Bánh dày trắng trắng, tròn tròn quá đỗi gần gũi với bao thế hệ người Việt. Chắc là bạn sẽ ngạc nhiên lắm bởi cách làm bánh dày lại vô cùng đơn giản.
Những món ăn truyền thống của dân tộc Việt Nam hầu hết đều có một sự tích, một câu chuyện kèm theo. Nếu bánh chưng tượng trưng cho đất đai thì bánh dày lại tượng trưng cho bầu trời. Một số dân tộc miền Bắc còn lấy bánh dày làm món bánh truyền thống trong dịp tết.
Bánh dày thoạt nhìn rất đơn giản, thường được nặn hình tròn, dày tầm 1 cm nhưng lại thể hiện sự tinh tế của người làm ra nó. Người làm bánh có cẩn thận, trau chuốt mới tạo nên được những chiếc bánh tròn đều, mịn màng như vậy.
Bánh dày truyền thống thường được làm bằng gạo nếp đồ chín rồi giã thật mịn. Nhưng để nhanh chóng, thuận tiện hơn trong khâu chế biến thì ngày nay bánh dày đa phần làm từ bột nếp. Nếu chọn bột nếp ngon thì bánh làm từ bột nếp cũng không kém cạnh với bánh làm từ gạo nếp giã nhuyễn đâu.
Thật Là Ngon sẽ chia sẻ cho bạn cách làm bánh dày từ bột nếp thật nhanh chóng nhé!
In Công Thức
Cách Làm Bánh Dày
Công thức bánh dày siêu thơm ngon làm từ bột nếp. Bạn chỉ cần nhồi bột rồi hấp bánh là sẽ có ngay những chiếc bánh dày xinh xắn nhất.
Chuẩn bị
30
phút
Nấu
10
phút
Tổng thời gian
40
phút
Khẩu phần:
12
miếng bánh
Calories:
160
kcal
Nguyên Liệu
-
160
g
bột nếp
-
140
ml
nước ấm
-
½
thìa cà phê
muối
-
10
g
dầu ăn
-
2-3
cái
lá chuối
Hướng dẫn
Bước 1: Chuẩn bị nguyên liệu
-
Bột nếp lại ngon mua về rây mịn.
-
Cân đong tất cả các nguyên liệu theo đúng tỉ lệ.
-
Lá chuối rửa sạch, cắt thành hình tròn đường kính khoảng 10 cm.
Bước 2: Nhào bột bánh dày
-
Trộn đều bột nếp với muối.
-
Thêm từ từ nước nóng vào âu bột rồi nhào cho đến khi được khối bột dẻo mịn, không dính tay.
Bước 3: Tạo hình và hấp bánh
-
Đặt nồi hấp lên bếp, đun sôi nước.
-
Xoa một lớp mỡ mỏng lên lá chuối để chống dính cho bánh.
-
Chia bột thành 12 phần bằng nhau, vê tròn khối bột rồi ấn dẹt.
-
Đặt từng phần bột lên lá chuối, chỉnh lại hình dạng bánh.
-
Cho bột vào xửng hấp trong vòng 8-10 phút kể từ lúc nước sôi.
Bước 4: Hoàn thành
-
Sau khi bánh chín, tắt bếp đợi thêm vài phút rồi lấy bánh ra.
-
Đợi nguội và thưởng thức.
Nutrition
Calories:
160
kcal
Bạn thử chưa?
Đăng ảnh lên @ThatLaNgon hoặc tag #thatlangon nhé!
Cách làm bánh dày chi tiết
Bước 1: Chuẩn bị nguyên liệu
Nguyên liệu chính để làm bánh dày là bột nếp. Việc chọn mua loại bột chất lượng quyết định phân nửa độ ngon của bánh.
Một cách để chọn được bột nếp ngon là quan sát màu sắc và độ tươi mới của bột. Bột nếp thường có màu trắng tinh, khi sờ vào bột có cảm giác mịn. Bạn cũng nên để ý xem có tạp chất hay mối mọt lẫn vào bột không? Nếu bột màu đục hoặc ngà ngà thì cũng có thể đã để lâu.
Bột nếp bạn không nên mua gói lớn mà mua gói vừa dùng. Bởi nếu không bảo quản tốt, bột sẽ bị mọt, bị ẩm, không tốt cho sức khỏe.
Bột nếp mình thường dùng là loại bột của thương hiệu Tài Ký. Ưu điểm của loại bột này là dẻo ngon, không bị nồng mùi và bánh dày thành phẩm để lâu cũng không sợ bị cứng. Nếu không tìm thấy loại bột này bạn có thể thay bằng các loại bột nếp khác được bán trong siêu thị cũng được nhé!
Bạn cân đong bột và nước theo đúng tỉ lệ mình ghi trong công thức.
Bánh dày trắng trắng được lót lên tấm lá chuối xanh xanh trông rất thanh đạm và đẹp mắt.
Lá chuối bạn rửa sạch, chú ý rửa kỹ phấn trắng ở mặt dưới của lá. Lá chuối tươi khá dễ rách nên khi rửa bạn nhẹ tay nha.
Sau khi rửa sạch bạn lau khô lá chuối rồi cắt thành những hình tròn hoặc vuông rộng khoảng 10 cm. Bạn có thể dùng miệng bát để định hình và cắt thành hình tròn cho dễ hơn. Sau khi cắt được 1 cái bạn chồng lá chuối lên nhau để cắt cho nhanh và đều nhé!
Nếu chỗ bạn khó tìm lá chuối để lót bánh thì vẫn có cách để thay thế nha!
Một số bạn còn dùng màng nhôm hay màng bọc thực phẩm nhưng mình thấy nên chọn giấy nến để lót bánh. Dùng giấy nến để lót bánh thì cũng không ảnh hưởng đến độ thơm ngon của bánh dày đâu.
Nguyên liệu chuẩn bị đã xong xuôi thì bắt tay vào thực hiện thôi bạn!
Bước 2: Nhào bột bánh dày
Bạn trộn đều bột nếp với muối vào trong một âu lớn.
Bột nếp làm bánh dày phải được nhào cùng nước nóng bạn nhé!
Nước nóng chứ không phải nước sôi nha. Bạn để nguội khoảng tầm 50–70oC là nhiệt độ phù hợp nhất để nhào bột. Nếu nước quá nóng có thể làm bột chín khi trộn, dễ bị bết dính vào tay và khó tạo hình cho bánh. Nếu bạn nhào bột với nước lạnh thì bột sẽ khó tan hết và xuất hiện nhiều cục lợn gợn.
Loại bột như mình dùng thì tỉ lệ nước theo công thức là vừa đủ. Nhưng với một số loại bột hút nước hơn thì bạn có thể cho thêm một chút nước. Đầu tiên bạn cứ cho tầm 120-130 ml nước vào bột rồi thêm dần nước để bột không bị khô quá cũng không bị nhão quá. Hoặc nếu bạn cho hết 140 ml nước mà thấy khối bột vẫn hơi ướt thì thêm một chút bột khô.
Bạn nhào vài phút là thấy bột bắt đầu thành khối và dễ nhào hơn. Bạn cứ nhào thêm ít phút nữa cho đến khi được khối bột dẻo mịn, không dính tay là được.
Bạn bọc khối bột bằng màng bọc thực phẩm hoặc phủ khăn ẩm lên để bề mặt bột không bị khô nhé!
Bước 3: Tạo hình và hấp bánh
Sau khi nhào bột xong thì đến công đoạn hấp bánh.
Trước khi tạo hình bánh bạn tranh thủ đặt nồi hấp lên bếp, thêm nước vào và bật bếp để đun sôi nước. Xửng hấp bạn có thể sử dụng loại bằng inox hoặc nhựa,… và cần đảm bảo sạch sẽ.
Bạn xoa một lớp dầu ăn lên lá chuối để bánh không bị dính vào lá. Nếu không muốn xoa bằng tay bạn có thể dùng chổi phết sốt để phủ một lớp dầu ăn mỏng lên lá chuối nhé! Còn dùng giấy nến thì bạn không cần xoa thêm dầu ăn lên nha vì giấy nến đã chống dính rồi.
Công thức trên có thể làm thành 12 miếng bánh dày.
Bạn xoa một chút dầu ăn vào lòng bàn tay để không bị dính tay. Bạn chia bột thành 12 phần bằng nhau. Với mỗi cục bột bạn vê tròn rồi ấn thành miếng dày tầm 1 cm.
Bạn lưu ý phần bột ấn dẹt phải nhỏ hơn lá chuối vì khi hấp bánh vẫn nở ra thêm một chút. Khi bánh bị nở ra ngoài phần lá chuối trông sẽ không được thẩm mỹ.
Bạn đặt từng phần bột lên lá chuối rồi cẩn thận chỉnh lại hình dạng bánh cho tròn và mịn đều.
Trong quá trình tạo hình bánh, bạn nhớ phủ khăn hoặc màng bọc thực phẩm lên phần bột chưa tạo hình để tránh khô mặt bột. Nếu thao tác nhanh tay có thể không cần nhưng khi chưa quen bạn cứ đậy lại nhé!
Tạo hình bánh xong là nước cũng bắt đầu sôi. Bạn nhẹ nhàng đặt từng miếng bột vào xừng hấp. Bạn không nên để miếng bột gần nhau quá vì trong quá trình hấp bánh nở thêm thì lại dễ bị dính vào nhau.
Bạn hấp bánh trong vòng 8-10 phút kể từ khi nước sôi. Nếu bạn nặn miếng bột dày hơn thì thời gian hấp có thể thêm 1-2 phút nhé.
Bánh chỉ nên được hấp trong thời gian vừa đủ vì nếu hấp kỹ quá sẽ làm bánh bị nhão còn hấp nhanh quá thì có thể phần bột ở giữa chưa chín hẳn.
Khi hấp bánh bạn cũng chú ý lau hơi nước đọng lại trên vung nồi để giữ cho mặt bánh được khô. Nếu hơi nước đọng lại và rơi xuống sẽ khiến bánh bị nhão, lõm mặt không đẹp mắt.
Bước 4: Cách Làm Bánh Dày – Hoàn thành
Bánh hấp chín thơm nhẹ mùi bột nếp. Lúc này chắc hẳn bạn cũng muốn mau chóng thưởng thức bánh rồi đúng không?
Đừng lo, chỉ còn một bước nhỏ nữa thôi là xong rồi.
Hấp bánh xong thì bạn tắt bếp. Tuy nhiên bạn đừng vội vàng lấy bánh ra ngay mà để yên bánh trong xửng thêm vài phút.
Thành phẩm là những phần bánh dày dẻo mịn, mềm mượt vừa đẹp mắt vừa ngon miệng.
Bánh dày ăn lúc còn ấm nóng là ngon nhất.
Phần bánh dày chưa ăn hết bạn nên để vào nơi khô và thoáng mát để tránh bị thiu. Bảo quản như vậy thì bánh dày có thể dùng trong vòng 1 ngày.
Trường hợp cất bánh trong ngăn mát tủ lạnh, bánh dày sẽ bị cứng lại. Khi ăn bạn cần hấp bánh 5 phút cho bánh mềm ra rồi mới ăn được. Với cách bảo quản trong tủ lạnh, bạn có thể dùng bánh trong 2-3 ngày.
Miếng bánh dày trắng dẻo thơm mùi bột nếp và giò lụa là một sự kết hợp rất hoàn hảo. Bánh dày kẹp giò chả là phương án phù hợp nhất cho những bữa sáng nhanh gọn nhưng vẫn đủ chất.
Bánh dày giò cũng có thể mang theo để ăn vào bữa trưa vừa tiết kiệm thời gian vừa ngon miệng. Hay thậm chí có thể làm quà chiều lót dạ cũng rất hợp lý.
Giò bạn cắt thành những miếng dày hơn hoặc bằng độ dày của bánh. Bạn cắt giò thành hình dạng tùy ý nhé, thường thì cắt hình tròn là đẹp mắt rồi nhưng cũng có thể cầu kì hơn cắt thành hình hoa.
Bạn kẹp miếng giò vào giữa hai miếng bánh là hoàn thành món bánh dày kẹp giò.
Bánh dày và biến hóa đa dạng
Bánh dày được biến hóa vô cùng đa dạng. Mặc dù thành phần chính vẫn làm từ gạo nếp dẻo thơm nhưng bánh dày ở mỗi vùng khác nhau lại mang những nét đặc trưng riêng. Cùng mình điểm qua một vài món bánh dày ngon nhé!
Bánh dày nhân đậu xanh
Bánh dày nhân đậu xanh được biết đến nhiều nhất là bánh dày làng Gàu ở Hưng Yên. Từ lâu, món bánh dày dẻo dai, trắng nõn đã trở thành đặc sản của địa phương này.
Trên mâm cỗ của người Hưng Yên, món bánh dày là món không thể thiếu. Đó như một minh chứng cho việc trân trọng, nâng niu giá trị truyền thống bao đời của làng nghề.
Nguyên liệu chính để làm nên chiếc bánh dày đặc trưng chính là gạo nếp cái hoa vàng. Người làng Gàu chọn gạo để làm bánh rất kỹ lưỡng. Hạt gạo có mẩy, chắc thì thành phẩm bánh dày mới đạt được độ ngon như ý.
Công đoạn làm bánh dày cũng rất công phu. Thậm chí số nhịp chày buông xuống phải chính xác, lực giã vừa phải, không mạnh quá cũng không nhẹ quá.
Bánh dày nhân đậu xanh vừa bùi vị đậu vừa ngọt vị nếp.
Nếu muốn làm nhân bánh ngọt thì người ta cho thêm đường vào sên cùng đỗ. Nếu muốn làm bánh nhân mặn thì người ta cho thêm thịt nạc băm vào xào cùng với đỗ.
Bánh dày dải dài
Bánh dày dải dài cũng là đặc sản của làng Gàu. Thay vì nặn thành những viên bánh hình tròn thì bánh dày lại được làm thành các dải thuôn dài.
Gạo nếp được giã thành khối rồi đem cán mỏng cỡ khoảng 30×20 cm.
Sau đó họ cho đậu xanh lên trên và khéo léo cuộn lại. Công đoạn cuộn bánh này cũng rất công phu vì nếp rất dẻo.
Cuộn vào xong rồi thì người ta vẫn cần phải nắn chỉnh lại cho dải bánh được thuôn đều, tránh chỗ dày chỗ mỏng.
Bánh dày dải dài khi ăn sẽ được cắt thành từng đoạn nhỏ và bày lên đĩa. Lớp nhân đỗ được cuộn vào bên trong lớp bột nếp khiến cho món bánh vừa thơm ngon vừa đẹp mắt.
Bánh dày ngũ sắc
Xôi ngũ sắc hay bánh dày ngũ sắc đều là món ăn truyền thống của dân tộc vùng cao. Nếu có cơ hội đến thăm vùng Tây Bắc bạn hãy ăn thử nhé! Hoặc nếu chưa có dịp đi, bạn cũng có thể tự chuẩn bị ở nhà. Bạn chỉ cần thay nước bình thường bằng nước màu lấy từ lá, củ là được. Chắc hẳn thành quả món ăn sẽ không làm bạn thất vọng.
Bánh dày ngũ sắc là món ăn làm nên nét riêng của đồng bào người Tày. Người Tày có đặc sản xôi ngũ sắc nên bánh dày cũng được giã từ loại xôi này. Theo quan niệm của người Tày, năm màu sắc trong bánh tượng trưng cho “ngũ hành”.
Màu trắng là màu gạo nếp nguyên bản, màu vàng từ nghệ tươi, màu xanh của lá nếp, màu đỏ của xôi gấc và màu tím của lá cẩm. Mỗi màu sắc có nét đẹp riêng, tượng trưng cho những ý nghĩa khác nhau. Nhưng khi được bày lên đĩa, bánh dày ngũ sắc là một sự kết hợp rất hài hòa.
Thật kỳ diệu khi hạt gạo nếp dẻo thơm đem trộn cùng với nước cốt của thực vật mang màu sắc tự nhiên lại trở thành món bánh độc đáo. Người Tày thường làm loại bánh này trong các dịp lễ tết, đầu vụ mùa để cầu cho bản làng bội thu, sung túc, no ấm.
Mua bánh dày ở ngoài hàng rất tiện lợi nhưng tự tay chuẩn bị thì bạn sẽ không phải lo lắng về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Hơn nữa khi thưởng thức đồ ăn mình tự làm có cảm giác vui vẻ và ngon miệng hơn.
Thật Là Ngon hy vọng bạn có thể làm những chiếc bánh dày thơm ngon cho gia đình thưởng thức.
Cùng tham khảo thêm một số công thức bánh truyền thống dễ làm bạn nhé!
0
Shares