Bài viết được viết bởi Dược sĩ Nguyễn Văn Thắng – Dược sĩ – Khoa Dược – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Bất kỳ chất nào ở ngoài cũng có thể gây ra phản ứng dị ứng với cơ thể. Việc dị ứng với tác nhân này, không dị ứng với tác nhân khác liên quan nhiều đến cơ chế miễn dịch của cơ thể. Khi một tác nhân “lạ” tiếp xúc với cơ thể, cơ thể sẽ sản sinh ra các chất để chống lại các chất “lạ” này.
Trong quá trình đó, một loạt chất trung gian được giải phóng ra, dẫn đến các biểu hiện dị ứng với nhiều mức độ khác nhau như nổi ban trên da, mẩn ngứa, sưng mắt, môi, mặt; khó thở, khó nuốt, đau tức ngực, buồn nôn, nôn, tụt huyết áp, thậm chí tử vong.
1. Các thuốc sử dụng khi bị dị ứng thức ăn
Tùy theo mức độ của phản ứng mà sẽ cần sử dụng các loại thuốc khác nhau để xử trí.
Với mức độ nhẹ (ví dụ mẩn ngứa nhẹ ngoài da), có thể sử dụng các thuốc chống dị ứng (nhóm kháng histamin). Các thuốc thuộc nhóm này sẽ cạnh tranh và khiến cho một trong các chất trung gian được tiết ra như mô tả ở trên không có tác dụng nữa, từ đó làm giảm các triệu chứng của dị ứng.
Một số thuốc chống dị ứng nhóm này có thể sẽ gây buồn ngủ, nhưng lại có tác dụng tốt trong giảm nôn, giảm tiết dịch; ngược lại, một số thuốc khác ít gây buồn ngủ hơn nhưng sẽ ít tác dụng giảm nôn hơn.
Một số thuốc dùng được cho trẻ nhỏ hoặc phụ nữ có thai, cho con bú nhưng số khác lại chưa có bằng chứng an toàn. Bác sĩ hoặc dược sĩ sẽ trao đổi để lựa chọn thuốc phù hợp cho bạn.
Trường hợp các phản ứng nặng hơn, việc sử dụng các thuốc chống dị ứng nhóm kháng histamin không đủ để giải quyết các triệu chứng thì có thể cần thêm các thuốc khác như: thuốc adrenalin để nâng huyết áp, các thuốc chống viêm, giãn phế quản để giảm phù nề, co thắt phế quản.
Thông thường các thuốc này sẽ được sử dụng tại các cơ sở y tế. Do đó, điều rất quan trọng là bạn cần đến ngay cơ sở y tế nếu phát hiện ra các biểu hiện của dị ứng thức ăn.
2. Phòng tránh dị ứng thức ăn
Một số người sẽ có nguy cơ dị ứng thức ăn hơn những người khác. Một số loại thức ăn sẽ dễ gây dị ứng bao gồm hải sản, các loại hạt, sữa và các chế phẩm từ sữa, trứng, đậu nành… Để phòng tránh thì việc đầu tiên là cần xác định tác nhân gây dị ứng.
Bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn về phương pháp xác định nào là thích hợp cho bạn, có thể là xét nghiệm các chất đặc hiệu có trong máu hoặc thử phản ứng trên da của bạn. Đôi khi, cũng khó xác định được chính xác loại thức ăn mà bạn bị dị ứng, nên ghi chép lại đầy đủ và chính xác các loại thức ăn và các biểu hiện bạn gặp phải sẽ giúp ích rất nhiều.
Khi đã xác định được những loại thức ăn gây dị ứng thì bạn nên tránh các loại thức ăn đó. Xem kỹ nhãn sản phẩm cũng rất quan trọng để xác định thành phần trong sản phẩm đó có thuộc loại gây dị ứng cho bạn hay không. Một số thuốc cũng có thể có chứa một thành phần có nguồn gốc từ động vật, thực vật và có khả năng gây dị ứng chéo cho bạn.
Do đó, cần cung cấp thông tin về dị ứng thức ăn cho bác sĩ, dược sĩ để phòng tránh nguy cơ này. Mang theo bên người các thuốc xử trí dị ứng và thông tin dị ứng thức ăn cũng giúp ích cho việc xử trí phản ứng dị ứng.
Dị ứng thức ăn ảnh hưởng đến da, đường tiêu hoá hoặc hệ hô hấp hoặc tim mạch. Đối với các triệu chứng nhẹ có thể không cần điều trị gì cả hoặc chỉ cần bổ sung thuốc kháng histamin có thể giải quyết được các vấn đề của triệu chứng. Nhưng với những trường hợp phản ứng dị ứng thức ăn nghiêm trọng thì cần phải gặp bác sĩ để thăm khám và có thể sẽ kê toa thuốc steroid. Đây là loại thuốc có tác dụng phụ nghiêm trọng chỉ được sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ.
Nếu có triệu chứng bất thường, bạn nên được thăm khám và tư vấn với bác sĩ chuyên khoa.
Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số hoặc đăng ký lịch trực tuyến TẠI ĐÂY. Tải ứng dụng độc quyền MyVinmec để đặt lịch nhanh hơn, theo dõi lịch tiện lợi hơn!