Cá tiếp xúc tiếng ồn có nguy cơ chết sớm

Nghiên cứu mới công bố hôm 15/9 tiết lộ những con cá bị căng thẳng bởi ô nhiễm tiếng ồn có ít khả năng chống lại bệnh tật.

Cá tiếp xúc với ô nhiễm tiếng ồn lâu dài có nguy cơ chết sớm hơn. Ảnh: Earth.

Cá tiếp xúc với ô nhiễm tiếng ồn lâu dài có nguy cơ chết sớm hơn. Ảnh: Earth.

Tiếng ồn nhân tạo đã lan tỏa khắp môi trường, ngay cả bên dưới đại dương. Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra âm thanh từ chân vịt và động cơ tàu thuyền có thể gây nhiễu sóng siêu âm và thay đổi hành vi của một số sinh vật biển như cá voi và cá heo.

Trong một báo cáo mới trên tạp chí Royal Society Open Science hôm thứ Ba, các nhà nghiên cứu từ Đại học Cardiff của Anh cảnh báo thêm rằng ô nhiễm tiếng ồn có thể ảnh hưởng đến khả năng chống lại bệnh tật ở các loài cá, khiến chúng chết sớm nếu tiếp xúc lâu dài.

Các nhà sinh vật học đã thử nghiệm tác động của tiếng ồn trắng – dạng âm thanh được tạo ra bằng cách kết hợp nhiều loại âm thanh với tần số khác biệt – đối với những con cá bảy màu được nuôi trong bể chứa.

Họ chia những con cá thành ba nhóm. Nhóm thứ nhất tiếp xúc với tiếng ồn “cấp tính” trong 24 giờ, sau đó bị cho lây nhiễm ký sinh trùng. Nhóm thứ hai phơi nhiễm tiếng ồn “mãn tính” trong bảy ngày liên tục và bị cho lây nhiễm ký sinh trùng trong khi tiếp xúc tiếng ồn. Nhóm cuối cùng cũng nhiễm ký sinh trùng nhưng được thả trong bể cá yên tĩnh.

Kết quả cho thấy những con cá tiếp xúc với tiếng ồn có khả năng chống chịu bệnh tật thấp hơn, trong đó nhóm phơi nhiễm tiếng ồn mãn tính có tuổi thọ thấp nhất, với thời gian sống sót trung bình là 12 ngày, so với 14 ngày ở hai nhóm còn lại.

“Thử nghiệm tác động của tiếng ồn cấp tính và mãn tính lên sự tương tác giữa vật chủ và ký sinh trùng đã bổ sung bằng chứng chứng minh ô nhiễm tiếng ồn có liên quan đến sự suy giảm sức khỏe ở cá”, nhóm nghiên cứu nhấn mạnh. Điều này có thể có ý nghĩa đối với các trang trại cá, nơi những loài được nuôi có nguy cơ nhiễm ký sinh trùng cao.

Các nhà sinh vật học cảnh báo âm thanh do con người tạo ra không chỉ ảnh hưởng đến cá mà còn có tác động sâu rộng đến động vật chân đốt, lưỡng cư, chim, thú, động vật thân mềm và bò sát. Tiếng ồn nhân tạo ngày nay được coi là “chất gây ô nhiễm toàn cầu”.

Đoàn Dương (Theo AFP)

Rate this post

Viết một bình luận