mạnh mẽ trở thành một ngành nuôi có quy mô công nghiệp, cho sản lượng thương phẩm lớn và đạt hiệu quả kinh tế cao. Cá rô phi là loài cá phổ biến, ở đâu cũng nuôi được. Tuy nguồn gốc của nó là từ châu Phi nhưng tới nay đã có hơn 100 nước trên thế giới nuôi rô phi.
>>> Xem thêm: Mô hình nuôi cá rô phi đơn tính
Cá rô phi đơn tính (Rô phi toàn đực) là rô phi được xử lý bằng hooc-môn đặc biệt (17α- methyltestosteron), sinh tố C và bột cá. Cách xử lý hooc-môn: Chuẩn bị 1 ao ương (tẩy vôi, nhưng không bón phân, không gây màu nước, không bón phân vô cơ), lọc nước sạch vào ao. Cắm giai cách bờ 1m, chuyển rô phi bột thả vào giai với mật độ: 1 vạn con/m3 nước (10 con/lít). Công thức phối trộn thức ăn như sau: 1kg bột cá + 60mg hooc-môn (hooc-môn đã được hoà trong cồn 96°) + l0gam sinh tố C. Tỷ lệ thức ăn được tính như sau: 5 ngày đầu cho ăn 25% trọng lượng cá trong giai, 5 ngày kế cho ăn 20%, 5 ngày tiếp theo cho ăn 15%, 6 ngày cuối cùng cho ăn 10% trọng lượng cá trong giai. Mỗi lần thay tỷ lệ thức ăn cần phải xác định tổng trọng lượng cá bột. Thời gian cho ăn ít nhất là 4 lần trong ngày. Tỷ lệ Rô phi toàn đực trong giai đạt trên 90%.
Cá rô phi siêu đực: Đây là thành tựu thế giới và đã ứng dụng có kết quả ở Việt Nam (bằng phương pháp di truyền). Cá siêu đực khi sinh sản với cá cái cùng dòng cho thế hệ con có tỷ lệ cá đực từ 74 đến 100% (trung bình 96,9%), khi nuôi trong các điều kiện khác nhau, chúng đều thể hiện sinh trưởng tốt. Do tỷ lệ của Rô phi đơn tính và Rô phi siêu đực đều chưa đạt 100%, nên khi nuôi cá thịt, vẫn còn từ 3-10% Rô phi đẻ tự do trong ao. Đó là lời giải tại sao Rô phi đơn tính, Rô phi siêu đực vẫn còn đẻ trong ao.