Chắc anh em dùng bàn phím cơ không còn lạ gì với món Kê tay bàn phím. Có rất nhiều mẫu bàn phím khi xuất xưởng đã đi kèm với một phần kê tay (có thể tháo rời hoặc đính liền) nhưng đa phần thì không có. Nên ít nhất cũng trên một lần chúng ta muốn tìm đến một thiết bị hỗ trợ gọi là Kê tay bàn phím cơ.
Bản thân mỗi chiếc bàn phím cơ cũng đã có thiết kế công thái học để hạn chế cảm giác mỏi, đau vai và tay khi đánh máy trong thời gian dài. Nhưng với điều kiện là cổ tay ở vị trí đúng, nghĩa là ngang cạnh bàn phím và cả cánh tay tạo thành góc vuông. Mà nào ai có thể giữ được tư thế này trường kỳ kháng chiến.
Những chiếc kê tay bàn phím cơ lúc này xuất hiện để tạo điểm tựa cho cổ tay, giúp giảm áp lực qua đó tránh cảm giác đau mỏi tay và vai khi gõ phím trong thời gian dài. Và vì kê tay có kết cấu và cách phát huy tác dụng quá đơn giản nên để đỡ chán, người ta đã ứng dụng nhiều loại vật liệu cũng như thiết kế khác nhau để biến nó thành một vật trang trí có giá trị.
Ngoài việc bảo vệ sức khỏe, kê tay còn có thể mang tính cá nhân hóa cao. Bạn có thể custom chiếc kê tay của mình như khắc logo đội bóng, đội game, khắc tên hay những biểu tượng mình yêu thích, để nó trở thành một món trang trí cực đẹp trên bàn làm việc của bạn.
Kê tay bàn phím cơ là hạng mục rất đáng đầu tư vì trải nghiệm và sức khỏe của mình, và gỗ với những ưu điểm của mình là chất liệu chế tạo kê tay phù hợp hơn cả. Nếu bạn đã sắm cho mình một chiếc bàn phím cơ chất lượng, phụ kiện tiếp theo nên là một chiếc kê tay gỗ cho cuộc tình trọn vẹn.
Hôm nay mình sẽ cùng đi qua một vòng xem thử Kê tay bàn phím cơ phổ biến trên thị trường hiện nay thường dùng các chất liệu nào, từ trung bình đến cao cấp gồm: Kê tay nhựa, Kê tay da, Kê tay gỗ và Kê tay đá cẩm thạch hoặc sơn mài.
1/ Kê tay chất liệu nhựa
Nhựa là chất liệu rẻ nhất để làm ra các kê tay bàn phím cơ, và thường là phụ kiện được nhà sản xuất thiết kế đính kèm bàn phím. Mỗi nhà sản xuất sẽ có kiểu nhựa khác nhau nhưng đa phần là nhựa ABS đặc ruột, bề mặt được xử lý nhám nhẹ để hỗ trợ tay bám tốt. Nếu là loại kê tay đi kèm với các bàn phím thì tùy vào hãng sản xuất mà các kê tay này dính liền hoặc tách rời với bàn phím cơ theo dạng kết nối từ tính.
Nếu là dạng kê tay nhựa bán rời bên ngoài thì kiểu dáng đa dạng phong phú hơn và giá thành thuộc dạng rẻ nhất trong tất cả các chất liệu kê tay. Các kê tay nhựa thường có mặt trên thiết kế dốc cao lên từ từ để phù hợp với dáng của cổ tay người dùng, mặt dưới thường có kết cấu bậc thang để tạo độ chắc và bền cho toàn sản phẩm. Kê tay nhựa loại tinh tế hơn sẽ có thêm phần đế nhám bám trụ bên dưới vừa có tác dụng chống trượt cho toàn bàn phím, vừa giúp bám chắc trên mọi loại địa hình.
2/ Kê tay bằng da
Nói tới chất liệu da thì muôn vàn, tất nhiên luôn có da this da that. Kê tay bàn phím cơ bằng da rất đa dạng về giá và loại, thiết kế thường là mút và thanh kim loại cố định dáng bọc trong một lớp da. Phổ biến nhất là da giả vì giá thành rất rẻ nhưng nhược điểm là da dễ bị lão hóa nhanh trở nên cứng và hư hỏng. Da thật thì đẹp và bền nhưng giá của nó không phải là dễ chịu với đa số người dùng.
2.1. Ở cấp trung bình thì có da PU
Da PU là Simili được phủ lên một lớp nhựa Polyurethane (PU), để từ chất liệu tổng hợp thì da Pu hay da Simili đều phải qua một quá trình xử lý gọi là thuộc da. Quá trình này để da không bị mục theo thời gian và làm bóng da để da đẹp hơn. Trước khi làm ra thành phẩm da còn được phủ một lớp sơn để tạo độ bóng và màu sắc.
Ưu Điểm da PU
- Da Pu mền mại, dễ bảo quản, dễ lau chùi
- Đa dạng màu sắc, mẫu mã phong phú, tính thẩm mỹ cao
- Độ bền cao chỉ thua kém da thật
- Chống thấm nước hiệu quả
- Da PU dễ sản xuất và gia công thành các sản phẩm khác nhau
- Giá thành rẻ hơn da thật rất nhiều
Nhược điểm là
- Chất lượng kém hơn và tuổi thọ thấp hơn da thật
- Giả Da PU rất kỵ nhiệt độ cao nên tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời mạnh hoặc để trong cốp xe cũng nóng
- Cảm giác khi sử dụng không thoải mái bằng da thật
- Vì là sản phẩm nhân tạo nên khi sản xuất gây ảnh hưởng môi trường
- Chất liệu nhựa tổng hợp nên khó phân hủy và dễ bắt lửa
2.2/ Cao cấp hơn là các kê tay chất liệu Ultrasuede
Ultrasuede là chất liệu mềm mại rất được yêu thích trong các loại kê tay dạng da hoặc giả da. Ultrasuede là một trong những sản phẩm thay thế da lộn đầu tiên xuất hiện trên thị trường. Được phát triển vào năm 1970 bởi nhà khoa học Nhật Bản Miyoshi Okamoto, hầu hết các dạng Ultrasuede bao gồm 80% sợi microfiber và 20% nhựa polyurethane. Không giống như da lộn dựa trên động vật, Ultrasuede có thể được giặt trong máy giặt, và nó có thể được sấy khô.
Các kê tay chất liệu Ultrasuede có chung đặc điểm vượt trội là phần thân có tính chất đàn hồi và hấp thụ lực. Giúp nâng đỡ và ôm lấy cổ tay, tạo sự thoải mái tối đa khi sử dụng. Nó là chất liệu được xem như trung hòa tốt nhất các ưu và nhược điểm của da giả PU và da thật: bền bỉ, chịu nhiệt, chịu lực, đàn hồi tốt và đồng thời lại dễ xử lý, vệ sinh, có nhiều lựa chọn về độ dày và màu sắc.
2.3. Siêu cao cấp là Kê tay chất liệu da thật
Da thật (da tự nhiên) hay còn gọi là da thuộc, các sản phẩm bằng da thật thường được ghi real leather, genuine leather, genuine leather (da bò), 100% leather…
Các loại da thường được sử dụng như là da trâu, da bò (giày dép, ví, thắt lưng, áo…), da heo (ví) và da cừu (áo khoác, găng tay), ngoài ra còn các loại da bò non, da dê, da ngựa, da đà điểu, da cá sấu thường dùng cho các sản phẩm cao cấp.
Tặng thêm anh em vài dòng bí quyết phân biệt chất liệu da thật và da giải để tiện bề so sánh khi quan sát các kê tay bàn phím cơ:
Cách nhận biết da thật, da giả
Chất liệu giả da thông thường có hai loại chính: simili và PU. Với simili, bạn có thể dễ dàng nhận biết bởi chất liệu này giá rẻ, cứng, được phủ một lớp polyeste trên bề mặt nên rất bóng, thường được may làm hàng chợ. Riêng PU thì dễ gây nhầm lẫn hơn, bởi đây là chất liệu giả da cao cấp, mềm mại gần giống da thật. Tuy nhiên, bản chất PU vẫn là dạng hợp chất tổng hợp nhân tạo nên có thể bong tróc theo thời gian.
1- Nhận biết qua mùi da
Da thật có mùi ngai ngái,còn da giả thì có mùi ni lông hoặc có mùi của chất hóa học (giống mùi nhựa hoặc mùi sơn, xăng thơm). Khi hơ lửa sản phẩm da: Nếu là da thật miếng da bị cháy xém và có mùi khét của hợp chất hữu cơ (mùi giống thịt nướng ), còn giả da thì vón cục có mùi khét giống như đốt túi nilon.
2- Làm ướt sản phẩm:
Nhỏ một vài giọt nước lên bề mặt da. Nếu là da thật thì sau một vài phút, bạn sẽ thấy vệt nước lan rộng ra, thấm vào da vì da thật luôn hấp thu độ ẩm. Còn simili sẽ không thấm nước.
3- Quan sát bằng mắt:
Bề mặt da thật hơi ráp, có các đường vân của da rất tự nhiên hoặc có những vết lồi lõm, tùy theo kỹ thuật thuộc và gia công mà bề mặt da sẽ có độ phẳng, mềm… tuy nhiên vẫn còn để lại dấu vết gồ ghề tương đối. Trên bề mặt da thật, nhìn kỹ sẽ có những lỗ chân lông nhỏ, có thể nhìn thấy bằng kính lúp thông thường, không có vết nứt hay vết rạn.
Bề mặt chất liệu gia dả thường sẽ láng, trơn tru và bằng phẳng do được sản xuất công nghiệp và phủ nhựa.
4- Ấn lên bề mặt da
Dùng ngón cái và ấn mạnh lên bề mặt sản phẩm, nếu là da thật, sẽ để lại vết lõm xung quanh ngón tay cái của bạn. Tuy nhiên, khi bạn bỏ tay ra, vết lõm sẽ mất đi chứng tỏ độ đàn hồi của bề mặt da thật. Còn với da giả, các loại da tổng hợp sẽ không thể có được độ đàn hồi này.
Bạn có thể dùng đầu ngón tay tỳ mạnh lên da rồi kéo một đường và cảm nhận, nếu da giả thì kéo tay rất nhẹ nhàng còn da thật do có độ đàn hồi và ma sát cao nên nên đầu ngón tay khó di chuyển hơn.
5- Màu sắc
Màu của da giả luôn tươi sáng và có nhiều màu sắc đa dạng, còn màu da thật thì tối màu sắc tự nhiên hơn.
6- Về tổng quan
Nếu là chất liệu giả da, bạn sẽ cảm nhận được độ trơn láng nổi cộm của lớp nhựa được tạo bởi các chất liệu tổng hợp. Điều này sẽ rõ ràng hơn khi bạn chạm bề mặt này vào mùa đông, bạn sẽ cảm thấy lạnh. Còn da thật thì bạn sẽ cảm nhận được độ mềm và mịn màng bất cứ lúc nào bạn chạm vào. Hơn nữa, da thật không bao giờ cho cảm giác mát lạnh ngay cả trong mùa đông.
Da thật khi chưa thành phẩm thường có kích thước nhỏ và có hình dáng theo hình dáng của loài động vật cho ra loại da đó, thường loằn ngoằn và không vuông vức, da giả thường có kích thước tấm da rất lớn và vuông vức.
Mặt trong của da thật hầu như để trần, còn da giả thì có miếng lót, có lớp giấy bìa định hình. các sản phẩm giả da thường được lót vải hoặc dạng chỉ đan xen nhau được ép mặt sau của da
7- Nhận biết sau một thời gian sử dụng
Da thật để một thời gian, màu sẽ bớt đi độ tươi, hơi xỉn. Khi đó, bạn lau sạch và thoa lên một ít kem dưỡng da hoặc xi không màu thì bề mặt sản phẩm da thật sẽ tươi màu và mềm mại ngay. Da giả ít thay đổi màu sắc hoặc ko bị tác động nhiều bởi các loại xi hay kem dưỡng da .
Các sản phẩm da thật nhất là túi xách da bò lúc mới thì cứng, nhưng càng dùng càng mềm. Vật dụng làm bằng da giả thì sẽ rất nhanh bị khô, rạn nứt.
3/ Kê tay chất liệu Gỗ
Gỗ là vật liệu cực kì thích hợp để làm kê tay bàn phím cơ. Kê tay gỗ rất bền và đẹp, không bị nóng như chất liệu da. Tùy chất lượng gỗ và chất lượng gia công mà giá của kê tay gỗ cũng rất khác nhau dao động từ $15 – $70. Ở thị trường Việt Nam, với khoảng 350k là bạn có thể sắm cho mình một chiếc kê tay gỗ khá ổn, nhưng nếu để tìm một chiếc chất lượng, bảo đảm loại gỗ xịn và dùng lâu dài thật sự thì giá cũng phải tầm 1 triệu trở lên.
Kê tay gỗ được yêu thích vì khả năng tùy biến của nó, bạn dễ dàng khắc chữ hoặc biểu tượng có ý nghĩa lên bề mặt để nó trở nên gần gũi với mình hơn. Thêm nữa là kê tay gỗ rất dễ vệ sinh (dĩ nhiên là dễ hơn da rất nhiều), bề mặt được phủ sơn bóng nên chỉ cần lau bằng khăn ướt rồi để khô là lại như mới. Đặc biệt có những loại gỗ có màu tự nhiên rất đẹp như kê tay gỗ óc chó (walnut), gỗ Hokkaido Nhật Bản có vân rất đẹp, chất lượng gỗ lì, bền bỉ theo thời gian và gần như không cần xử lý màu vẫn cực kì bắt mắt.
Một kê tay chất liệu gỗ chất lượng tốt đòi hỏi một số chuẩn yêu cầu sau:
- Vân gỗ là tự nhiên, không nhân tạo
- Lớp phủ bên ngoài dù là gì thì cũng phải giữ nguyên được vẻ nguyên sơ của phần gỗ gốc
- Lớp dầu bóng phải đạt chuẩn vệ sinh, không gây ô nhiễm hay độc hại cho người dùng
- Cảm giác khi dùng mát tay, độ cao độ lài hợp lý, có khả năng chống ẩm, thấm hút mồ hôi tay tốt.
- Các góc cạnh được vát bo tròn kỹ để không còn chi tiết nào có thể gây xước hoặc khó chịu cho người dùng
- Không chênh lệch, cong vênh.
- Có sẵn đế chống trượt vừa hỗ trợ âm thanh khi gõ vừa giúp bám tốt trên mọi mặt phẳng bàn.
Một vài người ngại kê tay gỗ hơi bị cứng quá so với yêu cầu của cổ tay, nên các kê tay gỗ thường có thêm một lựa chọn là mua kèm miếng dán bằng da, giúp bề mặt mềm mại hơn, thấm hút tốt hơn mà vẫn giữ được độ bền hiếm có của gỗ.
Kê tay bàn phím cơ gỗ ngày nay không chỉ đơn thuần là món phụ kiện giúp nâng đỡ cổ tay nhưng đúng bản chất thật của nó mà còn là món đồ trang trí cool ngầu và cực chất trên bàn làm việc, nhất là khi đi kèm với các bàn phím phong cách cổ điển, dành cho đội nhà mê style retro.
4/ Kê tay bàn phím bằng đá thiên nhiên
Một góc của dân chơi là những chiếc kê tay bằng đá cẩm thạch. Đây được xem là dòng kê tay thẩm mỹ cao dành cho dân chơi hard core. Được tuyển chọn từ nguồn đá đẹp nhất tại các nước nổi tiếng với các loại đá tự nhiên như Nhật Bản, châu Phi…
Đặc điểm chung của các dòng kê tay đá cẩm thạch này: đắt tiền, bền muôn đời trừ phi mạnh tay quẳng đi thì vỡ thôi, dùng rất mát tay, tuy không thấm hút nhưng giúp tay luôn mát lạnh khô ráo vì có độ thoáng và giúp bay hơi ẩm cực tốt. Cẩm thạch còn có tác dụng healing theo như một số nghiên cứu khoa học nên rất tốt cho việc hỗ trợ sức khỏe người dùng. Chưa kể tới tính thẩm mỹ cực cao, đây sẽ là một món trang trí tinh tế sang trọng trên bàn làm việc của bạn. Giá một chiếc kê tay bằng đá cẩm thạch từ khoảng 1,8 triệu trở lên.
5/ Kê tay sơn mài
Cao cấp nhất và kén chọn nhất phải kể tới Kê tay sơn mài. Mỗi chiếc kê tay giờ không chỉ đơn thuần là để kê tay hay trang trí trên bàn mà còn là vật dụng sang trọng, điểm nhấn của chiếc bàn làm việc và là món quà vô cùng ý nghĩa tặng người thân có cùng sở thích chơi phím cơ. Các kê tay kiểu này cũng rất đắt, giá tầm từ gần 2 triệu trở lên. Một phần vì khâu chế tác phức tạp công phu hoàn toàn thủ công và không chiếc nào giống chiếc nào. Mỗi kê tay là một kiệt tác nghệt thuật.
Ví dụ như chiếc Kê tay bàn phím cơ Filco Galaxy Blue được chế tác từ gỗ Tamo với lớp sơn mài được phủ bên ngoài. Tiếp đến vàng được rải ngẫu nhiên lên khắp kê tay và hoàn thiện bằng một lớp sơn mài có màu xanh đen bên ngoài. Toàn bộ hiệu ứng Galaxy trên kê tay bàn phím cơ Filco được tạo nên nhờ lớp vàng phủ bên dưới sơn mài mang đến sự sang trọng và tinh tế.
Hay như chiếc kê tay sơn mài Gold Leaf Pattern này. Gỗ Tamo được chế tác và phủ lên một lớp sơn mài màu đỏ bóng. Sau đó các lá vàng Kogane được trang trí lên kê tay theo các họa tiết hình oval. Các nguyên liệu quý hiếm và khó gia công như sơn mài cùng với lá vàng Kogane tạo nên vẻ đẹp sang trọng riêng cho kê tay bàn phím cơ Filco sơn mài Gold Leaf Pattern.
Còn như chiếc kê tay Filco sơn mài Gold Leaf này cũng công phu không kém. Gỗ Tamo được chế tác và phủ lên một lớp sơn mài bên trong, một lớp lá vàng Kogane được dát thủ công bên ngoài một cách tỉ mỉ. Các lớp lá vàng được sắp xếp cẩn thận, ngay ngắn thể hiện vẻ sang trọng cho kê tay bàn phím cơ Filco sơn mài Gold Leaf.
LỜI KẾT
Muôn hình vạn trạng từ thiết kế tới màu sắc và chất liệu là những gì bạn có thể nói về Kê tay bàn phím cơ. Cách lựa chọn tốt nhất vẫn là dùng thử tại cửa hàng xem tay mình phù hợp với loại chất liệu nào nhất. Chiếc kê tay cũng rất quan trọng vì nó là công cụ hữu hiệu để nâng đỡ đôi cổ tay trong quá trình làm việc lâu dài. Và khi chọn được rồi thì cũng đừng quá tiếc tiền vì nó là sự đầu tư dài hạn và rất xứng đáng đấy.
Chúc anh em tìm được một loại kê tay bàn phím phù hợp nhất cho mình.