Các món ăn ngon đặc sản An Giang không thể bỏ qua
Là vùng đất có nhiều đồng bào dân tộc cư trú như: Chăm, Khmer, Hoa, Việt…nên văn hóa ẩm thực An Giang rất đa dạng phong phú mỗi món ăn đều mang hương vị bản sắc riêng. Du lịch An Giang, bạn không chỉ được tham quan những di tích văn hóa lịch sử hào hùng, cảnh đẹp của thiên nhiên núi rừng hoang sơ và hùng vĩ, mà còn được thưởng thức những món ăn đặc sản dân dã thơm ngon, độc đáo chỉ có riêng ở nơi đây. Xin giới thiệu những món ăn ngon đặc sản An Giang được nhiều du khách yêu thích.
Bún cá
Món bún là món ăn trứ danh của vùng đất An Giang. Món ăn này được bán ở nhiều nơi nhưng ngon nhất là ở Châu Đốc, Long Xuyên và Tân Châu. Người dân ở đây quen gọi bún cá là bún nước lèo. Mỗi nơi đều có vị bún cá đặc trưng, ở Long Xuyên vị bún nhạt và thơm mùi nghệ, ở Tân Châu và Châu Đốc bún cá có vị đậm đà hơn.
Món bún cá ngon nhất là khi được nấu bằng cá lóc (cá quả), người ta có thể thay thế bằng cá kèo. Nước dùng ngọt được ninh từ xương gà, rau giá ăn kèm với bún cá nước lèo rất đa dạng, đó có thể là rau muống bào, bắp chuối bào sợi, giá, rau răm và đặc biệt là bông điên điển. Bông điên điển chỉ có vào mùa nước nổi, khi ăn bún cá với bông điên điển, thực khách mới cảm nhận được hết vị ngon ngọt đặc biệt của món bún này.
Gỏi sầu đâu
Gỏi sầu đâu có thể nói là món ăn nổi tiếng nhất của An Giang. Sầu đâu là loại cây hoang dã, mọc nhiều ở An Giang… Thân cây cao và thẳng, không kén đất, dễ trồng. Lá sầu đâu có màu xanh, vị đắng, hậu ngọt, tính mát; hoa thì ít đắng hơn và thơm.
Lá sầu đâu được chế biến thành nhiều món ăn, phổ biến nhất là sầu đâu chấm cá kho, thịt kho hoặc ăn kèm với mắm thái, mắm chưng, từng được coi là món ngon hiếm có trên đời. Nhưng thực đơn nổi tiếng nhất ở An Giang xưa nay vẫn là món gỏi sầu đâu. Từ gỏi tôm, gỏi thịt, gỏi cá cho đến gỏi khô, thứ nào cũng tuyệt hảo.
Thành phần quan trọng nhất là đọt sầu đâu non đã được trụng nước sôi đem trộn đều với nước mắm ớt chua ngọt. Vị béo của thịt, vị ngọt của tôm, vị chua của me chín hòa lẫn vị đắng hậu ngọt của lá sầu cộng với vị cay của ớt, ăn tới đâu thấm tới đó. Một món ngon có cả vị cay + đắng nhưng sẽ làm cho thực khách khó quên trong đời.
Lẩu mắm
Thành phố Châu Đốc được mệnh danh là vương quốc mắm vì hầu hết các chợ trong vùng đều có một khu dành riêng bán các loại mắm: mắm chốt, mắm sặt, mắm trèn, mắm thái… Mắm Châu Đốc nổi tiếng với mùi đặc trưng, có vị rất đặc biệt và được đánh giá cao về vệ sinh an toàn thực phẩm. Chính vì thế những món ăn làm từ mắm ở đây rất phong phú và lẩu mắm là một trong số đó. Những loại mắm dùng để nấu lẩu là mắm các sặc, cá chốt… Hai loại mắm này có vị ngọt và mùi hương rất kích thích.
Nước lẩu được nấu cùng với cá basa, cá kèo, cá bông lau, cá lóc… Để gia tăng sự phong phú của món ăn người ta cho vào cả chả cá và thịt ba rọi. Lẩu mắm ăn kèm với cà tím cắt khúc, bông so đủa, điên điển, bông súng… và bún tươi. Món lẩu mắm có vị mằn mặn của mắm, vị ngọt của cá vùng sông nước và các loại rau giá… hòa quyện tạo nên ấn tượng khó phai.
Cơm tấm Long Xuyên
Du khách khi đến thành phố Long Xuyên bạn ăn món đặc sản cơm tấm. Không giữ nguyên miếng sườn to bản, thịt ở đây cũng thịt sườn nhưng lại được thái thành lát dài, tẩm ướp gia vị rồi nướng chín trên bếp than hồng. Khi chín, miếng thịt được thái thành từng lát mỏng, nhỏ vừa miệng. Ngoài thịt, đĩa cơm tấm ở đây còn có trứng kho. Được chế biến gần giống trứng kho thịt nên trứng vừa có màu gạch vừa thấm gia vị rất ngon. Cũng giống như sườn, trứng không được để nguyên quả mà thái thành từng lát mỏng giúp người ăn không bị ngấy.Ngoài ra, trong đĩa cơm tấm ở đây còn có bì, một ít mỡ hành, dưa chua thường làm bằng rau muống, cải, dưa leo…
Bò bảy món Núi Sam
Bò bảy món Núi Sam là một trong những đặc sản níu chân du khách khi đến với vùng Châu Đốc. Đi dọc trên đường dưới chân núi Sam, du khách sẽ không khỏi bị hấp dẫn bởi các quán ăn treo biển hiệu “thịt bò bảy món” với lòng bò luộc, bò đun bánh hỏi, cháo bò, bò khìa bánh mì, bò xào lá giang, bò lúc lắc và bò bít tết. Dù thưởng thức món nào du khách cũng đều cảm thấy thích thú vì ngon miệng.
Xôi phồng Chợ Mới
Xôi phồng Chợ Mới (huyện Chợ Mới) ăn kèm gà quay được đánh giá là món ăn thơm ngon, hấp dẫn du khách. Gà được nuôi thả vườn nên thịt dai và ngọt, được quay thủ công nên giữ được vị thơm của gà và mùi vị đặc trưng. Món gà quay ăn với xôi phồng mới nghe đã ngán – nhưng khi thưởng thức tại Chợ Mới này thì có vị khác lạ, làm khách cứ ăn mãi, quên thôi. Nhiều du khách đến đây chỉ yêu cầu luộc gà hoặc quay gà rồi ăn với xôi chiên phồng thay cho bữa ăn chính.
Bánh canh Vĩnh Trung
Bánh canh Vĩnh Trung (huyện Tịnh Biên) được làm từ gạo thơm Neang Nhen trồng ở vùng cao của người Khmer vùng Bảy Núi. Nhìn qua, sợi bánh hơi giống sợi phở nhưng không dẹt phẳng mà đầy lẳn, trắng nõn, khi ăn có cảm giác trơn tuột và dai mềm, lạ miệng.
Trên trục đường Lê Lợi đi từ trung tâm Tịnh Biên đến biên giới Campuchia, du khách sẽ nhận ra có nhiều quán bánh canh đông khách. Sợi bánh được trụng chín để trong tô, chủ quán đặt nhân giò heo, bò viên, miếng cá lóc đều trên mặt bánh rồi rưới ngập nước lèo trong vắt, rắc thêm nhúm hành ngò phi thơm lừng. Khi ăn cần chế thêm một chén mắm nhỏ kèm ớt chưng để chấm phần nhân, làm tăng vị ngon tối đa cho tô bánh canh. Tô bánh canh với nước súp trong vắt, đậm đà nóng hổi, bốc khói và thoang thoảng hương thơm của các loại gia vị, hành ngò đã làm nức lòng thực khách. Cộng với sợi bánh trắng nõn, dai, thơm và có vị beo béo khi cắn phải khiến ta đã ăn một đũa lại muốn ăn tiếp nữa.
Bánh xèo Núi Cấm
Bánh xèo Núi Cấm (huyện Tịnh Biên) lôi cuốn thực khách bởi hơn 20 loại rau rừng ăn kèm. Các quán bán bánh xèo sẽ lấy rau sạch và rau thiên nhiên trên núi Cấm để làm nên một đĩa rau phong phú. Đó có thể là lá của cây xoài, rau tía tô, xà lách các loại cho đến các loại dưa giá rất phong phú. Bánh xèo chỉ bao gồm thịt ba rọi, giá và tép như hầu hết những vùng khác, tuy nhiên lại thu hút được nhiều người bởi cái phong vị thiên nhiên và lạ miệng của các loại rau rừng. Thưởng thức bánh xèo Núi Cấm thực khách sẽ được nếm các loại rau với đủ mùi vị, tất cả hòa trộn thành một hương vị rất đặc biệt.
Gà đốt lá chúc Ô Thum
Đến với Ô Thum (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) du khách đừng quên thưởng thức món gà đốt lá chúc trứ danh tại vùng đất này. Món gà đốt Ô Thum có nguồn gốc từ Campuchia, điều tạo nên vị ngon của món gà đốt không chỉ nằm ở nguyên liệu mà nằm ở bí quyết chế biến riêng của mỗi quán, ngoài các loại gia vị thường thấy như muối, sả, ớt, tỏi thì lá chúc như một loại gia vị đặc biệt không thể thiếu để tạo nên hương vị đặc trưng không lẫn vào đâu được của món ăn.
Những con gà sau khi nướng chín có màu vàng bóng, thơm nức, các nguyên liệu thấm đều vào thịt gà, món ăn vừa giữ được vị ngọt tự nhiên, vừa hòa quyện mùi thơm đặc trưng của lá chúc. Gắp từng miếng thịt gà chấm vào chén muối ớt chanh hoặc nước mắm làm, ăn kèm gỏi bắp chuối hột và rau răm thì hương vị như còn đọng lại hoài nơi đầu lưỡi.
Cháo bò Tri Tôn
Cháo bò Tri Tôn món đặc sản nức tiếng An Giang có vị ngọt đậm đà, thơm ngon, khác hẳn với tô cháo ở miệt đồng bằng. Điểm nhấn tạo sự khác biệt ở tô cháo nấu bằng gạo lúa mùa “sóc Khmer” thơm, dẻo cùng với nước thốt nốt tạo ra một nét đặc trưng. Nếm một miếng nghe vị ngọt đậm đà, thơm ngon, khác hẳn với tô cháo lòng ở miệt đồng bằng rất xa. Sau đó, bạn thử gắp ít lá sách chấm vào chén nước mắm gừng cho vào miệng nghe dai dai, giòn giòn thật hấp dẫn, rồi tới miếng gan bùi bùi, khoanh phèo nhân nhẫn và lát huyết vừa mềm vừa ngọt đậm, không thể chê vào đâu được.
Muốn cho hương vị thêm đậm đà, bạn có thể dùng kèm với giá sống và rau thơm, đặc biệt là trái chúc, một loại trái đặc hữu của vùng sơn địa Tịnh Biên và Tri Tôn. Trái này giống như trái chanh nhưng nồng, the hơn nhiều. Có thể nói trái chúc là “phần hồn” của tô cháo bò, dư vị chua thanh của nó sẽ thấm vào tô cháo và từng miếng thịt khiến cho người thưởng thức cảm thấy ngất ngây. Ai đã dùng một lần khó mà quên được cái chất dân dã nhưng thật đậm đà và thú vị.
Gỏi đu đủ đâm Tri Tôn
Mỗi khi có dịp về Tri Tôn, An Giang, người ta phải tìm ăn bằng được món đu đủ đâm độc đáo lạ miệng nơi đây, với công thức chẳng đâu có vì có cả ba khía, mắm ruốc và hột vịt, thịt nướng. Món gỏi đu đủ của người dân Khmer, trong tiếng Khmer, đu đủ đâm có tên là bốk-la-hông. Thành phần nguyên liệu của món bao gồm đu đủ đã thái sợi, rau muống, đậu đũa và sự kết hợp của chanh, cà chua, mắm ruốc. Nhai chậm rãi, bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt nhẹ của sợi đu đủ giòn sần sật, cùng vị mằn mặn nhưng không quá gắt của mắm. Cộng hưởng thêm là vị chua của chanh, vị cay của ớt kèm vị béo của đậu phộng, mùi thơm của rau mọi vị cảm hoà quyện vào nhau.
Ếch kẹp nướng Tri Tôn
Món ếch nướng với hương vị lạ miệng, vừa ngon, vừa hấp dẫn. Sau khi được lột sạch lớp da sần sùi, làm sạch ruột, những con ếch nhỏ sẽ được bằm nhuyễn chung với thịt ba rọi, sả, ớt, một ít nghệ tươi tạo màu vàng bắt mắt cho món ăn, thêm chút lá chúc để tạo mùi hương thơm ngát. Sau đó sử dụng cặp gắp bằng cây tre nướng trên than đỏ lửa. Chỉ qua 2-3 lần trở tay, thịt ếch đã bắt đầu săn lại, mỡ từ thịt ếch tươm ra, chảy vào than nổ lách tách, mùi thơm tỏa ra vô cùng quyến rũ thực khách đến từ phương xa.
Các món ngon từ trái thốt nốt
Có thể nói, những món ăn, thức uống được chế biến từ thốt nốt đã chiếm một vị trí quan trọng trong nền ẩm thực của An Giang. Đường thốt nốt của người Khmer An Giang có vị ngọt thanh, mùi thơm đặc trưng, được người tiêu dùng ưa chuộng. Nước thốt nốt, thạch thốt nốt, bánh bò thốt nốt, bia chua thốt nốt… là những đặc sản vùng Bảy Núi bạn không nên bỏ qua.
Bánh bò thốt nốt có thể được xem là đặc sản của An Giang. Bánh bò được làm từ đường của cây thốt nốt nên có vị ngọt không gắt và có màu vàng ươm đẹp mắt. Bánh bò thốt nốt có 2 loại là bánh bò khô và bánh bò ăn kèm với nước dừa. Ở Châu Đốc và Tân Châu là hai nơi bán nhiều bánh bò thốt nốt. Đặc biệt bánh bò thốt nốt có chan nước dừa beo béo rất nổi tiếng ở Tân Châu.
Tung lò mò – các món ngon của người Chăm
Văn hóa ẩm thực của người Chăm An Giang có nhiều nét riêng biệt hấp dẫn du khách. Người Chăm An Giang không ăn thịt heo nên sử dụng thịt bò, gà, dê, cá là chủ yếu. Trong các món ăn của người Chăm, hầu như món nào cũng sử dụng nước cốt dừa và liều lượng chỉ gia giảm tùy theo từng món ăn. Cà ri, cà púa hay cà rìng, cơm nị là món ăn truyền thống, đặc trưng trong những ngày lễ, tết của dân tộc mang lại cho người thưởng thức những nét hấp dẫn rất riêng.
Tận dụng nguồn nguyên liệu từ thiên nhiên, người Khmer đã tạo nên một nền ẩm thực độc đáo và hấp dẫn. Tuy không cầu kỳ và bắt mắt trong phong cách trang trí nhưng văn hóa ẩm thực của người Khmer An Giang rất phong phú, đa dạng và mang bản sắc riêng, thể hiện được cách ứng xử linh hoạt của con người với thiên nhiên. Trong đó, có các món tiêu biểu như cốm dẹp, mắm bò hóc, canh sim lo… có hương vị đậm đà, đặc trưng, được các tộc người cộng cư ưa thích và dần trở thành những món ăn quen thuộc trong đời sống của người dân An Giang.
Bên cạnh đó, tung lò mò (lạp xưởng bò) là món ăn truyền thống nổi tiếng lâu đời của người Chăm. Tung lò mò được làm từ thịt bò xay trộn cùng cơm nguội và nhiều loại gia vị bí truyền. Đây là món ăn ngon, bổ dưỡng và thường có mặt trong mâm cơm tiếp đãi khách của người Chăm. Tung Lò Mò có vị chua và dai dai, đồng thời cũng có vị ngọt pha lẫn vị béo của mỡ bò. Tung Lò Mò ăn ngon nhất là khi nướng trên bếp than, ăn cùng với rau răm, tương ớt…
Bò leo núi Tân Châu
Bò leo núi Tân Châu lôi cuốn bởi tên gọi, cách chế biến, cách thưởng thức, độ mềm mại và sự thơm ngọt. Nhiều người cứ nghĩ bò leo núi chắc là thấy từ thịt bò nuôi ở trên núi nên có thịt săn chắc, tươi ngon. Thực ra, bò leo núi cũng được chế biến từ bò tơ, nhưng vì cách chế biến, tẩm ướp rất đặc biệt ở đây nên mới gọi là “bò leo núi”.
Món bò leo núi được chế biến theo một cách rất khác lạ, khác nhiều so với các món bò nướng trong ẩm thực người Việt vùng đồng bằng sông Cửu Long. Thịt được cắt dày hơn so với các món bò nướng như thường thấy. Đầu tiên thịt được ướp bằng trứng gà tươi được khuấy đều, chuẩn bị vỉ nướng bằng gang. Giữa vỉ mô lên tròn trĩnh tượng hình quả núi nên tên gọi món ăn xuất phát từ điểm này. Cho một miếng mỡ heo thật to lên trên vỉ được bắc trên bếp than hồng, khỏa đều. Mỡ heo tan ra, sau đó để từng miếng thịt bò lên và phết 1 ít bơ vàng óng lên trên đó. Trứng và bơ hòa quyện thấm vào thịt thơm lừng, ngọt lịm.
Trở đều để miếng bò không quá khô vừa còn giữ lại độ mềm, ngọt của gia vị. Miếng thịt dù để trên bếp bao lâu vẫn không bị dai, cứng mà luôn mềm mại, rất vừa miệng ăn. Thịt nướng xong được gói với bánh tráng, rau sống, chuối chát… chấm với chao hoặc mắm bò hốc.
Bánh tằm bì Tân Châu
Bánh tằm bì là một món ăn ngon đặc sắc của Tân Châu. Điểm nhấn chính là bì thịt và viên xíu mại thơm béo trong đĩa bánh tằm. Bánh tằm là những sợi bánh làm từ bột độ giòn và béo hơn so với bánh canh. Bánh tằm thường được ăn kèm với thịt xíu mại, thịt nướng và bì. Khi ăn thì chan nước cốt dừa béo và nước mắm chua ngọt. Món ăn này là sự tổng hòa của vị mặn, vị béo, vịt ngọt và vị cay của ớt.
Lía Tân Châu
Du lịch An Giang, về với xứ lụa Tân Châu bạn có thể tìm thấy món ăn này dễ dàng. Ở đây, con lía được người ta gạn dưới sông mang lên, ngâm cho ra hết đất, sau đó rửa lại thật kỹ với nước mới đưa vào chế biến. Lía có hình dạng khá giống hến, vỏ khá mỏng nên xào nấu mau chín. Lía có thể chế biến thành vài món như: lía xào tỏi, lía luộc xả, lía phơi… Dân ở đây, đặc biệt là giới trẻ, thường chuộng lía xào tỏi hơn, còn lía phơi nắng hơi kén người ăn bởi con lía còn sống, người ta chỉ ướp muối rồi phơi hai, ba cái nắng, sau đó mang ra bán. Lía xào tỏi thơm ngon, đậm vị. Phần nước dùng trong lía được chảy ra nên khi xào thịt lía có vị ngọt rất ngon. Lấy từng con lía đưa vào chén nước chấm rồi cho vào miệng, không thể cưỡng lại món ăn quê dân dã, phảng phất mùi thơm rau quế đúng chất sông nước.
Các món ngon mùa nước nổi
Mùa nước nổi chỉ có ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, trong đó An Giang là nơi đầu tiên nhận con nước về và có mùa nước nổi kéo dài nên ẩm thực mùa nước nổi ở An Giang có phần nổi tiếng hơn các địa phương khác trong khu vực. Đối với người dân An Giang, mùa nước nổi được xem như một món quà ưu đãi mà tự nhiên ban tặng. Các sản vật sẵn có từ mùa nước nổi được dùng để chế biến món ăn mang đậm dấu ấn thời khẩn hoang: Dân dã, đơn giản, không cầu kỳ, giữ nguyên hương vị tự nhiên, bày biện trang trí món ăn cũng không phức tạp, qua đó cho chúng ta thấy được nét văn hóa đặc trưng của ẩm thực vùng đất An Giang hoang sơ nhưng đầy thi vị.
Miền Tây vào mùa nước nổi, các loài rau đồng tự nhiên có điều kiện phát triển phong phú và đa dạng. Từ các loại rau trên cạn theo mùa nước như: Bông điên điển, bông so đũa, đọt choại, đọt nhãn lồng, lá giang, sầu đâu, lá cách, lá lốt, cải trời, dây bầu, bí… đến các loại rau dưới nước như: Bông súng, củ ấu, lục bình, đọt mướp gai, môn nước, bồn bồn, rau dừa nước, hẹ nước, rau nhút, … và rất nhiều các loại rau tập tàng khác. Các loài rau dại đã trở thành món ăn quen thuộc, thành phần không thể thiếu trong cơ cấu bữa ăn của cư dân Miền Tây Nam Bộ nói chung và cư dân An Giang nói riêng.
Bông điên điển đã trở thành hình ảnh đặc trưng và được ví như “mai vàng mùa nước nổi” ở miền Tây Nam Bộ. Tại các huyện đầu nguồn tỉnh An Giang, hàng năm, vào mùa nước nổi, điên điển lại trổ bông vàng rực. Điên điển trở thành thức ăn quen thuộc của cư dân nơi đây với hàm lượng chất dinh dưỡng cao. Toàn bộ cây điên điển đều có thể được dùng để chế biến thức ăn: Lá luộc ăn như rau hoặc nấu canh với tép bạc, cá rô; hạt điên điển dùng làm giá giống như các loại đậu hạt. Điên điển có vị hơi nhẩn nhẹ, ngọt, bùi được cư dân An Giang sử dụng để chế biến nhiều món ngon, bổ dưỡng như: điên điển xào tép, bánh xèo bông điên điển, bánh khọt bông điên điển, bông điên điển muối chua, gỏi bông điên điển, canh chua cá linh bông điên điển, điên điển xào trứng, xào thịt bò, …
Do nước từ thượng nguồn sông Mekong đổ về nên vô số các loài thuỷ hải sản theo dòng nước về đồng bằng với chủng loại vô cùng phong phú. Trong các loại thuỷ sản mùa nước nổi, cá linh đã trở thành đặc sản, giàu chất dinh dưỡng, là nguồn nguyên liệu chủ yếu trong chế biến món ăn của người dân An Giang. Các món ngon mùa nước nổi chế biến từ cá linh, đầu tiên phải nhắc đến là lẩu cá linh bông điên điển. Ngoài ra, còn những món ngon khác từ cá linh như cá linh kho tiêu ăn kèm bông súng, bắp chuối, bông điên điển muối chua, kèo nèo, đọt choại…; mắm kho cá linh; cá linh kho mía; cá linh nhúng giấm cuốn bánh tráng, bún ăn kèm với các loại rau đồng, chấm nước mắm nêm hoặc nước mắm chua ngọt. Cá linh nướng hay lăn bột chiên giòn cũng là một món ăn khoái khẩu, hấp dẫn vào mùa nước nổi.
Các món ăn từ côn trùng
Đặc sản An Giang thì có nhiều, món nào cũng ngon cũng thơm. Nhưng có một vài món ăn độc đáo và có phần kỳ dị mà bạn nhất định phải nếm thử khi đặt chân tới vùng đất này đó là các món ăn từ côn trùng. Người mới ăn lần đầu thường cảm thấy rờn rợn vì các con vật xấu xí và màu sắc cũng không tươi tắn, hấp dẫn. Nhưng sau khi thưởng thức, người ta mới thấy hết cái ngon độc đáo của nó nhờ mùi vị vừa thơm ngon vừa béo và bùi. Người ăn chỉ cần đưa vào miệng cắn nhẹ, mùi vị sẽ ngay lập tức lan tỏa, chất béo của thịt thấm vào từng chân răng, không lẫn lộn với bất cứ một hương vị nào khác.
Ở An Giang mùa nào đặc sản nấy, còn nhiều lắm những đặc sản mà chính du khách phải 1 lần đặt chân đến để trải nghiệm, khám phá và thưởng thức mới cảm nhận hết tất cả những hương vị của từng món ăn, đặc sản đặc trưng ở vùng Bảy Núi xứ sở của thốt nốt mà không nơi nào có thể có được. Chắc chắn, vừa thưởng ngoạn khung cảnh núi sông nước thơ mộng, vừa được thưởng thức các món ăn ngon sẽ là những trải nghiệm tuyệt vời mà không nơi nào có được.