Các địa điểm du lịch ở Sơn La
Sơn La
Các địa điểm du lịch ở Sơn La
(Cập nhật 06/2022)
Cùng Phượt – Nếu yêu thích du lịch sinh thái vùng cao, khi đến Sơn La các bạn sẽ có nhiều cơ hội ngắm nhìn những vẻ đẹp hoang sơ của những loài hoa đẹp lạ, những đỉnh núi cao mây vờn, những dòng suối nước trong veo và cả tấm lòng chân chất, hiếu khách của người dân bản xứ. Hương vị thơm nồng của rượu cần hòa quyện cùng điệu xòe bên ánh lửa bập bùng sẽ còn lưu giữ mãi trong lòng du khách. Mùa xuân về, hoa ban nở trắng càng tô thêm vẻ đẹp của núi rừng Tây Bắc trên suốt cuộc hành trình khám phá các địa điểm du lịch ở Sơn La.
©Bản quyền hình ảnh: Trong bài viết có sử dụng một số hình ảnh được tìm kiếm thông qua công cụ Google Image của các tác giả Hung Nguyen Van, Tran Kien Trung, imax_73, dmdviet, chieuanh, hhxuanthy, phong2v, Hiền Phan, Dinh Dang, lanamquoc, Trung Kiên Đoàn, Lương Cao Dũng, Đăng Định, Sonvc, Hữu Nam Lê, * t h u y, thuykyanh, Line_ Dancer, Tạ Việt Hải, hachi8, Xóm Nhiếp Ảnh, Cao Xuân Hoàng, Tú Mán, Le Hong Ha, Rùa Michael, Ton Ten, Lê Việt Khánh, Lo Lung Lang, Anh Đức, Trường Bờm, Công Nông Lên Dốc, Đừng Ngoảnh Lại, Tuong Vi Phong, Thanh Sơn HP, Mai Hà, Vũ Tuấn, Lục Thum, Phong, Tran Anh Ngoc, Lò Luận, Tado 79 nhằm minh họa rõ hơn cho nội dung bài viết. Bản quyền những hình ảnh này thuộc về tác giả. Chính sách của Cùng Phượt về bản quyền hình ảnh các bạn có thể theo dõi tại đây.
Cụm du lịch Sông Đà
Lòng hồ sông Đà trên thủy điện Sơn La (Ảnh – Tran Kien Trung)
Du lịch Sông Đà là đến với các công trình thế kỷ, khám phá thời kỳ tiền sử của con người qua các di chỉ khảo cổ, đến với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, cảnh núi cao, sông rộng, rừng xanh ngút ngàn, thác đổ, khung cảnh hoang sơ, đến với những con người thật thà, mến khách, nền văn hóa đặc sắc. Sông Đà chảy qua tỉnh Sơn La dài 280 km với 32 phụ lưu lớn nhỏ. Từ ngàn xưa sông Đà là con đường thông thương giữa nhân dân các dân tộc Sơn La nói riêng, nhân dân dân tộc Tây Bắc nói chung với miền xuôi.
Ngược dòng sông Đà, theo con đường của các đoàn thuyền buôn từ Chợ Bờ du khách sẽ đến bến Vạn Yên, bến Tà Hộc, và bến Tạ Bú – điểm khởi công công trình thủy điện Sơn La. Dọc theo chợ Bờ đến Tạ Bú là vùng hồ thủy điện Hòa Bình, là nơi có nhiều hang động đá có giá trị khảo cổ học, bởi trong hang người ta đã phát hiện những mảnh tước đá, rìu đá, hòn kê, hòn mài (hang Tắng, bản Bông Lan, xã Đá Đỏ, huyện Phù Yên). Dọc bờ sông Đà du khách sẽ được khám phá đời sống văn hóa các dân tộc Thái, Mường, Khơ Mú, La Ha, Xinh Mun, Dao. Mỗi dân tộc đều có những bản sắc văn hóa, phong tục tập quán riêng nhưng họ cũng có đặc điểm chung của người dân tộc đó là tính cách thật thà và mến khách, sống hòa thuận, dễ dàng bắt gặp họ tụ họp trong những phiên chợ nổi trên sông Đà làm cho vùng sông nước thêm náo nhiệt hấp dẫn. Vào chính phiên chợ, các chàng trai, cô gái trong những trang phục mới đầy màu sắc nườm nượp trên bến, dưới thuyền làm sống động phiên chợ. Lưu lại qua đêm dưới mái nhà sàn ấm cúng của các dân tộc nơi đây, du khách sẽ được thưởng thức những đặc sản dân tộc, ngây ngất trong men ngọt rượu cần, hòa đồng trong vòng xòe, nghe người già kể những truyền thuyết, huyền thoại Sông Đà. Vùng hồ sông Đà là điểm dừng chân lý tưởng trong hành trình du lịch Tây Bắc của du khách.
Thành phố Sơn La
Bảo tàng tỉnh Sơn La
Bảo tàng Sơn La (Ảnh – cungphuot.info)
Bảo tàng Sơn La nằm trong khuôn viên di tích lịch sử Bảo tàng và Nhà tù Sơn La được thực dân Pháp xây dựng năm 1908. Bảo tàng chủ yếu trưng bày nội dung về dân tộc, là nơi lưu giữ và trưng bày hàng ngàn di vật từ thời tiền sử, sơ sử, những hiện vật phản ảnh nét văn hóa đặc sắc của 12 dân tộc anh em sống ở Sơn La. Đặc biệt, tại đây còn lưu giữ được bộ sưu tập sách chữ Thái cổ, Dao cổ với gần 1000 cuốn thuộc các thể loại như sử thi, trường ca, truyện thơ dân gian…
Nhà tù Sơn La
Nhà tù Sơn La (Ảnh – imax_73)
Nhà tù Sơn La do thực dân Pháp xây dựng năm 1908 với diện tích ban đầu là 500 m2. Nhà tù xây dựng khá kiên cố: tường được xây dựng bằng đá lẫn gạch, mái lợp tôn, không có trần, giường nằm cho tù nhân cũng được xây bằng đá, mặt láng xi măng, mép ngoài được gắn hệ thống cùm chân dọc theo chiều dài của sàn. Trong mỗi phòng giam đều có hố xí nổi được xây cao hơn sàn nằm, không có nắp đậy, không có nước dội, không được vệ sinh thường xuyên. Với lối thiết kế như vậy, mùa hè những đợt gió Lào của vùng Tây Bắc gây nên cái nóng như thiêu như đốt, những đợt sương muối tạo ra cái lạnh giá, rét thấu xương thịt vào mùa đông cộng với môi trường ô nhiễm ở mỗi phòng giam đã làm bệnh tật phát sinh và lây lan rất nhanh chóng trong tù nhân.
Các khách sạn được đánh giá tốt nhất ở Sơn La
KHÁCH SẠN
Mường Thanh Grand Sơn La Hotel
Địa chỉ: Tô Hiệu, Tp. Sơn La, Sơn La
Điện thoại:
093 468 38 83
Xem giá phòng ưu đãi từ:
KHÁCH SẠN
Khách sạn Hà Nội
Địa chỉ: 228 Trường Chinh, Quyết Thắng, Tp Sơn La, Sơn La
Điện thoại:
0212 3851975
Xem giá phòng ưu đãi từ:
Năm 1930 phong trào đấu tranh chống Pháp dâng cao đã làm kẻ địch bất ngờ, chúng lồng lộn tìm đủ mọi cách đàn áp, bắt bớ những người Việt Nam yêu nước hòng dập tắt phong trào cách mạng. Mặt khác tăng cường xây dựng và mở rộng thêm hệ thống nhà tù trong cả nước trong đó chúng đặc biệt chú ý đến nhà tù Sơn La. Năm 1940, Nhà tù Sơn La được mở rộng thêm một trại giam lớn để giam thêm tù nhân và đưa một số tù nhân nữ lên Sơn La nhưng âm mưu đó đã không thực hiện được.
Xem thêm bài viết : Một số hình ảnh về Di tích nhà tù Sơn La
Bản Mòng
Suối nước nóng bản Mòng thuộc bản Mòng, xã Hua La nằm cách trung tâm thành phố khoảng 7km. Trong những năm gần đây khu vực này đã và đang trở thành một địa chỉ quen thuộc của nhiều du khách trong nước và quốc tế. Dòng suối khoáng với nhiệt độ từ 36oC đến 38oC, với các đặc tính lý hóa, thành phần khoáng chất tự nhiên rất tốt cho việc chữa trị một số bệnh ngoài da, thấp khớp, thần kinh, tim mạch. Trước năm 1997, dịch vụ tắm nước nóng chỉ là hình thức tự phát do một số hộ dân đầu tư xây bể tắm công cộng phục vụ người dân. Từ năm 1997 đến nay đã được HTX dịch vụ thương mại Hua La khai thác theo hình thức dịch vụ với những phòng tắm được thiết kế, trang trí hợp lý, sạch sẽ, vệ sinh.
Hiện nay có gần 20 hộ gia đình kinh doanh dịch vụ tắm suối khoáng nóng. Mỗi hộ gia đình là một nếp nhà sàn truyền thống của dân tộc Thái và một khu dịch vụ phòng tắm được thiết kế những bồn tắm rộng rãi, khoa học sẽ làm cho du khách thực sự thoải mái; Hệ thống bồn tắm rất đa dạng, có bồn tắm dành cho cá nhân, có bồn tắm giành cho gia đình, du khách sẽ thật sự thoải mái khi được ngâm mình trong bồn tắm khoáng với thời gian theo ý thích của từng cá nhân. Ngoài dịch vụ tắm nước nóng, du khách tới đây có thể câu cá thư giãn hoặc trải nghiệm cuộc sống đời thường cùng những người dân địa phương. Hoặc tận hưởng những món ăn truyền thống đặc trưng được tẩm ướp công phu bằng nhiều gia vị đang được nướng trên bếp lửa hồng.
Đến với bản Mòong, ngồi trong những nếp nhà sàn truyền thống, quây quần quanh mâm cơm của dân tộc Thái, thưởng thức các món ăn đặc trưng: Cá nướng, gà nướng, thịt hun khói, cơm lam, các món nộm rau rừng, chấm cùng “chẳm chéo”- một thứ đồ chấm của người Thái. Những món ăn tưởng chừng đơn giản nhưng khi thưởng thức và cùng trải nghiệm chắc rằng du khách sẽ phần nào cảm nhận được sự khéo léo, đảm đang của người phụ nữ Thái trong việc chế biến món ăn. Khi đêm về, du khách được ngồi quây quần bên bếp lửa hồng vào mùa đông hoặc tụ họp ngoài sàn ngắm trăng vào mùa hè, để cùng nhau nghe những làn điệu dân ca trầm bổng thiết tha do các thiết nữ thể hiện hoặc tiếng sáo véo von của các chàng trai gọi bạn tình, đâu đó sập sình trong điệu múa xòe “ Inh lả ơi”…
Chiềng Cọ
Chiềng Cọ là một xã của Tp Sơn La với gần 800 ha trồng mận, chủ yếu là mận tam hoa và mận hậu. Khu vực này mỗi dịp xuân về là một trong những địa điểm chụp ảnh hoa mận đẹp được du khách trong và ngoài tỉnh Sơn La tìm đến.
Hang Thẩm Tét Toòng
Hang Thẩm Tét Toòng cách trung tâm Tp Sơn La khoảng 2 km về hướng Mường Lát, Chiềng An nằm yên bình trên tỉnh lộ bên cạnh Chiềng Phom, Chiềng Hồ.
Hoang sơ và chưa có đơn vị nào khai thác du lịch song đây là điểm đến của rất nhiều bạn trẻ người Kinh, người Thái ở Tp Sơn La cũng như các xã, huyện trong tỉnh. Ba bạn trẻ ở địa phương chúng tôi gặp lúc khám phá hang cho biết: “Chưa ai đi hết Thẩm Tét Tòng nên không biết hang dài bao nhiêu, chỉ đi độ hơn một vài giờ thì mọi người đã trở ra…”.
Di tích văn bia Quế Lâm Ngự Chế
Tại trung tâm TP Sơn La có một di tích lịch sử – văn hóa, đó là văn bia “Quế Lâm Ngự Chế”, bút tích của một bậc hùng tài, đại lược – Vua Lê Thái Tông. Vào tháng 5 năm 1440, sau khi nhà Vua cùng các quân sĩ đi chinh phạt quân phiến loạn vùng Tây Bắc và nghỉ chân tại tại động La (địa phương gọi là Thẩm Ké) cảm xúc trước cảnh đẹp và khung cảnh bình yên nơi đây nhà Vua đã viết một bài thơ “Quế Lâm Ngự Chế” được khắc trên vách đá thẳng đứng trên cửa động. Bài thơ có 140 chữ Hán tạm dịch như sau:
“Nghĩ đến người xa đêm khổ tâm
Thổ tù sao lại dám quên thân?
Thế gian đã có anh hùng chúa
Thiên hạ ai tha kẻ nghịch thân
Đường xá khó khăn đừng cậy hiểm
Hang cùng đã ấm áp hơi xuân
Yên được dân lành nhơ nhớp hết
Dân xa được hưởng tấm lòng nhân”
Bắc Yên
Tà Xùa
Địa danh Tà Xùa được các bạn trẻ yêu thích du lịch trong thời gian gần đây nhắc tới là một dãy núi nhỏ hơn thuộc huyện Bắc Yên. Bốn bề bao bọc bởi những dãy núi cao nên thung lũng Tà Xùa luôn xuất hiện mây mù dày đặc, những dải mây cuồn cuộn như cánh sóng đánh ập vào vách núi, tạo nên một biển mây đẹp ngỡ ngàng.
Xem thêm bài viết: Kinh nghiệm du lịch Tà Xùa săn mây (Cập nhật 6/2022)
Hồng Ngài
Tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” do nhà văn Tô Hoài viết năm 1952 được xây dựng từ những nguyên mẫu có thật trong đời sống xã hội thời bấy giờ ở Tường Sơn, Châu Phù Yên (cũ) thuộc huyện vùng cao Bắc Yên, ngày nay.
Xã Hồng Ngài giản dị giữa thung lũng xanh. Vào xã hiện còn vài km đường đất. Đến mùa mưa cũng làm nản lòng nhiều tay lái lạ. Hồng Ngài hôm nay đã khác rất nhiều so với trước kia. Phiên chợ họp ríu rít đông đảo bà con dân tộc. Mùa táo mèo, đâu đâu cũng thơm phức hương táo quyến rũ.
Vào Hồng Ngài, bạn nên nhờ dân bản chỉ đường lên thăm hang A Phủ, được xem là nơi vợ chồng A Phủ từng trốn khỏi ách của cha con thống lý Pá Tra. (Gọi là hang A Phủ bởi trong phim có cảnh quay A Phủ và Mỵ cùng du kích trốn vào hang).
Xím Vàng
Đường lên xã Xím Vàng như dải lụa vắt ngang núi non trùng điệp, thi thoảng có sương giăng bảng lảng làm cho phong cảnh nơi đây trở nên huyền ảo, cảm nhận rõ hơn tiết trời thu se lạnh. Đến gần trung tâm xã, những thửa ruộng bậc thang trập trùng, uốn lượn như những cơn sóng vàng óng ả trên các sườn đồi hay dưới thung lũng. Ruộng bậc thang đẹp nhất là ở bản Háng Gò Bua, Sồng Chống, Cúa Mang, trên các triền đồi trập trùng nối tiếp nhau đến ngút tầm mắt, lúa uốn câu, trĩu nặng, phủ kín một màu vàng óng ả, thấp thoáng giữa cánh đồng là những chòi gỗ nhỏ canh lúa, tạo thành bức tranh phong cảnh hữu tình.
Mai Sơn
Sân bay Nà Sản
Sân bay Nà Sản là một sân bay ở huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, vùng Tây Bắc Việt Nam. Sân bay nằm trên Quốc lộ 6, cách thành phố Sơn La khoảng 20 km về phía Nam. Năm 2004, sân bay được “tạm đóng cửa để nâng cấp” nhưng đến nay vẫn chưa mở cửa hoạt động trở lại.
Sân bay Nà Sản được người Pháp xây dựng vào khoảng năm 1950, phục vụ cho nhu cầu đi lại của những người thực dân Pháp, sau khi họ chiếm lại được quyền kiểm soát được vùng Sơn La từ tay Việt Minh. Ban đầu, sân bay có một đường băng ngắn với nền đất nện; về sau được mở rộng kéo dài thêm và có nền lát ghi sắt, có thể đáp ứng cho loại máy bay Dakota cất và hạ cánh.
Sau năm 1954, sân bay Nà Sản bị bỏ hoang một thời gian. Mãi đến đầu thập niên 1960, chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới quyết định khôi phục lại hoạt động của sân bay nhằm phục vụ nhu cầu đi lại đường không của vùng Tây Bắc. Tuy nhiên, không lâu sau, sân bay một lần nữa bị đóng cửa do lượng khách đi lại khi đó còn rất ít. Đến năm 1994, sân bay tái hoạt động trở lại thêm 10 năm nữa, từ năm 1994 đến 2004. Ngày 17 tháng 5 năm 2004, sân bay một lần được “đóng cửa” để sửa chữa, nâng cấp, mở rộng đường băng với tổng vốn dự kiến khoảng 550 tỷ đồng (giai đoạn 1). Nhưng cho đến hết năm 2009, sân bay Nà Sản vẫn chưa có vốn đầu tư để thực hiện việc nâng cấp. Nguyên do trong việc chậm trễ nâng cấp sân bay là do kém hiệu quả kinh tế khi chỉ cách Hà Nội 300 km về phía Tây Bắc và cách sân bay Điện Biên Phủ 180 km về phía Nam.
Hồ Tiền Phong
Hồ Tiền Phong thuộc Xã Mường Bon, nằm sát trục đường quốc lộ 6 cách Tp Sơn La 23 km, cách Thị trấn Hát Lót 7 km và cách sân bay Nà Sản 2 km
Đến Hồ Tiền Phong, một trong những điều đặc biệt hấp dẫn bạn là được du ngoạn trên mặt Hồ bằng thuyền chèo tay, thuyền đạp chân hay thuyền máy. bạn có thể đem theo cần câu thả mồi để câu cá dưới hồ như cá chép, cá trắm cỏ, trắm đen, các trôi, cá mè. Tới chân đập, bạn có thể đi bằng thuyền lên đỉnh đập để chiêm ngưỡng công trình chắn ngang hai ngọn núi, tạo nên hồ nước mênh mông, và ta bỗng thấy khâm phục những con người đã làm nên công trình này.
Đừng quên ghé thăm các bản làng và thưởng thức các nét văn hóa riêng của đồng bào dân tộc Thái sinh sống từ lâu đời bên cạnh hồ như : Bản Nà Si, Bản Mé, Bản Un …
Mộc Châu
Mộc Châu là cao nguyên rộng lớn và xinh đẹp nhất vùng núi phía Bắc thuộc tỉnh Sơn La. Nằm trên cung đường Tây bắc nổi tiếng với những cảnh quan kỳ vĩ, những ngôi làng xinh xắn ven đường với những mùa hoa cải, hoa đào, hoa mận ngút trời.
Xem thêm bài viết : Kinh nghiệm đi phượt Mộc Châu (Cập nhật 6/2022)
Bản Thung Cuông (Thông Cuông)
Thung Cuông (Thông Cuông) là một bản người Mông nằm giữa 2 xã Đông Sang của Mộc Châu và Xuân Nha của Vân Hô (Một huyện mới thành lập được tách ra từ Mộc Châu). Đường dẫn vào Thung Cuông với 2 bên là những thung lũng cải trắng mênh mông được trồng dày đặc. Đây cũng là một trong những điểm chụp ảnh cưới yêu thích của các bạn trẻ.
Bản Pa Phách
Pa Phách dưới là bản của người Thái. Pa Phách trên gồm có 3 bản : Pa Phách 1,2 và 3 của người Mông . Trước kia bản Pa Phách 1 thuộc xã Vân Hồ, mới nhập vào xã Đông Sang từ năm 2002. Do địa hình nằm giữa 2 dãy núi nên Pa Phách được thắt mở cao dần tạo nên 3 bản Pa Phách của người Mông xanh .Khí hậu nói chung mát mẻ trong lành ,có nhiều rừng bao quanh và đặc biệt khi chiều buông là sương mù vây kín dày đặc như lạc trong biển sương vậy.
Rừng thông Bản Áng
Nằm trên cao nguyên Mộc Châu, bản Áng không chỉ có khí hậu trong lành, mát mẻ; cảnh sắc thơ mộng, hữu tình mà còn lưu giữ kho tàng văn hóa đặc sắc của dân tộc Thái.
Thác Dải Yếm
Thác Dải Yếm các tên gọi khác là “thác Nàng”, “thác Bản Vặt” nằm tại xã Mường Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Sở dĩ thác mang tên là Dải Yếm vì theo truyền thuyết, thác là dải yếm của người con gái cứu chàng trai thoát khỏi dòng nước lũ.
Hang Dơi
Hang Dơi nằm về phía Đông-Bắc của thị trấn Mộc Châu với diện tích là 6.915 m2. Từ Hà Nội lên Sơn La theo quốc lộ 6 di tích nằm ngay trung tâm thị trấn Mộc Châu ở dãy núi phía bên tay phải cách đường quốc lộ 6 là 165 m. Từ quốc lộ 6 lên tới hang ta phải leo 240 bậc là tới cửa hang. Đường tới hang được tạo dáng uốn khúc, uyển chuyển làm dịu đi nỗi mệt khi du khách phải đi lên cao.
Ngũ Động Bản Ôn
Ngũ Động nằm sâu trong những hẻm núi của bản Ôn (Mộc Châu) khá tách biệt với bên ngoài. Do đường vào Ngũ Động còn nhiều khó khăn nên vẫn giữ được nét đẹp hoang sơ hiếm có.
Đồi chè Mộc Châu
Cao nguyên Mộc Châu vốn nổi tiếng với những đồi chè xanh mướt, trải dài tít tắp suốt qua những quả đồi. Chè ở đây được trồng khắp nơi, xen lẫn với những ngôi nhà bé xinh. Đâu đó với những hàng hoa tầm xuân, hoa giấy đang nở rộ trong mờ ảo sương khiến khung cảnh trở nên mơ màng.
Thung lũng mận Nà Ka
Có thể nói Nà Ka là một trong những thung lũng mận đẹp nhất của Mộc Châu, bởi vậy mà có người đã từng ví nơi đây vào mùa xuân đẹp như một xứ sở thần tiên. Mùa xuân, đứng trên đỉnh đèo, du khách thỏa thích phóng tầm mắt xuống thung lũng là một màu trắng kiêu sa, xinh đẹp của những bông hoa mận trải dài hết thung lũng rộng lớn, trên vách đá cheo leo, hay trên những quả đồi nhỏ ở đâu ta cũng thấy màu trắng tinh khôi của hoa mận….
Cửa khẩu Lóng Sập
Là một cửa khẩu phụ, cửa khẩu Lóng Sập thuộc địa bàn xã Lóng Sập nối với nước bạn Lào thông qua cửa khẩu Pa Hang thuộc tỉnh Hủa Phăn của Lào. Đây cũng là nơi có mốc biên giới số 255 (Mốc Việt Lào). Nếu muốn sang tham quan chợ Lào, các bạn cũng cần phải qua trạm khai báo và làm thủ tục nhé.
Mường La
Nhà máy Thủy điện Sơn La
Nhà máy Thủy điện Sơn La là nhà máy thủy điện nằm tại tại xã Ít Ong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La, Việt Nam. Nhà máy được khởi công xây dựng ngày 2 tháng 12 năm 2005,. Sau 7 năm xây dựng, Thủy điện Sơn La được khánh thành vào ngày 23 tháng 12 năm 2012, sớm hơn kế hoạch 3 năm, trở thành nhà máy thủy điện lớn nhất Việt Nam và cả khu vực Đông Nam Á.
Thông số kỹ thuật
Diện tích hồ chứa: 224km2. Dung tích toàn bộ hồ chứa: 9,26 tỉ mét khối nước.
Công suất lắp máy: 2.400 MW, gồm 6 tổ máy.
Điện lượng bình quân hằng năm: 10,2 tỉ KW
Ngọc Chiến
Nằm ở độ cao trung bình trên 1.800m so với mặt nước biển, khí hậu quanh năm mát mẻ, xã Ngọc Chiến (Mường La, Sơn La) là điểm được khá nhiều bạn trẻ ưa xê dịch tìm đến trong những năm gần đây. Đây là nơi sống và định cư lâu đời của 3 dân tộc Thái, Mông và La Ha với văn hóa phong phú đa dạng, giàu lòng mến khách.
Con gái Ngọc Chiến làm lụng vất vả quanh năm mà vẫn có nước da mịn màng, đó là nhờ dòng suối khoáng nóng đã có từ ngàn đời nay chảy qua bản Lướt để “bóc” cho làn da trắng hồng của người con gái thêm mịn màng. Với người dân bản làng ở Ngọc Chiến, người ta vẫn tin truyền thuyết về suối nước nóng ở bản Lướt rằng, đó là nơi con rồng núi bay lên mây sau khi đánh thắng bộ lạc chuyên đi cướp bóc của cải của người hiền. Các cụ già ở Ngọc Chiến kể lại, suối nước nóng là do rồng phun lửa để đuổi quân cướp bản, sau đó một người trong bản dùng nước suối làm nước sinh hoạt đã khỏe mạnh và đẹp dần theo ngày tháng. Từ đó, cả bản đã cùng sinh hoạt, tắm vào buổi sớm đi nương để như tiếp sinh lực cho ngày bắt đầu lao động và chiều về lại tắm để hồi sức sau những giờ lao động vất vả.
Cánh đồng Mường Chiến rộng đến 5-6km2, được bao bọc bốn phía bởi những dãy núi cao ngất, chủ yếu cấy nếp Tan đặc sản. Đây là loại nếp chỉ trồng ở Ngọc Chiến mới thơm ngon, trong dẻo. Giá nếp đắt gấp 3-4 lần nếp thường. Việc thu hái nếp Tan cũng khác với loại lúa khác, không gặt được mà chỉ hái từng bông.
Đến Ngọc Chiến để ngắm nhìn vẻ đẹp của con gái Thái, thả mình trong làn nước nóng của suối khoáng Bản Lướt rồi thưởng thức hạt cơm nếp dẻo ngon từ bông nếp Tan sẽ để lại cho bạn những ấn tượng, mà chắc chắn rồi từ đó bạn sẽ trở lại Ngọc Chiến lần hai.
Ở Ngọc Chiến chưa có nhiều dịch vụ kinh doanh nhà nghỉ nhưng các bạn có thể dừng hỏi tại căn nhà sàn to ngay trung tâm xã (bên cạnh bể tắm công cộng người dân vẫn tắm) là nhà của bác chủ tịch xã trước đây, ở đây có thể tìm được chỗ nghỉ ngơi, ăn uống và dịch vụ tắm nước nóng.
Xem thêm bài viết: Kinh nghiệm du lịch Ngọc Chiến Mường La (Cập nhật 6/2022)
Hang Co Noong
Đây là một điểm di tích khảo cổ thuộc thị trấn Ít Ong. Để lên được hang này, từ đồn công an Thủy điện Sơn La các bạn đi ngược thẳng lên núi sẽ đến được điểm cách cửa hang phía Tây khoảng 250m. Vào trong hang, các bạn sẽ ngỡ ngàng trước cảnh sắc diệu kỳ của tạo hóa, thế giới của vô số nhũ đá với những hình thù kỳ ảo. Trong số này có một nhũ đá mang hình đôi trai, gái quấn quýt bên nhau, được gắn với truyền thuyết về mối tình thủy chung của một chàng trai nghèo với cô con gái nhà quan giàu có. Lòng hang có hình vòng cung, chỗ rộng hơn 50m, có chỗ vòm hang cao tới 20m, các góc tối trần hang là nơi trú ngụ của những đàn dơi. Thạch nhũ trần hang cũng đủ kiểu hình dáng, kích thước, những khối thạch nhũ buông rủ, óng ánh tựa những đám mây ngũ sắc, có khối tựa những bức phù điêu tùy theo tưởng tượng của người thưởng ngoạn.
Cửa hang chính quay về hướng Đông, rộng khoảng 15m, cao hơn 7m, ở giữa có hòn đá to được một cây cổ thụ ôm lấy tựa cột chống cửa hang, chia hang thành 2 ngách. Đứng ở cửa hang nhìn xuống sẽ quan sát được cả công trình thủy điện Sơn La, thị trấn Ít Ong, rừng cao su Phiêng Tìn, cầu cứng Mường La và toàn bộ vùng hạ lưu sông Đà… khung cảnh kỳ vĩ và nên thơ.
Bản Cát Lình
Cách trung tâm huyện chưa đầy 20 km, Cát Lình là một bản của đồng bào Mông nằm bên sườn đỉnh Pu Tha Kềnh (Núi Múa Khèn) cao hơn 2.500m so với mực nước biển. Mùa lúa chín này, nơi đây nhìn từ xa tựa như bức tranh đa sắc màu, tầng tầng lớp lớp trải dài từ sườn núi này nối sang núi khác, kéo xuống tận thung sâu. Cát Lình – là địa danh phiên âm ra tiếng phổ thông, chứ người dân nơi đây vẫn gọi vùng đất này là Co Linh (nghĩa là khu rừng nhiều khỉ), cũng bởi vùng đất này còn khá hoang sơ, nơi trú ngụ của nhiều loài muông thú, trong đó có loài khỉ. Rừng nguyên sinh còn nhiều, suối nước dồi dào quanh năm, đồng bào dân tộc Mông các vùng Chiềng Ân, Ngọc Chiến đã về đây khai khẩn, lập bản, bám trụ từ những năm 70 của thế kỷ trước. Lên Cát Lình chỉ có một con đường liên bản gập ghềnh sỏi đá, nối trung tâm xã Chiềng Muôn với các bản Hua Đán – Nậm Kìm – Cát Lình.
Phù Yên
Rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Ở xã Gia Phù, huyện Phù Yên không ai là không biết đến khu rừng mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp, mà người trong vùng vẫn gọi bằng cái tên thân mật: “Rừng ông Giáp”. Là khu rừng rậm rạp, ít người lui tới nên muốn vào thăm, ai nấy đều phải gõ cửa ngôi nhà gỗ nhỏ nằm cạnh suối Bùa để được nghe chỉ dẫn.
Men theo con đường mòn nhỏ dốc đá trơn trượt, bạn sẽ được chủ nhân của ngôi nhà gỗ, đồng thời là người giữ rừng kể lại câu chuyện năm xưa. Trong lần hành quân từ Nghĩa Lộ (Yên Bái) lên Điện Biên tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đoàn quân đã chọn nơi đây làm nơi đóng quân, nghỉ ngơi.
Vốn có tên gọi là rừng bản Nhọt nhưng với lòng kính trọng, biết ơn và cảm phục công lao của Đại tướng, người dân địa phương đã gọi khu rừng này là “Rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp” như một cách để con cháu luôn nhớ về nơi Đại tướng đã dừng chân. Vẫn là những con đường rêu đá nhỏ hẹp, lúc lên, lúc xuống, nhưng qua câu chuyện kể đồng hành, bước chân lữ khách như chững lại, để rồi hình dung về quãng đường thồ gạo, kéo pháo lên Điện Biên của đoàn quân năm xưa.
“Rừng ông Giáp” hiện có diện tích khoảng 200 ha, được hình thành từ hai dãy núi bao bọc, cây cối xanh tốt, quanh năm mây phủ. Không giống như nhiều khu rừng khác chỉ còn gỗ tạp, dây leo, khu rừng vẫn còn nguyên vẹn với những cây chò chỉ đại thụ to vài ba người ôm không xuể. Một góc khác là cây lát, dổi, sâng, sấu cổ thụ lâu năm, là những cây pơ mu cao hàng chót vót, thẳng đứng lẫn trong làn sương mờ ảo.
Trong không gian tĩnh lặng của rừng già, văng vẳng bên tai là tiếng suối Dưn chảy róc rách đêm ngày như lời nguyện từ năm xưa vọng lại. Đây là nơi trú quân đầu tiên trong rừng bản Nhọt. Dọc theo các con suối khác trong rừng cũng được Tướng Giáp chọn đóng quân: đài quan sát trên đồi suối Hiền, trạm quân y dã chiến bên dòng suối Bùa và đặc biệt là trên ngọn suối Tắc Tè bên sườn đồi Tang Tú – nơi đặt sở chỉ huy mà Đại tướng dừng chân, đến nay vẫn còn hiện hữu.
Bản Chiếu
Cách trung tâm xã Mường Thải hơn 7 km, bản Chiếu có 139 hộ đồng bào Mường sinh sống. Những năm gần đây, bên cạnh trồng trọt, chăn nuôi, trong bản đang hình thành các dịch vụ tắm khoáng nóng, nuôi cá lồng và thuyền du lịch trên lòng hồ suối Chiếu.
Rừng thông Noong Cốp
Nằm trên địa bàn xã Quang Huy, tiếp giáp với các xã Huy Bắc, Suối Tọ và thị trấn Phù Yên, rừng thông Noong Cốp có diện tích hơn 1.300ha, với hàng vạn cây thông trên 30 năm tuổi, đây được coi là lá phổi xanh và là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn của huyện Phù Yên. Đến với rừng thông Noong Cốp, các bạn có thể đi bộ khám phá, leo núi hoặc cắm trại giữa thiên nhiên.
Quỳnh Nhai
Cầu Pá Uôn
Cầu Pá Uôn nằm trên địa phận xã Chiềng Ơn, sát ngay thị trấn Phiêng Lanh. Được mệnh danh là Đông Dương đệ nhất cầu với độ cao tự nhiên từ mặt đất lên đến mặt cầu xe chạy là 105m, đặc biệt nhịp giữa cầu cao đến 120m. Đứng giữa cầu, con người chỉ là một chấm nhỏ bé giữa bức tranh sơn thủy với núi non xanh biếc, sông sâu thác dữ, mây trắng vờn trên đỉnh. Nhìn từ xa cầu Pá Uôn như một con rồng bê tông cốt thép lừng lững giữa hai triền núi cao chót vót.
Đền thờ Nàng Han (Linh Sơn – Thủy Từ)
Ở Quỳnh Nhai (Sơn La) có hai ngôi đền thiêng từ thế kỷ 17 của bà con dân tộc thiểu số là đền Linh Sơn Thủy Từ và Nàng Han đã được phục dựng gần nguyên gốc sau khi đền chính ngập dưới lòng hồ thủy điện Sơn La.
Truyền thuyết kể lại rằng: Nàng là con gái duy nhất của chúa đất người Khơ Mú ở Chiềng Phung (Quỳnh Nhai ngày nay). Nàng có tài kiếm, cung vô địch. Nàng xin cha được giả trai và luyện tập cùng quân lính. Cha nàng thuận ý và đặt tên con trai cho nàng là Khum Chương.
Khi giặc phương Bắc tràn sang xâm lược, chúa đất chọn chủ tướng cầm quân ra trận. Trong cuộc thỉ đấu quyết liệt Khum Chương đã thắng và được phong làm Chủ tướng và một người đứng sau làm Phó tướng là Khum Lụm. Khum Chương cùng Phó tướng dẫn quân ngược sông Đà, sông Nậm Na (thuộc Lai Châu ngày nay) đánh đuổi giặc phương Bắc qua Chiềng Sa (xã Mường So, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) đến Si Xoong Pa Na (Mường Là – Trung Quốc) rồi quay về.
Về nhà đúng 30 Tết, nàng làm lễ cúng áp Mố Chiêng – Tắm gội 30 Tết. Tắm gội xong thì lại nghe tin giặc giữ phương Bắc sang cướp phá ở Mường Lò (Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái). Nàng lại mặc giáp bào, trở thành Khum Chương cùng Phó tướng Khum Lụm cầm quân xuôi sông Đà vào Bắc Yên, vượt núi vào Phù Yên tiến vào Mường Lò đánh đuổi quân giặc chạy tan tác.
Khum Chương cùng quân lính tiến quân khải hoàn trở về, đến Mường Pùa (xã Tường Phù ngày nay) cho quân sĩ nghỉ lại. Một buổi chiều Khum Chương và phó tướng Khum Lụm cưỡi ngựa đi chơi, qua khe suối có nước trong vắt, Khum Chương cúi xuống đưa tay vục nước uống; có ngờ Khum Lụm nhìn thấy vú nàng. Biết nàng là con gái giả trai, Khum Lụm uất ức phải làm phó cho một nữ nhi nên hô lính đuổi giết Khum Chương.
Khum Chương quay lại rút kiếm chém chết Khum Lụm và thốc ngựa chạy vào rừng sâu. Thấy quân lính hỗn loạn, Khum Chương dừng ngựa ngửa mặt kêu trời. Trời thương nên thả nôi mây xuống đón hồn nàng lên trời và cho dội một trận mưa phôn chăng (bây giờ gọi là mưa axít) bỗng xác Khum Chương và quân lính đã biến thành đá.
Sau khi Khum Chương chết, Tạo Mường và dân bản đã trả lại tên con gái cho nàng là Nàng Han. Nhớ công ơn nàng đánh đuổi giặc cứu Mường nên người dân cùng Tạo Mường đã làm cho Nàng một cỗ quan tài quý, đặt hình nhân, xếp mộ đá giả cho Nàng và làm miếu thờ cúng hàng năm vào ngày rằm tháng 3 (âm lịch).
Mường Chiên
Điểm nổi bật nhất ở khu du lịch Mường Chiên, đó là suối nước nóng bản Bon, đây là điểm du lịch nghỉ dưỡng, tắm khoáng chữa bệnh và vui chơi giải trí cuối tuần. Du khách vừa có thể tổ chức các hoạt động vui chơi, ăn uống kết hợp với tắm khoáng nóng chữa bệnh, nước suối ở đây có đầy đủ những khoáng chất với độ tinh khiết nguyên sơ có lợi cho sức khỏe của con người, chữa các bệnh như thấp khớp, đau dạ dày, bệnh đường ruột… đem lại sự thư thái và dễ chịu. Đến Mường Chiên, du khách tùy theo sở thích, có thể ngâm mình thư giãn trong làn nước khoáng trong vắt hay đi thuyền dọc sông Đà thưởng ngoạn khung cảnh hữu tình hai bên bờ, và khám phá các hang động ở bản Bon, bản Quyền…
Suối nước nóng Mường Lèo
Từ trung tâm huyện Sốp Cộp, vượt quãng đường gần 60 km ngoằn ngoèo, uốn lượn vắt ngang những sườn núi cao vút, đến đầu bản Liềng là thấy suối nước nóng lộ thiên giữa cánh đồng lúa vàng. Nhìn từ xa, cả khu vực này hiện ra như một bức tranh thủy mặc.
Tháp Mường Bám
Tháp Mường Bám tên gọi khác là Thạt Bản Lào (Thạt tiếng Lào có nghĩa là Tháp). Di tích thuộc xã Mường Bám (huyện Thuận Châu), cách trung tâm thị trấn Thuận Châu hơn 70 km về phía Tây- Nam.
Dựa theo thuyết phong thuỷ, đồng bảo dân tộc Lào ở Mường Bám xưa đã chọn đất kỹ lưỡng để xây dựng tháp. Tháp được xây trên một quả đồi thiên tạo có bề mặt rộng khoảng 1ha. cách bờ suối Nậm Húa (phần đầu nguồn của dòng sông Mã) khoảng 300m, gồm một quần thể 5 tháp, một tháp to ở giữa và 4 tháp con ở 4 cạnh tháp to, theo 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. Mặt Tháp quay về hướng Đông và nhìn ra ngã ba suối Nậm húa có núi án ngữ làm bình phong. Núi chắn hai bên theo hướng Bắc, Nam tựa thế tay ngai. Trước mặt tháp là ngã ba suối, uốn khúc chạy lượn “chi huyền thuỷ”. Từ trái sang phải, phía sau Tháp có dẫy núi tựa người đang ngồi “thiền”. Quần thể Tháp có vị thế rất tĩnh lặng, uy nghi.
Về cấu trúc vật liệu: Tất cả 5 tháp đều được xây bằng một loại vật liệu, chủ yếu là gạch vồ màu đỏ, kích thước lớn dài 35cm, rộng 15cm, dày 7cm được gắn kết với nhau bằng vôi, cát, và mật. Các hoạ tiết hoa văn được làm bằng vữa đắp nổi, nhiều chỗ gắn thêm vào những hình đất nung trang trí.
Hướng dẫn đi tới tháp : Từ trung tâm thị trấn Thuận Châu, theo quốc lộ 6 hướng đi Điện Biên khoảng 600m rẽ tay trái vào đường tỉnh lộ 108, đi 45km đến thị tứ Co Mạ.Từ thị tứ Co Mạ đi Mường Bám khoảng 28km là tới di tích.
Vân Hồ
Thác Tạt Nàng
Thác Tạt Nàng nằm ở bản Phụ Mẫu I, xã Chiềng Yên, một dòng thác biểu tượng cho tình yêu thủy chung của người con gái Thái xinh đẹp nổi tiếng một vùng. Để đến thác Tạt Nàng có thể đi bằng đường thủy hoặc đường bộ, tùy thuộc vào điểm xuất phát. Theo đó, khởi hành từ Hà Nội tới ngã ba Đồng Bảng, huyện Mai Châu (Hòa Bình) rẽ tay phải đi theo quốc lộ 6 cũ khoảng 20 km là tới thác. Còn đi bằng đường thủy đến bến Suối Rút, huyện Mai Châu (Hòa Bình) rẽ tay phải, đi khoảng 18 km là tới thác. Nếu đi từ Sơn La theo quốc lộ 6 đến ngã ba rừng già, theo đường liên bản Nà Bai, bản Niên khoảng 30 phút là đến.
Bản Hua Tạt
Hua Tạt là một bản nhỏ thuộc H’Mông thuộc xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, nằm chạy dọc theo quốc lộ 6, một bên là đại lộ, một bên là vách núi cao, bản nằm lọt thỏm ở giữa, yên bình và lặng lẽ. Tại đây các bạn có thể thuê nhà sàn nghỉ homestay, thưởng thức các món ăn đặc sản của người địa phương cũng như du lịch tới các điểm hấp dẫn lân cận.
Yên Châu
Hang Nhả Nhung
Cách quốc lộ 6 khoảng 25 km, hang Nhả Nhung, thuộc bản Trạm Hốc, xã Chiềng On có vẻ đẹp nguyên sơ với nhiều hình thù nhũ đá tự nhiên, vì vậy thu hút được khá nhiều du khách đến khám phá trải nghiệm.
Hồ Chiềng Khoi
Hồ Chiềng Khoi thuộc Bản Pút, Xã Chiềng Khoi. Từ trung tâm thị trấn huyện Yên Châu về phía Nam 4 km, Hồ Chiềng Khoi có diện tích 40 ha hiện ra như một con nhện khổng lồ.
Theo cách giải thích của người dân bản địa, Chiềng Khoi có nghĩa là vùng đất rộng lớn, bằng phẳng và ở trên cao. Tương truyền rằng, xưa kia Chiềng Khoi là vùng đất thiếu nước, đất đai khô cằn, người dân nơi đây tuy chịu thương, chịu khó nhưng cuộc sống vẫn chật vật, khó khăn vì thiếu nước. Trên mảnh đất này có một chàng trai tên là Khoi, chàng có sức khoẻ phi thường. Thân chàng đen và bóng như thân gỗ lim, tay chàng to như mặt quạt. Thấy nhân dân cực khổ chàng bèn dời núi, khơi các dòng nước từ các hướng chảy về đây, hình thành nên hồ Chiềng Khoi.
Nhưng đó mới chỉ là Hồ Chiềng Khoi của những câu chuyện truyền kỳ. Còn một Hồ Chiềng Khoi nữa của một hệ sinh thái khá phong phú. Hồ Chiềng Khoi là hồ nhân tạo được khởi công xây dựng năm 1971 với một đập chắn cao 45 m, dài 110 m và hoàn thành đi vào sử dụng năm 1980. Hồ Chiềng Khoi vốn là đáy các thung lũng hẹp, có các dòng suối nhỏ từ trong lòng núi chảy vào Suối Sập. Lòng Hồ là một thung lũng hẹp, chạy ngoằn ngoèo quanh những quả đồi lớn dài tới 7 km. Nước Hồ Chiềng Khoi lúc nào cũng trong xanh, yên ả quanh năm bởi nguồn nước cung cấp cho hồ đều chảy ra từ trong lòng núi. Chính những con suối nhỏ và rừng núi nguyên sơ đã tạo cho mặt hồ và cảnh quan nơi đây có vẻ đẹp huyền ảo. Như bức tường thành thẫm xanh bồng bềnh mây trắng, những dãy núi điệp trùng trải dải từ phía Nam đến phía Tây Bắc và rừng già ôm lấy toàn bộ mặt hồ, hồ lồng trong bóng núi. Khi du khách đến đây vào mùa hoa ban nở sẽ thấy một mầu trắng thuần khuất trải dài theo sườn núi và mềm mại như một dải lụa, du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh sắc trời đất nơi đây.
Các đồi đất, dãy núi đá vôi bao bọc Hồ Chiềng Khoi còn có nhiều loại rau rừng rất ngon như rau sắng, lá xồm pon, măng tre, măng đắng, măng lay, nhiều loại nấm và rất nhiều loại chim trong đó có họa mi, khiếu, cò trắng, chào mào, vẹt, chim én. Rừng ở đây có nhiều loại động vật sinh sống như khỉ, sơn dương, hoẵng, lợn rừng, cầy hương, cầy bay. Hồ Chiềng Khoi có các loại cá tự nhiên như cá chép, cá mương, cá quả, cá trê, cá riếc và nhiều loài tôm, cua, ếch.
Đến Chiềng Khoi, du khách không chỉ được thưởng ngoạn vẻ đẹp của thắng cảnh Hồ Chiềng Khoi mà còn được thưởng thức những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Thái Yên Châu với những lễ hội, ca vũ đặc sắc. Người Thái ở đây còn có các nghề thủ công truyền thống. Với bàn tay khéo léo họ đã tạo ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo như: nhạc cụ dân tộc, đồ dùng mây tre đan và tiêu biểu nhất là vải “Khít”, là loại vải thổ cẩm nổi tiếng không những ở Yên Châu mà cả vùng Tây Bắc. Đặc biệt vùng đất này nổi tiếng với nghề thêu khăn piêu và làm khèn bè. Sau vài giờ thưởng ngoạn cảnh đẹp và không khí trong lành mát dịu trên hồ, du khách sẽ thăm những bản mường nơi đây để thưởng thức những món ăn dân tộc do chính bàn tay của những cô “Sơn nữ Châu Yên” chế biến. Du khách lại được dập dìu trong tiếng trống, đắm mình trong điệu xoè, đầm ấm bên chum rượu cần, cảm nhận thấy sự thân thiện, không khí chan hoà bởi lòng mến khách của dân tộc nơi đây. Hồ Chiềng Khoi là một điểm du lịch sinh thái – văn hoá ngày càng hấp dẫn du khách.
Hang Chi Đảy
Hang có tên là Chi Đảy (tiếng Thái, dịch ra có nghĩa là “sẽ được”), từ bao đời nay, những người dân tộc Thái vẫn rỉ tai nhau những câu chuyện kỳ lạ về hang động này. Rất nhiều người không quản ngại xa xôi đến hang để cầu mong vạn sự như ý.
Dọc theo quốc lộ 6 rẽ vào đường đi qua xã Cò Nòi của Mai Sơn, vượt qua đèo Cà Nài (15km) sẽ đến bản Đán, xã Yên Sơn. Từ đây còn phải đi bộ qua đoạn đường núi khoảng 3km mới tới được chân núi Chi Đảy
Tìm trên Google:
- các địa điểm du lịch ở Sơn La
- chơi gì khi đến Sơn La
- phượt Sơn La có gì
- cảnh đẹp Sơn La
- danh lam thắng cảnh Sơn La
- địa điểm du lịch tâm linh Sơn La
- đến Sơn La nên đi đâu
- địa điểm chụp ảnh đẹp ở Sơn La
5/5 – (1 đánh giá)