Trước đây, cây é được gọi là tiến thực vì ăn ngon nên thường được sử dụng để tiến vua chúa. Tuy nhiên, ngoài tác dụng làm rau ăn, lá cây é còn có tác dụng chữa bệnh. Vậy công dụng của lá é là gì? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé.
Cây é được trồng bằng hạt vào mùa xuân. Cành lá é được thu hái khi chưa có hoa hoặc đã có nụ. Có thể dùng cây é ở dạng tươi hoặc phơi khô trong bóng râm. Ngoài ra, cũng có thể sử dụng hạt é.
Thành phần hóa học trong cây é:
- Hạt é chứa chất nhầy có các acid galacturonic, arabinose, galactose.
- Toàn thân cây é có chứa 2,5 – 3,5% tinh dầu, cao nhất lúc cây đã ra hoa. Thành phần của tinh dầu cây é chủ yếu là citral, chiếm tới 56 – 75%, 1,4% là citronellal và 20% còn lại là các chất khác.
Lá é có mùi thơm vị cay, tính ấm, còn hạt é tính hàn. Theo y học cổ truyền, lá é có tác dụng phát hãn giải biểu, khu phong lợi thấp, tán ứ chỉ thống. Hạt é có tác dụng nhuận tràng, giải nhiệt. Cây é thường được sử dụng trong điều trị cảm mạo phong hàn, đau đầu, chướng bụng, đau dạ dày, chữa phong thấp, đau nhức xương khớp, nhuận tràng, lợi tiểu.
Mỗi ngày có thể dùng 10 – 15g (cành lá phơi khô) hãm uống hoặc sắc với nhiều loại cây tươi khác để hỗ trợ điều trị.