Các biến thể về đuôi và vây ở cá bảy màu có lẽ đa dạng nhất trong số các loài cá cảnh đã biết. Để dễ phân biệt, chúng được chia thành các nhóm như sau:
Nhóm đuôi ngắn (shorttail)
– Đuôi tự nhiên
– Đuôi tròn (roundtail)
– Đuôi thuổng (cofertail/spadetail)
– Đuôi kim (pintail/needletail)
– Đuôi mác (speartail)
Đây là những dạng rất gần với cá hoang dã và được phát triển từ đầu thế kỷ 20. Cá đuôi thuổng (cofertail) là đột biến được George Phillips phát hiện vào thời kỳ Thế chiến thứ 2.
Nhóm đuôi kiếm (swordtail)
– Song kiếm (doublesword)
– Thượng đơn kiếm (topsword)
– Hạ đơn kiếm (bottomsword)
– Đuôi đàn lia (lyretail)
Mặc dù cá đuôi kiếm xuất hiện ngoài tự nhiên nhưng chỉ có đơn kiếm. Cá song kiếm được phát hiện và phát triển từ năm 1928. Những dòng bảy màu vây lưng dài ngày nay thường mang gien đuôi kiếm.
Nhóm đuôi rộng (boardtail)
– Đuôi voan (veiltail): dạng đuôi xòe rộng nhưng cạnh cong và góc tròn.
– Đuôi cờ (scarftail/flagtail/dovetail): dạng đuôi cạnh thẳng, đuôi vuông vức hình chữ nhật hay xòe một góc dưới 30 độ.
– Đuôi quạt (fantail): dạng đuôi cạnh thẳng, góc xòe dưới 55 độ.
– Đuôi delta (delta/triangular): dạng đuôi cạnh thẳng, góc xòe 55-75 độ.
Bảy màu đuôi voan xuất hiện ở Mỹ vào khoảng giữa thế kỷ 20. Sau đó, nhà lai tạo Paul Hahnel phát triển thành các dòng bảy màu cạnh đuôi thẳng, bao gồm bảy màu đuôi cờ (flagtail), đuôi bồ câu (dovetail) và đuôi quạt (fantail) với góc xòe lớn hơn. Có lẽ ban đầu ông lai cá đuôi voan (veiltail) với cá đuôi khăn (scarftail) và tuyển chọn những cá thể mang đặc điểm của cả hai. Từ những năm 1960, các nhà lai tạo người Mỹ tiếp tục phát triển cá bảy màu cạnh đuôi thẳng thành dạng đuôi delta với góc xòe lên đến 55-75 độ. Đây là dạng đuôi của hầu hết cá bảy màu cảnh (fancy) ngày nay trên thế giới.
Nhóm vây lưng rộng (board dorsal)
– Vây cao (hi-fin): vây lưng to và vuông vức.
– Vây buồm (sailfin): vây lưng xòe to như cánh buồm
Đây là các biến thể phát triển từ dòng đuôi delta. Chúng được liệt vào danh sách thể loại trong bộ tiêu chuẩn của Hiệp hội Bảy màu Thế giới (WGA).
Nhóm vây dài (long fin)
– Ribbon
– Đuôi én (swallow)
Vây hậu môn ở cá bảy màu đực phát triển thành cơ quan sinh dục gọi là gonopodium. Đột biến ribbon/swallow khiến bộ phận này quá dài và không thể sử dụng để thụ tinh cho cá cái. Người ta thường lai bảy màu cái vây dài với bảy màu đực bình thường rồi lai tiếp cá thể đời F1 với nhau để thu cá vây dài. Với dòng ribbon, chúng ta sẽ thu được 50% cá ribbon vì ribbon là đặc điểm trội; trong khi với swallow, chúng ta thu được 18,75% cá swallow. Cách lai tạo nữa đòi hỏi kỹ năng thực hành đó là cắt ngắn gonopodium của bảy màu đực vây dài để chúng có thể thụ tinh cho cá cái.
Các biến thể này được liệt vào danh sách thể loại trong bộ tiêu chuẩn của Hiệp hội Bảy màu Thế giới (WGA).
Đuôi tưa (merah/crowntail)
Dạng vây với màng vây bị triệt thoái chỉ còn trơ lại tia vây. Biến thể này xuất hiện tại Nhật Bản vào năm 2005. Gien đuôi tưa có lẽ là gien bán trội (incompletely dominant) tức cá thể lai xa giữa merah với cá bình thường phần nào thể hiện kiểu hình “đuôi tưa”.
Nhóm đuôi cá cái
– Đuôi vỏ sò (scalloptail/superbra/metropolitan): cá cái của các dòng bảy màu đuôi rộng.
– Đuôi nút chai (wedgetail): cá cái dòng đuôi delta hay đuôi quạt.
– Đuôi thuổng (cofertail): cá cái dòng đuôi thuổng.
– Đuôi tròn (roundtail): cá cái của các dòng bảy màu đuôi ngắn hoặc đuôi kiếm.
Đây là bài viết mình tìm hiểu trên các diễn đàn cá cảnh của internet.
Nguồn: Diễn đàn cá cảnh.com
Guppy Nhật Minh Cảm ơn các bạn đã dành thời gian đọc các bài viết mà Guppy Nhật Minh tìm hiểu được.
Mong có bài viết hay chia sẻ nào hay mong các bạn chia sẽ và góp ý để Guppy Nhật Minh được phát triển ngày càng tốt hơn.