Các địa điểm du lịch ở Bình Thuận (Cập nhật 07/2022)

Các địa điểm du lịch ở Bình Thuận

Bình Thuận

Các địa điểm du lịch ở Bình Thuận

(Cập nhật 07/2022)

Cùng Phượt – Với lợi thế không chỉ ở biển mà còn ở sự tồn tại phong phú về danh lam thắng cảnh, di tích kiến trúc – lịch sử và hệ thống văn hóa lễ hội cả dân gian lẫn hiện đại, Bình Thuận có thể coi là một trong những trung tâm du lịch của Việt Nam mặc dù so với các trung tâm du lịch lớn khác du lịch Bình Thuận còn khá non trẻ. Ngoài địa danh du lịch nổi tiếng Mũi Né, còn rất nhiều các địa điểm du lịch ở Bình Thuận mà có thể bạn đã hoặc chưa từng nghe qua như Hải đăng Kê Gà, đảo Phú Quý, Cù Lao Câu, bãi đá Cổ Thạch… Mỗi địa danh này dường như vẫn còn ẩn chứa rất nhiều những vẻ đẹp tiềm ẩn chưa được khai thác hết, chính bởi vậy mà du lịch Bình Thuận trong những năm qua vẫn luôn đặc biệt cuốn hút được rất nhiều du khách, nhất là các bạn trẻ.

©Bản quyền hình ảnh: Trong bài viết có sử dụng một số hình ảnh được tìm kiếm thông qua công cụ Google Image của các tác giả Nguyên Minh, Vu Dang Ngoc, Bình Phạm, Le Ngoc Long, ghost_db_2004, patetom, Ngọc Viên, xcuongxbeo, vincentymx, Tam Thanh, tuankiet.ng, zoe_do2506, Dai Duong Pham, Huỳnh Như, Bùi Thụy Đào Nguyên, Mai Trân, Hứa Lê Thiên Bảo, Bích Hà Bùi, Thiên Trân Nguyễn, vivien_dinh, Pham Vinh, Đức Thịnh Nguyễn và của một số tác giả chưa rõ tên nhằm minh họa rõ hơn cho nội dung bài viết. Bản quyền những hình ảnh này thuộc về tác giả. Chính sách của Cùng Phượt về bản quyền hình ảnh các bạn có thể theo dõi tại đây.

Du lịch Phan Thiết

Phan Thiết nói riêng và Bình Thuận nói chung trước kia chỉ là một vùng đất ven biển miền Trung như bao vùng đất khác, cuộc sống của người dân vùng biển Bình Thuận vẫn cứ êm đềm trôi qua cho đến ngày 24/10/1995, Nhật thực toàn phần đến với thành phố Phan Thiết như món quà trời cho đã thu hút hàng trăm nghìn du khách quốc tế và nội địa cũng như các nhà khoa học đến khám phá vùng đất còn nhiều nét hoang sơ này.

Xem thêm bài viết: Các địa điểm du lịch ở Phan Thiết, Bình Thuận

Tháp nước Phan Thiết

Tháp nước Phan Thiết nằm kế bên cầu Lê Hồng Phong (Ảnh – Nguyên Minh)

Giữa lòng thành phố Phan Thiết có dòng sông Cà Ty hiền hòa chảy qua chia thành phố thành 2 bờ Nam Bắc tạo cho Phan Thiết một nét đẹp nên thơ đầy quyến rũ. Chạy xe qua khỏi cầu Lê Hồng Phong, ta có thể nhìn thấy được Tháp nước Phan Thiết đứng hiên ngang, lịch lãm bên dòng sông Cà Ty. Tháp nước ấy đã đi sâu vào trong lòng của từng người dân Phan Thiết, từ thế hệ này sang thế hệ khác, và đó cũng là biểu tượng của thành phố biển Phan Thiết. Tháp nước Phan Thiết được khởi công xây dựng vào cuối năm 1937, do Hoàng thân Souphanouvong (1909-1995), nguyên Chủ tịch nước CHDCND Lào, khi đó là Kiến trúc sư trưởng Khu Công chánh Nha Trang, thiết kế.

Tháp cao 32 m, chia thành 2 phần. Phần lầu đài (bồn nước) hình bát giác, cao 5 m, đường kính 9m. Phần dưới của tháp là kiến trúc hình trụ bát giác dưới to, trên nhỏ cao 22m, có đường kính chân tháp là 10m. Nóc của lầu đài có 3 tầng mái che hình bát giác lợp bằng ngói móc.

Tháp do nhà thầu Ưng Du thi công đến 1938 mới hoàn thành và đưa vào sử dụng, cung cấp nước cho toàn vùng đô thị Phan Thiết. Tháp nước Phan Thiết còn độc đáo hơn bởi dòng chữ “U.E.PT” (viết tắt chữ “Unise Des Eaux de Phan Thiet”) bao quanh tháp, được ghép bằng những mảnh chén sứ kiểu theo lối viết chữ hình tròn, nhìn từ xa luôn lấp lánh trong ánh nắng miền biển.

Mũi Né

Mũi Né Cách trung tâm thành phố Phan Thiết 14 km về hướng Đông Bắc. Mũi Né là tên một làng chài và cũng là một điểm du lịch quen thuộc trong dải biển Nam Trung Bộ. Bãi biển nông thoải, nước sạch và trong, nắng ấm quanh năm, không có bão nên Mũi Né  là nơi tắm biển, nghỉ ngơi lý tưởng dành cho du khách. Du lịch Mũi Né đặc biệt được du khách nước ngoài yêu thích, nhiều nhất là khách Nga và khách Trung Quốc. Dải bãi biển ở Mũi Né hiện giờ hầu hết nằm trong các khu resort, nhà hàng mà khách du lịch bình thường khó có thể tiếp cận, tuy nhiên Mũi Né cũng còn một vài bãi biển hoang sơ và đẹp mà du khách có thể tiếp cận và tham quan.

Bãi đá Ông Địa

Bãi biển khu vực này cũng khá rộng rãi và đẹp, rất phù hợp cho các hoạt động thể thao (Ảnh – cungphuot.info)

Đây là một bãi biển nằm trên đường từ Phan Thiết đến Mũi Né, đối diện ngay khu resort Sea Link.  Không ai biết rõ tên địa danh này có từ lúc nào. Chỉ có một điều chắc chắn rằng, tên gọi này được hình thành do ở đây có một tảng đá có hình thù giống Ông Địa đang ngồi nhìn vào đất liền. Tảng đá này được hình thành từ tự nhiên. Đầu tiên, một vài người dân sinh sống ở đây cho rằng đây là “Ông Địa” mà trời ban tặng, họ bắt đầu lập am, thắp nhang để cầu tài lộc, buôn may bán đắt. Đây cũng là khu vực được các bạn nước ngoài lựa chọn để chơi các trò chơi mạo hiểm như lướt ván hay trượt sóng.

Suối Tiên

Đây là một khe nước nhỏ nằm khuất sau các đồi cát đỏ ở trên đường Huỳnh Thúc Kháng. Lối vào Suối Tiên hầu hết bị che khuất bởi nhà dân nên nếu không để ý các bạn sẽ dễ bị bỏ qua. Đoạn suối này chạy dài khoảng 1km trước khi đổ ra biển, ngay phía trên là những đồi cát đỏ rực khiến khung cảnh trông vô cùng đẹp và nên thơ.

Các khách sạn được đánh giá tốt nhất ở Bình Thuận

HOMESTAY
Cô Tư’s Homestay – Phan Thiết, Mũi Né

Địa chỉ: 160 Hiền Vương, Tp Phan Thiết, Bình Thuận

Điện thoại:
0971 112 164 – 0388 656465 – 0986 334435
Xem giá phòng ưu đãi từ:

KHÁCH SẠN
Ban Mai Hotel 66

Địa chỉ: 66 Nguyễn Thông, Phú Hài, Thành phố Phan Thiết, Bình Thuận

Điện thoại:
0252 3811 612
Xem giá phòng ưu đãi từ:

RESORT
Veranda Beach Resort

Địa chỉ: Tiến Thành, Tp. Phan Thiết, Bình Thuận

Điện thoại:
091 969 37 22
Xem giá phòng ưu đãi từ:

KHÁCH SẠN
Khách Sạn TTC Premium Phan Thiết

Địa chỉ: 206 Lê Lợi, Hưng Long, Tp. Phan Thiết, Bình Thuận

Điện thoại:
0252 3835 666
Xem giá phòng ưu đãi từ:

RESORT
Fiore Healthy Resort

Địa chỉ: Tiến Hải, Tiến Thành, Tp Phan Thiết, Bình Thuận

Điện thoại:
0252 3846 847
Xem giá phòng ưu đãi từ:

Hòn Rơm

Đây không phải tên một hòn đảo mà là một ngọn núi nhỏ vẫn còn hoang sơ của Mũi Né, trên đường đi Bàu Trắng các bạn sẽ nhìn thấy một doi đất nhô ra sát biển, đấy chính là khu Hòn Rơm. Do thời tiết thuận lợi, thích hợp phát triển các loại thực vật nên ở trên núi này có một loại cỏ ống dài khoảng 0,50m; vào mùa nắng lớn, cỏ bị cháy khô, màu vàng. Người dân đi biển ở ngoài khơi nhìn vào ngọn núi thấy dáng khô vàng giống như một đụm rơm khổng lồ, nên mới gọi là Hòn Rơm.

Ngày nay, Hòn Rơm thực chất là một “tiểu khu” du lịch của Mũi Né, với cảnh quan đẹp trầm lắng, bãi tắm dài hơn 17 km, vẫn còn nguyên sơ, chưa có người ở và khai thác, gọi là Bãi sau Hòn Rơm. Tại đây, nước xanh trong vắt, sóng êm, không có đá ngầm. Vào mỗi buổi sáng hoặc buổi chiều, người ta có thể ngồi tại đây ngắm bình minh hay hoàng hôn; vào buổi tối nhìn trăng lên hay tổ chức lửa trại, tắm biển.

Đồi Cát Hồng

Đồi cát hồng Mũi Né, một phần của Đồi Cát Bay – một bãi cát trải dài nhiều chục cây số và lan rộng từ Bình Thuận đến Ninh Thuận. Đồi hồng là điểm tham quan chính và được xem là đẹp nhất ở Mũi Né nằm trên đường DT706 ra Hòn Rơm. Thời điểm hợp lý để ngắm đồi cát hồng là lúc bình minh hoặc hoàng hôn, những thời điểm này nắng hầu như không có nên bạn có thể đi bộ hoặc chơi trượt cát, những khoảng thời gian khác đồi cát vô cùng nóng, không thích hợp để tham quan.

Làng chài Mũi Né

Qua Suối Tiên một đoạn, ngay sát bờ biển là khu làng chài Mũi Né. Vào mỗi buổi sáng, nơi đây thực sự là một chợ hải sản vô cùng nhộn nhịp với những cuộc mặc cả giữa người mua và người bán. Hầu hết các loại hải sản sau khi cập bờ đều được sơ chế ngay tại bờ biển và được thu mua bởi nhà hàng quán ăn hay những lái buôn. Ngay tại đây nếu thích thưởng thức hải sản tươi sống với một số món đơn giản như ghẹ hay mực hấp, bạn có thể mua tại chợ và người dân sẽ chế biến và làm luôn cho bạn.

Đến làng chài Mũi Né, bạn sẽ có thêm hiểu biết về cuộc sống của ngư dân ở đây. Về những việc vẫn diễn ra hàng ngày, ra khơi bám biển rồi lại quay về bờ nghỉ ngơi, những hoạt động chế biến, giao dịch diễn ra nhộn nhịp và liên tục.

Bãi biển Đồi Dương

Từ Trung tâm thành phố Phan Thiết theo hướng đại lộ Nguyễn Tất Thành, du khách đi thẳng khoảng 1km nữa là đến biển Đồi Dương – Thương Chánh. Là bãi tắm mà tên tuổi của nó đã gắn liền với lịch sử xây dựng và phát triển thành phố biển này.

Đồi Dương là tên một bãi tắm biển, một công viên tọa lạc ngay trung tâm thành phố Phan Thiết, hướng đại lộ Nguyễn Tất Thành, du khách đi thẳng khoảng 1km nữa là đến bãi biển Đồi Dương – Thương Chánh. Nếu như khu vực Hàm Tiến – Mũi Né là bãi tắm riêng của các khu resort chỉ dành cho du khách của họ, thì bãi biển Đồi Dương là bãi tắm công cộng dành cho công chúng. Biển Đồi Dương được gọi như vậy là vì ngày xưa, nơi đây là một vùng rộng lớn trồng rất nhiều cây dương chắn gió. Tuy nhiên, hiện nay khu vực trồng dương đã bị thu hẹp rất nhiều vì phần lớn đất dành cho khách sạn Novotel Phan Thiết. Bãi tắm Đồi Dương bây giờ mang tên chính thức là Công viên Đồi Dương.

Tháp Chăm Phố Hài – Tháp Pôshanư

Tháp Po Sah Inư (còn gọi là Tháp Chăm Phố Hài) là một nhóm di tích đền tháp Chăm còn sót lại của Vương quốc Chăm Pa xưa, nằm trên đồi Bà Nài, thuộc phường Phú Hài, cách trung tâm thành phố Phan Thiết 7 km và cách trung tâm khu du lịch Mũi Né khoảng 13km.

Nhóm tháp này có phong cách kiến trúc Hòa Lai – một trong những phong cách nghệ thuật cổ của Chămpa. Tuy chỉ có kích thước vừa và nhỏ, nhưng nó chắt lọc được những tinh hoa kỹ thuật kiến trúc và nghệ thuật trang trí của người Chăm xưa tạo nên vẻ uy nghiêm và kỳ bí. Nhóm đền tháp Po Sah Inư là một trong những cụm tháp Chàm còn tương đối nguyên vẹn.

Trường Dục Thanh

Dục Thanh Học hiệu (viết tắt của: Giáo Dục Thanh Thiếu Niên) là một ngôi trường do các sĩ phu yêu nước ở Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận sáng lập vào năm 1907 để hưởng ứng phong trào Duy Tân do Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng khởi xướng tại Trung Kỳ.

Trường Dục Thanh được xây dựng năm 1907 (cùng năm xây dựng với trường Đông Kinh Nghĩa Thục) ngay trên đất nhà thờ họ Nguyễn ở làng Thành Đức (ngày nay là nhà số 39 phố Trưng Nhị, phường Đức Nghĩa, Phan Thiết). Cấu trúc chính của trường gồm 2 nhà lớn bằng gỗ dùng làm phòng học, một ngôi nhà lầu nhỏ – Ngoạ Du Sào – là nơi bàn việc, tiếp khách quý, luận đàm văn thơ và nhà Ngự làm nơi ở chung của các thầy và trò xa nhà.

Vạn Thủy Tú

Vạn Thủy Tú tọa lạc trên đường Ngư Ông, phường Đức Thắng, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận là nơi thờ thần Nam Hải – tức Cá Ông, theo tín ngưỡng của ngư dân vùng biển.

Các vạn thường được xây dựng ngay sát bờ biển của các làng chài. Vạn này được ngư dân làng Thủy Tú xây dựng vào năm Nhâm Ngọ 1762 để thờ Cá Ông (cá voi) với chính điện, nhà thờ Tiền Hiền, Võ Ca được bố trí theo hình chữ Tam, mặt chính quay về hướng Đông. Khi mới xây dựng xong, cửa vạn sát ngay bờ biển, ngày nay bờ biển đã dời xa ra ngoài hơn 100 m.

Vạn làng Thủy Tú là một trong những vạn cổ xưa nhất của nghề biển ở Bình Thuận. Bên trong vạn có nhiều di sản văn hóa Hán-Nôm liên quan đến nghề biển, thể hiện trong nội dung thờ phụng ở các khám thờ, tượng thờ, hoành phi, liên đối, trên văn khắc của đại hồng chung.

Đảo Phú Quý

Từ Phan Thiết theo hướng Đông – Đông Nam vượt qua 56 hải lý, các bạn sẽ bắt gặp một hòn đảo nằm giữa biển Đông mênh mông với hình thù rất kỳ thú. Nhìn từ phía Đông của đảo, ta thấy đảo nổi lên như một con rồng đang cuồn cuộn trên mặt nước với sóng biển. Nhìn từ phía Bắc đảo giống như con cá Thu và nếu nhìn từ phía Tây Nam, ta sẽ dễ dàng hình dung đó là một con cá voi khổng lồ trồi lên mặt nước. Phú Quý có diện tích 17,82 km2, bốn bề là biển. Địa hình Phú Quý không bằng phẳng, có 3 ngọn núi chính là núi Cấm (108m), núi Cao Cát (85m) và núi Ông Đụn (44,9m), nhiều di tích và danh lam thắng cảnh phục vụ để phát triển Du lịch.

Xem thêm bài viết: Kinh nghiệm du lịch đảo Phú Quý (Cập nhật 7/2022)

Du lịch Bắc Bình

Đồi cát Bàu Trắng

Bàu Trắng là tên một hồ nước ngọt cách Mũi Né khoảng 35km thuộc huyện Bắc Bình, Bình Thuận. Bàu Trắng chia thành 2 phần bởi một đồi cát vắt ngang qua. Nhân dân ở đây từ xưa đã gọi là Bàu Ông và Bàu Bà. Bàu Bà rộng hơn Bàu Ông và chứa lượng nước nhiều hơn. Độ sâu của Bàu Bà là 19m vào mùa mưa. Xung quanh Bàu Bà trồng rất nhiều sen (nên nơi đây còn có tên là Bàu Sen), sen được cư dân trồng với mục đích thu hoạch hạt và ngó. Thế nhưng, chính việc trồng sen tại khu vực này khiến cho cảnh quan thêm phần đặc sắc.

Đồi cát gắn liền với Bàu Trắng từ hàng nghìn năm nay, giờ được ví như một tiểu sa mạc Sahara của Bình Thuận. Khu vực này hiện vẫn còn hoang sơ, chưa có nhiều dịch vụ đưa vào khai thác. Chính vì vậy, đây là một điểm du lịch rất đáng để đến khi du lịch Mũi Né. Thời điểm phù hợp để đến Bàu Trắng là sáng sớm, khi bình minh lên. Lúc này ngoài vẻ đẹp của đồi cát, bạn còn có cơ hội săn những bức ảnh tuyệt vời trước khi một ngày mới bắt đầu. Thời gian này nhiệt độ đồi cát cũng vẫn chưa cao nên không

Đến đây bạn có thể tham gia vào một trò chơi mạo hiểm và rất thú vị là lái xe mô tô trên cát.

Trung tâm trung bày văn hóa Chăm

Trung tâm trưng bày văn hoá dân tộc Chăm tỉnh Bình Thuận được đưa vào hoạt động nhằm góp phần quảng bá, giới thiệu văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Chăm. Các hiện vật trưng bày tại đây được chia theo 6 chủ đề chính, đó là: Sưu tập di sản Hoàng tộc Chăm; các hình ảnh và cổ vật; nông cụ và ngư cụ truyền thống; hiện vật và trình diễn chế tác các sản phẩm gốm Chăm; các loại nguyên liệu, công cụ, sản phẩm dệt thủ công cổ truyền và kết quả nghiên cứu các sản phẩm văn hoá phi vật thể.

Làng nghề thổ cẩm Phan Thanh

Nghề dệt thổ cẩm của đồng bào người Chăm tập trung ở hai xã Phan Hòa, Phan Thanh của huyện Bắc Bình, cách thành phố Phan Thiết khoảng 80km về hướng Bắc.

Nét độc đáo của làng nghề là người dân ở đây vẫn sử dụng những chiếc khung dệt cổ truyền bằng gỗ gõ, gỗ trắc được đóng cách đây hàng trăm năm, cùng với các giàn cán bông, cung bắn bông, xa quay kéo sợi nên những sản phẩm làm ra như vẫn lưu giữ nguyên vẹn những bí quyết từ thời xưa để lại.

Du lịch Tuy Phong

Biển Cổ Thạch và bãi đá bảy màu

Từ thành phố Phan Thiết, theo Quốc lộ 1A, đi ngược về phía Bắc 90km, đến ngã ba thị trấn Liên Hương, rẽ trái men theo con đường đất đỏ, hai bên đường rì rào rừng phi lao là đến bãi biển Cổ Thạch, xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Cũng như các bãi biển khác của Bình Thuận, biển Cổ Thạch trong vắt, xanh biếc với lượng sóng vừa phải nhưng nhanh và mạnh.

Điều hấp dẫn nhất ở bãi biển là những bãi đá lung linh sắc màu. Bãi đá hình thành tự nhiên do tác động của thủy triều, hải lưu, nước biển. Đá được đẩy từ lòng biển trồi nhô lên bờ. Đá có nhiều kích thước lớn nhỏ khác nhau.

Tuy nhiên, cảnh tượng kỳ thú nhất trong năm khi giữa trung tuần tháng 3 là khi toàn bộ đá được bao phủ một lớp rêu xanh thật đẹp và độc nhất vô nhị.

Chùa Hang

Chùa Cổ Thạch (còn gọi chùa Đá Cổ, hay chùa Hang) tọa lạc ở xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong (Bình Thuận), trong khu vực bãi biển Cổ Thạch. Chùa là một am nhỏ do thiền sư Bảo Tạng thuộc đời thứ 40 thiền phái Lâm Tế khai sơn năm 1835. Chùa qua nhiều đời được sửa sang và trùng tu, ngày nay nó đã trở nên rộng lớn hơn và khang trang hơn nên được đổi thành chùa Cổ Thạch.

Cù Lao Câu

Cù Lao Câu là một hòn đảo trẻ nổi lên giữa biển, cách bờ chừng 9km, có thể đến đảo từ nhiều điểm khác nhau như xã phước Thể, xã Vĩnh Hảo, xã Bình Thạnh hoặc từ Cà Ná. Tuỳ theo từng bến đi những trung bình ghe máy đi độ 40 phút sẽ đến đảo. Cù Lao Câu cách Phan Thiết khoảng 110 km về hướng Đông Bắc.

Cù Lao Câu có chiều dài trên 1500 m và nơi rộng nhất gần 700m, nơi cao nhất hơn 7m. Từ đất liền nhìn ra trông như mộ chiến hạm lớn. Toàn đảo bao quanh bởi hàng vạn khối đá có nhiều màu sắc và hình thù khác nhau, trông như những đàn thú với nhiều loại lớn nhỏ, thật là kỳ thú khi có điều kiện quan sát kỹ hết đảo.

Theo một số tài liệu nghiên cứu lịch sử – văn hoá xưa có nói đến thì từ rất xa xưa người Chăm đã từng xây dựng ở đây một đền thờ Thánh Mẫu Thiên Y Ana. Hàng năm tại đền thờ có nhiều nghi thức lễ được tổ chức ở đây, một phần cầu mong cho sự phù hộ của vị thần với những người đi biển và làm ăn trên biển, phần cầu mong cho mưa thuận gió hoà mùa màng tươi tốt. Nhiều nguyên nhân khác nhau tác động đã làm cho đền thờ bị hủy hoại và mất dấu vết cũng như những đền thờ khác của người Chăm cùng thời đã bị hủy hoại chỉ còn lưu lại trong sử sách.

Kế thừa sự tín ngưỡng của người Chăm xưa, người Việt sau khi tiếp quản Cù Lao Câu đã đóng góp công, của xây dựng tại Đảo một đền thờ để thờ thần Nam Hải (cá voi) – vị thần mà theo tín ngưỡng của ngư dân rất linh thiêng và có nhiều lần cứu nguy cho ngư dân làm ăn trên biển bị nạn. Rất tiếc đến nay không ai biết ngôi đền do ai xây dựng v à d ựng và dựng vào thời nào nhưng phong tục tập quán và sự tín ngưỡng vị thần trong ngôi đền vẫn được giữ gìn, lưu truyền và thờ phụng một cách trang nghiêm từ xưa đến nay.

Lễ cúng lớn nhất ở Đền thờ thần Nam Hải trên Cù lao Câu là vào dịp rằm và 16 tháng Tư âm lịch hàng năm và tổ chức hát chèo bả trạo để tế Ngài.

Gành Son

Cái tên Gành Son có lẽ xuất phát từ những ngọn đồi hay gành có màu đỏ (màu son) rất đặc sắc. Gành Son thuộc xã Chí Công, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, cách Tp Phan Thiết khoảng 80 km về phía bắc. Nơi đây có những ngọn đồi hay gành có màu đỏ (màu son) rất đặc sắc. Không chỉ thế, hình dáng của những dãy, hang núi cũng mang nhiều hình thù màu sắc lạ mắt.

Biển Gành Son lại được ít người Việt Nam chú ý do nơi đây không phát triển du lịch. Thật ra nơi đây là một cái vịnh với bãi biển có nhiều bãi đá, có lẽ vì lý do này nên du lịch biển nơi đây không được phát triển . Tuy nhiên, vẻ đẹp của Gành Son vẫn có nét riêng mà phải đến tận nơi mới cảm nhận được.

Tháp Po Dam (Pô Tằm)

Po Dam hay Pô Tằm là tên một nhóm tháp Chăm ở làng Lạc Trị, xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Tháp này xây để thờ vua Po Dam, hay còn gọi là Po Kathit (Bàn La Trà Duyệt) của người Chăm. Chưa xác định rõ thời gian xây dựng tháp nhưng qua so sánh về phong cách nghệ thuật, các nhà khảo cổ học chỉ tạm xác định tháp Po Dam cùng niên đại với các tháp phong cách Hòa Lai (Ninh Thuận), có thể ở cuối thế kỷ thứ 8 đầu thế kỷ thứ 9. Thế nhưng, khi đối chiếu với lịch sử Chăm Pa thì thấy niên đại trị vì của Po Dam là 1433 – 1460. Truyền thuyết Chăm kể rằng, đương thời đã có một cuộc thách đố về việc vua Klong Garai và Po Dam (khi ấy là quan đại thần) ai xây xong tháp trước, và Po Klong Garai đã chiến thắng.

Po Dam cũng là nhóm tháp khác biệt hơn so với các nhóm tháp Chăm thông thường vì nó được xây dưới chân đồi thay vì trên đỉnh đồi, các cửa chính quay về hướng Nam thay vì hướng Đông.

Du lịch Hàm Thuận Nam

Khu du lịch núi Tà Cú

Núi Tà Cú nằm ven quốc lộ 1A tại thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam, cách thành phố Phan Thiết 28km về phía Nam, là một địa điểm leo núi, một thắng cảnh kỳ thú của tỉnh Bình Thuận có đỉnh cao 649m so với mặt nước biển. Khung cảnh nơi đây hoang sơ, kỳ vỹ với núi non trùng điệp, thấp thoáng mái chùa cổ kính ẩn sau rừng cây.

Khí hậu ở Tà Cú quanh năm trong lành mát mẻ. Đến đây vào mỗi độ xuân về, du khách thỏa thích ngắm hoa mai vàng, hoa vông đỏ nở thơm nức cả cánh rừng. Nhiều loại cây như trắc, giáng hương, bằng lăng rợp cả ngọn núi. Đặc biệt, dòng nước suối trong vắt tuôn ra từ những khe đá trên núi mát lạnh, trong veo càng làm cho khung cảnh thiên nhiên trở nên kỳ thú.

Có hai cách để lên núi Tà Cú. Một là men theo hơn 1.000 bậc thang, tốn gần 3 giờ đồng hồ để lên núi. Phương án này thường được các du khách thích mạo hiểm, có sức khỏe tốt thực hiện. Cách thứ 2 chỉ mất 15 phút đã có mặt trên đỉnh vừa nhanh lại vừa tiện là cáp treo.

Chùa núi Tà Cú

Chùa núi Tà Cú (người địa phương hay gọi đơn giản là chùa Núi) là một ngôi chùa tọa lạc trên núi Tà Cú ở độ cao hơn 400 m. Phía trên chùa, cách hang Tổ khoảng 50 m là tượng Phật Thích Ca nhập Niết Bàn dài 49 m, cao 7 m. Tác phẩm do ông Trương Định Ý chủ trì, được đúc bằng bê tông cốt thép trong đợt trùng tu năm 1963. Cách pho tượng khoảng 50 m về phía dưới là nhóm tượng Di đà Tam tôn xếp thành hàng ngang, xây trên đài sen: tượng A Di Đà ở giữa cao 7 m, bên trái là tượng Quán Thế Âm và bên phải tượng Đại Thế Chí đều cao 6,5 m. Tháp mộ của Tổ và của các nhà sư trụ trì đã qua đời được chia thành hai cụm ở trước điện thờ và sau điện thờ. Tháp Tổ nằm trước điện thờ, bên cạnh có mộ con cọp tương truyền là đã được sư Hữu Đức thuần hóa.

Mũi Kê Gà

Mũi Kê Gà còn được gọi là mũi Khe Gà ở xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, Việt Nam. Đây là một mũi đất nhô ra biển Đông cách thành phố Phan Thiết khoảng 40 km về phía tây nam, tọa độ 10⁰41’42” vĩ bắc, 107⁰59’8″ kinh đông.

Mũi Kê Gà đúng ra là một hòn đảo nhỏ cách đất liền khoảng 500 mét, tục gọi là Hòn Bà. Khi thủy triều lên thì Kê Gà bị cách biệt như một hải đảo nhưng khi nước rút xuống thì một dải cát hiện ra nối mũi Kê Gà vào đất liền.

Hải đăng Kê Gà

Hải đăng Kê Gà (hoặc Khe Gà) ở mũi Kê Gà, huyện Hàm Thuận Nam (trước thuộc huyện Hàm Tân), tỉnh Bình Thuận. Đây là một ngọn tháp cao thắp đèn dùng cho tàu thuyền giao thông trong khu vực, và đã được trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác nhận là ngọn hải đăng cao nhất và cổ xưa nhất Việt Nam.

Hiện nay, hòn đảo Khe Gà và ngọn Hải đăng đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn với du khách khi đến thăm tỉnh Bình Thuận. Hải đăng Khe Gà còn là di tích kiến trúc độc đáo.

Theo lịch sử hàng hải ở khu vực này, Mũi Khe Gà được coi là một vị trí cực kỳ hiểm yếu của vùng biển từ Phan Rang đi Vũng Tàu. Ngay từ các thế kỷ trước đã có rất nhiều thuyền buôn qua lại nơi đây và bị đắm do không xác định được tọa độ, vị trí. Để đáp ứng nhu cầu vận tải của quân đội Pháp cũng như tàu buôn của nước ngoài qua đây, người Pháp đã nghiên cứu và cho xây dựng ngọn hải đăng Khe Gà. Trong thời gian xây dựng hải đăng, có nhiều người thiệt mạng do tai nạn xây cất. Hiện nay, ở đây vẫn còn nghĩa địa nơi yên nghỉ của những người đã chết khi xây dựng công trình này.

Bên trong hải đăng có 183 bậc thang xoáy trôn ốc bằng thép dẫn đến đỉnh hải đăng cùng hàng chục bậc tam cấp dẫn lên đến đỉnh đèn. Xung quanh chân Hải đăng có hai hàng hoa sứ dọc theo lối đi do người Pháp trồng từ cuối thế kỷ trước đến nay còn nguyên, toả bóng mát quanh năm. Vật liệu xây cất được đưa từ Pháp sang, kể cả ngọn đèn trên đỉnh và máy phát điện.

Du lịch Lagi

Dinh Thầy Thím

Dinh Thầy Thím hiện tọa lạc tại xã Tân Tiến, thị xã La Gi. Dinh có dạng kiến trúc như một ngôi đình làng bao gồm nhiều công trình, như: Tam quan, Võ ca, chính điện, nhà thờ Tiền hiền, nhà thờ Hậu hiền, miếu ông Hổ, miếu Thành hoàng, phòng Truyền thống,v.v…. Trên thanh xà cò của Dinh còn dòng chữ Hán khắc chìm “Kỷ Mão niên thập nhị quạt nhị thập ngũ nhật kiến tạo” có nghĩa là kiến tạo ngày 25 tháng 12 năm Kỷ Mão (1879). Các công trình kiến trúc với nghệ thuật điêu khắc chạm trỗ và các trang trí nội thất của Dinh Thầy Thím thể hiện rõ nét kiểu cách kiến trúc cung đình.

Bãi biển Cam Bình

Bãi biển Cam Bình nằm bên dưới rừng dương xanh bát ngát, không khí tại nơi đây rất mát và thoáng đãng, tại nơi đây lúc nào cũng có gió hiu hiu thổi vào từ biển cộng thêm bóng mát từ những tán lá dương, cát trắng láp lánh dưới nắng, sóng biển vỗ rì rào, thực sự lý tưởng cho việc tắm biển, cắm trại, chơi các trò chơi và nghỉ dưỡng tại đây.

Khi đến du lịch Cam Bình, các bạn có thể lựa chọn một trong 2 phương án

  • Thuê bãi ( quán sẽ cho bạn thuê bãi, có bạt để ngồi, ly chén đũa để ăn, dịch vụ vệ sinh bãi biển sau khi sử dụng, dịch vụ tắm nước ngọt sau khi tắm biển xong, nấu ăn – chế biến món ăn cho khách), cái này phù hợp với các bạn muốn mang đồ ăn cá nhân của mình theo, hoặc mua hải sản trực tiếp từ biển. Mức giá thuê từ 60k đến 100k/người/ngày.
  • Ra ăn hải sản của quán sẽ không bị tính phí gì, chỉ trả tiền theo menu ( bao ghế ngồi, ghế ngã, võng khi yêu cầu, có nước rửa tay sau khi ăn hải sản xong, tắm nước ngọt)

Đảo Hòn Bà

Đảo nhỏ Hòn Bà nằm ngoài khơi cách thị xã Lagi khoảng 2km, chiều cao của đảo khoảng 40m, có diện tích 2,8 ha và có đường vòng bờ chân đảo hơn 750 m. Nhìn từ xa, đảo có hình dáng như một con rùa khổng lồ đang vươn mình ra khơi. Bao quanh đảo toàn là đá, chỉ có một bờ cát nhỏ duy nhất là nơi cập thuyền.

Được biết, Đảo Hòn Bà là nơi ngư dân La Gi thờ cúng nữ thần Thiên YaNa, một vị nữ thần của người Chăm cổ, tượng nữ Thần Thiên Y Ana bằng đá, được các nghệ nhân Chăm tạc từ một khối đá nguyên tại chỗ. Người Chăm đã xây ngôi đền trên ngọn của đảo để tôn vinh nữ thần của mình. Vào những thế kỷ trước, đi biển là nghề chính thu hút đông đảo ngư dân Chăm ven bờ mà dấu vết của những làng ngư cổ vẫn còn. Do vậy, việc thờ tượng Nữ thần ở đây cũng là sự cầu mong cho Nữ thần phù hộ, cứu nạn cho họ trên biển. Trong chiến tranh, ngôi đền thờ vị nữ thần của người Chăm bị hư hỏng và xuống cấp. Mãi đến năm 1969, bà con ngư dân huyện Hàm Tân (nay là thị xã La Gi và huyện Hàm Tân) đã ra Hòn Bà xây dựng lại đền.

Ngày nay, trên đảo cũng có tượng phật Quan Âm, một bên là thờ phật Thích Ca. Phật thần thông quảng đại, Quan Âm cứu nạn cứu khổ cho những người đi biển. Các quan niệm và thần thánh khác nhau, cũng đều là nguyện ước an lành. Ngày 23 tháng 3 âm lịch hàng năm là ngày lễ và hội của nhân trong vùng nói chung và dân đi biển nói riêng tưởng nhớ đến Bà và cầu cho biển êm, mưa thuận gió hòa.

Hồ Biển Lạc

Quanh hồ là rừng già nguyên sinh và bạt ngàn rừng cao su. Hệ sinh thái ở đây rất phong phú, theo người dân địa phương thì dưới hồ có rất nhiều loại cá có giá trị kinh tế cao như: cá thác lác, cá trèn, trạch, chép…và các loại động vật như: trăng, rùa, rắn… Có nhiều loại cây sống dưới nước, vì vậy đã thu hút nhiều loại chim đến làm tổ và sinh sống bằng nguồn thức ăn phong phú từ các loại cá dưới hồ.

Hồ Biển Lạc là một địa chỉ dã ngoại, du lịch khảo sát rất lý thú vì du khách có thể ngồi thuyền dạo chơi giữa bốn bể trời nước mênh mông cùng với núi rừng bát ngát. Không chỉ được ngồi thuyền dạo chơi giữa bốn bề trời nước mênh mông cùng với núi rừng bát ngát, mà còn có thể được thưởng thức những đặc sản từ hồ ngay trên những chiếc lồng bè nuôi cá. Du khách cũng có thể tự tay câu cá và nướng trên bếp than hồng, thưởng thức thành quả của mình ngay trên thuyền.

Hồ Hàm Thuận – Đa Mi

Đa Mi nằm giữa Đà Lạt và Phan Thiết, cách thị xã Bảo Lộc gần 60 km. Băng qua những con đường đèo ngoằn nghèo, bắt gặp 2 hồ nước nhân tạo tuyệt đẹp giữa núi rừng trùng điệp là hồ Hàm Thuận và hồ Đa Mi.

Hai hồ nước được hình thành nhờ công trình thủy điện Hàm Thuận – Đa Mi. Hồ Hàm Thuận nằm trên sông La Ngà, một nhánh của hệ thống sông Đồng Nai. Giữa hồ có 8 đảo lớn nhỏ, đủ hình dạng đan xen, cây cối phủ xanh mướt như những hòn non bộ khổng lồ.

Hiện nay, Hàm Thuận – Đa Mi có điều kiện thích hợp để nuôi cá tầm và đã được một số công ty du lịch khai thác nhưng du lịch thì chưa phát triển. Tương lai không xa, “nàng công chúa ngủ trong rừng” Đa Mi sẽ trở thành điểm du lịch hấp dẫn cho du khách đến tham quan và nghỉ dưỡng.

Thác trượt Tà Pứa

Nép mình bên cánh rừng nguyên sinh hùng vĩ, thác trượt Tà Pứa có vẻ đẹp hoang sơ đến mê hoặc lòng người. Đối với những người dân tỉnh Bình Thuận, thác trượt vốn là một cái tên không mấy xa lạ. Nằm giáp ranh 2 xã Đức Phú, huyện Tánh Linh và xã Mê Pu, huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận, thác trượt có rất nhiều hướng đến từ Phan Thiết, TP.HCM hay từ thị trấn Đambri (Bà Sa) xuôi theo đèo Tà Pứa, rẽ phải là đến thác. Thác trượt Tà Pứa có độ dốc thoai thoải với dòng chảy nhẹ nhàng, uyển chuyển. Băng mình qua các khối đá bằng phẳng, liền kề như chiếc phản khổng lồ, dòng thác tạo nên một bàn trượt tự nhiên mà không có ở bất cứ nơi nào khác.

Cũng như hầu hết các thác khác của vùng đất này, thác trượt chưa được khai thác du lịch nên thác còn rất hoang sơ, nếu muốn vào thác, du khách phải gửi xe tại trạm kiểm lâm rồi men theo con đường đất nhỏ ẩn hiện trong màu xanh của cây và tre rừng. Thỉnh thoảng trên đường, vài mạch nước trong veo, con suối nhỏ với những viên đá cuội tròn lẳng khiến chuyến đi càng thú vị và nên thơ.

So với mặt nước biển thì thác trượt nằm ở độ cao khoảng 200m. Cái đẹp của thác trượt nằm ở đỉnh thác, với những hòn đá nằm chỏng chơ xếp chồng lên nhau. Cũng như các dòng thác khác chịu ảnh hưởng của dòng suối tạo nên nó, đến đây, du khách có thể cảm nhận được tất cả sự thay đổi của thác tùy theo mùa. Vào mùa mưa, thác trông tuyệt đẹp với những dòng chảy tung bọt trắng xóa. Riêng thời điểm từ tháng 11 đến tháng 6 dương lịch thì chính là lúc tham quan thác tuyệt vời nhất, vào thời điểm này, nước chỉ là một màng mỏng chảy trên một phiến đá mà thôi. Tuy nhiên, khung cảnh xung quanh thác thì vô cùng đẹp, rừng núi bao quanh xanh mướt, có những cây cao to rất là xum xuê, lại có những sợi dây leo dài, thòng xuống hình lưỡi câu như một cái xích đu. Dòng nước của thác vào mùa này rất thích hợp cho trò chơi trượt thác.

Tìm trên Google

  • các địa điểm du lịch ở bình thuận
  • chơi gì ở bình thuận
  • phượt bình thuận có gì chơi
  • danh lam thắng cảnh bình thuận
  • di tích lịch sử bình thuận
  • hướng dẫn đi bình thuận
  • địa điểm chụp ảnh đẹp bình thuận

4/5 – (4 đánh giá)

Rate this post

Viết một bình luận