Phương pháp dạy học tích cực là một thuật ngữ rút gọn được sử dụng ở nhiều nước trên thế giới để chỉ phương pháp giáo dục, dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học. Và rõ ràng, đây không phải là một khái niệm, lý thuyết suông mà nó đã được ứng dụng rộng rãi tại nhiều trường học thuộc các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Vậy, phương pháp dạy học tích cực là gì? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết sau đây nhé!
Khái niệm phương pháp dạy học
Phương pháp dạy học là cách thức, sự tương tác chung giữa giáo viên và học sinh trong một điều kiện dạy học nhất định, nhằm đạt được các mục tiêu đề ra của việc dạy học.
Trong đó, có 3 bình diện cần xem xét trong phương pháp dạy học, có thể kể đến như:
-
Quan điểm
-
Phương pháp dạy cụ thể
-
Kỹ thuật dạy học
Quan điểm dạy học
Được hiểu là tổng thể các định hướng về hành động phương pháp, có sự kết hợp của nhiều yếu tố như nguyên tắc dạy học, cơ sở lý thuyết của lý luận dạy học, môi trường và điều kiện dạy học cũng như định hướng cụ thể về vai trò của giáo viên, học sinh khi tham khảo quá trình giảng dạy.
Các quan điểm dạy học trên bao gồm các định hướng có tính chiến lược. Và chính những định hướng này là mô hình lý thuyết hình thành nên phương pháp dạy học.
Phương pháp dạy cụ thể
Bàn về phương pháp dạy học, trên thực tế, có rất nhiều phương pháp giảng dạy và truyền thụ kiến thức như thảo luận, nghiên cứu, thông qua các trò chơi hay xử lý tình huống, nhập vai, học nhóm, học qua video của website giáo dục trực tuyến… Ở đây, phương pháp dạy học sẽ được hiểu là những hành động và cách thức của giáo viên và học sinh để đạt được mục tiêu của việc dạy học, trong những điều kiện dạy học nhất định.
Kỹ thuật dạy học
Kỹ thuật dạy học gồm các phương pháp, cách thức hành động của giáo viên ở từng tình huống cụ thể, nhằm thực hiện và điều khiển toàn bộ quá trình dạy học. Một số kỹ thuật dạy học phổ biến dành cho giáo viên bao gồm: Kỹ thuật phân chia nhóm, đặt câu hỏi, kỹ thuật hỏi chuyên gia, kỹ thuật các mảnh ghép hay hoàn thành một nhiệm vụ,…
Một số lưu ý quan trọng về phương pháp dạy học
1.Với mỗi một quan điểm dạy học sẽ có phương pháp dạy học phù hợp. Và với mỗi phương pháp dạy học cụ thể cũng sẽ có các kỹ thuật dạy học đặc thù. Tuy nhiên, điều này không mang tính cố định, đôi khi cũng có ngoại lệ.
2.Việc phân biệt phương pháp dạy học và kỹ thuật dạy học đôi khi chỉ mang tính chất tương đối, một số ví dụ có thể kể đến như: “Động não” – ở một số trường hợp, nó được xem là phương pháp hoặc kỹ thuật dạy học.
3.Có các phương pháp dạy học chung cho nhiều môn học, tuy nhiên cũng có những phương pháp đặc thù, dành riêng cho 1 số môn học hoặc các nhóm môn học nhất định
4.Một phương pháp dạy học, hay kỹ thuật môn học sẽ được gọi với nhiều cái tên khác nhau.
Một số phương pháp dạy học tích cực
Phương pháp dạy học nhóm
Đây là một trong số phương pháp dạy học tích cực được đánh giá cao hiện nay.
Nếu giáo viên có thể tổ chức tốt, phương pháp dạy học nhóm sẽ góp phần thúc đẩy giúp các em học sinh phát huy tính tích cực của bản thân, đồng thời phát triển khả năng làm việc nhóm, trách nhiệm và khả năng giao tiếp của các em.
Kỹ năng chia nhóm
-
Dựa trên số thứ tự điểm danh, dựa vào màu sắc, các mùa hoặc các loài hoa. Điều kiện để ghép chung nhóm là chung 1 số, 1 màu, 1 mùa hoặc 1 loài hoa.
-
Dựa vào hình ghép: Giáo viên cắt 1 bức hình thành nhiều mảnh và để cho học sinh bốc thăm ngẫu nhiên. Số bức hình sẽ tương ứng với số nhóm cần chia. Điều kiện để chung nhóm là các em học sinh có mảnh ghép để tạo ra cùng 1 hình.
-
Dựa theo sở thích: Những em học sinh có cùng sở thích với nhau sẽ tạo thành 1 tổ hợp nhóm
-
Dựa vào tháng sinh: Điều kiện chung nhóm là các học sinh có cùng tháng sinh với nhau.
Quy trình triển khai
-
Cả lớp làm việc:
Giới thiệu về chủ đề bài học
Xác định nhiệm vụ chung cho các nhóm
Tạo và tiến hành phân chia nhóm
-
Làm việc nhóm:
Phân bố vị trí làm việc nhóm
Lập kế hoạch về việc cần làm
Đề ra các quy tắc làm việc chung
-
Giải quyết các công việc được giao
Chuẩn bị để báo cáo kết quả từ quy trình làm việc nhóm
-
Cả lớp làm việc
Các nhóm lần lượt trình bày kết quả của nhóm mình.
Đánh giá các kết quả
Phương pháp nghiên cứu một trường hợp điển hình
Tương tự như phương pháp dạy học phân chia nhóm, phương pháp nghiên cứu một trường hợp điển hình cũng là một trong những phương pháp dạy học được áp dụng phổ biến hiện nay. Với phương pháp này, giáo viên sẽ đóng vai trò kể 1 câu chuyện có thật hoặc một câu chuyện được viết lại dựa theo các tình huống thực xảy ra trong cuộc sống, nhằm chứng minh cho một vấn đề nào đó.
Phương pháp nghiên cứu một trường hợp điển hình có thể được thực hiện bằng văn bản, đoạn ghi âm hoặc hình thức video.
Quy trình triển khai
-
Học sinh sẽ cùng đọc, nghe hoặc xem một trường hợp điển hình nào đó
-
Suy ngẫm về trường hợp điển hình
-
Tiến hành tranh luận dựa trên sự hướng dẫn của giáo viên
Phương pháp giải quyết vấn đề
Nằm trong số các phương pháp dạy học mới nhằm kích thích tính tự lực và chủ động giải quyết các vấn đề của học sinh. Với phương pháp giải quyết vấn đề, giáo viên sẽ đưa ra các vấn đề nhận thức mà ở đó có sự mâu thuẫn giữa những kiến thức đã biết và chưa biết, định hướng học sinh tìm cách giải quyết.
Quy trình triển khai
-
Xác định vấn đề, tình huống cần giải quyết
-
Tìm kiếm các thông tin có liên quan tới tình huống, vấn đề
-
Liệt kê ra các biện pháp để giải quyết vấn đề
-
Phân tích và đánh giá về những kết quả của các biện pháp
-
So sánh kết quả của những giải pháp đề ra
-
Chọn lựa ra biện pháp tối ưu nhất
-
Thực hiện theo giải pháp đã lựa chọn
-
Kết luận và rút kinh nghiệm khi giải quyết vấn đề, tình huống khác
Phương pháp đóng vai
Nếu như nhắc đến một số phương pháp dạy học tích cực thiên về thực hành, phương pháp đóng vai luôn là phương pháp được nhiều giáo viên áp dụng. Khi sử dụng phương pháp đóng vai, giáo viên sẽ để học sinh thực hành, diễn thử một số ứng xử liên quan đến một tình huống nào đó.
Song, việc diễn thử chỉ là một phần, điều quan trọng nhất chính là phần thảo luận của học sinh sau khi thực hành và thử đặt mình vào vai trò được phân định.
Quy trình triển khai
-
Giáo viên đưa ra các chủ đề, chia nhóm, đưa ra tình huống và yêu cầu phân vai cho từng nhóm, bao gồm thời gian chuẩn bị, thời gian diễn của mỗi nhóm.
-
Các nhóm được chia cùng nhau thảo luận về nhiệm vụ
-
Lần lượt từng nhóm diễn đóng vai theo thứ tự
-
Cả lớp thảo luận, đánh giá cách diễn, ứng xử, ý nghĩa của cách ứng xử.
-
Giáo viên đưa ra đánh giá, kết luận và định hướng cho học sinh đâu mới là cách ứng xử tích cực với tình huống đã phân.
Phương pháp trò chơi
Thông qua một trò chơi, giáo viên sẽ tổ chức cho các em học sinh tìm hiểu về một vấn đề nào đó. Phương pháp trò chơi thuộc phương pháp dạy học tăng trải nghiệm kích thích, tăng hứng thú tìm hiểu vấn đề của học sinh
Quy trình triển khai
-
Giáo viên phổ biến trò chơi bao gồm tên, nội dung và quy tắc chơi
-
Tiến hành chơi thử nếu học sinh chưa nắm rõ về luật chơi
-
Cho học sinh bắt đầu trò chơi
-
Đưa ra đánh giá khi trò chơi kết thúc
-
Cùng thảo luận về ý nghĩa của trò chơi
Phương pháp dự án
Đây là phương pháp dạy học mà học sinh cần phải thực hiện một nhiệm vụ học tập gắn liền với thực tiễn, có sự kết hợp giữa lý thuyết và thực hành.
Nhiệm vụ học tập này đòi hỏi người học có tính tự lực cao, có khả năng đảm nhiệm mọi công đoạn bao gồm lập kế hoạch, thực hiện dự án học tập và đánh giá kết quả của dự án.
Để thực hiện phương pháp dạy học theo dự án, giáo viên cần dạy theo hình thức chia nhóm.
Quy trình triển khai
-
Lập kế hoạch
Xác định chủ đề
Xây dựng tiểu chủ đề
Lập kế hoạch về nhiệm vụ học tập của dự án
-
Thực hiện dự án
Tìm kiếm, thu thập thông tin
Tiến hành nghiên cứu, điều tra
Thảo luận với các thành viên ở trong nhóm
Nhờ giáo viên hướng dẫn, hỗ trợ
-
Tổng hợp kết quả
Tổng hợp các kết quả tìm thấy được trong quá trình học
Hệ thống lại các kết quả tìm được
Trình bày kết quả học tập
Phản ánh lại kết quả của quá trình học.
Phương pháp bàn tay nặn bột
Nhiều nghiên cứu cho thấy hiện nay, 1 số phương pháp dạy học tích cực dựa trên các thí nghiệm, nghiên cứu được áp dụng cực phổ biến để tăng hiệu quả của các môn học tự nhiên. Phương pháp bàn tay nặn bột là một trong số đó.
Với phương pháp giảng dạy này, kiến thức của học sinh được hình thành thông qua các thí nghiệm. Các em được tự mình tìm tòi nghiên cứu để tìm ra câu trả lời cho các vấn đề được đặt ra trong cuộc số bằng cách tiến hành những thí nghiệm, đọc, điều tra, nghiên cứu tài liệu,…
Với những vấn đề đã đưa ra, học sinh bắt đầu đặt câu hỏi, giải thiết dựa theo tìm hiểu ban đầu, sau đó tiến hành thực hiện thí nghiệm nghiên cứu, cùng nhau thảo luận và đưa ra các kết quả. Phương pháp bàn tay nặn bột được đánh giá là hướng giảng dạy tích cực, khơi gợi được sự tò mò và khám phá cho các em học sinh.
Quy trình 1 tiết dạy
-
Nêu ra các tình huống có vấn đề, xác định được vấn đề cần giải quyết
-
Xây dựng các hoạt động nhằm giải quyết vấn đề
-
Củng cố và đề xuất thêm các định hướng mở rộng trong hệ thống bài học
Quy trình thực nghiệm
-
Nêu ra tình huống có vấn đề cần giải quyết
-
Học sinh đưa ra các câu hỏi, dự đoán và kết quả theo từng nhóm hoặc từng cá nhân
-
Làm thực nghiệm
-
So sánh kết quả đạt được với dự đoán đã đưa ra ở bước trên
-
Đưa ra kết luận về bài học.
Phương pháp dạy theo góc
Còn rất mới mẻ, song gần đây, phương pháp dạy học mới này đã được áp dụng tại nhiều trường học. Ở đó, học sinh cần phải thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, ở các vị trí cụ thể trong phạm vi lớp học, để đáp ứng nhiều phong cách học tập khác nhau
Phương pháp dạy học góc giúp học sinh lựa chọn hoạt động cũng như phong cách học: Thực hành; khám phá, tăng thêm cơ hội để phát triển khả năng sáng tạo, cơ hội đọc, hiểu các nhiệm vụ được đề xuất từ giáo viên cũng như cơ hội để mỗi cá nhân đều có thể áp dụng và trải nghiệm.
Một ví dụ điển hình như: Khi giáo viên đưa ra chủ đề về môi trường học giao thông, thì cũng đồng thời tổ chức các góc học tập bao gồm: viết, vẽ, đọc, xem video, thảo luận,..
Những điều kiện để áp dụng phương pháp dạy học tích cực thành công
Đối với giáo viên
Để có thể áp dụng 1 số phương pháp dạy học tích cực, giáo viên cần phải trải qua quá trình đào tạo mới có thể dễ dàng thích nghi với những thay đổi, nâng cấp về chức năng cũng như nhiệm vụ giảng dạy của mình.
Cùng với đó, các thầy cô còn phải nhiệt tình và sẵn sàng tiếp nhận các thay đổi mới của nền giáo dục.
Các giáo viên trực tiếp đứng lớp giảng dạy phải là những người nắm vững về kiến thức chuyên môn, có kỹ năng về sư phạm, khéo léo trong cách ứng xử cũng như sử dụng thành thạo công nghệ thông tin để hỗ trợ ứng dụng trong việc giảng dạy và biết cách để định hướng học sinh theo đúng như mục tiêu giáo dục và chương trình học đã đề ra. Tuy nhiên, cũng cần đảm bảo tự do nhận thức để học sinh phát triển tư duy và sáng tạo.
Đối với học sinh
Học sinh cần phải xây dựng những phẩm chất và khả năng thích nghi với phương pháp dạy học mới, cách xác định mục tiêu học tập, tính tự giác và có trách nhiệm không chỉ với việc học của mình, mà còn đối với việc học chung của cả nhóm, cả lớp. Cần phát huy tính tự giác ở bất cứ hoàn cảnh hay điều kiện nào.
Sách giáo khoa
Những chương trình giảng dạy trong sách giáo khoa nên có sự giảm tải về khối lượng kiến thức. Giảm những nội dung buộc học sinh phải ghi nhớ, các câu hỏi tái tạo và hạn chế đến mức tối đa những kết luận mang tính áp đặt. Thay vào đó, cần bổ sung thêm các bài toán về nhận thức, thực tiễn, các câu hỏi phát triển trí thông minh cùng những gợi ý để học sinh dựa vào cốt lõi đó và tự phát triển nội dung của bài học.
Trang thiết bị dạy học
-
Cần đảm bảo trang thiết bị dạy học đầy đủ ở mức tối thiểu, nhằm phục vụ công tác dạy và học hoàn thiện hơn
-
Cung cấp đầy đủ trang thiết bị thực hành, giúp học sinh có phương tiện làm bài thực hành thử nghiệm
-
Trang thiết bị dạy học đắt tiền sẽ được bố trí để sử dụng chung. Song, cần phải đảm bảo về nguyên tắc sử dụng, bảo quản theo từng hoàn cảnh cụ thể nhằm giúp học sinh và giáo viên có thể sử dụng tối đa số lần thử nghiệm.
-
Xây dựng phòng học đa năng và kho chứa thiết bị ngay bên cạnh phòng học bộ môn, đảm bảo an toàn trong khâu bảo quản.
- Với nhiều đơn vị giáo dục thì không chỉ trang bị đầy đủ thiết bị thực hành, dụng cụ hỗ trợ học tập mà còn cả vấn đề cung cấp các giải pháp học trực tuyến cho.
Đối với nhà trường
-
Hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm chính về việc áp dụng phương pháp dạy học tích cực cho toàn trường. Đồng thời, nhấn mạnh về vai trò của phương pháp dạy học trong các hoạt động còn lại của trường.
-
Với những sáng kiến, đề xuất mang tính tiến bộ, cải cách của giáo viên, hiệu trưởng nên giữ thái độ tôn trọng và đồng tình, dù là những đóng góp ý kiến nhỏ nhất. Bên cạnh việc hỗ trợ cho giáo viên khi áp dụng phương pháp dạy học tích cực vào trong giảng dạy để phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện giảng dạy, đặc điểm của từng đối tượng, việc chỉ dẫn cũng vô cùng cần thiết để việc giảng dạy mang lại hiệu quả tốt hơn.
Về những đổi mới trong cách đánh giá kết quả của học sinh
Theo phương pháp dạy học tích cực, người chịu trách nhiệm giảng dạy cần đánh giá kết quả học tập của học sinh một cách công khai và công bằng.
Bộ công cụ sử dụng để đánh giá được bổ sung thêm với hình thức câu hỏi và bài tập trắc nghiệm. Ngoài ra, giáo viên cũng nên thực hiện đánh giá dựa trên toàn bộ quá trình học tập của học sinh, bao gồm các yếu tố về tính tự giác, chủ động trong mỗi tiết học, kể cả lý thuyết lẫn thực hành.
Hệ thống câu hỏi, trắc nghiệm được sử dụng để đánh giá phải bao gồm 70% ở mức tiêu chuẩn về mặt bằng học thức của học sinh, 30% còn lại nằm trong phần nội dung nâng cao.
Kết luận
Hy vọng rằng với những thông tin trên, nhà trường, giáo viên sẽ có thể tham khảo và lựa chọn ra những phương pháp dạy học phù hợp, từ đó hiểu rõ hơn về vai trò và trách nhiệm của mình trong việc giúp học sinh có được môi trường và điều kiện học tập tốt nhất để tiếp thu kiến thức. Chúc bạn thành công!